Cơn thiếu máu não thoáng qua (hay cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua) có triệu chứng kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Triệu chứng thiếu máu não thoáng qua có thể cảnh báo tình trạng đột quỵ nghiêm trọng sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Cơn thiếu máu não thoáng qua có triệu chứng tương tự đột quỵ nhưng thường không kéo dài quá 24 giờ. Người bệnh có thể sẽ khó phân biệt được triệu chứng thiếu máu não thoáng qua và triệu chứng của đột quỵ não. Vậy dấu hiệu nhận biết một người bị thiếu máu não thoáng qua là gì? Cách điều trị ra sao?
Cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?
Cơn thiếu máu não thoáng qua (tên tiếng anh: transient ischemic attack, viết tắt: TIA) là tình trạng gián đoạn quá trình cung cấp máu lên não tạm thời và không gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc nhồi máu não cấp tính. Triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua thường xuất hiện và biến mất sau đó nên người bệnh có thể chủ quan, không đến bệnh viện thăm khám kịp thời. (1)
Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là một trong những cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra. Đặc biệt, đối với những người từng bị đột quỵ, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể là dấu hiệu cảnh báo tái đột quỵ trong tương lai gần. Thống kê về số trường hợp bị đột quỵ thiếu máu cục bộ hàng năm cho thấy, có khoảng 40% trường hợp đã từng bị thiếu máu não thoáng qua trước đó.
Theo Hiệp hội Đột quỵ Thế giới, khoảng 1/3 người bị đột quỵ đã từng trải qua cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, trong số đó có khoảng 12% trường hợp đã tử vong chỉ trong vòng 1 năm. Tỷ lệ đột quỵ ở những người từng bị thiếu máu não thoáng qua cụ thể như sau:
Tỷ lệ xảy ra đột quỵ sau 7 ngày là 11%.
Tỷ lệ xảy ra đột quỵ trong vòng 90 ngày là 9% – 17%.
Tỷ lệ xảy ra đột quỵ trong 5 năm tiếp theo là 24% – 29%.
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có biểu hiện tương tự như đột quỵ cấp nhưng chỉ kéo dài trong vài phút
Triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua
Thông thường, các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua chỉ kéo dài trong vài phút. Đa phần các dấu hiệu này sẽ biến mất trong vòng 1 giờ đồng hồ, dù hiếm gặp nhưng đôi khi chúng có thể kéo dài đến 24 giờ. Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua có thể khởi phát một cách đột ngột, bao gồm các biểu hiện phổ biến sau đây: (2)
Nói khó nghe lắp bắp, không thể nói hoàn chỉnh 1 câu dài.
Nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực một bên hoặc cả 2 mắt.
Mất thăng bằng và chóng mặt.
Yếu liệt một bên cơ thể.
Một bên mặt bị méo rõ rệt so với bên mặt còn lại.
Một người có thể xuất hiện nhiều cơn thiếu máu não thoáng qua, đồng thời các triệu chứng tái phát sẽ giống hoặc khác nhau tùy vào khu vực não bị ảnh hưởng. Nếu chỉ dựa vào biểu hiện của bệnh rất khó có thể phân biệt được người bệnh đang mắc phải cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hay đột quỵ não. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo rằng khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bị thiếu máu não thoáng qua, người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua
Nguyên nhân hình thành
Thiếu máu não thoáng qua có cùng nguồn gốc với bệnh đột quỵ thiếu máu não cục bộ. Sự gián đoạn tạm thời của dòng máu chảy lên não do có cục máu đông hoặc động mạch não bị chít hẹp là nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Cụ thể, các mảng xơ vữa (chất béo) bị tích tụ gây hẹp động mạch não hoặc cục máu đông hình thành ở động mạch não hay tại bất kỳ vị trí nào trong cơ thể (thường gặp nhất ở tim) nhưng có xu hướng di chuyển đến các động mạch, sẽ làm giảm lưu lượng máu chảy lên não gây ra tình trạng thiếu máu não thoáng qua. (3)
Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua
Các yếu tố rủi ro không thể thay đổi
Tiền sử mắc bệnh trong gia đình: Nếu trong gia đình có người từng bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ thì các thành viên còn lại trong gia đình có thể có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn người bình thường.
Tuổi tác: Sau 50 tuổi nguy cơ bị thiếu máu não thoáng qua sẽ gia tăng, theo đó các bệnh nền với nguy cơ gây đột quỵ cũng sẽ chuyển biến nhanh chóng như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý về tim mạch,…
Tiền sử bị thiếu máu não thoáng qua trước đó: Một người đã từng trải qua cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua sẽ có nguy cơ tái phát bệnh cao. Đồng thời, đối tượng này sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường.
Bệnh hồng cầu hình liềm: Các tế bào máu hình lưỡi liềm mang ít oxy hơn và cũng có xu hướng mắc kẹt trong thành động mạch, cản trở lưu lượng máu đến não, gây ra tình trạng thiếu máu não thoáng qua.
