Bệnh Paget vú (PAJ-its) là loại ung thư vú ác tính, hiếm gặp, biểu hiện tương tự những bệnh về da nên dễ bỏ sót. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, ung thư có thể di căn sang những vùng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 50 tuổi và chiếm khoảng 4% các trường hợp ung thư vú được chẩn đoán [1]. Vậy bệnh Paget vú là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị ra sao?
Bệnh Paget vú là gì?
Bệnh Paget vú là dạng ung thư vú hiếm gặp. Bệnh Paget vú bắt đầu từ núm vú và kéo dài đến vùng da sẫm màu (quầng vú) xung quanh núm vú. Bệnh Paget vú không liên quan đến bệnh Paget xương, một loại bệnh xương do chuyển hóa.
Bệnh Paget vú thường xảy ra trên phụ nữ sau 50 tuổi. Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh Paget này cũng bị bệnh ung thư vú tiềm ẩn, hoặc tại chỗ hoặc ít gặp hơn nữa là ung thư vú xâm lấn. Hiếm khi bệnh Paget vú chỉ giới hạn ở núm vú.
Triệu chứng của bệnh Paget vú
Bệnh Paget vú ảnh hưởng đến núm vú và thường là vùng da sẫm màu xung quanh nó (gọi là quầng vú). Rất dễ nhầm lẫn giữa các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Paget vú với các thay đổi kích ứng da lành tính khác như viêm da hoặc một tình trạng da lành tính khác như chàm núm vú. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể có của bệnh Paget ở vú bao gồm:
Da bong tróc hoặc có vảy trên núm vú.
Da sần sùi, rỉ nước hoặc cứng giống như chàm trên núm vú, quầng vú.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường chỉ xảy ra ở một bên vú. Bệnh thường bắt đầu ở núm vú và có thể lan đến quầng vú và các vùng khác của vú.
Những thay đổi trên da có thể xảy ra và biến mất sớm hoặc đáp ứng với điều trị tại chỗ, khiến da bạn có vẻ như đang lành lại. Trung bình, các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra trong vài tháng trước khi chẩn đoán được thực hiện.
Khi nào đi khám bác sĩ:
Hãy nhận biết bất kỳ thay đổi trong vú của bạn. Nếu bạn cảm thấy có khối u ở vú, hoặc nếu bạn bị ngứa hoặc kích ứng da kéo dài hơn một tháng, hãy hẹn gặp bác sĩ.
Nếu bạn đang được điều trị vết thương ngoài da ở ngực và tình trạng không biến giảm đi hoặc hết triệu chứng khi điều trị, hãy hẹn gặp bác sĩ để tái khám.
Nguyên nhân bệnh Paget vú và yếu tố rủi ro
Các bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra bệnh Paget ở vú. Lý thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là căn bệnh này là kết quả của bệnh ung thư vú tiềm ẩn. Các tế bào ung thư từ khối u ban đầu sau đó di chuyển qua các ống dẫn sữa đến núm vú và vùng da xung quanh. Một giả thuyết khác là bệnh có thể phát triển độc lập ở núm vú.
Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng phát triển bệnh Paget vú của bạn cũng giống như các yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bất kỳ loại ung thư vú nào khác. Một số yếu tố khiến bạn dễ bị ung thư vú hơn bao gồm:
Tuổi tác: nguy cơ ung thư vú của bạn tăng lên khi bạn càng lớn tuổi.
Tiền sử bệnh ở vú: nếu bạn đã sinh thiết vú và phát hiện ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) hoặc tăng sản không điển hình của vú (ADH) thì bạn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Bệnh sử cá nhân của bệnh ung thư vú. Nếu bạn bị ung thư vú ở một bên vú, bạn sẽ tăng nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại.
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú: nếu cha mẹ, anh chị em hoặc con của bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt là khi còn trẻ, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của bạn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Đột biến gen BRCA1, BRCA2: kế thừa các gen làm tăng nguy cơ ung thư. Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái. Các đột biến gen nổi tiếng nhất được gọi là BRCA1 và BRCA2. Những gen này có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và các bệnh ung thư khác, nhưng không có nghĩa là chắc chắn phải mắc ung thư vú.
