Người bệnh đái tháo đường cần biết lựa chọn chất béo lành mạnh để cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, nhưng cũng phải biết hạn chế các chất béo có thể gây nguy cơ xơ vữa mạch máu, làm nặng thêm biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ CKI Đào Thị Yến Thủy – Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: Trong 3 đại dưỡng chất sinh năng lượng cho cơ thể là bột đường, béo, đạm thì chất béo tạo ra nhiều năng lượng nhất. Chỉ cần 1 gam chất béo khi đốt cháy trong cơ thể sẽ ra 9 Kcal (trong khi 1 gam chất đạm hay chất bột đường chỉ cho 4 Kcal). Do đó, nếu tiêu thụ quá mức chất béo, cơ thể nạp nhiều năng lượng, đối diện nguy cơ thừa cân, béo phì. Điều này gây nguy cơ khó kiểm soát đường huyết và tăng biến chứng tim mạch cho người đái tháo đường.
Tuy nhiên nếu người bệnh kiêng cữ quá mức, không “đụng” đến dầu mỡ trong tất cả món ăn thì cơ thể dễ suy kiệt bởi thiếu năng lượng, không hấp thu được các vitamin A, D, E, K từ thức ăn, thiếu nguyên liệu sản xuất một số hormone quan trọng như hormone sinh dục,… Chất béo tham gia cấu tạo màng các loại tế bào của các mô cơ thể, đặc biệt có nhiều trong tổ chức não, tủy sống, mô thần kinh,… Vì vậy, trẻ em bị đái tháo đường càng cần nhiều loại chất béo khác nhau để phát triển tốt hệ thần kinh trung ương, thể chất, thể lực và trí tuệ.
Chất béo thường được sử dụng là dầu thực vật, mỡ động vật, bơ, phomai, margarine, hạt nhiều dầu như mè, đậu phộng,…Chất béo có hương vị thơm ngon tạo cảm giác ngon miệng.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy chia sẻ: Mỡ heo, mỡ bò, da vịt, da gà, đồ lòng, nội tạng động vật, óc,… chứa các acid béo bão hòa (béo no) và nhiều cholesterol dễ làm tăng cholesterol máu nếu ăn nhiều và thường xuyên, có thể gây rối loạn mỡ máu tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, không tốt cho tim mạch và sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Hai bệnh này có quan hệ “mật thiết” với nhau. Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh đái đường, tỷ lệ này ở nam cao gấp 1-3 lần so với người không bị đái tháo đường, tương tự ở nữ là cao gấp 2-5 lần so với người bình thường.
Riêng chất béo từ dầu dừa, dầu cọ không chứa cholesterol nhưng chứa nhiều chất béo no, kích thích gan tự sinh ra cholesterol nội sinh, gây rối loạn mỡ máu, cần hạn chế sử dụng cho người bệnh đái tháo đường. Tóm lại, với những thực phẩm trên, người bệnh cần hạn chế ăn, tối đa dùng 1-2 lần mỗi tuần với lượng ít.
Chất béo lành mạnh ngoài việc cung cấp năng lượng và dưỡng chất, vitamin A, E,… còn có thêm các lợi ích chống viêm và chống oxy hóa, giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin, ổn định lượng đường trong máu. Những thực phẩm chứa chất béo lành mạnh mà người bệnh tiểu đường nên sử dụng gồm: mỡ cá, dầu oliu, mè, dầu đậu nành,… Ngoài ra, người bệnh nên sử dụng thêm các thực phẩm chứa các acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được là omega 3, omega 6, omega 9, vitamin E và không có cholesterol.
Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi,… chứa nhiều omega-3 tốt cho bệnh nhân tiểu đường, giúp giảm tình trạng viêm và stress, ngừa sự gián đoạn lượng đường trong máu và kháng insulin. Đặc biệt, mỡ cá cũng chứa nhiều acid béo thiết yếu omega 3, vitamin A, acid arachidonic rất cần cho hệ thần kinh và sức khỏe, nên dùng 2-3 lần cá mỗi tuần.
Bơ chứa nhiều axit béo không bão hòa đơn nên cải thiện độ nhạy insulin và hấp thụ glucose để giảm lượng đường trong máu.
Và cũng giống như hạnh nhân, hạt óc chó; bơ rất giàu magiê giúp điều chỉnh sự hấp thụ insulin và glucose để giảm lượng đường trong máu. Mỗi ngày ăn 1 trái bơ giúp giảm đáng kể mức tăng đột biến đường huyết và nồng độ đường huyết tổng thể trong vòng 6 giờ sau ăn.
Hạnh nhân, quả óc chó chứa nhiều acid béo lành mạnh, cải thiện việc kiểm soát đường huyết nhờ giải phóng insulin từ các tế bào tuyến tụy để đáp ứng với sự gia tăng glucose trong máu và vận chuyển glucose vào cơ bắp.
Chưa kể, hạnh nhân và quả óc chó còn cung cấp magie giúp điều chỉnh khả năng insulin hấp thụ glucose từ máu để giảm lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường nên ăn 6 – 10 hạt óc chó, 23 – 25 hạt hạnh nhân mỗi ngày, giúp giảm mức đường huyết lúc đói, từ đó cải thiện kiểm soát đường huyết.