//= SITE_URL ?>
Chăm sóc vết thương, hoạt động phù hợp, sử dụng nhóm thực phẩm hỗ trợ quá trình phục hồi sau mổ bướu giáp… là điều cần lưu ý cho người bệnh.
Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP HCM chia sẻ: 80% trường hợp bị bướu tuyến giáp là bướu cổ lành tính (y học gọi là bướu cổ đơn thuần hay phình giáp). Bệnh xuất hiện với tình trạng tuyến giáp sưng lên, kích thước tăng bất thường.
Các phương pháp điều trị bướu giáp hiện nay gồm: mổ hở, mổ nội soi, mổ bằng robot, sóng cao tần RFA. Người bệnh được phẫu thuật khi bướu ngày càng lớn, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng; bệnh nhân bị cường giáp tái phát nhiều lần, bệnh không giảm dù đã điều trị bằng thuốc hay iốt phóng xạ; bướu tuyến giáp có nguy cơ ác tính; bướu tuyến giáp ác tính…
Nếu cắt bỏ một phần tuyến giáp hay toàn bộ tuyến giáp, người bệnh thường nằm lại bệnh viện theo dõi 24 giờ sau mổ. Ngay sau mổ, cổ người bệnh có thể bị sưng, cứng và tê. Đây là tình trạng bình thường của ca mổ và sẽ dần hồi phục khi vết thương lành. (1)
Sau phẫu thuật 4 – 5 ngày, người bệnh có biểu hiện đau từ mức độ nhẹ đến trung bình Những biểu hiện thường gặp khác bao gồm: mệt mỏi, đau họng, đau nhức, tuy nhiên mức độ đau sẽ giảm dần trong khoảng 1 – 2 tuần.
Tùy vào phương pháp phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương. Người bệnh có thể được khuyên không tắm bồn, vòi hoa sen hoặc bơi cho đến khi vết thương cổ lành hẳn. Ở cổ có thể xuất hiện vết bầm tím hoặc sưng nhẹ xung quanh vết sẹo, biểu hiện này là bình thường.
Vết sẹo mổ dần chuyển sang hồng, kèm biểu hiện cứng khi sờ. Độ cứng của vết sẹo có thể “đạt đỉnh” vào khoảng 3 tuần sau mổ, nhưng giảm dần sau khoảng 2-3 tháng. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ sử dụng lượng nhỏ kem dưỡng ẩm không mùi bôi lên vết sẹo giúp làm mềm mịn da, giảm ngứa khi vết thương lành.
Thực hiện động tác quay đầu mà không cảm thấy đau, người bệnh có thể bắt đầu trở lại công việc hàng ngày, bắt đầu bằng động tác nhẹ nhàng. Bác sĩ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng có thể sẽ đề nghị người bệnh thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng cho cổ và vai sau phẫu thuật. Những bài tập này giúp ngăn tình trạng cứng khớp có thể xảy ra. Nếu người bệnh vẫn bị đau hoặc cứng khớp, cần tái khám để bác sĩ. (2)
Về giọng nói, người bệnh cũng có thể gặp phải vấn đề về giọng nói như không thể nói to, giọng khàn hơn, khó khăn khi nói chuyện. Nguyên nhân có thể do các dây thần kinh thanh quản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khắc phục sau thời gian ngắn.
Sau mổ bướu cổ, người bệnh dễ hạ canxi trong máu do tổn thương các tuyến cận giáp trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh sẽ nhận thấy các dấu hiệu thiếu canxi như tê, chuột rút, co thắt cơ, đau đầu, lo lắng, trầm cảm, cảm giác ngứa ran ở môi, bàn tay và lòng bàn chân. Việc bổ sung canxi trong vài ngày sẽ giúp người bệnh trở lại bình thường.
Trước phẫu thuật, người bệnh được yêu cầu ngừng ăn uống từ đêm trước ngày mổ Khi ca hoàn thành, thuốc gây mê hết tác dụng, người bệnh sẽ cảm thấy đói. Do đó, người bệnh cần sử dụng thức ăn dạng lỏng, nước, sinh tố… cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu cho quá trình hồi phục. Chúng có thể bao gồm: (3)
Vitamin C cần cho việc chữa lành vết thương và hình thành mô sẹo. Vitamin C tan trong nước nên người bệnh thuận lợi để sử dụng trong các loại trái cây và rau quả như nước cam, chanh, dâu tây, bông cải xanh, rau bina, ớt chuông ngọt, cà chua…
Thực phẩm chứa vitamin C hỗ trợ quá trình hồi phục sau mổ.
Kẽm là một khoáng chất vi lượng được tìm thấy trong các tế bào trải khắp cơ thể. Kẽm đóng vai trò thiết yếu trong việc chữa lành vết thương và hệ thống miễn dịch. Hai yếu tố này đều quan trọng với người bệnh sau mổ. Thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt là nguồn chứa kẽm tuyệt vời. Với người ăn chay trường hoặc chế độ ăn ít protein, người bệnh cần nguồn kẽm ở dạng bổ sung, vì trái cây và rau củ không chứa nhiều kẽm.
Do các tuyến cận giáp bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật nên người bệnh có thể bị tụt giảm lượng canxi trong máu. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề tạm thời, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc bổ sung canxi trong vài ngày. Các dấu hiệu nhận biết tình trạng thiếu canxi bao gồm: tê và cảm giác ngứa ran ở môi hay bàn tay và lòng bàn chân; cảm giác như kiến bò trên da, chuột rút và co thắt cơ, đau đầu, lo lắng và trầm cảm; tiêu lỏng… Thu nạp thực phẩm chứa canxi như sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua…
Bác sĩ Trâm lưu ý, người bệnh nên ăn thức ăn mềm và dễ nuốt, ăn chậm, uống thêm nước trong và sau bữa ăn. Những kỹ năng này giúp làm mềm thức ăn, tránh tình trạng mắc nghẹn, giảm đau khi nuốt.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Phục hồi sau mổ bướu giáp là một việc nên làm. Người bệnh nên tuân thủ lịch tái khám để kiểm tra nồng độ hormone và đánh giá tình trạng hồi phục của vết thương. Nếu cần, bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường sẽ xem xét việc điều chỉnh liều thyroxin phù hợp. Ngoài ra, khi thấy xuất hiện những biểu hiện bất thường như vết thương ngày càng sưng to hơn, người bệnh đi khám lại vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.