Xin chào bác sĩ, con trai tôi hiện đã được 2 tuổi rưỡi, tôi đã cho cháu đến nhà trẻ được 3 tháng. Cách đây vài hôm, tôi thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau đó cháu bắt đầu có những chấm nhỏ màu đỏ trong miệng, lòng bàn tay và cả lòng bàn chân, cơn sốt bắt đầu trở nên cao và nặng hơn. Khi đưa cháu đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói con tôi bị tay chân miệng. Bác sĩ cho tôi hỏi, trẻ bị tay chân miệng sốt mấy ngày? Bao lâu thì khỏe lại? Trẻ bị sốt do tay chân miệng nên được hạ sốt bằng cách nào?
Trẻ bị tay chân miệng sốt mấy ngày thì khỏi bệnh hoàn toàn?
Theo chia sẻ của bác sĩ Tùng: “Bệnh tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, thường được gây ra bởi sự xâm nhập của virus Coxsackievirus và Enterovirus 71. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ em. Con đường lây truyền bệnh chủ yếu là thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các mụn nước do bệnh tay chân miệng gây ra hay do tiếp xúc với chất tiết từ mũi, miệng, đường tiêu hóa của bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh còn có thể lây lan thông qua tiếp xúc gián tiếp như tiếp xúc với các bề mặt, đồ dùng có chứa virus, thực phẩm không đảm bảo an toàn,…” (1)
Dựa vào diễn tiến bệnh, bệnh tay chân miệng được chia làm 4 giai đoạn phát triển gồm:
Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 3-7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus gây bệnh.
Giai đoạn khởi phát: Kéo dài khoảng 1-2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, tương tự như cảm cúm gồm sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy, có thể kèm theo ói.
Giai đoạn toàn phát: Kéo dài khoảng 3-10 ngày, trẻ đối mặt với các triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng gồm loét miệng, phát ban dạng phỏng nước. Ngoài ra, ở giai đoạn này, trẻ có thể có các triệu chứng khác như sốt, nôn.
Giai đoạn lui bệnh: Thường xảy ra sau khoảng 3-5 ngày kể từ khi phát bệnh hoặc khoảng 7 ngày sau khi bệnh khởi phát.
Trong các triệu chứng của bệnh tay chân miệng, sốt được xem là một trong những triệu chứng đầu tiên. Cơn sốt của trẻ thường sẽ bắt đầu ở giai đoạn khởi phát, diễn ra trong khoảng 2-3 ngày, thậm chí kéo dài qua giai đoạn toàn phát. Phần lớn, trẻ sốt do bệnh tay chân miệng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trẻ, cơn sốt có thể nghiêm trọng, sốt cao liên tục và kéo dài hơn 3 ngày. Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu của biến chứng viêm não.
Trẻ xuất hiện nhiều mụn nước trong miệng do bệnh tay chân miệng gây ra.
Giải pháp hạ sốt cho trẻ bị tay chân miệng
Sốt do tay chân miệng khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và quấy khóc nhiều hơn. Đồng thời, tình trạng này cũng khiến các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng và dễ bị rối khi lựa chọn cách hạ sốt thích hợp cho trẻ. Dưới đây là một số cách hạ sốt cho trẻ bị tay chân miệng nhanh chóng, an toàn và hiệu quả mà bố mẹ nên biết:
Sốt và các triệu chứng đi kèm như vã mồ hôi, tiêu chảy, nôn ói,… khiến trẻ mất nhiều, bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ nước.
Nhiều bố mẹ có quan điểm mặc nhiều quần áo, ủ ấm cho trẻ khi trẻ bị bệnh, bị sốt, nhất là khi trẻ sốt lạnh và có biểu hiện run. Tuy nhiên điều này không chỉ không giúp trẻ hạ sốt và cảm thấy thoải mái hơn mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ bị nhiễm lạnh do mồ hôi không thoát ra được. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ mặc đồ thông thoáng, rộng rãi, được làm từ các chất liệu có khả năng thấm hút tốt.
