Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu có tiên lượng sống khả quan nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Globocan 2020 (cơ sở dữ liệu ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế), ung thư phổi là bệnh lý ung thư gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới và đứng thứ 2 tại Việt Nam. Ung thư phổi được chia làm 2 nhóm chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC: non–small cell lung cancer) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC: small cell lung cancer).
Ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm 85% các trường hợp ung thư phổi. Trong đó, 3 loại giải phẫu bệnh thường gặp bao gồm: (1)
Theo hướng dẫn của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ phiên bản 8 năm 2017 (AJCC: the American Joint Committee on Cancer), ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân giai đoạn dựa trên đặc điểm của 3 yếu tố: (2)
Dựa trên các yếu tố T, N, M, ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân giai đoạn từ 0 đến IV. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu (còn gọi là giai đoạn sớm) là giai đoạn khối u có kích thước nhỏ, chưa xâm lấn các cấu trúc xung quanh, có thể di căn các hạch bạch huyết lân cận (hạch trong phổi, hạch rốn phổi, hoặc hạch cạnh phế quản cùng bên), nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng không rõ ràng. Theo Mạng lưới Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN: National Comprehensive Cancer Network), ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu là giai đoạn từ 0 đến IIB.
Xem thêm: 4 giai đoạn ung thư phổi: Cách đánh giá và chẩn đoán chi tiết.
Hầu hết các trường hợp ung thư phổi được chẩn đoán vào giai đoạn III, IV. Nguyên nhân chủ yếu là do các triệu chứng ban đầu thường mơ hồ và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Bệnh nhân có thể không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cho đến khi được phát hiện bệnh. Một số triệu chứng bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu có thể gặp phải bao gồm:
Đa số bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám các bệnh lý khác như viêm phổi, viêm phế quản… Sau khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định ung thư.
Một số phương tiện được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn đầu bao gồm:
Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện CT scan bụng, PET-CT, xạ hình xương (Bone scan)… nếu cần thiết để đánh giá chính xác giai đoạn bệnh.
Để chẩn đoán ung thư phổi, hiện nay “tiêu chuẩn vàng” là kết quả sinh thiết từ khối u hoặc hạch (giải phẫu bệnh). Sau khi phát hiện tổn thương phổi hoặc hạch trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, tùy vị trí của khối u hoặc hạch mà bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện một trong các biện pháp sinh thiết sau: sinh thiết bằng kim dưới sự hướng dẫn của CT, hoặc nội soi phế quản.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể đề nghị một số phương pháp như siêu âm qua ngả nội soi phế quản, siêu âm qua nội soi thực quản, nội soi trung thất, nội soi lồng ngực để đánh giá tình trạng di căn hạch.
Sau khi có chẩn đoán xác định ung thư phổi từ kết quả sinh thiết, bệnh nhân sẽ cần thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm đánh giá chức năng hô hấp… nhằm đánh giá toàn diện thể trạng và các bệnh lý đi kèm. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đột biến gen bằng mẫu mô được sinh thiết hoặc mẫu máu, để cân nhắc việc sử dụng thuốc hỗ trợ sau phẫu thuật bằng liệu pháp miễn dịch hoặc nhắm trúng đích.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu có tiên lượng sống khả quan, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt 92% ở giai đoạn I. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và các hướng dẫn chăm sóc của nhân viên y tế, đồng thời nên cai thuốc lá (nếu có sử dụng), duy trì lối sống lành mạnh và giữ tinh thần lạc quan để việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các Hiệp hội Ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (còn gọi là điều trị đa mô thức), nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Đồng thời, việc đưa ra kế hoạch điều trị còn tùy thuộc từng trường hợp bệnh nhân cụ thể (điều trị cá thể hóa). Ngoài giai đoạn bệnh, việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: đặc điểm khối u, kết quả giải phẫu bệnh và đột biến gen, đáp ứng điều trị, thể trạng, bệnh lý đi kèm, tâm lý và nguyện vọng của bệnh nhân…
Các phương pháp điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu bao gồm:
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính yếu đối với ung thư phổi giai đoạn đầu. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các phương pháp phẫu thuật có thể được lựa chọn bao gồm: cắt hình chêm, cắt thùy phổi chứa u kèm nạo hạch vùng.
