//= SITE_URL ?>
Tết về, mỗi gia đình làm nhiều món ngon để cúng ông bà, đãi khách và gia đình sum vầy cùng nhau ăn uống. Điều này có thể không tốt cho người bệnh tiểu đường vì họ có thể mất kiểm soát chế độ ăn uống thông thường của mình, đưa đến lượng đường trong máu tăng cao hơn, hậu quả là nguy cơ biến chứng tiểu đường tăng lên. Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam thống kê cả nước có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường. Thông tin này một lần nữa nhắc nhở người bệnh tiểu đường cẩn trọng khi dịp Tết đến Xuân về. Dưới đây là thực đơn ngày tết cho người tiểu đường bạn có thể tham khảo.
Trong ngày Tết cuộc sống người bệnh tiểu đường bị xáo trộn như: ăn, ngủ không đúng giờ, quên uống thuốc, hoặc hết thuốc kiêng cữ khám bệnh… Ngoài ra, người bệnh còn ăn uống nhiều do tiếp khách mà hầu hết các món ăn trong ngày Tết chứa nhiều tinh bột, dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc. (1)
Người bệnh vẫn có thể ăn các món ăn truyền thống trong ngày Tết nhưng cần ăn lượng vừa đủ theo khẩu phần dành cho người tiểu đường.
Ngày Tết, thực đơn người bệnh tiểu đường nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất như: tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ để đảm bảo năng lượng hoạt động trong một ngày, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh có thể ăn các loại bánh truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét có chứa nhiều chất bột đường. Chọn bánh chưng hoặc bánh tét gói ít thịt mỡ, nên ăn khoảng 150g bánh chưng tương đương 1/8 cái bánh chưng, mỗi lần ăn cách nhau ít nhất 8 giờ, nếu đã ăn bánh chưng trong bữa thì bỏ phần cơm, miến … các loại thức ăn chứa bột đường tương đương.
Người bệnh có thể thay thế cơm, xôi bằng việc ăn mì, bún…
Người bệnh tiểu đường nên chọn các loại bánh, kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI<50). (2)
Nên dùng đồ uống tốt cho người tiểu đường như: trà xanh, nước lọc, sữa hạt, sữa đậu nành.
Người bệnh nên ăn các loại rau hấp, luộc. Người bệnh tiểu đường nên chọn trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ như: bưởi, ổi, mận, táo, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ… ăn trực tiếp tốt hơn xay nhuyễn hoặc chỉ ép lấy nước.
Nên thay thế các loại mứt bằng việc ăn các loại hạt: hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, hạt macca…
Người bệnh tiểu đường có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách lựa chọn các loại rau lá xanh có đầy đủ vitamin, khoáng chất. Các loại rau cung cấp kali, vitamin A, canxi, protein, chất xơ như: cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt), cải xoăn, bông cải xanh, bắp cải… (3)
Tham khảo: Thực đơn chay cho người tiểu đường an tâm đón Tết
Trong bữa ăn chính hoặc bữa phụ, người bệnh có thể dùng thực phẩm có chất béo (lipid) như: dầu thực vật, phomai, bơ, sữa… Tuy nhiên, người bệnh nên dùng hạn chế (dùng tối đa khoảng 2 muỗng cà phê chất béo/1 bữa chính) để tránh tăng lượng đường trong máu, gây ra gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ biến chứng huyết áp, tim mạch.
Người bệnh tiểu đường nên bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như: thịt gia cầm, thịt đỏ, cá, đậu, trứng. (4)
Thịt nạc có hàm lượng chất béo tương đối thấp nên ít calo hơn so với thịt mỡ. Thịt nạc cung cấp nguồn protein để xây dựng, sửa chữa các mô trong cơ thể. Protein cũng được biến thành glucose nếu cơ thể cần nhiều năng lượng hơn.
Cá giàu protein, chứa omega-3 tốt (loại axit béo thiết yếu hỗ trợ chức năng não) nên ăn 340gr cá mỗi tuần, nhất là cá nhiều omega-3 như: cá hồi, cá thu, cá mòi.
Trứng, đậu cung cấp nguồn protein tốt cho cơ thể. Trứng chứa nhiều choline (chất dinh dưỡng tương tự vitamin B) có lợi cho não, giúp giảm viêm. Các loại đậu tạo ra nguồn protein ít chất béo, chứa các khoáng chất hữu ích như sắt tốt cho người bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường nên chọn thực phẩm phù hợp, ăn với lượng vừa đủ để đảm bảo sức khỏe
Ngày Tết có nhiều loại thực phẩm để ăn uống nhưng người bệnh tiểu đường cần lưu ý những thực phẩm dưới đây để tránh càng xa càng tốt vì nếu ăn nhiều sẽ tăng lượng đường trong máu, gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Các loại dưa món chứa nhiều đường, muối không tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường
Để tránh nguy cơ tăng đường huyết, bảo vệ sức khỏe tốt hơn, người bệnh tiểu đường có thể kiểm soát bệnh tiểu đường trong dịp Tết Nguyên Đán bằng những cách sau:
Người bệnh nên đo đường huyết mao mạch ít nhất 2 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn sáng và tối. Ngoài ra bệnh nhân cũng nên đo đường huyết mao mạch thêm khi có các biểu hiện của hạ đường huyết (đói, mệt, vã mồ hôi…), hoặc tăng đường huyết (uống nhiều, tiểu nhiều, đau đầu..).
Vào những ngày Tết, bữa ăn chính của nhiều gia đình thường bị đảo lộn như: tiếp khách, ăn vặt nhiều, không ăn, ăn trễ, ăn sau đêm giao thừa, trước khi đi ngủ …. Người bệnh tiểu đường nên kiên trì chế độ ăn lành mạnh, ăn uống đúng vào thời gian cố định như ngày bình thường, không nên ăn theo sự thay đổi bữa ăn của gia đình.
Tập thể dục làm tăng sự trao đổi chất, cải thiện đáp ứng của cơ thể với insulin, sự hấp thu glucose vào cơ và các cơ quan, điều này giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Vì bạn có thể ăn nhiều hơn trong ngày Tết nên việc tập thể dục cũng giúp đốt cháy năng lượng dư thừa.
Người bệnh tiểu đường nên ăn món luộc, hầm xương cho các món canh, hạn chế ăn các món chiên, xào. Người bệnh cũng có thể ăn giò nạc, giò bò, các loại nem rán nhưng với lượng vừa phải, ăn nhiều rau củ.
Trong ngày Tết có nhiều món ăn chứa nhiều tinh bột, người bệnh cần để ý phần ăn, lấy mỗi thứ một phần nhỏ để tổng lượng tinh bột nạp vào cơ thể ngày Tết tương đương với ngày bình thường, tránh ăn quá nhiều gây tăng đường huyết.
Người bệnh nên ăn chậm rãi, từng chút một với các món ăn phù hợp theo khẩu phần trong ngày. Các món ăn cần đảm bảo không làm thay đổi quá nhiều lượng đường huyết.
Rau xanh là thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bệnh có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ rau củ như: rau luộc, salad. Rau xanh có lượng calo thấp, giàu chất xơ, ít tinh bột giúp no lâu mà không cần phải ăn quá nhiều món ăn có hàm lượng calo cao, nhiều chất béo.
Đa số những món ăn truyền thống ngày Tết thường chứa nhiều đường, tinh bột, chất béo, hàm lượng dầu mỡ cao nên người bệnh cần hạn chế ăn quá nhiều. Người bệnh có thể ăn phần nhỏ một số món ăn yêu thích. Nếu các món ăn tương tự nhau nên chọn ăn 1 loại hoặc mỗi loại một ít để không vượt quá khẩu phần ăn hàng ngày.
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn các loại bánh mứt chứa nhiều đường để tránh nguy cơ tăng đường huyết
Lịch sinh hoạt hàng ngày trong dịp Tết thường bị xáo trộn khiến người bệnh quên uống thuốc, tiêm insulin hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết sẽ làm lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, tăng đột ngột gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đầy đủ, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ để giữ đường huyết ổn định.
BVĐK Tâm Anh có chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc khám, chẩn đoán, điều trị và thường xuyên cập nhật các phác đồ hiện đại trong tư vấn chăm sóc sức khỏe bệnh Nội tiết – Đái tháo đường giúp người bệnh chữa trị hiệu quả, chính xác.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bên cạnh thực đơn ngày Tết cho người tiểu đường, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng tốt hơn. Người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần đến bác sĩ ở bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường giàu kinh nghiệm để được hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát tiểu đường trong dịp Tết Nguyên Đán phù hợp với thể trạng, tình hình sức khỏe nhằm tránh những biến chứng tiểu đường tuýp 2 nguy hiểm.