Ung thư hắc tố da sống được bao lâu là thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân và gia đình khi nhận chẩn đoán mắc ung thư hắc tố. Ung thư hắc tố có khả năng tiến triển nhanh và di căn xa đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Tuy nhiên, đây là bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Hiểu về cách tính tỷ lệ sống còn sau 5 năm ung thư
Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà người bệnh ung thư thường đặt ra cho bác sĩ điều trị là “Tôi còn sống được bao lâu nữa?”. Để trả lời được câu hỏi này cho người bệnh, bác sĩ điều trị sẽ dựa vào những số liệu thống kê.
Số liệu thống kê là những con số mô tả xu hướng của một sự kiện khi đo, đếm, tính toán trên một số lượng lớn bệnh nhân (ví dụ như tỷ lệ tử vong, thời gian sống mà bệnh không tiến triển, thời gian sống không bệnh = khoảng thời gian từ khi điều trị lui bệnh hoàn toàn đến khi bệnh tái phát…).
Thống kê thời gian sống của bệnh ung thư thường dựa trên những yếu tố điển hình như loại ung thư, giai đoạn ung thư được phát hiện, tuổi tác của người bệnh, khoảng thời gian đo lường (như thời gian sống 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm…). Tùy vào loại ung thư, giai đoạn ung thư, người ta sẽ đặt ra các giới hạn thời gian sống phù hợp để đo lường và thống kê lại nhằm đưa ra những con số mô tả xu hướng tử vong của bệnh là thấp hay cao, dài hay ngắn…
Thời gian sống là một trong những yếu tố của tiên lượng bệnh. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào loại bệnh, giai đoạn bệnh, mức độ đáp ứng điều trị, khả năng hồi phục sau điều trị…. Bệnh có tiên lượng xấu nghĩa là khả năng hồi phục sức khỏe của người bệnh thấp, tỷ lệ tử vong cao và ngược lại. Tỷ lệ sống là tỷ lệ phần trăm số bệnh nhân còn sống sau một khoảng thời gian nhất định. Tỷ lệ sống có thể đo lường bất kỳ khoảng thời gian dài hay ngắn (1 năm, 5 năm hay 10 năm…). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thường sử dụng mốc 5 năm nhất để đo lường tỷ lệ sống cho người bệnh ung thư. Tỷ lệ sống 5 năm có nghĩa là phần trăm người bệnh còn sống sót sau 5 năm kể từ thời điểm có chẩn đoán ung thư. Tỷ lệ này không bao gồm những bệnh nhân tử vong vì nguyên nhân khác không phải liên quan bệnh ung thư.
Ví dụ:
Tỷ lệ sống 5 năm đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung là 66%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân có chẩn đoán ung thư cổ tử cung thì sau 5 năm có khoảng 66 bệnh nhân vẫn còn sống.
Tỷ lệ sống 5 năm đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm là 92%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân có chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thì sau 5 năm có khoảng 92 bệnh nhân vẫn còn sống.
Các bác sĩ thường sử dụng tỷ lệ sống 5 năm để đánh giá và so sánh các lựa chọn điều trị. Họ coi tỷ lệ sống là một dấu hiệu tốt cho những điều sau:
Ung thư có đáp ứng với phác đồ điều trị hay không;
Liệu việc điều trị có giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh hay không.
Tại Hoa Kỳ, chương trình có tên gọi Giám sát, dịch tễ học và kết cục cuối cùng (SEER – Surveillance, Epidemiology, and End Results) là một trong những nguồn thông tin về thống kê bệnh ung thư đáng tin cậy nhất. Chương trình này thu thập thông tin, xử lý và cung cấp các số liệu thống kê về bệnh ung thư nhằm góp phần trong việc nỗ lực làm giảm gánh nặng bệnh tật cho công dân Mỹ. SEER được bảo trợ bởi Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI – National Cancer Institute). (1)
Mức độ ảnh hưởng của ung thư hắc tố đến các lớp (thượng bì, trung bì, biểu bì) của da.
Ung thư hắc tố sống được bao lâu?