Dùng khăn mềm thấm nước ấm rồi chườm cho trẻ, thực hiện liên tục cho đến khi thân nhiệt của trẻ hạ xuống mức bình thường.
Cho trẻ nghỉ nơi ở những không gian thoáng khí, mát mẻ. Nếu trẻ ở phòng riêng, bố mẹ có thể mở máy điều hòa hoặc quạt để giúp lưu thông khí trong phòng nhưng lưu ý không hướng thẳng điều hòa, quạt vào chỗ trẻ đang nằm.
Giữ vệ sinh không gian sống và vệ sinh cá nhân của trẻ sạch sẽ. Trẻ bị tay chân miệng vẫn nên được tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nhưng trẻ nên được tắm nhanh với nước ấm và ở phòng kín gió.
Đối với các trường hợp trẻ sốt cao, bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng bác sĩ chỉ định, nhất là khi trẻ sốt cao co giật hay mắc các bệnh nền khác.
Khi trẻ sốt, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn trong không gian mát mẻ, thoáng khí.
Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt khi bị tay chân miệng
Bên cạnh các cách hạ sốt cho trẻ bị tay chân miệng được nhắc đến ở trên, bố mẹ nên lưu ý một số vấn đề dưới đây khi chăm sóc trẻ nhằm ngăn ngừa bệnh gây biến chứng nguy hiểm:
Theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay khi trẻ có các dấu hiệu xuất hiện biến chứng: sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, co giật, thường xuyên bị giật mình, run, hôn mê, mất nhận thức, thở nhanh, thở gấp, nhịp tim và huyết áp bất thường, da xanh xao/tím tái,…
Chỉ cho trẻ dùng thuốc theo đúng liều lượng và loại thuốc bác sĩ chỉ định, không được tự ý kết hợp các loại thuốc cho trẻ.
Không cho trẻ ăn đồ ăn cứng, chua, cay, ngậm núm vú giả, đồ chơi,… Thay vào đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước mát.
Thường xuyên cho trẻ vệ sinh răng miệng, họng bằng dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý.
Quần áo, vật dụng cá nhân của trẻ mắc bệnh cần được giặt riêng, sát khuẩn cẩn thận.
Cách ly trẻ mắc bệnh với những người xung quanh nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tay chân miệng. Khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần đeo khẩu trang và rửa tay, khử khuẩn cẩn thận sau khi chăm trẻ.
Vệ sinh, sát khuẩn tại các vết thương hở do mụn nước vỡ ra nhằm tránh bội nhiễm gây biến chứng.
Tắm rửa cho trẻ hàng ngày, đảm bảo vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Khoa Nhi – Hệ thống BVĐK Tâm Anh hiện là địa chỉ khám chữa bệnh được nhiều bố mẹ lựa chọn. Tại đây, trẻ sẽ được chăm sóc và điều trị bệnh theo phương pháp phù hợp, hiệu quả nhất bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành của cả Nội nhi và Ngoại nhi trên toàn quốc với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại. Hơn nữa, ngoài việc điều trị bệnh cho trẻ, bác sĩ cũng sẽ tư vấn và hướng dẫn các bậc phụ huynh cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách nhằm giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tái nhiễm.
Do đó, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, bố mẹ hãy liên hệ ngay đến khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và có những chỉ định, phương pháp điều trị phù hợp.
Để được tư vấn và thăm khám với các chuyên gia hàng đầu tại khoa Nhi – Sơ sinh, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, các cặp đôi vui lòng liên hệ đến:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp các thắc mắc về vấn đề “Trẻ bị tay chân miệng sốt mấy ngày thì khỏi?”. Nếu bạn biết thêm thông tin về sự phát triển và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, hãy liên hệ đến các kênh thông tin bệnh viện để được bác sĩ Nhi – Sơ sinh Hệ thống BVĐK Tâm Anh hỗ trợ.