Từng xạ trị vùng ngực: nếu bạn được xạ trị vùng ngực khi còn nhỏ hoặc thanh niên, đặc biệt là trước 20 tuổi, thì nguy cơ ung thư vú của bạn sẽ tăng lên.
Béo phì: bị béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Sinh con sau 30 tuổi hoặc chưa từng mang thai: nếu bạn sinh con đầu lòng sau 30 tuổi, bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn bạn có nhiều khả năng bị ung thư vú.
Chưa từng mang thai: nếu bạn chưa bao giờ mang thai, nguy cơ ung thư vú của bạn có thể tăng lên.
Liệu pháp hormone sau mãn kinh: thuốc điều trị nội tiết tố kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nguy cơ giảm khi bạn ngừng dùng các loại thuốc này.
Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Paget vú là dạng ung thư vú hiếm gặp, chủ yếu ở phụ nữ sau 50 tuổi.
Paget vú có nguy hiểm không?
Hầu hết, người được chẩn đoán Paget núi đôi cũng mắc ung thư vú tiềm ẩn, tại chỗ hoặc ít gặp hơn là ung thư vú xâm lấn. Bên cạnh đó, Paget còn dễ nhầm với những bệnh ngoài da khác nên thời gian phát hiện chậm, nhiều chị em chỉ đi khám khi đã tiến triển nặng, ung thư lúc này đã di căn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Chẩn đoán Paget vú thế nào?
Các xét nghiệm và quy trình được sử dụng để chẩn đoán bệnh Paget ở vú bao gồm:
Khám vú: bác sĩ sẽ kiểm tra cả hai vú và các hạch bạch huyết ở nách của bạn, tìm xem có khối u hoặc những bất thường nào khác trên núm vú, da của vú và thành ngực hai bên hay không.
Chụp nhũ ảnh (X-quang tuyến vú): thường được sử dụng để sàng lọc ung thư vú. Nếu phát hiện thấy bất thường khi chụp quang tuyến vú sàng lọc, bác sĩ có thể đề nghị chụp nhũ ảnh để chẩn đoán và đánh giá thêm các bất thường trong tuyến vú đó.
Siêu âm vú: siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc sâu bên trong cơ thể. Siêu âm có thể được sử dụng để xác định xem một khối u mới ở vú là một khối rắn hay một u nang chứa đầy chất lỏng.
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI): máy MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh bên trong vú của bạn. Trước khi chụp MRI vú, bạn sẽ được tiêm thuốc cản từ. Nếu bạn đang có túi ngực thẩm mỹ hai bên trước đó thì MRI có thể đánh giá tình trạng túi ngực trước khi bắt đầu điều trị.
Sinh thiết vú: trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô ngay sang thương nghi ngờ. Các mẫu sinh thiết được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh phân tích để xác định xem các tế bào có phải là ung thư hay không. Mẫu sinh thiết cũng được phân tích để xác định loại tế bào liên quan đến ung thư vú, mức độ xâm lấn (cấp độ) của ung thư và liệu tế bào ung thư có thụ thể nội tiết tố nhu ER, PR hoặc các thụ thể khác Her2, ki67,… có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị của bạn hay không.
Paget vú có thể được chẩn đoán bằng các kỹ thuật hiện đại như MRI, chụp nhũ ảnh,…
Phương pháp điều trị bệnh Paget vú
Nếu bạn mắc bệnh Paget ở vú, bạn có thể sẽ cần phẫu thuật. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng da xung quanh núm vú của bạn và mức độ tiến triển của bệnh ung thư tiềm ẩn. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:
Cắt bỏ toàn bộ vú: phẫu thuật cắt bỏ vú là một phẫu thuật để loại bỏ tất cả các mô vú của bạn. Hầu hết các thủ thuật cắt bỏ vú đều loại bỏ tất cả các mô vú – tiểu thùy, ống dẫn sữa, mô mỡ và một ít da, bao gồm cả núm vú và quầng vú (cắt bỏ vú toàn bộ hoặc đơn giản).