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC – American Joint Committee on Cancer) năm 2009, tiên lượng của ung thư hắc tố da tại chỗ với bề dày khối u < 1mm nhìn chung rất khả quan, tỷ lệ sống 5 năm là trên 90%. Với khối u > 1mm, tỷ lệ sống 5 năm dao động từ 50-90% tùy thuộc độ dày, loét da và tỷ lệ phân chia tế bào của khối u ác tính. Khi khối u đã di căn hạch vùng, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm một nửa, dao động từ 20-70%, tùy thuộc vào mức độ và gánh nặng của hạch di căn. Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư hắc tố da đã di căn xa là khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện nay đã có thêm nhiều liệu pháp điều trị toàn thân cho ung thư hắc tố da giai đoạn tiến xa giúp kéo dài thêm thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. (2)
Nhìn chung, tiên lượng sống đối với bệnh nhân ung thư hắc tố da tương đối khả quan nếu được phát hiện và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư vẫn có thể sống hơn thời gian dự đoán 5 năm, thậm chí trên 10 năm. Tỷ lệ sống sau điều trị ung thư hắc tố da còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, đối với băn khoăn “Ung thư hắc tố da sống được bao lâu?”, người bệnh chỉ nên xem các số liệu đề cập trên là một yếu tố tham khảo; và nên tham vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Ung thư da hắc tố sống được bao lâu phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn phát hiện bệnh, sức khỏe người bệnh…
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư hắc tố?
Ung thư hắc tố sống được bao lâu? Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư hắc tố tương đối khả quan nếu phát hiện và can thiệp điều trị vào giai đoạn sớm. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh nhân ung thư hắc tố sống được bao lâu gồm: (3)
Giai đoạn khối u: Gần 100% bệnh nhân có thể sống qua 5 năm nếu phát hiện ung thư sắc tố giai đoạn sớm và can thiệp điều trị triệt để kịp thời. Tuy nhiên, nếu ung thư di căn đến các cơ quan xa như não, xương, tỷ lệ sống thêm 5 năm trở lên đối với bệnh nhân ung thư hắc tố giảm xuống dưới 25%.
Thể trạng, sức khỏe tổng quát của người bệnh: Người bệnh càng khỏe, ít bệnh nền càng có nhiều cơ hội tham gia các phương pháp điều trị cần thiết, tối ưu hiệu quả. Ngoài ra những người có hệ miễn dịch suy giảm như mắc hội chứng suy giảm miễn dịch HIV, người sau cấy ghép tạng… có nguy cơ tử vong cao hơn so với người không.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hắc tố
Trong quá trình điều trị ung thư hắc tố da, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với hiệu quả điều trị. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, duy trì thể trạng khỏe mạnh và tăng tốc độ phục hồi. (4)
Bệnh nhân ung thư sắc tố cần ăn uống cân đối nhóm chất dinh dưỡng.
Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh điều trị ung thư sắc tố như:
Duy trì cân nặng ổn định: Người bệnh cần tránh tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều trong suốt quá trình điều trị. Đối với người bệnh đang điều trị triệt căn khối u ác tính, phương pháp ăn kiêng không được khuyến nghị. Giảm cân có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng cơ thể.
Chia nhỏ bữa ăn: Người bệnh có thể chia thành 6-8 bữa ăn hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ calo, protein và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Các bữa ăn nhỏ trong ngày giúp cải thiện các tác dụng phụ như biếng ăn, buồn nôn của người bệnh trong quá trình hóa trị, xạ trị…
Sử dụng các thực phẩm giàu protein: Protein có tác dụng sửa chữa tế bào và mô, thúc đẩy hệ thống miễn dịch phục hồi sau khi bệnh. Các protein nạc tốt bao gồm: thịt gà, cá, trứng và các sản phẩm làm từ sữa, các loại hạt và đậu, thực phẩm làm từ đậu nành,…
Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Nguồn ngũ cốc này giúp cung cấp carbohydrate và chất xơ tốt, duy trì năng lượng cho cơ thể. Bạn có thể bổ sung các loại hạt ngũ cốc nguyên hạt như cháo bột yến mạch, bánh mì nguyên cám, gạo lứt, mì ống…
Tăng cường rau xanh và trái cây tươi: Đây là những loại thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống tại các tế bào ung thư.
Sử dụng nguồn chất béo lành mạnh: Bạn cần tránh các thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thay vào đó là luộc hoặc quay, nướng. Các chất béo lành mạnh bao gồm dầu olive, bơ, dầu đậu nành…
Hạn chế đường bổ sung, đồ ngọt: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường ít mang lại giá trị dinh dưỡng, chiếm chỗ của các thực phẩm tốt đối với cơ thể.
