Viêm xoang có lây không? Thắc mắc phổ biến này sẽ được chuyên gia giải đáp trong bài viết sau đây.
Viêm xoang là một trong những bệnh lý phổ biến gây ra sự khó chịu dai dẳng cho người bệnh. Đôi khi những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là biến chứng nội sọ có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị tốt. Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang trong đó có nguyên nhân từ các loại virus gây bệnh nên nhiều người băn khoăn không biết bị viêm xoang có lây không?
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp các thắc mắc viêm xoang có lây không? viêm xoang có nguy hiểm không và những nội dung hữu ích cho những ai bị mắc phải bệnh lý này.
Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hoặc các phản ứng dị ứng. Các triệu chứng bao gồm nghẹt mũi, chảy mũi đục và đau hoặc nặng mặt; đôi khi có biểu hiện khó chịu, nhức đầu và/hoặc sốt.
Điều trị viêm xoang cấp do virus bao gồm xịt rửa mũi và dùng thuốc co mạch tại chỗ hoặc toàn thân. Điều trị nghi ngờ viêm xoang do vi khuẩn bằng kháng sinh, chẳng hạn như amoxicillin/clavulanate. Liều lượng thuốc dùng trong 5-7 ngày đối với viêm xoang cấp tính và tối đa 6 tuần đối với viêm xoang mạn tính.
Thuốc co mạch, thuốc xịt mũi corticosteroid có thể giúp giảm các triệu chứng và cải thiện tình trạng mũi xoang. Viêm xoang tái phát có thể phải phẫu thuật để cải thiện tình trạng dẫn lưu xoang.
Viêm xoang có thể được phân loại thành các dạng như sau:
Mỗi loại viêm xoang có thể do các nguyên nhân khác nhau gây ra. Vì vậy, việc phân loại viêm xoang có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh.(1)
Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, viêm xoang cấp tính ở những bệnh nhân trong cộng đồng thường do virus, ví dụ, rhinovirus (virus gây cảm lạnh), cúm, parainfluenza (virus gây các bệnh viêm đường hô hấp trên). Một tỷ lệ nhỏ phát triển nhiễm vi khuẩn thứ phát với liên cầu, phế cầu, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hoặc tụ cầu. Đôi khi, nguyên nhân còn do áp xe quanh răng hàm trên lan đến xoang bên trên.
Trường hợp nhiễm trùng cấp tính mắc phải tại bệnh viện thường có nguyên nhân từ vi khuẩn hơn, điển hình là vi khuẩn Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis và Enterobacter.
Viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính thường có nguyên nhân do hệ miễn dịch suy yếu. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, bệnh ung thư…
Viêm xoang mạn tính bao gồm nhiều yếu tố kết hợp với nhau tạo nên tình trạng viêm xoang mạn tính. Chẳng hạn như viêm mũi dị ứng; các bất thường về cấu trúc, ví dụ như vẹo vách ngăn; các chất kích thích từ môi trường, ví dụ như ô nhiễm trong không khí, khói thuốc lá; rối loạn chức năng niêm mạc và các yếu tố khác tương tác với các sinh vật truyền nhiễm gây ra viêm xoang mạn tính.(2)
Các sinh vật này thường là vi khuẩn, nhưng có thể là nấm. Nhiều vi khuẩn có thể liên quan đến tình trạng viêm xoang, bao gồm cả trực khuẩn gram âm và vi sinh vật kỵ khí hầu họng; nhiễm trùng đa vi trùng cũng rất phổ biến.
Trong một số ít trường hợp, viêm xoang hàm mạn tính là một tình trạng thứ phát sau nhiễm trùng răng miệng.
Riêng viêm xoang do nấm như nấm Aspergillus, Sporothrix, Pseudallescheria thường có xu hướng xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi và người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch như HIV, đái tháo đường, ung thư. Viêm xoang do nấm thường chia làm viêm xoang do nấm không xâm lấn và viêm xoang do nấm xâm lấn. Trong đó viêm xoang do nấm xâm lấn thường diễn tiến nhanh, do các loài Aspergillus hoặc Mucormycosis gây ra. Bệnh này có thể gây tử vong ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Các yếu tố nguy cơ phổ biến của viêm xoang bao gồm:
Viêm xoang có bị lây không? Viêm xoang lây qua đường nào? Theo bác sĩ Hương, viêm xoang là một bệnh không có tính chất lây nhiễm, nhưng nguyên nhân gây viêm xoang thì có thể là một yếu tố lây truyền bệnh. Cụ thể, viêm xoang cấp tính do rhinovirus, cúm, parainfluenza… có thể lây truyền do các loại virus này có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh.(3)
Vì vậy, bác sĩ Hương khuyên, khi bị viêm xoang do virus, người bệnh nên tránh đến nơi đông người, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống và luôn đeo khẩu trang trong thời gian mắc bệnh để tránh lây nhiễm virus ra môi trường.
Viêm xoang không biến chứng là bệnh lý lành tính chỉ gây cảm giác đau, nhức khó chịu cho người bệnh và không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên viêm xoang biến chứng có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời, đặc biệt là các biến chứng ổ mắt và biến chứng nội sọ.
Bác sĩ Hương cho biết, tất cả các biến chứng đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Phổ biến nhất là biến chứng viêm tai giữa, có thể gây suy giảm thính lực hoặc điếc vĩnh viễn. Các biến chứng nội sọ gây viêm não, màng não có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Bác sĩ Hương khuyên, các bệnh nhân mắc viêm xoang mạn tính, viêm xoang gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, viêm xoang gây biến chứng đã điều trị bằng các phương pháp nội khoa nhưng không cải thiện… nên thực hiện phẫu thuật mở thông xoang.
Phẫu thuật này nên thực hiện bằng phương pháp nội soi để giảm chảy máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tái phát.
Người mắc bệnh viêm xoang nên hạn chế ăn các đồ lạnh, đồ quá cay nóng… vì chúng có thể gây kích ứng và làm cho các triệu chứng thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, người bị viêm xoang cũng không nên uống nước đá lạnh vì lý do tương tự.
Viêm xoang làm tắc nghẽn các xoang gây ra triệu chứng nghẹt thở. Do đó, bạn nên ăn và uống các đồ ấm nóng vì có thể giúp tống chất nhầy ra khỏi đường thở và làm thông các xoang.
Các trường hợp sau đây nên tới bệnh viện thăm khám và điều trị chuyên khoa tai mũi họng:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Câu hỏi viêm xoang có lây không cùng những thông tin hữu ích cho bệnh nhân viêm xoang đã được trình bày chi tiết trong bài viết này. Bệnh viêm xoang tuy lành tính nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị triệt để, đúng cách. Do đó, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.