Các yếu tố rủi ro có thể kiểm soát
Tăng huyết áp: Người có huyết áp cao hơn 140/90 (mm Hg) sẽ có nguy cơ bị thiếu máu não thoáng qua cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát yếu tố rủi ro này bằng cách sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.
Cholesterol trong máu cao: Cholesterol hay còn gọi là các mảng xơ vữa tích tụ trên thành động mạch khiến động mạch bị hẹp, gây cản trở dòng máu chảy lên não. Người bệnh cholesterol cao cần hạn chế ăn thức ăn nhiều cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa để giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Bệnh lý về tim mạch: Bao gồm bệnh suy tim, dị tật tim, nhiễm trùng tim hoặc nhịp tim không bình thường. Điều trị kịp thời các bệnh liên quan đến tim mạch sẽ giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ bị thiếu máu não thoáng qua trong tương lai.
Bệnh động mạch cảnh: Xảy ra khi có sự hình thành các mảng xơ vữa làm tắc nghẽn dòng máu chảy trong động mạch cảnh. Vì vậy, sớm điều trị bệnh động mạch cảnh sẽ giúp hạn chế nguy cơ xảy ra cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua và nguy cơ đột quỵ não.
Bệnh động mạch ngoại vi (PAD): Đây là bệnh lý làm tắc nghẽn lưu lượng máu trong tay và chân. Người mắc bệnh động mạch ngoại vi dễ gặp phải tình trạng xơ vữa động mạch hơn người bình thường, đặc biệt là động mạch cung cấp máu cho não và tim. Đây chính là nguyên nhân phổ biến dẫn đến TIA và đột quỵ nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường): Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng xơ vữa động mạch do tích tụ chất béo trên thành động mạch. Điều trị bệnh tiểu đường kịp thời và hiệu quả sẽ giúp người bệnh hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, trong đó có cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Thừa cân, béo phì: Người thừa cân, béo phì sẽ có quá trình trao đổi chất (đặc biệt là sự chuyển hóa đường, mỡ) bất thường làm gia tăng nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch và nguy cơ xơ cứng mạch máu não. Đồng thời, người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn người bình thường gấp 12 lần, vì vậy đối tượng này rất dễ bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua và đột quỵ não. Kiểm soát cân nặng sẽ giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt, hạn chế những nguy cơ mắc phải cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua và các bệnh lý nguy hiểm khác.
Nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua là vì lưu lượng máu chảy lên não bị gián đoạn tạm thời do có cục máu đông hoặc động mạch não bị chít hẹp
Những ảnh hưởng lâu dài của cơn thiếu máu não thoáng qua
Não bộ cần đến 20% lượng oxy của toàn cơ thể, vì vậy não rất nhảy cảm với tình trạng thiếu oxy. Nếu quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn trong 10 giây các mô não sẽ bắt đầu xảy ra những rối loạn. Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, ngoài nguy cơ dẫn đến đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua có thể sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài khác, điển hình như:
Suy nhược cơ thể: Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe của người bệnh, trong đó suy nhược cơ thể là tình trạng thường gặp nhất. Nhiều người từng bị thiếu máu não thoáng qua cho biết, mặc dù đã được điều trị nhưng họ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, hoa mắt, sợ lạnh… hiệu suất học tập, làm việc suy giảm.
Tâm trạng bị ảnh hưởng: Sự gián đoạn tạm thời lưu lượng máu cung cấp đến não có thể tác động làm suy giảm trí nhớ, mất trí nhớ tạm thời, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và chất lượng sống của người bệnh.
Cách chẩn đoán cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Ngay khi có biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Tại đây các bác sĩ sẽ nhanh chóng xử trí cấp cứu và chẩn đoán loại trừ đột quỵ cấp. Khi đó, nếu người bệnh không may bị đột quỵ bác sĩ sẽ kịp thời cấp cứu trong thời gian “vàng” từ 3 – 4,5 giờ đầu tiên, trong một số trường hợp có thể mở rộng từ 6 – 24 giờ. (4)
Người bệnh xuất hiện triệu chứng thiếu máu não thoáng qua cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để bác sĩ khảo sát các yếu tố nguy cơ, bao gồm:
Chẩn đoán hình ảnh: Kỹ thuật chụp CT Scanner và chụp MRI sọ não giúp loại trừ các vấn đề có biểu hiện lâm sàng gần giống với cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua như chảy máu não nhỏ hoặc u não. Ngoài ra, nếu kết quả chụp CT Scanner và chụp MRI sọ não không phát hiện bất thường (không có cục máu đông), người bệnh sẽ được xem xét thực hiện các kỹ thuật thăm dò không xâm lấn để kiểm tra tình trạng của các mạch máu lớn và tuần hoàn máu não. Cụ thể, siêu âm Doppler giúp phát hiện tình trạng hẹp động mạch cảnh trong và chụp mạch giúp quan sát hệ thống mạch máu não, từ đó bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ nhồi máu não ở người bệnh.