Uống đủ nước: Người bệnh cần duy trì cung cấp nước cho cơ thể từ 2-2,5 lít mỗi ngày. Bạn không nên sử dụng các loại đồ uống chứa cafein hoặc nước ngọt.
Tránh sử dụng rượu, bia: Rượu, bia và những đồ uống có cồn có thể làm mất nước cũng như hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Ung thư hắc tố da được chẩn đoán như thế nào?
Phát hiện sớm ung thư hắc tố quyết định đến tỷ lệ điều trị thành công. Tuy nhiên hầu hết các trường tiến hành thăm khám khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. Phần nào ảnh hưởng đến kết quả điều trị cuối cùng.
Nếu trên da xuất hiện các vết bất thường hoặc nốt ruồi biến đổi, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được kiểm tra sàng lọc.
Sau khi hỏi về bệnh sử, tiền căn bản thân, tiền căn gia đình và kiểm tra tổng quát sức khỏe của người bệnh, nếu có nghi ngờ người bệnh có thể mắc ung thư hắc tố da, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết:
Sinh thiết da: Thủ thuật này tương đối đơn giản, được áp dụng phổ biến trong việc chẩn đoán các rối loạn về da, đặc biệt là ung thư da. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu da để đem đi xét nghiệm tế bào học. Tùy vào tính chất của tổn thương (vị trí, kích thước, bề dày, bề mặt…), bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp sinh thiết khác nhau, người bệnh có thể sẽ được gây tê tại chỗ.
Sinh thiết eclipse: Kỹ thuật này cắt tổn thương nghi ngờ theo hình thoi hay hình bầu dục. Vết cắt này sẽ bao gồm cả phần da nhìn có vẻ bình thường bên ngoài viền của tổn thương (phần da nhìn có thể bình thường này còn được gọi là diện cắt).
Sinh thiết bấm: Bác sĩ sử dụng một thiết bị cầm tay đặc biệt bấm một lỗ nhỏ thông qua các lớp trên cùng của da để lấy một mẫu mô cần sinh thiết. Đôi khi, bác sĩ sẽ cần lấy nhiều hơn một mẫu mô đối với các tổn thương lớn mà không thể mổ cắt trọn sinh thiết.
Sinh thiết cạo: Sinh thiết cạo có thể là cạo nông hoặc cạo sâu. Đối với các tổn thương da nghi ngờ là ung thư nên được sinh thiết cạo sâu lấy cả phần thượng bì và một phần trung bì.
Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu nghi ngờ ung thư hắc tố da đã di căn xa cần chụp cắt lớp vi tính CT tầm soát toàn thân giúp tìm các vị trí bị ảnh hưởng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này còn gọi là chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging), là sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy tính để phác họa hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể; đặc biệt hữu ích trong việc khảo sát mô mềm và hệ thần kinh. MRI giúp đánh giá chuẩn xác và khách quan về mức độ xâm lấn của khối u vào mô mềm xung quanh.
Chụp PET-CT: Phương pháp này nhằm đánh giá di căn hạch bạch huyết và các cơ quan khác của cơ thể (cách xa vị trí da có chứa khối u ác tính ban đầu) trong trường hợp khó xác định trên các xét nghiệm hình ảnh như CT hay MRI.
Xét nghiệm máu: Chỉ định này nhằm đo nồng độ Lactate Dehydrogenase (viết tắt là LDH, là một protein được tìm thấy trong hầu hết các tế bào). LDH tăng cao gợi ý khối u có thể đã lan ra các vị trí khác trong cơ thể. Tuy nhiên LDH có độ đặc hiệu không cao, nghĩa là bệnh đã di căn xa nhưng LDH không tăng, hoặc LDH tăng nhưng bệnh chưa di căn xa. Các xét nghiệm khác giúp đánh giá tổng quát cho người bệnh trước khi điều trị bao gồm công thức máu, đông máu toàn bộ, chức năng gan, thận, điện giải đồ…
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư hắc tố da tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Với thắc mắc ung thư hắc tố sống được bao lâu, dữ liệu từ các thống kê cho thấy ung thư hắc tố da có thể điều trị triệt căn, tiên lượng sống có thể lên đến gần 100% đối với trường hợp bệnh nhân phát hiện và can thiệp điều trị sớm. Do đó tầm soát và sàng lọc ung thư hắc tố da được khuyến nghị đối với các đối tượng nguy cơ cao.