Siêu âm khớp cổ chân giúp bác sĩ chẩn đoán được hầu hết các bệnh lý và chấn thương xảy ra ở khớp cổ chân. Các bệnh lý về cơ xương khớp ở cổ chân tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí để lại dị tật nếu không được can thiệp kịp lúc.
Siêu âm khớp cổ chân là gì?
Siêu âm khớp cổ chân là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng sóng âm cao tần (7-15 Mhz) để quét qua toàn bộ hệ thống cơ xương khớp vùng cổ chân. Từ đó, sóng âm phản hồi thu được sẽ được máy tính tái tạo lại, vẽ nên cấu trúc không gian 3D bên trong cổ chân để bác sĩ quan sát và chẩn đoán bệnh lý.
Nhiều cấu trúc quan trọng về mặt lâm sàng xung quanh cổ chân có thể được nhìn thấy rõ ràng trên hình ảnh siêu âm khớp cổ chân, chẳng hạn như:
Hệ thống xương: Gồm xương chày, xương gót, xương sên, xương ghe, xương chêm, xương hộp.
Hệ thống khớp nối: Bao gồm khớp cổ chân (talocrural), khớp sên-ghe (talonavicular), khớp ghe-chêm (naviculo cuneiform), khớp gót-hộp (calcaneus cuboid), khớp dưới sên (subtalar), khớp giữa cổ chân (midtarsal) và khớp cổ-bàn chân (tarsometatarsal).
Hệ thống gân: Gân gót chân (gân achilles), mạc giữ gân cơ mác trên, mạc giữ gân cơ mác dưới.
Hệ thống dây thần kinh: Gồm dây thần kinh mác, dây thần kinh chày, dây thần kinh Morton.
Hệ thống mạch máu: Động mạch chày sau, động mạch chày trước, động mạch mác.
Ngoài ra, kỹ thuật siêu âm khớp cổ chân còn mang lại nhiều lợi ích to lớn khác như:
An toàn và tiết kiệm: Siêu âm khớp cổ chân sử dụng công nghệ sóng âm với công suất thấp, không xâm lấn nên không gây đau đớn, không cần nghỉ dưỡng, không sử dụng tia bức xạ nên không gây biến chứng và tiết kiệm chi phí.
Khả năng nhận dạng không gian 3D vượt trội: Cho phép bác sĩ đánh giá chi tiết các rối loạn về gân, dây chằng và dây thần kinh dễ dàng hơn các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT, X-Quang hay chụp cộng hưởng từ MRI.
Hình ảnh động theo thời gian thực: Giúp bác sĩ hình dung được sự phối hợp động lực học bên trong khớp gối theo thời gian thực, cho phép thấy rõ những phần bất ổn vốn không thể được quan sát rõ ràng trên hình ảnh tĩnh của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như vết rách cơ, góc trật khớp, tổn thương của gân, dây chằng và dây thần kinh ngoại vi nhỏ ở mắt cá chân.
Siêu âm khớp cổ chân cung cấp chính xác hình ảnh bên trong khớp cổ chân theo thời gian thực
Chỉ định siêu âm cổ chân
Bất kỳ ai cũng có thể được chỉ định siêu âm khớp cổ chân, đặc biệt khi cổ chân xuất hiện các triệu chứng như:
Cảm giác không thoải mái, đau đớn ở cổ chân. Đau khi đi bộ hoặc tập thể dục.
Khớp cổ chân phù nề, sưng, viêm gây nhức.
Khớp cổ chân không thể cử động như ý hoặc không thể gập duỗi hoàn toàn.
Cổ chân xuất hiện vết bầm tím hoặc vết bầm đỏ.
Bàn chân đổi màu, nhợt nhạt khi nâng cao.
Cảm giác tê hoặc ngứa ran cổ chân, bàn chân.
