Các loại đột quỵ thường gặp trong cộng đồng bao gồm đột quỵ nhồi máu não (thiếu máu cục bộ), đột quỵ xuất huyết não, đột quỵ nhỏ. Hiểu rõ về phân loại đột quỵ và nhận biết sớm các dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh giúp mỗi người chủ động phòng tránh, kịp thời cấp cứu, điều trị.
Đột quỵ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như yếu liệt, tàn phế, động kinh, mất trí nhớ, mất nhận thức… thậm chí dẫn đến tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời. Vậy làm thế nào để nhận biết và phân biệt các loại đột quỵ? Triệu chứng và cách điều trị ra sao?
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ là do thiếu máu não cục bộ và xuất huyết não, cụ thể như sau:
Như vậy, dựa vào nguyên nhân gây đột quỵ, y học phân loại đột quỵ thành 3 nhóm chính là đột quỵ thiếu máu não cục bộ (còn gọi là đột quỵ nhồi máu não), đột quỵ xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua (đột quỵ nhỏ). (1)
Thống kê về tổng số ca đột quỵ trên thế giới cho thấy, đột quỵ thiếu máu não cục bộ chiếm tỷ lệ đến 87%, cao nhất trong các loại đột quỵ thường gặp. Đột quỵ thiếu máu não cục bộ xảy ra khi sự lưu thông máu trong động mạch não bị ngưng hoặc tắc nghẽn. (2)
Những mảng xơ vữa tích tụ trên thành động mạch hoặc cục máu đông (huyết khối) hình thành trong lòng động mạch sẽ gây cản trở dòng máu chảy lên não. Trong đó, huyết khối có thể hình thành ngay tại động mạch não hoặc ở nơi khác và di chuyển đến mạch máu não. Tăng huyết áp, mắc bệnh rung nhĩ, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá… là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi động mạch bất kỳ trong não bị vỡ, khiến máu chảy ra ngoài nhu mô não, ứ đọng, làm tổn thương não. Điều này dẫn đến tình trạng các tế bào não chết đi nhanh chóng. Có 2 loại đột quỵ xuất huyết não là đột quỵ xuất huyết dưới nhện và đột quỵ xuất huyết nội sọ. (3)
Tăng huyết áp và vỡ túi phình động mạch não là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Các yếu tố rủi ro khác gây đột quỵ xuất huyết não bao gồm nghiện bia rượu, thuốc lá, ma túy, chấn thương đầu/sọ não do tai nạn, dị dạng mạch máu bẩm sinh…
Cơn thiếu máu não thoáng qua còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ. Biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua gần giống như các loại đột quỵ khác nhưng chỉ kéo dài trong vài phút hoặc có thể biến mất sau 24 giờ. Ngoài ra, các cơn đột quỵ nhỏ này còn được xem là “đột quỵ cảnh báo”. Vì chúng là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai gần. Đây là trường hợp cấp cứu cần được can thiệp kịp thời bởi rất khó phân biệt cơn đột quỵ nhỏ và đột quỵ nguy hiểm đe dọa tính mạng. (4)
Thống kê y tế cho thấy có hơn 1/3 số trường hợp bị đột quỵ nghiêm trọng sau khoảng 1 năm gặp những cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng không điều trị kịp thời. Trong đó, có khoảng 10% đến 15% người bệnh bị đột quỵ sau 3 tháng xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua. Như vậy việc nhận biết sớm những cơn đột quỵ nhỏ có thể góp phần làm giảm nguy cơ bị đột quỵ nặng.
Mỗi phân loại đột quỵ ảnh hưởng đến từng vùng não khác nhau sẽ gây ra triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì rất khó để phân loại đột quỵ cụ thể. Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia (Mỹ), những triệu chứng chung thường gặp của các loại đột quỵ bao gồm: (5)
Đột quỵ là căn bệnh thường gặp và có thể xảy ra ở nhiều đối tượng. Mỗi phân loại đột quỵ sẽ có nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Trong đó, một trong những nguyên nhân gây đột quỵ chủ yếu là do tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và huyết khối làm tắc nghẽn dòng máu chảy lên não. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch cũng là những yếu tố nguy cơ cần cảnh giác.
Ngoài ra, nguy cơ mắc phải các loại đột quỵ còn đến từ các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi khác như tuổi tác, bệnh dị dạng mạch não bẩm sinh, tiền sử đột quỵ trong gia đình…
Người bệnh cần sớm đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu thần kinh khu trú hoặc rối loạn ý thức đột ngột để bác sĩ thăm khám và kịp thời can thiệp ngăn chặn cơn đột quỵ. Dấu hiệu nhận biết của các loại đột quỵ không quá khác biệt. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về phân loại đột quỵ bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng.
Bác sĩ tiến hành kiểm tra tình trạng hô hấp, tuần hoàn máu và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh. Đồng thời bác sĩ sẽ khai thác tiền sử mắc các bệnh có nguy cơ gây xơ vữa động mạch ở người bệnh, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành, rung nhĩ, bắc cầu chủ vành… Ngoài ra, nếu người bệnh là người trẻ, bác sĩ sẽ khai thác thêm các vấn đề như bệnh lý về đông máu, đau đầu migraine, lịch sử dùng thuốc tránh thai, chất kích thích (đặc biệt là cocaine).
