Bệnh cơ tim giãn thường không có biểu hiện cụ thể ở giai đoạn đầu. Chỉ khi bệnh tiến triển mới xuất hiện các triệu chứng tương tự như bệnh suy tim. Vậy bị giãn cơ tim có nguy hiểm không? Nếu mắc bệnh cơ tim giãn sống được bao lâu? Phương pháp điều trị hiệu quả?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Bệnh cơ tim giãn là gì?
Bệnh cơ tim giãn là bệnh lý về cơ tim khiến các buồng tim bị mỏng và căng ra, làm ảnh hưởng đến tâm thất và tâm nhĩ của tim. Bệnh thường khởi phát ở buồng bơm máu chính của tim là tâm thất trái. Hoạt động bơm máu đến các bộ phận khác của tim giảm do tâm thất bị giãn ra và yếu đi.
Khi người bệnh bị giãn cơ tim, các buồng tim sẽ có phản ứng căng ra để chứa được nhiều máu hơn, sao cho đủ máu để bơm đi nuôi cơ thể. Song song với đó, thận cũng tăng cường giữ lại nước và muối natri trong cơ thể. Nếu dịch bị tích tụ lại ở gan, bàn chân, mắt cá chân, phổi hay các cơ quan khác sẽ gây ra tình trạng gan to, phù chân, khó thở, suy tim sung huyết. Không những vậy, bệnh cơ tim giãn còn có nguy cơ dẫn đến loạn nhịp tim, hở van tim, hình thành cục máu đông trong tim. (1)
Bệnh cơ tim giãn khiến các buồng tim bị mỏng và căng ra
Các nguyên nhân phổ biến gây bệnh cơ tim giãn nở gồm:
Tác dụng phụ của một số loại thuốc độc tế bào hoặc thuốc hóa trị liệu ung thư;
Bệnh động mạch vành;
Phụ nữ đang mang thai;
Các bệnh truyền nhiễm như bệnh Lyme, sốt Q, bệnh leptospirosis,…
Các bệnh mô liên kết như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống,…
Tình trạng cơ tim giãn vô căn.
Bệnh cơ tim giãn nở có thường gặp không?
Bệnh cơ tim giãn nở có thể gặp ở mọi độ tuổi. Nhưng phổ biến hơn là những người trong độ tuổi thanh niên và trung niên, khoảng 20-50 tuổi. Một số trường hợp trẻ nhỏ và người lớn tuổi cũng có thể mắc bệnh. Cơ tim giãn là bệnh lý gặp nhiều ở nam giới hơn so với nữ giới. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể tăng nguy cơ bị bệnh giãn cơ tim. Thống kê cho thấy, có khoảng 20% các trường hợp cơ tim giãn là do di truyền.
Biểu hiện thường gặp của bệnh cơ tim giãn
Phần lớn người bị cơ tim giãn chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh khi bệnh đã vào giai đoạn tiến triển. Còn ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Những biểu hiện thường gặp của bệnh cơ tim giãn nở tương tự như triệu chứng của bệnh suy tim, bao gồm:
Người bệnh bị khó thở, hụt hơi, nhất là khi gắng sức;
Người mệt mỏi, không thể thực hiện các hoạt động thể lực như bình thường;
Bị nhồi máu não do cục máu đông di chuyển từ tim lên não. (2)
Người bệnh cơ tim giãn có thể cảm thấy hụt hơi khi gắng sức
Bệnh cơ tim giãn sống được bao lâu?
Theo thống kê, có ít hơn 50% bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn nở sống được trên 5 năm sau khi điều trị và chỉ khoảng 25% người bệnh có thể kéo dài thời gian sống lên đến 10 năm. Tuy nhiên, thời gian sống của bệnh nhân bị giãn cơ tim kéo dài được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
Thời điểm phát hiện ra bệnh;
Mức độ bệnh đang ở giai đoạn đầu, bệnh trong giai đoạn tiến triển hay nặng;
Độ tuổi của người bệnh;
Các bệnh lý khác kèm theo;
Phương pháp điều trị;
Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân;
Lối sống, sinh hoạt trong và sau khi điều trị,…
Những yếu tố trên có ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân bị giãn cơ tim. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng, vì ngày nay y học hiện đại với nhiều phương pháp điều trị đem lại hiệu quả cao hơn, giúp cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tốt nhất, mỗi người nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe theo định kỳ, hoặc đến bệnh viện ngay khi nhận thấy có bất thường. Như vậy sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Bệnh cơ tim giãn có nguy hiểm không?
Bệnh cơ tim giãn nở là một trong những bệnh lý về cơ tim rất nguy hiểm và thường có tiên lượng xấu. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng, khiến cơ hội điều trị không cao. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách, có khả năng dẫn đến các biến chứng như:
Hở van tim: Khi các buồng tim bị mỏng và căng ra có thể khiến các van bị kéo căng theo, dẫn đến rò rỉ, hở van 2 lá.
Rối loạn nhịp tim: Kích thước và hình dạng của tim bị thay đổi có thể gây loạn nhịp tim bất thường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tim: Hoạt động bơm máu của tim bị cản trở, lượng máu bơm đi từ tâm thất trái không đủ cho các bộ phận khác của cơ thể. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy chức năng các cơ quan khác.
Phù: Trung ương (sung huyết phổi, gan to) và ngoại biên (phù các cơ quan như chân, tay, mặt,…)
Tăng áp động mạch phổi: Trường hợp hở van 2 lá trở nên trầm trọng, khả năng thư giãn của tim giữa các chu kỳ bơm máu bị suy giảm. Tim trở nên căng cứng hơn, máu bị trào ngược lên phổi, đưa đến sung huyết phổi và tăng áp động mạch phổi.