Bên cạnh đó, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý về cơ xương khớp cũng có thể được khuyến cáo siêu âm khớp cổ chân định kỳ. Nhóm đối tượng này gồm:
1. Người chơi thể thao
Nhiều môn thể thao đòi hỏi quá trình vận động liên tục trong thời gian dài hoặc vận động mạnh, nhanh, cần sự chuyển hướng cơ thể đột ngột khiến khớp cổ chân bị hao mòn, quá tải. Trong trường hợp này, việc siêu âm khớp cổ chân định kỳ giúp bạn nắm được tình hình sức khỏe tổng quát để ngăn ngừa được mọi rủi ro có thể xảy đến với khớp cổ chân trong tương lai.
2. Người cao tuổi
Tuổi tác cao kéo theo hàng loạt những bất ổn trong cơ thể như:
Rối loạn hệ miễn dịch gây nên chứng thấp khớp cổ chân.
Thành mao mạch bị suy yếu gây nên chứng rò rỉ dịch, khiến khớp cổ chân bị phù nề.
Rối loạn nội tiết tố gây nên nhiều bệnh lý như huyết áp cao, cholesterol cao dễ gây nên tình trạng xơ vữa động mạch – là nguồn gốc của bệnh tắc nghẽn động mạch ngoại biên (PAD) thường xảy ra ở cổ chân và bàn chân.
3. Người có tiền sử bệnh
Tiền sử bệnh lý bị Gout, béo phì hoặc bị tiểu đường đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ở khớp cổ chân:
Nếu thời thanh niên đã bị bệnh Gout thì về già rất dễ bị viêm khớp cổ chân.
Người bị béo phì khiến áp lực tăng lên ở khớp cổ chân, làm cổ chân bị quá tải.
Bệnh tiểu đường làm giảm 20-30% mật độ canxi trong xương, tổn thương hệ thần kinh, mạch máu và làm suy giảm hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu trên thế giới cho biết, trên 50% người bệnh đái tháo đường bị mắc chứng viêm khớp.
4. Người hay hút thuốc
Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân, viêm gân cao hơn gấp 1,5 lần so với những người không hút thuốc. Việc hít phải carbon monoxide và nicotine thường xuyên từ khói thuốc sẽ làm chậm khả năng hình thành xương mới của cơ thể. Điều này làm tổn thương khớp cổ chân của bạn theo hai cách:
Đầu tiên, hút thuốc làm giảm mật độ canxi của xương dần dần, từ đó tăng nguy cơ gãy xương cổ chân.
Sau đó, nếu bạn bị gãy xương cổ chân, sẽ mất nhiều thời gian hơn để vết thương đó lành lại.
Người hay tập luyện thể thao và người lớn tuổi nên siêu âm khớp cổ chân định kỳ để phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp phổ biến.
Vai trò của siêu âm khớp cổ chân
Siêu âm khớp cổ chân có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn thăm khám lâm sàng, giúp các bác sĩ hình dung trực quan được điều bất thường gì đang diễn ra trong khớp cổ chân của bạn theo thời gian thực. Siêu âm khớp cổ chân có thể được ứng dụng trong việc chẩn đoán bệnh lý, kiểm tra, đánh giá chấn thương cũng như phát hiện khối u. Cụ thể:
1. Chẩn đoán bệnh
Siêu âm khớp cổ chân cung cấp được nhiều hình ảnh chi tiết của gân, dây chằng, dây thần kinh và mô mềm xung quanh mắt cá một cách an toàn. Do đó, kỹ thuật này là một công cụ hiệu quả để bác sĩ chẩn đoán một loạt các bệnh lý vùng cổ chân như:
Về cơ, gân và dây chằng: Chẩn đoán tình trạng viêm gân, viêm bao gân, tổn thương cơ (mãn tính và cấp tính).
Về khớp: Xác định tình trạng trật khớp, thấp khớp, viêm khớp cấp tính hoặc mãn tính.
Về bao hoạt dịch: Chẩn đoán tình trạng viêm, sưng, rò rỉ bao hoạt dịch, viêm màng hoạt dịch, tràn dịch khớp do chấn thương.
Về hệ thần kinh: Xác định hội chứng đường hầm cổ chân (rối loạn thần kinh chày sau).