Loại bỏ ung thư vú (cắt bỏ khối u): trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ khối u não gồm quầng vú núm vú, có thể được gọi là phẫu thuật bảo tồn vú hoặc cắt bỏ một phần mô vú trên diện rộng, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối ung thư và một phần nhỏ mô lành xung quanh. Nếu bạn và bác sĩ của bạn chọn tùy chọn này, bạn cũng sẽ được xạ trị sau đó để giảm nguy cơ tái phát trên tuyến vú.
Loại bỏ một số lượng hạn chế các hạch bạch huyết (sinh thiết gác cửa chính yếu): xác định xem ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết của bạn hay chưa, bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận với bạn về vai trò của việc loại bỏ các hạch bạch huyết vùng nách bên vú bệnh là hạch đầu tiên tiếp nhận dẫn lưu bạch huyết từ ung thư của bạn. Nếu không tìm thấy ung thư trong các hạch bạch huyết đó, cơ hội tìm thấy ung thư ở bất kỳ hạch bạch huyết còn lại nào là rất thấp và không cần phải nạo vét các hạch bạch huyết còn lại.
Loại bỏ một số hạch bạch huyết (nạo vét các hạch bạch huyết ở nách). Nếu ung thư được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gác cửa vùng nách thì bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận với bạn về vai trò của việc nạo vét loại bỏ các hạch bạch huyết bổ sung ở nách của bạn.
Cắt bỏ cả hai vú: một số người bị ung thư ở một bên vú có thể chọn cắt bỏ vú còn lại (đoạn nhũ phòng ngừa vú bên đối diện) nếu họ có nguy cơ mắc ung thư ở vú còn lại rất cao do yếu tố di truyền hoặc tiền sử gia đình có nhiều người mắc ung thư vú. Bạn có thể chọn tái tạo vú sau phẫu thuật đoạn nhũ. Thảo luận về các lựa chọn và sở thích của bạn với bác sĩ phẫu thuật chuyên về bệnh lý tuyến vú và tạo hình vú.
Cân nhắc giới thiệu đến một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trước khi phẫu thuật. Các lựa chọn của bạn có thể bao gồm tái tạo bằng túi ngực hoặc tái tạo bằng mô của chính bạn như lấy từ bụng hoặc từ lưng. Các phẫu thuật tạo hình này có thể được thực hiện tại thời điểm phẫu thuật cắt bỏ vú của bạn hoặc trì hoãn lại vào một ngày sau đó sau khi điều trị ung thư vú ổn định.
1. Điều trị hỗ trợ tuỳ vào mức độ ung thư xâm nhiễm kèm theo Paget vú
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bổ sung (liệu pháp bổ trợ) bằng thuốc chống ung thư (hóa trị), sinh học (kháng her2), xạ trị hoặc liệu pháp hormone để ngăn ngừa ung thư vú tái phát.
Phương pháp điều trị cụ thể của bạn sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư và liệu xét nghiệm ung thư của bạn có dương tính với một số đặc điểm nhất định hay không, chẳng hạn như có thụ thể estrogen ER hoặc progesterone PR, sinh học ung thư Her2, …
Một chẩn đoán ung thư vú có thể làm bạn lo lắng và suy sụp. Và ngay khi bạn đang cố gắng đương đầu với cú sốc và nỗi sợ hãi về tương lai của mình, bạn được yêu cầu đưa ra những quyết định quan trọng về việc điều trị của mình. Mọi người đều tìm ra cách riêng để đối phó với chẩn đoán ung thư. Cho đến khi bạn tìm thấy những gì phù hợp với mình, điều đó có thể hữu ích để:
Tìm hiểu những gì bạn cần biết về bệnh ung thư vú. Nếu bạn muốn biết thêm về bệnh ung thư vú của mình, hãy hỏi bác sĩ để biết chi tiết – loại, giai đoạn và tình trạng thụ thể hormone. Yêu cầu các nguồn thông tin cập nhật tốt về các lựa chọn điều trị của bạn.
Biết thêm về bệnh ung thư và các lựa chọn của bạn có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định điều trị. Tuy nhiên, một số người có thể không muốn biết chi tiết về bệnh ung thư của họ. Nếu đây là cảm giác của bạn, hãy cho bác sĩ của bạn biết điều đó.