Hiện nay, phẫu thuật nội soi lồng ngực có sự hỗ trợ video (VATS: video-assisted thoracic surgery) dần trở nên phổ biến hơn so với phương pháp mổ hở truyền thống. VATS có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mở truyền thống như: đường rạch da nhỏ, ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân phục hồi sau mổ nhanh hơn…
Sau phẫu thuật, toàn bộ phần bệnh phẩm bao gồm khối u + mô phổi khỏe mạnh + hạch thu được khi phẫu thuật sẽ được gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh, để đánh giá về tính chất tế bào, mức độ xâm lấn của khối u trên vi thể, rìa diện cắt còn u hay không, hạch có bị tế bào ung thư di căn hay không. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, bệnh nhân có thể được theo dõi, hoặc cần phẫu thuật lần hai, hoặc tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật như xạ trị, sử dụng các thuốc toàn thân (hóa trị, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích).
Xạ trị thường được cân nhắc khi bệnh nhân không đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật, xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị (hóa-xạ đồng thời).
Trường hợp bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật, việc quyết định có cần xạ trị sau phẫu thuật hay không cần phải được cân nhắc giữa lợi ích đạt được và nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu phần rìa diện cắt u phổi vẫn còn tế bào ung thư (còn gọi là diện cắt dương tính) và bệnh nhân không đủ sức khỏe tiến hành phẫu thuật lần 2, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị +/- hóa trị nếu cần.
Các phương pháp xạ trị chính bao gồm: xạ trị lập thể định vị thân (SBRT), xạ trị 3D-CRT (xạ trị 3D theo hình dạng khối u), xạ trị điều biến liều (IMRT)… Trong đó, phổ biến nhất là xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) được áp dụng khi khối u chưa lan ra ngoài phổi.
Hóa trị là một liệu pháp điều toàn thân, truyền hóa chất qua đường tĩnh mạch hoặc dùng dưới dạng uống để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Hóa trị chủ yếu có vai trò hỗ trợ sau phẫu thuật hoặc xạ trị, nhằm giảm nguy cơ tái phát và cải thiện tiên lượng sống còn cho bệnh nhân. Các phác đồ hóa trị hỗ trợ thường bao gồm nhóm Platinum (Cisplatin, Carboplatin) kết hợp với một thuốc hóa trị khác (Gemcitabine, Docetaxel, Pemetrexed…). Việc lựa chọn phác đồ hóa trị sẽ dựa trên kết quả giải phẫu bệnh và điều kiện sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân.
Gần đây, các hiệp hội ung thư khuyến cáo về việc đánh giá khả năng điều trị tân hỗ trợ (điều trị trước phẫu thuật), bằng cách kết hợp thuốc hóa trị với liệu pháp miễn dịch (Nivolumab). Các trường hợp được khuyến cáo bao gồm khối u ≥ 4cm hoặc có di căn hạch, đồng thời bệnh nhân không có chống chỉ định với liệu pháp miễn dịch.
Trước đây, liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng trong các trường hợp ung thư phổi giai đoạn trễ, đã có di căn xa. Nhưng hiện nay, liệu pháp nhắm trúng đích như Osimertinib (Tagrisso) có thể áp dụng trong điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật, nhằm cải thiện thời gian sống còn cho bệnh nhân có đột biến gen phù hợp.
Liệu pháp miễn dịch được xem là kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư. Việc sử dụng Atezolizumab (Tecentriq) hoặc Pembrolizumab (Keytruda) duy trì sau hóa trị hỗ trợ đã cho thấy sự hiệu quả trong việc cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân có đột biến gen phù hợp.
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư phổi tại khoa Ung bướu, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Bác sĩ Vũ Trần Minh Nguyên khuyến cáo những người có nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, hút thuốc lá nhiều (≥ 20 gói.năm)… nên chủ động khám tầm soát để có thể phát hiện ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn đầu. Bắt đầu cai thuốc lá ngay từ hôm nay là điều cần thiết đối với cả bệnh nhân và người khỏe mạnh, nhằm hạn chế nguy cơ bệnh ung thư phổi và các bệnh lý khác.