Xét nghiệm khác: Một số xét nghiệm khác giúp hỗ trợ chẩn đoán cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua bao gồm: xét nghiệm công thức máu, cholesterol máu, đường huyết lúc đói, huyết thanh chẩn đoán bệnh giang mai, chụp tim phổi, đo điện tim.
Thông thường, các xét nghiệm cận lâm sàng cần có kết quả trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 28 giờ, tùy thuộc vào từng điều kiện y tế tại bệnh viện và mức độ của cơn thiếu máu não thoáng qua của người bệnh.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu hệ thống máy móc trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, điển hình như: hệ thống máy cộng hưởng từ 1.5 – 3 Tesla thương hiệu Siemens (Đức), máy chụp CT 768 lát cắt xoắn ốc đa hàng giúp thể hiện chi tiết và rõ nét bộ phận cần kiểm tra, máy chụp chi tiết mạch máu DSA, máy siêu âm Doppler màu 3D, 4D,… cho phép phát hiện sớm, đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ cấp ở người bệnh.
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán cơn thiếu máu não thoáng qua bao gồm: Chụp CT Scanner, chụp MRI sọ não, siêu âm Doppler động mạch, xét nghiệm công thức máu, cholesterol máu,,….
Cách điều trị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua sẽ nhanh chóng kết thúc, tuy nhiên người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế nguy cơ tái phát hoặc nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Nhìn chung, mục tiêu điều trị thiếu máu não thoáng qua là ngăn chặn sự phát triển của cục máu đông trong động mạch, từ đó hạn chế nguy cơ xảy ra đột quỵ não cấp và các biến chứng nguy hiểm. (5)
Điều trị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua bằng cách nào phụ thuộc vào mức độ biểu hiện của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Thông thường người bệnh bị thiếu máu não thoáng qua sẽ được điều trị bằng thuốc, bao gồm: thuốc tập kết tiểu cầu, các loại thuốc có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu não,… Người bệnh chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu được bác sĩ dặn dò kèm theo để quá trình điều trị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh cần xây dựng lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe, từ đó giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
Cách phòng tránh cơn thiếu máu não thoáng qua
Để phòng tránh cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua mọi người cần duy trì cơ thể khỏe mạnh bằng cách xây dựng lối sống khoa học, bao gồm:
Kiểm soát bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng thiếu máu não thoáng qua và nguy cơ đột quỵ. Người mắc bệnh tiểu đường cần sớm điều trị bệnh, kiểm soát tốt lượng đường và cholesterol trong máu để có thể phòng tránh tình trạng thiếu máu não thoáng qua hiệu quả.
Duy trì thói quen tập thể dục: Một người trưởng thành cần tập thể dục ở cường độ trung bình trong tối thiểu 15 đến 30 phút mỗi tuần hoặc cường độ cao trong tối thiểu 75 đến 150 phút mỗi tuần. Điều này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và sự dẻo dai cho cơ thể từ đó phòng tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có tình trạng thiếu máu não thoáng qua.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Không chỉ người bị thiếu máu não thoáng qua, bất kỳ ai cũng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe, cụ thể: hạn chế mỡ động vật, bia rượu, thức ăn nhanh, đồ uống có gas, bánh kẹo ngọt, tránh nạp quá nhiều muối vào cơ thể, tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước lọc mỗi ngày,…
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân béo phì (chỉ số BMI > 30) sẽ góp phần hình thành các bệnh lý có nguy cơ gây ra cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, chẳng hạn như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường,… Người thừa cân cần giảm cân khoa học với chế độ ăn kiêng và duy trì việc tập thể dục mỗi ngày để duy trì huyết áp ổn định và lượng cholesterol trong máu đạt mức bình thường (chỉ số Cholesterol toàn phần <200 mg/dL (5,1 mmol/L).
Không lạm dụng thuốc: Lạm dụng thuốc sẽ có tác động làm tăng nguy cơ bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua và đột quỵ. Vì vậy, mọi người chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ.
Hiện nay mọi người có thể chủ động phòng tránh cơn thiếu máu não thoáng qua bằng cách thăm khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Cụ thể, tại bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang triển khai 4 gói tầm soát đột quỵ từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp với người bình thường, người có nguy cơ cao, phát hiện các bất thường nhỏ nhất, bao gồm: gói tầm soát đột quỵ cơ bản, gói tầm soát đột quỵ nâng cao, gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu 1, gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu 2.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các gói tầm soát đột quỵ và đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề sức khỏe tại Khoa Nội thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Duy trì cơ thể khỏe mạnh để phòng tránh cơn thiếu máu não thoáng qua và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác
Tóm lại, những cơn thiếu máu não thoáng qua thường xuất hiện và biến mất sau đó nhưng chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng đột quỵ cấp. Nếu không may gặp phải các triệu chứng nghi ngờ bị thiếu máu não thoáng qua hay cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để các bác sĩ có biện pháp can thiệp kịp thời.