Nói chuyện với những người đã khỏe mạnh khác sau khi điều trị ung thư vú. Bạn có thể thấy hữu ích và khích lệ khi nói chuyện với những người khác bị ung thư vú. Liên hệ với Hiệp hội Ung thư, các tổ chức ung thư và câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú,… để tìm hiểu về các nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn qua nhiều hình thức khác nhau.
Tìm ai đó để nói chuyện cùng. Tìm một người bạn hoặc thành viên gia đình là người biết lắng nghe hoặc nói chuyện với một thành viên giáo sĩ hoặc cố vấn. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để được giới thiệu đến một cố vấn hoặc chuyên gia khác làm việc với những người bệnh nhân sau ung thư ổn định.
Giữ bạn bè và gia đình của bạn gần gũi. Bạn bè và gia đình của bạn có thể cung cấp một mạng lưới hỗ trợ quan trọng cho bạn trong quá trình điều trị ung thư.
Khi bạn bắt đầu nói với mọi người về chẩn đoán ung thư vú của mình, bạn có thể sẽ nhận được nhiều lời đề nghị giúp đỡ. Hãy suy nghĩ trước về những điều mà bạn có thể muốn được giúp đỡ, cho dù đó là việc có ai đó để trò chuyện nếu bạn cảm thấy buồn hay được giúp chuẩn bị bữa ăn.
Chăm sóc bản thân. Ưu tiên sức khỏe của bạn trong quá trình điều trị ung thư. Ngủ đủ giấc để bạn thức dậy với cảm giác được nghỉ ngơi, chọn chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, dành thời gian tập thể dục nhẹ nhàng vào những ngày bạn cảm thấy thích hợp và tìm thời gian cho những việc bạn thích, chẳng hạn như đọc sách hoặc nghe nhạc.
Các mô bệnh học sẽ được xét nghiệm để xác định xem các tế bào có phải ung thư hay không.
Phòng ngừa bệnh Paget ở vú
Để giảm nguy cơ ung thư vú, bạn cần thay đổi trong lối sống hàng ngày, nhất là người có nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, chị em cần:
1. Tầm soát ung thư vú
Hãy hỏi bác sĩ của bạn về sàng lọc ung thư vú. Thảo luận với bác sĩ của bạn khi nào bắt đầu kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc ung thư vú, chẳng hạn như khám vú lâm sàng và chụp x quang tuyến vú và siêu âm vú. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những lợi ích và nguy cơ của việc sàng lọc. Cùng với bác sĩ của bạn có thể quyết định chiến lược sàng lọc ung thư vú nào phù hợp với mình.
2. Tự khám vú
Làm quen với bộ ngực của bạn thông qua việc tự khám kiểm tra vú để nhận biết về vú. Bạn có thể chọn làm quen với bộ ngực của mình bằng cách thỉnh thoảng kiểm tra bộ ngực của mình trong quá trình tự kiểm tra vú để biết về bộ ngực. Nếu có sự thay đổi mới xuất hiện như hoặc là khối u trong vú hoặc các dấu hiệu bất thường khác ở vú trên da vú, núm vú,… hãy nhanh chóng nói chuyện với bác sĩ.
Nhận thức về vú không thể ngăn ngừa ung thư vú, nhưng nó có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những thay đổi bình thường mà vú của bạn trải qua và xác định bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng bất thường nào.
3. Tập thể dục
Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu gần đây bạn không hoạt động, hãy hỏi bác sĩ xem có ổn không và bắt đầu từ từ
4. Hạn chế liệu pháp hormone sau mãn kinh
Liệu pháp nội tiết sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Hãy thảo luận với bác sĩ của bạn. Bạn có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh và đối với bạn, nguy cơ ung thư vú tăng lên có thể được chấp nhận để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh. Để giảm nguy cơ ung thư vú, hãy sử dụng liệu pháp hormone với liều thấp nhất có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.
5. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Nếu cân nặng của bạn khỏe mạnh, hãy cố gắng duy trì cân nặng đó. Nếu bạn cần giảm cân, hãy hỏi bác sĩ về các chiến lược lành mạnh để thực hiện điều này. Giảm số lượng calo bạn ăn mỗi ngày và từ từ tăng cường độ tập thể dục.
6. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn theo chế độ ăn chủ yếu tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và quả hạch, bổ sung dầu oliu nguyên chất, bơ và cá thay vì thịt đỏ,… có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Khám vú định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường.
7. Chuẩn bị cho cuộc hẹn khám vú của bạn
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc bệnh Paget núi đôi, cuộc hẹn đầu tiên của bạn có thể là với bác sĩ gia đình. Khi bạn gọi cho một cuộc hẹn, bạn có thể được giới thiệu trực tiếp đến một bác sĩ chuyên điều trị các bệnh về vú. Để chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn:
Hãy nhận biết bất kỳ hạn chế trước cuộc hẹn. Vào thời điểm bạn đặt lịch hẹn, hãy nhớ hỏi trước xem bạn có cần làm gì không, chẳng hạn như hạn chế chế độ ăn uống của bạn.
Viết ra bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải. Bao gồm cả những điều có vẻ như không liên quan đến lý do bạn lên lịch cuộc hẹn.
Viết ra thông tin cá nhân quan trọng. Bao gồm bất kỳ căng thẳng lớn hoặc thay đổi cuộc sống gần đây.
Lập danh sách tất cả các loại thuốc, bao gồm vitamin hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng.
Cân nhắc đưa một thành viên gia đình hoặc bạn bè đi cùng. Đôi khi có thể khó nhớ tất cả các thông tin được cung cấp trong một cuộc hẹn. Ai đó đi cùng bạn có thể nhớ điều gì đó mà bạn đã bỏ lỡ hoặc quên.
Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn. Thời gian của bạn với bác sĩ là có hạn, vì vậy việc chuẩn bị một danh sách các câu hỏi có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian của mình. Một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bao gồm:
Điều gì có khả năng gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
Các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi là gì?
Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
Tình trạng của tôi có khả năng là tạm thời hay mãn tính?
Các lựa chọn thay thế cho phương pháp chính mà bác sĩ đang đề xuất là gì?
Tôi có các bệnh nền khác. Làm cách nào để tôi có thể được điều trị bệnh nền cùng lúc Paget vú một cách tốt nhất?
Có bất kỳ hạn chế nào trong công việc hay dinh dưỡng mà tôi cần phải làm theo?
Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa không? Chi phí đó là bao nhiêu và bảo hiểm của tôi có chi trả không?
Có tài liệu quảng cáo hoặc tài liệu in ấn nào khác mà tôi có thể mang theo bên mình không?
Những trang web nào mà tôi có thể tham khảo?
Điều gì sẽ quyết định liệu tôi có nên lên kế hoạch cho lần tái khám hay không?
Những gì mong đợi từ bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể hỏi bạn những câu hỏi về:
Bản chất của da thay đổi trên núm vú
Bạn có bị tiết dịch núm vú, chảy máu, nóng rát hoặc ngứa núm vú
Bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào khác ở vú, chẳng hạn như khối u ở vú hoặc vùng vú dày lên
Bạn có bất kỳ đau vú nào không? Bạn đã trải qua các dấu hiệu và triệu chứng trong bao lâu
Bác sĩ của bạn cũng có thể đặt câu hỏi về bệnh sử cá nhân và gia đình của bạn và các yếu tố nguy cơ khác có thể gây ung thư vú.
Khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị chuyên sâu các bệnh tuyến vú nói chung (khối u lành tính, bất thường bẩm sinh, vú sa trễ, vú phì đại…) và ung thư vú nói riêng.
Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất như máy siêu âm đàn hồi, máy chụp nhũ ảnh 3D, máy chụp cộng hưởng từ… giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm Anh TP.HCM.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Trên đây là những thông tin về bệnh Paget vú là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị. Ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường ở núm vú, quầng vú, kể cả những thương tổn rất nhỏ nhưng tình trạng kéo dài, người bệnh nên đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú để được kiểm tra toàn diện, chẩn đoán và điều trị sớm, nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.