Biết được cách phòng tránh hạ đường huyết giúp người bệnh tiểu đường an tâm, vui khỏe cùng người thân, bạn bè. Cùng xem các cách phòng tránh hạ đường huyết qua bài viết này.
Mức đường huyết bình thường của cơ thể trước khi ăn dao động từ 90 – 130mg/dL, giữa bữa ăn 70 mg/dL đến 100 mg/dL, sau khi ăn 1-2 giờ phải dưới 180 mg/dL. Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu hạ dưới mức 70 mg/dL. (1)
Nếu tăng đường huyết diễn ra từ từ thì hạ đường huyết đột ngột, người bệnh có nguy cơ co giật, mất ý thức, tử vong nhanh chóng.
Có nhiều nguyên nhân gây hạ đường huyết. Người bệnh tiểu đường dùng thuốc không đúng chỉ định, quá liều insuline hoặc dùng sai loại. Ngoài ra, người bệnh luyện tập thể dục quá sức nhưng ăn uống và dùng thuốc không đúng… cũng dẫn đến hạ đường huyết.
Hạ đường huyết còn xảy ra ở người không bị tiểu đường nhưng dùng thuốc không đúng cách, vô tình uống thuốc điều trị đái tháo đường của người khác hoặc các loại thuốc quinine (qualaquin – được dùng điều trị bệnh sốt rét). Ngoài ra, uống nhiều rượu, nhịn đói quá lâu, bị bệnh mạn tính (khối u hiếm ở tụy – insulinoma) khiến người bệnh sản xuất nhiều insulin… gây hạ đường huyết. Người bệnh rối loạn tuyến thượng thận, khối u tuyến yên dễ dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hoặc chuyển hóa glucose.
Thông thường, dấu hiệu hạ đường huyết xảy ra khi mức đường huyết thấp hơn 70mg/dl. Các triệu chứng gồm: tim đập mạnh, đổ mồ hôi, ngứa ran, da tái nhợt, lo lắng… Khi đường trong máu tiếp tục giảm, não không nhận đủ glucose cho các hoạt động của não bộ nên dẫn đến: mờ mắt, nói lắp, buồn ngủ. Thậm chí, người bệnh co giật, hôn mê, tử vong. (2)
Nhiều người có chỉ số đường huyết thấp hơn 70mg/dl nhưng không có dấu hiệu, thường gặp ở người bệnh đái tháo đường lâu năm. Bởi các đợt hạ đường huyết lặp đi lặp lại, não bộ không còn phản xạ tạo ra dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo đường trong máu thấp. Điều này khiến người bệnh dễ có nguy cơ gặp tình trạng nghiêm trọng nhanh chóng: hôn mê, tử vong.
Người bị hạ đường huyết cần được cấp cứu ngay với quy tắc 15-15: ăn/uống 15 gam carbohydrate (carbs) để tăng lượng đường trong máu và kiểm tra sau 15 phút. 15 gam carbohydrate (carbs) tương đương: 2-3 viên đường, ½ ly nước trái cây, nước ngọt, sữa, 5-6 viên kẹo, 1 muỗng canh mật ong. (3)
Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL, tiếp tục dùng một khẩu phần khác và lặp lại quy tắc 15: 15 đến khi lượng đường trong máu đạt ít nhất là 70 mg/dL. Khi lượng đường huyết trở lại bình thường, người bệnh cần ăn một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.
Lưu ý, nhiều người bệnh có xu hướng ăn quá nhiều đường cùng 1 lúc để cải thiện triệu chứng hạ đường huyết nhưng dễ dẫn đến tăng đường huyết ngay sau đó. Do vậy, không nên cho người bệnh ăn quá nhiều đường để tránh tăng đường huyết quá mức. Cần duy trì nguyên tắc 15:15 đến khi đường huyết trở lại bình thường.
Với trẻ em bị hạ đường huyết, cần dùng ít hơn ½ lượng thứ ăn ngọt mà người lớn dùng. Cụ thể: Trẻ sơ sinh cần 6 gam, trẻ mới biết đi cần 8 gam, trẻ nhỏ cần 10 gam.
Nếu đường huyết của người bệnh quá thấp, không thể áp dụng nguyên tắc 15-15. Lúc này, người bệnh cần được tiêm glucagon (hormone được sản xuất trong tuyến tụy có tác dụng kích thích gan giải phóng glucose dự trữ vào máu). Không nên tiêm insulin vì sẽ làm hạ lượng đường huyết nghiêm trọng hơn.
Có thể bạn chưa biết: Bệnh tiểu đường uống rượu được không?
Để phòng tránh hạ đường huyết, người bệnh tiểu đường cần tuân thủ chế độ luyện tập, ăn uống và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Không nên luyện tập quá nhiều so với lượng thức ăn nạp vào cơ thể. (4)
Khi ra ngoài trời tham gia các hoạt động, người bệnh nên luôn mang theo bánh ngọt, đường, kẹo, nước ngọt… ăn uống ngay khi thấy hoa mắt, chóng mặt. Đồng thời, nên đo thường huyết trước khi ra ngoài, luyện tập và ngay khi có bất thường trong cơ thể.
Những ngày Tết thường diễn ra các hoạt động du xuân, viếng chùa chiềng, thăm hỏi bạn bè… Người bệnh nên chú ý ăn đầy đủ dinh dưỡng và uống thuốc đúng chỉ định. Không nên kiêng khem uống thuốc đầu năm. Bởi bệnh tiểu đường cần uống thuốc hàng ngày để cân bằng với chế độ ăn, ổn định đường huyết.
Với người không bị tiểu đường, cần tìm nguyên nhân gây hạ đường huyết để điều trị và phòng tránh hiệu quả, không nên uống rượu bia, dùng các loại thuốc của người bệnh đái tháo đường, nhịn đói quá lâu…
Hạ đường huyết cần được cấp cứu kịp thời. Do vậy, bên cạnh nắm rõ các dấu hiệu để xử trí kịp thời thì việc phòng tránh cũng rất quan trọng. Chuẩn bị thức ăn, bánh, kẹo khi ra ngoài là điều cần thiết. Ngoài ra, người bệnh nên đo đường huyết hàng ngày.
Khi đường huyết dưới 70 mg/dL hoặc 3,9mmol/L hoặc thấp hơn, cơ thể sẽ có triệu chứng báo hiệu hạ đường huyết. Sau khi cấp cứu tạm thời bằng thức ăn, nước uống có vị ngọt, nếu tình trạng không ổn định… cần đưa đến bệnh viện để được theo dõi sức khỏe.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Những ngày Tết với vô vàn thực phẩm: Bánh chưng, bánh tét, giò, chả, nem, thịt đông… người bệnh cần cảnh giác với tăng đường huyết. Bên cạnh đó, đây cũng là thời gian mọi người du xuân, thăm hỏi bà con… nên cũng cần quan tâm đến hạ đường huyết. Để bảo đảm an toàn, người bệnh đái tháo đường nên tham khảo cách phòng tránh hạ đường huyết bên trên, đo đường huyết thường xuyên, dùng thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường.