Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, hô hấp, sinh đẻ, vận động, khả năng tình dục… của cơ thể. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán rối loạn nội tiết như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể hơn vấn đề này!
Hệ Nội tiết
Hệ Nội tiết bao gồm một chuỗi các cơ quan, các tuyến có nhiệm vụ sản xuất và bài tiết các hormon (nội tiết) mà cơ thể sử dụng cho các chức năng khác nhau. Trong cơ thể có khoảng 50 loại hormon giúp hỗ trợ trao đổi chất, tăng trưởng, phát triển, chức năng tình dục, sinh sản, giấc ngủ, tâm trạng, huyết áp, cân bằng nội môi. (1)
Rối loạn nội tiết là gì?
Rối loạn nội tiết khi có quá nhiều hoặc quá ít hormon trong máu gây ra các triệu chứng như: thay đổi cân nặng, giảm ham muốn tình dục, mụn trứng cá… Các triệu chứng phụ thuộc vào loại hormon gây mất cân bằng. Rối loạn nội tiết sẽ ảnh hưởng nhiều chức năng của cơ thể, do đó người bệnh cần được điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn. (2)
Vùng dưới đồi: vùng này chịu trách nhiệm về nhiệt độ cơ thể, cảm giác đói, tâm trạng và giải phóng hormon từ các tuyến khác. Đồng thời nó cũng kiểm soát cơn khát, giấc ngủ và ham muốn tình dục.
Tuyến yên: được coi là tuyến kiểm soát chính. Nó kiểm soát tất cả các tuyến, tạo ra các kích tố kích thích tăng trưởng.
Tuyến cận giáp: kiểm soát lượng canxi trong cơ thể.
Tuyến tụy: sản xuất insulin giúp kiểm soát đường trong máu.
Tuyến giáp: sản xuất hormon liên quan đến đốt cháy calo, kiểm soát nhịp tim.
Tuyến thượng thận: sản xuất các hormon kiểm soát ham muốn tình dục và cortisol-hormon gây căng thẳng.
Tuyến tùng: tuyến này sản xuất melatonin – ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Buồng trứng (chỉ có ở phụ nữ): buồng trứng tiết ra estrogen, testosterone và progesterone-hormon sinh dục nữ.
Tinh hoàn (chỉ có ở nam giới): tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục nam testosterone và tinh trùng.
Một số tình trạng bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết
Có nhiều loại rối loạn nội tiết khác nhau tùy theo tuyến nội tiết, các loại hormon liên quan của từng tuyến (3). Một số tình trạng bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết bao gồm:
Bệnh tiểu đường: gây ra lượng đường trong máu cao do cơ thể không thể sản xuất đủ insulin hoặc kém đáp ứng insulin làm tăng lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ dẫn đến các triệu chứng như: tăng khát, tiểu nhiều, nhanh đói, thay đổi cân nặng, vết loét lâu lành, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay hay bàn chân, mệt mỏi, mờ mắt.
Bệnh cường giáp: xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormon. Hormon tuyến giáp giúp điều chỉnh việc sử dụng năng lượng trên toàn cơ thể. Người bệnh cường giáp thường gặpcác triệu chứng như: nhịp tim nhanh hoặc không đều, khó ngủ, hồi hộp, mệt mỏi, tiểu nhiều, giảm cân, thèm ăn, bướu cổ…
Bệnh suy giáp: xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormon. Đây là bệnh rối loạn tuyến giáp phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe với các triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, nhạy cảm với lạnh, chậm nói, sụp mí mắt, sưng mặt, da khô, nhịp tim chậm, chuột rút cơ bắp, lú lẫn, táo bón, tăng cân…
Hội chứng Cushing: cơ thể có quá nhiều hormon cortisol. Cortisol giúp cơ thể phản ứng với căng thẳng, điều hòa quá trình trao đổi chất, ổn định huyết áp. Tuy nhiên, nếu cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol gây ra các triệu chứng như: tăng cân, teo cơ tay chân, tích tụ mỡ giữa 2 vai, yếu cơ, mờ mắt, giảm khả năng sinh sản và ham muốn tình dục, mệt mỏi, da dễ bị bầm tím…
To đầu chi: cơ thể sản xuất quá nhiều hormon tăng trưởng dễ dẫn đến sự phát triển bất thường của xương, các cơ quan, các mô khác xung quanh cơ thể. Các triệu chứng thường gặp của to đầu chi bao gồm: bàn tay hoặc bàn chân to, các đặc điểm trên khuôn mặt thay đổi (hàm nhô ra, da dày hoặc khô…), đổ nhiều mồ hôi và mùi cơ thể, giọng trầm hơn.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): cơ thể mất cân bằng nội tiết sinh sản gây ảnh hưởng đến buồng trứng xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như: chu kỳ kinh nguyệt không đều, nổi mụn, rụng tóc, tăng cân hoặc khó giảm cân, sạm da…
Dậy thì sớm: tuyến yên giải phóng hormon giới tính sớm, dẫn đến dậy thì sớm.
Suy thượng thận: tuyến thượng thận hoạt động kém khiến cơ thể sản xuất không đủ hormon cortisol gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Suy tuyến yên: tuyến yên trong cơ thể sản xuất không đủ hormon.
Cường tuyến yên: tuyến yên sản xuất hormon dư thừa cho cơ thể. (4)
Có các loại rối loạn nội tiết khác nhau tùy theo tuyến nội tiết, các loại hormon liên quan của từng tuyến.
Triệu chứng các bệnh lý nội tiết
Có nhiều triệu chứng rối loạn nội tiết, người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy vào sự mất cân bằng của mỗi tuyến. Các triệu chứng rối loạn nội tiết có thể xảy ra:
1. Ở cả nam và nữ
Cơ thể mất cân bằng nội tiết sẽ được biểu hiện ra bên ngoài thông qua các triệu chứng khác nhau (5). Các dấu hiệu hoặc triệu chứng phụ thuộc vào loại hormon hoặc tuyến nào không hoạt động bình thường, ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi giới tính, bao gồm:
Tăng cân, bướu mỡ giữa 2 vai.
Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Mệt mỏi, yếu cơ, đau cơ, cứng hoặc sưng ở khớp.
Tăng hoặc giảm nhịp tim.
Đổ mồ hôi, tăng nhạy cảm với lạnh hoặc nóng.
Táo bón hoặc tiểu nhiều, khát liên tục, nhanh đói.
Giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, hồi hộp, lo lắng hoặc khó chịu.
Mờ mắt, tóc dễ gãy hoặc tóc mỏng…
Các triệu chứng do thay đổi nội tiết sẽ phản ánh các tình trạng bệnh khác nhau. Người bệnh nên đến bác sĩ khám nếu có bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể để được chẩn đoán, điều trị sớm.
2. Ở trẻ em
Trẻ em bắt đầu sản xuất hormon giới tính trong tuổi dậy thì. Nhiều trẻ dậy thì muộn sẽ trải qua giai đoạn dậy thì bình thường nhưng cũng có một số trường hợp trẻ bị thiểu năng sinh dục với những triệu chứng thường gặp, bao gồm:
Khối lượng cơ bắp ít phát triển.
Giọng nói không trầm.
Lông trên cơ thể mọc thưa thớt.
Bộ phận sinh dục kém phát triển.
Tỷ lệ chiều dài tay, chân không cân xứng so với cơ thể.
Nữ hóa tuyến vú (tuyến vú ở nam phát triển lớn hơn bình thường, đây là tình trạng lành tính do mất cân bằng nội tiết giữa 2 tuyến: giảm testosterone, tăng estrogen).
Không có kinh nguyệt.
Mô vú không phát triển.
Chậm tăng trưởng.
Nguyên nhân của các rối loạn Nội tiết
Các hormon trong cơ thể thay đổi trong suốt cuộc đời con người thậm chí là lên xuống trong ngày. Một vài khoảng thời gian có sự thay đổi rõ rệt của các hormon, bao gồm: tuổi dậy thì, thai kỳ, mãn kinh.
Tuy nhiên một vài nguyên nhân khiến các hormon có thể thay đổi vào các thời điểm bất thường. Thường gặp nhất là: stress căng thẳng, do thuốc, corticoid. Những nguyên nhân này thường gây ra các ảnh hưởng tạm thời, có thể điều chỉnh được nếu thay đổi thuốc, hoặc cải thiện căng thẳng.
Các tình trạng bệnh mạn tính liên quan các rối loạn của các hormon do các nguyên nhân khác. Nhìn chung, các rối loạn hormon có ý nghĩa bệnh lý thường do các nguyên nhân như: khối u, chấn thương hoặc phá hủy các tuyến nội tiết, các bệnh tự miễn.
Chẩn đoán các bệnh về nội tiết
Các triệu chứng của rối loạn nội tiết rất khác nhau, phụ thuộc vào từng tuyến nội tiết. Một số triệu chứng rối loạn nội tiết dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh khác. Xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh qua từng giai đoạn. (6)
Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp CT, chụp MRI, đánh giá khối u.
Kiểm tra những bất thường về gen làm tăng nguy cơ gây bệnh nội tiết hoặc ảnh hưởng đến phản ứng điều trị.
Xét nghiệm máu để xác định mức độ hormon cao hay thấp.
Nếu cơ thể có những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến bác sĩ nội tiết khám để tìm ra nguyên nhân gây rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến sức khỏe.
Điều trị rối loạn nội tiết
Có nhiều cách điều trị rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị thích hợp tùy vào từng tình trạng bệnh. Khi có tình trạng thiếu hụt hormon thì phương pháp điều trị chính là các hormon thay thế. Và tùy thuộc vào loại thiếu hụt mà có thể bổ sung bằng đường uống hoặc đường tiêm. Ví dụ, các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán suy tuyến giáp thường được điều trị bằng hormon giáp tổng hợp, đối với các trường hợp thiếu hormon tăng trưởng thường được điều trị bằng tiêm hormon tăng trưởng tổng hợp. Đối với các trường hợp bệnh nhân bị dư thừa hormon trong máu gây các triệu chứng thì có nhiều phương pháp điều trị tùy vào nguyên nhân. Ví dụ, khi bệnh nhân có khối u tiết prolactin làm tăng prolactin máu bác sĩ thường chỉ định thuốc uống để teo nhỏ khối u và chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu protein như: bơ, hạnh nhân, đậu phộng, hạt mắc ca, cá hồi… để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, ngăn rối loạn nội tiết.
Phương pháp ngăn ngừa tình trạng nội tiết bị rối loạn
Nhiều bệnh lý rối loạn các hormon không thể phòng ngừa được, tuy nhiên việc thay đổi thói quen ăn uống, lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe và giữ cân bằng các hormon trong cơ thể, bao gồm:
Giữ cân nặng hợp lý.
Có chế độ ăn khoa học, cân bằng.
Luyện tập thể dục đều đặn.
Giảm stress căng thẳng.
Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya.
Không hút thuốc lá.
Kiểm soát các bệnh lý mạn tính nếu có.
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với các bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, luôn tận tình thăm, khám, có phác đồ điều trị hiệu quả các bệnh rối loạn nội tiết, bệnh tuyến giáp, tiểu đường… giúp người bệnh an tâm trong việc bảo vệ sức khỏe.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Rối loạn nội tiết gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được khám, tìm ra nguyên nhân, có phương pháp điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.