Phẫu thuật ghép sọ não giúp người bệnh bảo vệ não khỏi các tổn thương, cải thiện chức năng thần kinh, giảm các triệu chứng bất lợi, nâng cao tính thẩm mỹ… Vậy ghép sọ não là gì và được thực hiện bằng những phương pháp nào?
Khuyết hổng sọ nếu không được xử lý có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người bệnh, ví dụ như: thiếu an toàn vì não không được che chắn; người bệnh có thể bị chậm phát triển tâm thần kinh, động kinh, mắc hội chứng giảm áp lực trong sọ (gây đau đầu, chóng mặt, yếu liệu, rối loạn cơ vòng, suy giảm ý thức…). Người bệnh cũng có thể cảm thấy mất tự tin vì khuyết sọ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Ghép sọ não (phẫu thuật ghép khuyết sọ/tạo hình khuyết hổng xương sọ) là phương pháp phẫu thuật giúp sửa chữa, khắc phục tình trạng khuyết hổng xương sọ do bẩm sinh, chấn thương sọ não hoặc sau phẫu thuật mổ sọ vì bệnh lý.
Phẫu thuật ghép sọ não thường được áp dụng trong những trường hợp một người bị khiếm khuyết sọ não. Những khiếm khuyết hổng sọ này có thể do một số tình trạng gây ra, bao gồm các khuyết tật do chấn thương, tổn thương bẩm sinh, phẫu thuật cắt bỏ khối u lành/ác tính… Việc tái tạo xương sọ có thể được thực hiện ngay lập tức hoặc không. Nếu có tình trạng nhiễm trùng thì việc chữa trị nhiễm trùng sẽ được ưu tiên thực hiện trước. (1)
Với những trường hợp chấn thương sọ não có tụ máu ngoài màng cứng, dưới màng cứng hoặc tụ máu lớn bên trong não dẫn đến hiệu ứng choán chỗ nhiều thì phẫu thuật mở sọ là việc bắt buộc để tránh tình trạng gia tăng áp lực nội sọ. Sau đó, tùy vào tình trạng của người bệnh mà việc ghép sọ não có thể được thực hiện ngay lập tức hoặc trì hoãn đến khi tình trạng bệnh ổn định.
Mục tiêu chính của việc phẫu thuật ghép sọ não là chữa lành vết thương ban đầu, khôi phục phần sọ bị khuyết để bảo vệ các cấu trúc nội sọ, nâng cao tính thẩm mỹ cho người bệnh. Ghép sọ não còn giúp cải thiện một số chức năng thần kinh cho người bệnh. Vật liệu được dùng để cấy ghép sọ sẽ được lựa chọn, thiết kế từ trước để có được kết quả, hình dáng lý tưởng, phù hợp với phần sọ bị khuyết.
Phẫu thuật ghép sọ não nhìn chung đảm bảo an toàn cho người bệnh, có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Cụ thể, người bệnh có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng (có thể cần chữa trị bằng thuốc kháng sinh), xuất hiện cục máu đông sau phẫu thuật cần dẫn lưu, bị co giật… Một số biến chứng khác không liên quan trực tiếp đến ca phẫu thuật gồm có đau tim, viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu… (2)
Hai phương pháp phẫu thuật ghép sọ não đang được ứng dụng phổ biến gồm có ghép sọ tự thân và ghép sọ nhân tạo:
Phương pháp ghép sọ não tự thân thường được ứng dụng sau các ca phẫu thuật giải áp để chữa trị phù não do chấn thương, sau phẫu thuật u não. Phần xương tự thân (xương của chính người bệnh) được sử dụng để ghép sọ có thể là xương mào chậu, bản ngoài xương sọ/xương sườn. Chúng được dùng để tạo hình và ghép vào vùng khuyết xương sọ, sau đó tiến hành đặt dẫn lưu trong những trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, xương sọ khuyến cũng có thể được khắc phục bằng chính mảnh sọ đã cắt ra trong quá trình phẫu thuật giải áp. Mảnh sọ sau khi cắt ra được chuyển đến ngân hàng mô để tiệt trùng bằng tia gamma và bảo quản ở nhiệt độ -85℃. Mảnh sọ nên được ghép lại sau khi phẫu thuật mở sọ đầu từ 3 – 9 tháng để tránh gặp tình trạng viêm rò, tiêu sập xương sọ do phản ứng đào thải của cơ thể.
Ghép sọ tự thân mang đến hiệu quả lâu dài. Phương pháp này có thể chống chỉ định với những người đang bị nhiều bệnh nền, có vấn đề về tâm thần, vùng khuyết xương sọ xuất hiện tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng.
