Siêu âm khớp vai: Chẩn đoán bệnh gì? Quy trình và ưu nhược điểm ra sao?
04/11/2022
Siêu âm khớp vai là một kỹ thuật y khoa có thể tầm soát các bất thường xảy ra bên trong khớp vai. Siêu âm khớp vai cho bạn cái nhìn toàn diện nhất về tình trạng cơ xương sụn khớp ở vai, từ những chấn thương do tai nạn đến những bệnh lý tiềm ẩn gây đau, nhức, sưng khớp vai.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Bệnh lý ở khớp vai đa phần là các bệnh lý mà ban đầu không có triệu chứng rõ ràng, khi phát hiện đau nhức vai thì lúc đó bệnh đã tiến triển nặng. Để sớm tầm soát được các bệnh lý ở khớp vai và có phác đồ chữa trị kịp thời, bạn cần siêu âm khớp vai.
Vậy, siêu âm khớp vai là gì? Hình ảnh siêu âm khớp vai cho bạn thấy tình trạng gì? Kết quả siêu âm khớp vai có thể giúp bạn chẩn đoán bệnh gì, ra sao?
Siêu âm khớp vai là gì?
Siêu âm khớp vai là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh dao động ở tần số có thể giúp tái tạo nên hình ảnh cấu trúc khớp vai và các mô mềm xung quanh nó.
Cơ chế hoạt động: Công nghệ siêu âm khớp vai sử dụng một thiết bị cầm tay nhỏ – gọi là đầu dò – để vừa truyền sóng âm vào cơ thể vừa ghi nhận làn sóng vọng lại. Sóng âm truyền vào khu vực khớp vai cho đến khi chúng chạm vào ranh giới giữa các mô rồi vọng lại đầu dò. Thông qua tín hiệu sóng âm vọng về, máy tính có thể tái tạo lại không gian 3D của khớp vai trên màn hình máy tính.
Các cấu trúc có thể được nhìn thấy thông qua siêu âm khớp vai bao gồm:
Hệ thống gân – cơ: Cơ thang, cơ delta, cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ đòn bé, cơ dưới vai, đầu cơ ngực bé, đầu cơ nhị đầu tay trước, đầu cơ tam đầu tay sau.
Hệ thống dây chằng: Dây chằng quạ – mỏm cùng vai (dây chằng cùng quạ), dây chằng thang, dây chằng nón, dây chằng vai ngang trên, dây chằng bao khớp (trên-giữa-dưới), dây chằng ngang cánh tay, dây chằng quạ cánh tay.
Hệ thống sụn: Sụn chêm ngoài, sụn chêm trong, sụn viên ổ chảo.
Mô mềm khác: bao hoạt dịch, Màng hoạt dịch, màng xơ bao khớp.
Hệ thống xương – khớp – sụn : Chỏm đầu xương cánh tay, mỏm cùng vai, xương mỏm quạ, xương đòn, xương bả vai, khớp ổ chảo.
Bác sĩ tiến hành siêu âm khớp vai thông qua một đầu dò cầm tay
Đối tượng chỉ định siêu âm khớp vai
Đau vai là một tình trạng phổ biến, ước tính có khoảng 18-26% người trưởng thành từng bị đau vai ít nhất một lần trong suốt cuộc đời của họ. Vì thế, bất kỳ ai – không phân biệt độ tuổi và giới tính – đều có thể được chỉ định siêu âm khớp vai nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như:
Đau vai, sưng vai, nhức vai. Cơn đau nhức càng dữ dội hơn khi vai chuyển động.
Xuất hiện vết bầm tím hoặc vết bầm đỏ.
Vai phát ra những tiếng lạo xạo, rắc rắc hay âm thanh lạ khi vai chuyển động.
Biên độ chuyển động của vai bị giới hạn, không thể với quá xa, hay bị đau khi vai xoay đến một vị trí nhất định nào đó.
Các dấu hiệu chấn thương sau tai nạn do chơi thể thao, tai nạn giao thông, té ngã.