Một số phương pháp xét nghiệm cận lâm sàng có thể được ứng dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán đột quỵ bao gồm:
Chụp CT Scanner đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán các loại đột quỵ não. Kỹ thuật này giúp phân biệt các tổn thương có chảy máu trong não, đồng thời giúp bác sĩ xác định được mức độ tổn thương và vị trí tắc mạch. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể thực hiện nhanh, phù hợp với trường hợp cấp cứu đột quỵ não.
Chụp CT Scanner mạch máu não giúp bác sĩ chẩn đoán vị trí tắc động mạch, từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, các ứng dụng hiện đại trong chụp CT Scanner (như chụp CT nhiều pha, chụp tưới máu não) giúp bổ sung những thông tin cần thiết nhằm xác định yếu tố nguy cơ, tiên lượng xuất huyết não. Từ đó bác sĩ có thể mở rộng cơ hội điều trị cho người bệnh đến bệnh viện sau thời gian vàng cấp cứu đột quỵ (thường là sau 6 giờ đối với tắc mạch vòng tuần hoàn trước và sau 8 giờ đối với tắc mạch vòng tuần hoàn sau).
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ sọ não (chụp MRI sọ não) có thể giúp chẩn đoán các loại đột quỵ. Chụp MRI giúp bác sĩ phát hiện sớm những tổn thương trong não do đột quỵ gây ra, đồng thời đánh giá chi tiết các cấu trúc giải phẫu của não bộ. Hình ảnh chụp MRI có độ nhạy cao giúp bác sĩ quan sát và phát hiện sớm những tổn thương não dễ dàng.
Ngoài ra, kỹ thuật chụp MRI được ưu tiên sử dụng trong trường hợp đột quỵ não không xác định được thời điểm khởi phát hoặc đột quỵ thức giấc. Khi đó, hình ảnh MRI có thể giúp bác sĩ xác định được thời gian này, từ đó lựa chọn phương pháp can thiệp cấp cứu đột quỵ phù hợp.
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp, vì vậy người bệnh cần sớm được đưa đến bệnh viện. Điều trị đột quỵ bằng cách nào phụ thuộc vào phân loại đột quỵ, thời điểm khởi phát, bệnh nền người bệnh đang đồng thời mắc phải. Các loại đột quỵ khác nhau sẽ phù hợp với những phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể như sau: (6)
Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cần được tiến hành càng sớm càng tốt để hạn chế các biến chứng và nguy cơ tử vong. Dưới đây là những cách điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ được sử dụng phổ biến:
Trong các loại đột quỵ, đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra đột ngột và chuyển biến nhanh chóng. Điều trị đột quỵ xuất huyết não càng sớm càng đạt hiệu quả tốt. Phác đồ điều trị khẩn cấp tình trạng đột quỵ xuất huyết não bao gồm kiểm soát huyết áp và loại bỏ khối máu tụ do xuất huyết trong não, tránh gây tổn thương tối đa vùng não bị ảnh hưởng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở hộp sọ để loại bỏ khối xuất huyết và giảm sức ép của vùng xuất huyết lên mô não. Các kỹ thuật hiện đại như mổ não bằng robot AI Modus V Synaptive, hệ thống định vị dẫn đường Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất tại Bệnh viện Tâm Anh giúp can thiệp cấp cứu đột quỵ xuất huyết não hiệu quả, an toàn, tránh gây tổn thương các dây thần kinh và mô não lành xung quanh.
Phương pháp can thiệp nội mạch, bơm vật liệu chuyên dụng vào vị trí mạch máu bị vỡ để bít tắc, ngăn máu chảy ra ngoài não cũng có thể được sử dụng để cấp cứu đột quỵ xuất huyết não.
Đối với trường hợp xuất huyết dưới nhện do phình động mạch, bên cạnh phẫu thuật nếu cần, người bệnh sẽ được dùng thuốc điều trị có tác dụng ngăn chặn tình trạng hẹp động mạch khi chúng bị co thắt. Nếu đột quỵ xuất huyết não xảy ra do dị tật động mạch, người bệnh cần được phẫu thuật để loại bỏ hoặc sửa chữa dị tật mạch máu.
Mục tiêu điều trị các cơn thiếu máu não thoáng qua là ngăn chặn sự hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu chảy lên não, từ đó hạn chế nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não và các biến chứng nguy hiểm. Tùy vào từng bệnh trạng, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Trong đó điều trị các cơn đột quỵ nhỏ bằng thuốc là phương pháp phổ biến hơn cả. Các loại thuốc điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc có tác dụng tăng tuần hoàn máu não, thuốc chống tập kết tiểu cầu… Người bệnh chỉ sử dụng thuốc điều trị đột quỵ theo chỉ định từ bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu, đồng thời hạn chế nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Hiện nay, đột quỵ diễn ra ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, mọi người có thể chủ động đến bệnh viện tầm soát các loại đột quỵ. Tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý hay vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể gây ra đột quỵ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai 4 gói tầm soát đột quỵ bao gồm gói tầm soát đột quỵ cơ bản, gói tầm soát đột quỵ nâng cao, gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu 1, gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu 2, phù hợp cho mọi đối tượng và tình trạng sức khỏe.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Tóm lại, tất cả các loại đột quỵ đều thuộc tình trạng can thiệp y tế khẩn cấp, cần được điều trị càng sớm càng tốt. Ngay khi có dấu hiệu đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế có đủ điều kiện can thiệp cấp cứu đột quỵ để bác sĩ kịp thời can thiệp, từ đó giúp hạn chế biến chứng và nguy cơ tử vong.