Hình thành huyết khối: Hoạt động bơm máu của tim bị suy yếu có thể dẫn đến hình thành cục máu đông phát triển trong tim, gây tắc nghẽn hoặc di chuyển qua mạch máu trong phổi hoặc não rất nguy hiểm.
Ngưng tim đột ngột: Bệnh cơ tim giãn có thể khiến tim ngừng đập đột ngột.
Bác sĩ sẽ dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, nghe tim và các kiểm tra cận lâm sàng khác để chẩn đoán bệnh cơ tim giãn. Trong quá trình khám, nếu nhận thấy có điểm bất thường hoặc nghi ngờ dấu hiệu của bệnh giãn cơ tim, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để có được kết quả chẩn đoán chính xác hơn như:
Xét nghiệm máu: Kết quả của việc xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ có thêm thông tin để đánh giá sức khỏe, tình trạng của tim. Đồng thời, giúp phát hiện nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa hoặc độc tố trong máu gây ra bệnh giãn cơ tim.
Điện tâm đồ: Giúp nhận biết được giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim. Các vấn đề bất thường ở tâm thất trái cũng sẽ được phát hiện nếu có như sẹo nhồi máu cơ tim.
Chụp X-quang ngực: Dựa vào hình ảnh chụp X-quang ngực, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sung huyết phổi, mạch máu và kích thước tim.
Siêu âm tim: Sử dụng để đánh giá cấu trúc và chức năng của tim. Từ đó, có thể giúp việc chẩn đoán bệnh giãn cơ tim chính xác hơn.
Chụp MRI tim: Đây là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, giúp bác sĩ khảo sát tình trạng viêm cơ tim, sợi hóa cơ tim, chức năng tâm thu của thất trái.
Chụp CT tim: Kỹ thuật này giúp tìm bệnh lý mạch vành.
Ngoài ra, một số phương pháp khác có thể dùng chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở như: thông tim, holter điện tâm đồ, trắc nghiệm gắng sức,…
Siêu âm tim là một trong các phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim giãn
Phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cơ tim giãn nở, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm:
Dùng thuốc: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ở người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho dùng kết hợp các loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế SGLT2, digoxin, thuốc làm loãng máu,… Các loại thuốc kê toa cho bệnh nhân bị giãn nở cơ tim có tác dụng cải thiện chức năng tim, điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Đặt thiết bị cấy ghép: Hai loại thiết bị thường được đặt là thiết bị tái đồng bộ tim và máy khử rung tim cấy ghép.
Phẫu thuật: Được áp dụng khi biện pháp dùng thuốc hay đặt thiết bị cấy ghép không mang lại hiệu quả cao. Các phương án phẫu thuật bao gồm: Phẫu thuật tạm thời (sửa hoặc thay van 2 lá), tim phổi nhân tạo (ECMO), dụng cụ hỗ trợ thất trái cơ học, cấy ghép tim.
Thay đổi lối sống: Người bệnh có lối sống khoa học, nghỉ ngơi, vận động và ăn uống hợp lý có thể góp phần hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh cơ tim giãn. (3)
Làm thế nào để cải thiện và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh cơ tim giãn?
Bên cạnh việc dùng thuốc, tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cơ tim giãn cần thay đổi lối sống để tăng hiệu quả điều trị và sống lâu, sống khỏe, cụ thể:
1. Chế độ sinh hoạt khoa học
Không nên hút thuốc lá, tốt nhất là tránh xa khói thuốc lá;
Hạn chế uống rượu;
Người bệnh nên đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi ngày, trung bình từ 7-8 tiếng;
Tránh áp lực quá mức trong công việc hoặc cuộc sống;
Dành thời gian thư giãn, thả lỏng tinh thần;
Điều trị các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,…
Vận động thể chất ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe;
Người bệnh nên chủ động đi kiểm tra sức khỏe định kỳ;
Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
2. Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh
Tăng cường bổ sung thêm các loại trái cây tươi, ngũ cốc, rau xanh vào chế độ ăn uống hằng ngày;
Ưu tiên sử dụng những thực phẩm có ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Kiểm soát lượng đường và muối khi chế biến món ăn;
Uống đủ nước, tránh xa các loại thức uống có chất kích thích như cà phê, nước ngọt có ga, rượu,…
Không riêng gì bệnh lý cơ tim giãn nở, khi nhận thấy sức khỏe có điều bất thường, nghi ngờ liên quan đến bệnh tim mạch, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra sớm. Dựa vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất. Đối với bệnh lý giãn nở cơ tim, nếu được chẩn đoán và phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp cho việc điều trị có hiệu quả cao hơn, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch, đặc biệt là điều trị bệnh lý cơ tim (bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thâm nhiễm, bệnh cơ tim hạn chế…).
Cùng với đó là hệ thống trang thiết bị máy móc tiên tiến, hỗ trợ cho việc chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Trung tâm còn có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Trung tâm Thận – Tiết niệu, khoa Nội tiết, khoa Nhi,… giúp chẩn đoán và điều trị toàn diện cho bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo.
Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Bệnh cơ tim giãn sống được bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ giãn nở của tim, thời gian phát hiện bệnh, phương pháp điều trị và lối sống của người bệnh sau điều trị. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để sớm nhận biết các bệnh lý liên quan đến tim mạch là rất cần thiết. Đồng thời, người bệnh cũng cần có lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ việc điều trị bệnh cơ tim giãn hiệu quả tốt hơn, giúp kéo dài được tuổi thọ.