Về mạch máu: Chẩn đoán bệnh tụ máu ngoài thành mạch máu (Haematomas), bệnh tắc nghẽn do xơ vữa động mạch ngoại biên (PAD), suy tĩnh mạch mãn tính (CVI), huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Các bệnh khác: Xác định các biến chứng sau phẫu thuật như áp xe, phù nề, hội chứng sau huyết khối (PTS) – do van tĩnh mạch bị hỏng sau chấn thương.
2. Kiểm tra & đánh giá chấn thương
Chấn thương ở khớp cổ chân là một tình trạng tương đối phổ biến, chiếm khoảng 14% tổng số ca cấp cứu chỉnh hình liên quan đến thể thao. Chấn thương mắt cá chân xảy ra khi khớp mắt cá chân bị xoắn quá mức xa khỏi vị trí bình thường của nó. Nhìn chung, chấn thương khớp cổ chân có thể đến từ việc:(2)
Đi giày cao gót hoặc do trượt chân, vấp ngã.
Tiếp đất sai cách sau một cú nhảy.
Đi bộ hoặc chạy trên bề mặt không bằng phẳng.
Một tai nạn do va chạm đột ngột chẳng hạn như một vụ va chạm xe hơi.
Xoắn hoặc xoay mắt cá chân bất ngờ khi chơi đá bóng, bóng rổ, điền kinh,…
Trong tình huống này, siêu âm khớp cổ chân có thể giúp kiểm tra và đánh giá:
Tình trạng gãy xương, nứt xương, mẻ xương do tai nạn.
3. Phát hiện khối u
Trong số các khối u xương và mô mềm, chỉ có khoảng 7% là khối u xảy ra ở bàn chân và cổ chân. Siêu âm khớp cổ chân có thể phát hiện được các khối mô mềm như hạch, u mỡ hoặc u thần kinh Morton. Các khối u ở khớp cổ chân nhìn chung là lành tính (không phải ung thư) nên bạn cũng đừng quá lo lắng.
Siêu âm khớp cổ chân, bên cạnh phát hiện được khối u, còn giúp tiết lộ bản chất rắn của khối u như u rắn, u mỡ, nang hay u hỗn hợp. Tuy nhiên, kỹ thuật này không thể cho biết liệu khối u đó có phải là ung thư hay không. Một số khối u nằm sâu trong xương cũng sẽ không được phát hiện siêu ăm khớp cổ chân, bởi hạn chế của sóng siêu âm là chúng không thể xuyên qua được xương.
Hình ảnh siêu âm khớp cổ chân cho phép quan sát rõ các chấn thương, tình trạng viêm khớp, khối u ở khớp cổ chân
Quy trình siêu âm khớp cổ chân
1. Chuẩn bị
Trước khi siêu âm, bác sĩ sẽ giải thích quy trình siêu âm khớp cổ chân cho bạn. Bạn sẽ được yêu cầu tháo giày và tất rồi nằm hoặc đứng trên giường – tùy theo yêu cầu mà bác sĩ chỉ định.
2. Thực hiện
Quy trình siêu âm khớp cổ chân rất đơn giản và thường bao gồm 03 bước:
Bước 1: Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên sẽ bôi một lượng nhỏ gel siêu âm (loại gel lạnh gốc nước, trong suốt đóng vai trò như một chất dẫn truyền sóng âm và bôi trơn) vào vùng cổ chân của bạn.
Bước 2: Đầu dò siêu âm sẽ được đặt lên vùng cổ chân và di chuyển theo các hướng khác nhau. Bạn cũng có thể được yêu cầu cử động chân trong suốt quá trình siêu âm để bác sĩ có thể nhìn vào khu vực bị ảnh hưởng khi nó đang chuyển động. Trong khi siêu âm, bác sĩ sẽ liên tục nhìn màn hình, tiến hành chụp ảnh siêu âm, đồng thời giải thích những phát hiện mới mà bác sĩ thấy được trên màn hình cho bạn hiểu.