Theo đó, những nhóm đối tượng cần được ưu tiên chỉ định siêu âm khớp vai định kỳ có thể bao gồm:
Nhóm người lao động nặng: Thường xuyên khuân vác, mang, gánh, đẩy kéo, điều khiển các phương tiện lao động nặng khiến khớp vai hoạt động quá sức, gây rối loạn cơ chóp xoay vai khiến vai bị đau.
Nhóm người hay chơi thể thao: Dù ít hay nhiều, hầu như tất cả các môn thể thao đều đòi hỏi sự tham gia của khớp vai. Các chấn thương vai phổ biến có thể gặp khi chơi thể thao bao gồm rách / đứt / giãn hệ thống gân, cơ, dây chằng ở vai, khiến vai mất ổn định Nặng hơn có thể bao gồm trật khớp vai, gãy xương vai.
Nhóm người cao tuổi: Tuổi tác cao khiến sụn khớp hao mòn, hệ miễn dịch kém gây nên nhiều chứng sưng khớp, viêm khớp, thấp khớp, thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, lão hóa còn gây ra tình trạng khô dịch sụn khớp khiến chuyển động cánh tay rất khó khăn, gây đau nhức dữ dội.
Vai trò của siêu âm khớp vai
Hình ảnh siêu âm khớp vai cho phép bác sĩ kiểm tra và đánh giá được một loạt các tình trạng bệnh lý và chấn thương vai phổ biến như:
Viêm khớp vai: Viêm khớp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tên gọi của hơn 100 bệnh lý và tình trạng khác nhau gây ra chứng đau vai. Có 03 dạng viêm khớp vai thường gặp là:
Viêm khớp do thoái hóa khớp: Xảy ra khi lớp sụn bảo vệ ở cuối xương bị thoái hóa và mòn đi, khiến xương vai và xương cánh tay cọ sát vào nhau gây nên chứng đau vai, cứng vai và cảm giác khó chịu ở khớp.
Viêm khớp do thấp khớp: Xảy ra khi hệ miễn dịch xem khớp vai là “vật thể lạ” và tấn công nó. Thấp khớp thường xảy ra với cả 2 bên vai, làm giới hạn chuyển động và tạo phản ứng sưng viêm. Đây là bệnh mãn tính.
Viêm khớp do nhiễm trùng: Xảy ra khi vết thương hở do chấn thương vai không được sơ cứu kỹ, hoặc bệnh lý nền khiến hệ miễn dịch bị suy yếu tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công khớp vai gây đau nhức.
Viêm cơ chóp xoay: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng đau vai, thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền tiền nghề nghiệp khuân vác vật nặng hay vận động viên có những động tác tay phải lặp đi lặp lại, đẩy áp lực lên ổ vai.
Viêm dính bao khớp – viêm cơ rút khớp vai: Bệnh làm suy giảm khả năng xoay ngoài của khớp vai và được đặc trưng bởi những cơn đau chỉ xuất hiện khi bạn cần xoay vai ra ngoài, chẳng hạn như khi mặc áo khoác, khi với tay đóng cửa, lấy đồ từ phía sau.
Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là những túi nhỏ chứa chất lỏng giúp đệm giữa xương, gân và cơ. Khi các túi này bị viêm sẽ gây ra các triệu chứng đau, sưng, đỏ, nóng, tê cứng quanh vai, đôi khi có đi kèm với sốt.
Rách cơ chóp xoay vai: Cơ chóp xoay vai được tạo thành từ bốn nhóm cơ bao quanh khớp vai. Xương cánh tay phụ thuộc vào chóp xoay này để gắn vào vai. Chấn thương vùng này mang những đau âm ỉ, đau sâu ở trong vai, yếu cánh tay, khó vươn người ra trước hoặc ra sau.
Rách bao hoạt dịch, gãy xương và trật khớp: Những chấn thương quá nặng do tai nạn thể thao, tai nạn lao động và tai nạn giao thông có thể khiến bao hoạt dịch, ổ khớp và xương vai bị vỡ hoặc gãy. Đây là những tình huống khẩn cấp đòi hỏi bạn phải nhập viện cấp cứu để được siêu âm khớp vai càng sớm càng tốt.
Siêu âm khớp vai giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý và chấn thương xảy ra ở vai
Tóm lại, kết quả siêu âm khớp vai đem đến một cái nhìn vừa tổng thể vừa chi tiết cho mọi bệnh lý phổ biến xảy ra ở khớp vai. Từng vết rách cơ nhỏ hay từng vết mẻ sụn nhỏ đều có thể được nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh siêu âm khớp vai – giúp bác sĩ có được một cái nhìn toàn diện về sự hình thành chấn thương cũng như cách thức ủ bệnh; từ đó có nhiều phương án chữa trị phù hợp.
Ưu, nhược điểm của siêu âm khớp vai
1. Ưu điểm của siêu âm khớp vai
Giống như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, siêu âm khớp vai có nhiều ưu điểm và một vài nhược điểm nhất định. Các ưu điểm siêu âm khớp vai có thể kể đến như:
An toàn: Siêu âm khớp vai tuyệt đối an toàn vì không hề tạo vết thương hở hay áp dụng các thủ thuật chọc dò xuyên qua da, gây chảy máu hoặc xâm lấn.
Êm nhẹ: Siêu âm mang đến một trải nghiệm thăm khám cực kỳ thư giãn và êm ái với cảm giác đầu dò êm dịu lướt trên bề mặt da, siêu âm khớp vai hoàn toàn không gây đau đớn.
Không biến chứng: Siêu âm không sử dụng tia phóng xạ như chụp X-Quang nên có thể tiến hành tùy ý mà không sợ tác dụng phụ hay gây đột biến DNA. Siêu âm có thể được tiến hành ngay cả trên trẻ sơ sinh mà không để lại bất kỳ biến chứng nào.
Hiệu quả và tiết kiệm: Siêu âm khớp vai vừa tiết kiệm mà hình ảnh siêu âm khớp vai còn cho thấy được hệ thống gân, dây chằng và sụn – giúp chẩn đoán bệnh lý chính xác với giá cả phải chăng.
Góc nhìn linh hoạt: Với siêu âm khớp vai, đầu dò siêu âm có thể được đặt nghiêng ở bất cứ vị trí nào mà bác sĩ muốn – cho phép đánh giá từng đường gân, thớ cơ ở nhiều góc độ khác nhau để tìm hiểu lý do gây ra cơn đau dễ dàng hơn.
Hình ảnh động: Nếu như chụp MRI và chụp X-Quang đem đến những hình ảnh “tĩnh” thì siêu âm cho phép bác sĩ quan sát được các hình ảnh động theo thời gian thực, hỗ trợ tốt cho việc phát hiện ra các bất thường ở khớp vai.
Độ nhạy hơn cả công nghệ MRI: Siêu âm khớp vai có độ nhạy và độ chính xác lần lượt là 86% và 83% trong việc phát hiện một vết rách toàn bộ chiều dày của chóp xoay vai. Trong khi đó, tỉ lệ này ở công nghệ chụp hưởng từ MRI chỉ là 78% và 83%.
2. Nhược điểm siêu âm khớp vai
Sóng siêu âm không thể xuyên qua xương nên không thể đánh giá được các bất thường ở sâu trong xương hoặc ở nơi bị xương che khuất.
Kỹ thuật siêu âm khớp vai đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức giải phẫu khớp vai và kinh nghiệm thực tế cực kỳ nhiều mới có thể đọc tốt kết quả siêu âm khớp vai.
Trong những tình huống mà kết quả siêu âm khớp vai không thể hiện rõ bệnh lý hay các chấn thương vai bạn đang gặp phải, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành thêm nhiều thủ tục chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để thu thập thêm dữ liệu.
Quy trình siêu âm khớp vai
1. Chuẩn bị
Siêu âm khớp vai là thủ tục tương đối đơn giản, bạn không cần phải chuẩn bị bất kỳ thứ gì trước ngày diễn ra siêu âm. Sau đây là một vài mẹo chuẩn bị cho buổi thực hành siêu âm khớp vai được trọn vẹn:
Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Khi siêu âm khớp vai, bạn có thể được yêu cầu cởi bớt quần áo hoặc thay đồng phục y tế của bệnh viện.
Hạn chế đeo đồ trang sức vì bạn có thể được yêu cầu tháo nó ra.
Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn bị dị ứng với mủ cao su để họ chắc chắn không sử dụng một đầu dò siêu âm có chất liệu kích ứng làn da bạn.
Cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào bạn đang dùng.
2. Thực hành
Đầu tiên, bác sĩ siêu âm sẽ bôi một loại gel gốc nước lên khớp vai của bạn. Gel cho phép đầu dò di chuyển qua lại dễ dàng để chụp ảnh đồng thời ngăn chặn các bong bóng khí có thể làm nhiễu sóng siêu âm.
Tiếp theo, bác sĩ liên tục di chuyển đầu dò trong khi mắt nhìn lên màn hình máy siêu âm để chụp ảnh. Vừa quan sát màn hình, bác sĩ vừa tiến hành chụp ảnh siêu âm và giải thích những gì quan sát được trên màn hình cho bạn hiểu. Kết thúc buổi siêu âm, bác sĩ lau sạch gel trên khớp vai của bạn. Bạn có thể trở về nhà bình thường ngay sau đó.
3. Sau khi siêu âm
Thời gian có kết quả siêu âm khớp vai phụ thuộc vào mục đích và kết quả thăm khám. Nhanh nhất là ngay sau buổi siêu âm, bạn đã có hình ảnh siêu âm khớp vai trên tay và chậm nhất là một vài ngày để nhận được kết quả.
Bác sĩ có thể hẹn một cuộc họp để giải thích về các hình ảnh siêu âm khớp vai hoặc hẹn tái khám để kiểm tra thêm. Tùy thuộc vào kết quả khám, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một thủ tục chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT, chụp MRI hoặc lấy mẫu sinh thiết (mẫu mô) từ khớp vai để đem đi xét nghiệm.
Một buổi siêu âm khớp vai diễn ra rất nhẹ nhàng, thoải mái và nhanh chóng
Giá siêu âm khớp vai
Siêu âm khớp vai có mức giá cố định là 43.900 VNĐ nếu bạn có mua Bảo Hiểm Y Tế (BHYT) – theo quy định trong Thông tư 13/2019/TT-BYT do Bộ Y Tế ban hành ngày 5/7/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/8/2019, quy định về việc thống nhất giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm tại tất cả các hệ thống bệnh viện trên toàn quốc.
Nếu bạn không có BHYT, giá siêu âm khớp vai sẽ dao động trong khoảng 75.000 VNĐ đến 460.000 VNĐ nhưng không quá 500.000 VNĐ. Mức giá cuối cùng bạn phải trả có thể chênh lệch nhiều hay ít là tùy thuộc vào:
Cơ sở tiến hành siêu âm: Tùy thuộc vào nơi siêu âm khớp vai của bạn là bệnh viện nước ngoài, bệnh viện công, bệnh viện tư hay phòng khám tư nhân…, mỗi nơi sẽ có mức phí khác nhau tùy thuộc vào địa điểm bạn chọn để siêu âm.
Trình độ bác sĩ siêu âm: Nếu bác sĩ của bạn là chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn, thâm niên hay danh tiếng cao thì chi phí có thể sẽ cao hơn một chút.
Chi phí phát sinh khác: Các dịch vụ phát sinh kèm có thể kể đến như dịch vụ lưu trú qua đêm tại bệnh viện khi nhà bạn ở xa, dịch vụ siêu âm khớp vai ngoài giờ hành chính, dịch vụ siêu âm theo yêu cầu,… cũng có thể là tổng chi phí siêu âm khớp vai tăng lên cao.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về siêu âm khớp vai mà bạn cần biết. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được siêu âm khớp vai là gì, hình ảnh siêu âm khớp vai giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh ra sao, cũng như các bước thực hành siêu âm khớp vai trong một buổi thăm khám điển hình là như thế nào.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Siêu âm khớp vai là một công cụ nhanh chóng và hiệu quả giúp chẩn đoán chính xác hầu hết các lý do đau vai của bạn. Chẩn đoán nhanh chóng và chính xác là chìa khóa quan trọng để tiến tới một kế hoạch điều trị và phục hồi khớp vai hiệu quả. Nếu bạn đang bị đau vai, hãy chủ động đến Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được siêu âm khớp vai ngay nhé. Xin chân thành cảm ơn!