Cảm giác hồi hộp, bất an có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp. Đây tưởng chừng như là dấu hiệu thường gặp khi bạn làm việc nặng quá sức, cơ thể mệt mỏi hoặc gặp các biến động lớn về tâm lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên với mức độ nặng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác, nguy hiểm nhất là vấn đề tim mạch.
Bài viết được tư vấn bởi ThS.BS.CKI Vũ Trần Đình Huy, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Hồi hộp là gì?
Hồi hộp là tình trạng hầu như ai cũng đã từng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Nhưng tần suất và mức độ ở mỗi người không giống nhau. Hồi hộp là cảm giác tim đập nhanh một cách bất thường, có cảm giác tim rung động, đánh trống ngực. Khi đưa tay lên ngực trái có thể cảm nhận được nhịp tim đang đập mạnh. Biểu hiện này thường xuất hiện khi chúng ta xúc động quá mức, căng thẳng, lo lắng một vấn đề nào đó, hoạt động thể chất quá sức, khi quan hệ,…
Nếu bạn tự nhiên có cảm giác hồi hộp và không kèm theo dấu hiệu bất thường nào khác thì không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hồi hộp có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về tim mạch khi tim đập nhanh hoặc chậm bất thường, tình trạng hồi hộp xuất hiện thường xuyên, kèm theo các biểu hiện khác như đau đầu, chóng mặt, khó thở, đau ngực,… Trong trường hợp này, bạn nên bình tĩnh và nhanh chóng đi khám bác sĩ. (1)
Các triệu chứng thường gặp khi bị hồi hộp
Cảm giác hồi hộp ở mỗi người thường sẽ có mức độ cùng với những dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, đa số những người hay bị hồi hộp đều sẽ có các biểu hiện như:
Tay chân bị run, người có cảm giác như kiệt sức. (2)
Rất nhiều người thỉnh thoảng gặp phải hồi hộp, lo lắng trong cuộc sống hằng ngày. Còn đối với những người bị mắc chứng rối loạn lo âu thì phải đối mặt với tình trạng này ở mức độ nghiêm trọng hơn, dai dẳng hơn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng hồi hộp
1. Nguyên nhân ngoài bệnh lý
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng hồi hộp. Những nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý thường là:
Bị căng thẳng, lo lắng trong công việc hoặc cuộc sống: Khi stress quá mức, cơ thể sẽ tăng cường tiết ra hormone adrenaline, tác dụng lên thần kinh giao cảm, khiến tim đập nhanh, gây ra cảm giác hồi hộp. Đây là lý do khiến rất nhiều người phải đối mặt với tình trạng hồi hộp, lo lắng hiện nay.
Rối loạn lo âu: Những người mắc phải chứng này thường xuyên có cảm giác khó chịu, sợ hãi mơ hồ, cảm giác ngực bị đè nặng, siết chặt, đau đầu, đứng ngồi không yên.
Lạm dụng các chất kích thích: Rượu, bia, các thức uống có chứa caffeine nếu sử dụng quá mức có thể khiến bạn bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tim đập nhanh, hồi hộp hơn.
Ăn quá nhiều socola: Mặc dù socola có thể giúp giảm căng thẳng, lo âu. Nhưng nếu bạn ăn quá nhiều trong một lúc thì nó sẽ gây tăng nhịp tim, khiến bạn càng thêm hồi hộp, thở gấp,… (3)
Phụ nữ đang mang thai hoặc ở giai đoạn mãn kinh: Trong những thời điểm này, nội tiết tố của nữ giới có nhiều thay đổi. Chính điều này gây ra chứng hồi hộp, khó chịu trong người, tim đập nhanh,… Nhưng các biểu hiện này thường chỉ xuất hiện tạm thời nên không nguy hại.
Tập luyện ở cường độ cao, lao động chân tay quá sức: Khi bạn vận dụng quá nhiều sức lực trong luyện tập thể thao, lao động có thể gây ra chứng hồi hộp, thở dốc, đánh trống ngực.
Do tác dụng phụ của thuốc: Khi sử dụng một số loại thuốc trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ là cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh như thuốc huyết áp, thuốc trị cảm cúm, hen suyễn,… Nếu có cảm giác hồi hộp nhiều sau khi dùng những loại thuốc này, người bệnh nên báo với bác sĩ.
Căng thẳng quá mức có thể gây ra cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh
Nguyên nhân do bệnh lý
Rối loạn nhịp tim: Tần số tim trở nên quá nhanh hoặc quá chậm khiến cho nhịp tim không được đều. Hoặc hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương, khiến tim co bóp không đồng bộ, gây ra tình trạng hồi hộp.
Rung nhĩ: Chứng rối loạn nhịp tim này có thể sinh ra các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, hồi hộp,…
Rối loạn thần kinh tim: Là bệnh lý lành tính, thường có các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc chậm, dễ bị hồi hộp, choáng váng, tăng huyết áp,…
Một số rối loạn nhịp tim khác như: Ngoại tâm thu, nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh thất,… có thể khiến bạn bị khó thở, hồi hộp, người mệt mỏi.
Xem thêm: Tình trạng tim đập nhanh hồi hộp có thể là do một bệnh lý nguy hiểm nào đó liên quan đến tim mạch.
Các yếu tố nguy cơ của chứng hồi hộp
Nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ hồi hộp có thể kể đến như:
Bị căng thẳng quá mức;
Thường xuyên đối mặt với cơn hoảng sợ hoặc bị rối loạn lo âu;
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh;
Sử dụng một số thuốc có tác dụng phụ khiến tim đập nhanh;
Gặp vấn đề về tuyến giáp;
Gặp các vấn đề về tim mạch;
Bị rối loạn chuyển hóa.
Hồi hộp có thể là dấu hiệu bệnh gì?
Phần lớn tình trạng hồi hộp là do tim hoạt động quá mức trong các trường hợp như: Vận động mạnh, căng thẳng, hoảng loạn, lạm dụng chất kích thích, tác dụng phụ khi dùng thuốc, phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố,… Hồi hộp trong những trường hợp này không gây ra vấn đề quá nghiêm trọng và có thể khắc phục được.
Vậy bị hồi hộp là bệnh gì? Vấn đề hồi hộp trở nên nguy hiểm khi nó là dấu hiệu của các bệnh lý như:
Bị sốt cao;
Thiếu máu;
Bệnh tuyến giáp;
Huyết áp thấp;
Bị rối loạn nhịp tim;
Rối loạn thần kinh tim;
Rung nhĩ;
Ngoại tâm thu;
Nhịp nhanh kịch phát;
Bệnh động mạch vành;
Bệnh cơ tim hoặc vấn đề về van tim.
Hồi hộp có thể là triệu chứng cảnh báo của nhiều bệnh lý, trong đó bệnh tim mạch nên được chú ý quan tâm nhất
Khi hồi hộp quá mức, cùng với sự xuất hiện các triệu chứng khác ở mức độ nặng, bạn nên nghĩ ngay đến vấn đề bệnh lý tim mạch. Do đó, bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Các biến chứng hồi hộp có thể gây ra bởi bệnh tim
Nếu hồi hộp xuất phát từ có các nguyên nhân không liên quan đến tim mạch thì hầu như sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Nếu tình trạng hồi hộp xuất phát từ các vấn đề tim mạch thì có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:
Gây ngất: Tim đập nhanh hoặc chậm một cách bất thường, huyết áp giảm nhanh chóng, có thể khiến người bệnh bị ngất. Đây có thể là dấu hiệu bệnh lý tim mạch như: bệnh tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim,…
Ngừng tim: Tự nhiên có cảm giác hồi hộp ở mức độ nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập bất ngờ.
Suy tim: Tim gặp tổn thương trong một thời gian dài, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu có thể gây suy tim. Triệu chứng hồi hộp trong trường hợp này là khó tránh khỏi.
Đột quỵ: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm khi hồi hộp xuất phát từ nguyên nhân là rung nhĩ. Sự hình thành các cục máu đông có thể gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Cách chẩn đoán chứng hồi hộp
Để xác định được đâu là nguyên nhân khiến bạn bị hồi hộp, trước tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng. Bác sĩ tiến hành kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể để xem bạn có bị sốt, huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy máu như thế nào. Đồng thời, kiểm tra xem tình trạng hồi hộp có phải là dấu hiệu của cường giáp hay bệnh thiếu máu hay không. Các vấn đề liên quan đến tim mạch sẽ được bác sĩ xem xét kỹ lưỡng.