Bước 3: Kết thúc buổi siêu âm, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên lau sạch gel trên cổ chân của bạn. Bạn có thể ra về ngay mà không cần nghỉ dưỡng.
Một buổi siêu âm khớp cổ chân chỉ kéo dài từ 10-15 phút. Kết thúc buổi siêu âm, báo cáo kết quả chẩn đoán sẽ được gửi đến bạn ngay hoặc hẹn trả vào một buổi tái khám sau.
3. Lưu ý
Siêu âm khớp cổ chân không thể tiến hành khi cổ chân bạn đang bị thương, rò rỉ dịch hoặc có vết thương hở. Siêu âm khớp cổ chân không gây đau.
Tuy nhiên, nếu cổ chân của bạn đang bị phù nề, sưng viêm hay gãy xương thì việc tì đè đầu dò siêu âm lên vùng này có thể khiến bạn bị đau. Khi nào bạn cảm thấy đau trong quá trình siêu âm khớp cổ chân, hãy báo ngay cho bác sĩ biết để họ đổi hướng tiếp cận của đầu dò siêu âm, để bạn ít đau hơn.
Minh họa siêu âm khớp cổ chân trong tư thế đứng.
Siêu âm khớp cổ chân ở đâu và giá bao nhiêu?
Siêu âm khớp cổ chân có giá dao động từ 75.000 VNĐ – 500.000 VNĐ cho mỗi lần siêu âm. Trong trường hợp bạn có thẻ BHYT, siêu âm khớp cổ chân có mức giá mặc định là 43.900 VNĐ/lần theo quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 5 tháng 7 năm 2019.
Theo thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam (1), Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới. Vì thế, dịch vụ siêu âm cơ xương khớp tại Việt Nam rất phổ biến. Bạn có thể dễ dàng đăng ký dịch vụ siêu âm khớp cổ chân tại bất kỳ bệnh viện công, tư nào có dịch vụ này trên toàn quốc.
Dịch vụ siêu âm khớp cổ chân tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm được hàng trăm nghìn bệnh nhân tin tưởng lựa chọn vì:
Công nghệ hiện đại: Với hệ thống máy siêu âm hàng đầu hiện nay như Supersonic Mach 30 (Pháp), GE E10 (Mỹ), Siemens Acuson Sequoia (Đức) hay Hitachi Arietta 850 (Nhật), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẵn sàng cho bạn những hình ảnh siêu âm chất lượng ở độ phân giải cao với thời gian siêu âm cực ngắn. Đặc biệt, công nghệ siêu âm đàn hồi (Elastography) sử dụng sóng biến dạng đã có mặt tại Bệnh viện Tâm Anh – hứa hẹn là một phương pháp siêu âm độc đáo có thể định lượng được độ cứng của dây chằng khớp cổ chân mà không cần phải sờ nắn.
Quy trình tinh gọn: Một buổi siêu âm khớp cổ chân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chỉ kéo dài từ 10-15 phút thay vì 20-30 phút như ở nhiều địa điểm khác. Báo cáo kết quả hình ảnh siêu âm khớp cổ chân thường được gửi đến bạn ngay sau buổi siêu âm kết thúc mà bạn không cần phải chờ đợi lâu.
Nguồn nhân lực hàng đầu: Khi đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh siêu âm khớp cổ chân, bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên dày dặn kinh nghiệm tận tâm hướng dẫn và tư vấn chi tiết. Đảm bảo bạn sẽ có trải nghiệm thăm khám tuyệt vời nhất.
Liên hệ ngay với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nếu bạn có dấu hiệu đau nhức, sưng tấy hay bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra ở khớp cổ chân. Để đặt lịch thăm khám, tư vấn tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về siêu âm khớp cổ chân mà bạn cần biết. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được siêu âm khớp cổ chân là gì, quy trình siêu âm khớp cổ chân cũng như địa điểm siêu âm khớp cổ chân uy tín.
Hãy chủ động khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh bệnh, trong đó có siêu âm khớp cổ chân khi cổ chân có dấu hiệu đau nhức để bạn được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!