Phẫu thuật ghép sọ não nhân tạo có thể được chỉ định trong trường hợp: chấn thương sọ não kín gây lún sọ; viêm tiêu mảnh ghép xương sọ; vết thương sọ não hở dẫn đến tình trạng vỡ vụn, vỡ nát xương sọ… Hiện nay, những vật liệu nhân tạo thường được dùng để tạo hình xương sọ gồm có xi măng nhân tạo, lưới titan…
Để tạo ra miếng ghép xương sọ nhân tạo có hình dáng và kích thước phù hợp với phần khuyết sọ của người bệnh, bác sĩ có thể áp dụng phương pháp ghép sọ 3D. Bước đầu, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính (CT) sọ não để có hình ảnh 3D của vùng khuyết xương sọ. Tùy vào hình dáng của phần khuyết sọ, một phần nắp sọ bằng titan hoặc xi măng sinh học sẽ được tạo hình, đúc ra (vừa khít với vị trí khuyết). Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ mở phần dưới da và tiến hành đặt phần sọ nhân tạo vào, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. (3)
Các bước tiến hành phẫu thuật ghép sọ cơ bản bao gồm. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân trong phòng mổ. Tiếp theo, người bệnh được điều chỉnh tư thế để bác sĩ có thể tiếp cận vị trí khuyết xương sọ một cách thuận lợi nhất. Sau đó, vùng vết mổ trên đầu người bệnh sẽ được cạo, sát trùng.
Bác sĩ tiến hành rạch da đầu và nhẹ nhàng tách nó thành các lớp, giúp bảo vệ màng cứng bao phủ não. Bác sĩ làm sạch những cạnh xương xung quanh, chuẩn bị bề mặt để có thể đặt xương/bộ phận cấy ghép nhân tạo vào đúng vị trí. Tiếp đó, xương/các bộ phận cấy ghép được cố định vào xương sọ bằng tấm, ốc vít hoặc cả hai.
Khi đặt xương/mô cấy đúng chỗ, tình trạng chảy máu sẽ được kiểm soát. Lúc này, bác sĩ tiến hành di chuyển da đầu trở lại vị trí ban đầu và thực hiện đóng vết mổ bằng chỉ nylon. Người bệnh cũng có thể được đặt sẵn một ống hút nhỏ để loại bỏ phần chất lỏng dư thừa. Quá trình phẫu thuật ghép sọ não có thể kéo dài trong khoảng 1 – 2 tiếng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Xem thêm: Biến chứng sau ghép sọ não có nguy hiểm không? Mổ ảnh hưởng gì?
Sau khoảng một giờ kể từ lúc tỉnh dậy, người bệnh có thể được chuyển đến đơn vị chăm sóc đặc biệt sau phẫu thuật. Bác sĩ hoặc điều dưỡng tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh để phát hiện kịp thời những dấu hiệu, biến chứng bất thường (nếu có). Đồng thời, người bệnh được điều dưỡng đo huyết áp, mạch, mức độ tỉnh táo và sức mạnh của chân tay…
Những ca phẫu thuật trên đầu thường không khiến người bệnh bị đau nhiều nhưng có thể dẫn đến tình trạng đau đầu. Lúc này, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Người bệnh vẫn có thể được đặt ống thông tiểu sau ca phẫu thuật.
Điều dưỡng có thể tháo ống truyền tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh vào ngày hôm sau. Người bệnh có thể dần di chuyển được như bình thường. Vào ngày thứ hai sau phẫu thuật, băng đầu cũng có thể được tháo ra.
Hầu hết người bệnh thực hiện phẫu thuật ghép sọ não cần nằm viện trong khoảng 2 – 3 ngày hoặc lâu hơn tùy trường hợp. Khi người bệnh tự tắm rửa, đi lại, mặc quần áo được, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện chụp CT sọ não lại để kiểm tra. Người bệnh có thể xuất viện nếu vị trí phẫu thuật ghép sọ não ổn định.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần thêm thời gian để có thể hồi phục sức khỏe, quay trở lại cuộc sống bình thường. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu từng cơn, muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ, lên lịch hẹn tái khám, cắt chỉ phù hợp với tốc độ lành vết thương.
Người bệnh sau phẫu thuật ghép sọ não nên bổ sung đầy đủ chất đạm (protein), vitamin, kẽm… Những dưỡng chất này có vai trò quan trọng trong quá trình làm lành vết thương. Đạm có nhiều trong trứng, sữa, thịt… Kẽm có nhiều trong các loại hải sản như cá biển, hàu… Vitamin có nhiều trong các loại rau củ, trái cây… Người bệnh sau phẫu thuật ghép sọ nên ăn đa dạng thực phẩm. Bạn chỉ cần tránh dùng những món ăn có thể khiến bản thân bị dị ứng và kiêng sử dụng bia, rượu, chất kích thích.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Tùy vào từng ca bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc chọn phương pháp phẫu thuật ghép sọ não phù hợp, mang đến lợi ích tối đa cho người bệnh. Người bệnh nên thực hiện hình thức phẫu thuật này tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.