Nếu sau khi khám lâm sàng, bác sĩ có kết luận hồi hộp không liên quan đến vấn đề tim mạch, không gây nguy hại thì bạn có thể yên tâm. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu bất thường khác, bác sĩ sẽ kiểm tra chuyên sâu hơn để củng cố chẩn đoán bằng các phương pháp:
Điện tâm đồ: Kỹ thuật này ghi lại tín hiệu điện trong tim, giúp phát hiện những vấn đề bất thường nhịp tim và theo dõi sức khỏe tim mạch của người bệnh.
Holter điện tâm đồ: Ghi lại điện tâm đồ trong suốt thời gian người bệnh đeo máy trên ngực, giúp bác sĩ xác định được triệu chứng lâm sàng của rối loạn nhịp tim.
Xét nghiệm máu: Nhằm loại trừ nguyên nhân hồi hộp, tim đập nhanh là do bệnh cường giáp hoặc thiếu máu.
Thực hiện nghiệm pháp gắng sức: Kiểm tra lưu lượng máu từ động mạch vành (mạch máu nuôi tim) đến tim có đảm bảo hay không, giúp xác định được các biểu hiện như đau đầu, hồi hộp, khó thở có phải liên quan đến tim mạch hay không.
Sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như: Chụp X-quang, siêu âm tim, chụp MRI tim,…
Thực hiện nghiệm pháp gắng sức để chẩn đoán chứng hồi hộp
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi bạn thỉnh thoảng có cảm giác hồi hộp, kéo dài trong vài giây và không có thêm các dấu hiệu nào khác thì không cần phải quá lo lắng. Lúc này, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, bình tĩnh lại và hít thở sâu để điều chỉnh lại nhịp tim ổn định. Trong trường hợp bạn có tiền sử về các bệnh lý liên quan đến tim mạch, cơn hồi hộp ở mức độ nặng thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay.
Ngoài ra, nếu bạn hay bị hồi hộp, kèm với các biểu hiện sau thì cần gặp bác sĩ để được kiểm tra chuyên sâu hơn:
Khó thở;
Đau tức ngực;
Nhịp tim không đều;
Chóng mặt;
Đổ nhiều mồ hôi, chân tay run;
Người không còn sức lực;
Ngất xỉu.
Cách để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng hồi hộp
Để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng hồi hộp, bạn có thể thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Thay đổi lối sống phù hợp giúp cải thiện tình trạng hồi hộp
Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;
Không nên thức quá khuya, tập thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc mỗi ngày;
Tránh căng thẳng thần kinh, áp lực quá mức;
Hạn chế các thức uống có chứa caffeine như cà phê, rượu, bia,…;
Tập luyện thể thao đều đặn, mức độ tập phù hợp với thể trạng. (4)
2. Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cân bằng sức khỏe
Dinh dưỡng cân đối cả 4 nhóm chất thiết yếu;
Ưu tiên tăng cường trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá,…;
Hạn chế tối đa những thực phẩm được chế biến nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng,…;
Giảm lượng muối và đường tinh luyện trong chế biến thức ăn hằng ngày.
3. Tuân thủ điều trị chứng hồi hộp và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ
Nếu bạn đang điều trị bệnh, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh việc lạm dụng hoặc tự ý uống thuốc mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ vì một số thuốc có thể gây tác dụng phục là hồi hộp, tim đập nhanh. Đồng thời, bạn cần kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh, khả năng phục hồi và kịp thời xử lý nếu có bất thường.
Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ khám, điều trị uy tín được nhiều người lựa chọn khi gặp các vấn đề về tim mạch với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hiện đại như máy siêu âm tim 4D, máy chụp CT 768 lát cắt, máy chụp MRI 1,5-3T, máy chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền hiện đại…
Bạn có thể liên hệ đặt lịch khám và điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo thông tin sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Cảm giác thỉnh thoảng bị hồi hộp có thể chỉ là dấu hiệu bình thường, không đáng ngại. Tuy nhiên, trường hợp hồi hộp xuất hiện với tần suất thường xuyên kèm theo các biểu hiện bất thường khác, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị tối ưu.