Ung thư da là một căn bệnh phổ biến với khoảng 325.000 trường hợp mắc mới mỗi năm. Không giống các loại ung thư ác tính khác, ung thư da là bệnh lý có thể phòng ngừa bằng cách duy trì các thói quen hạn chế tiếp xúc ánh nắng Mặt Trời. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu khuyến nghị một số biện pháp phòng chống ung thư da bạn có thể thực hiện.
Nguyên nhân gây ung thư da chưa được xác định rõ ràng. Các báo cáo cho thấy bức xạ tia cực tím có liên quan nhiều nhất đến các trường hợp ung thư da. Các tia bức xạ thường có trong ánh sáng Mặt Trời, đèn tắm nắng, các loại đèn phát ra tia cực tím như đèn hồ quang carbon, thủy ngân…
Một số hội chứng di truyền được đánh giá làm tăng nguy cơ mắc ung thư da như bệnh khô da sắc tố, hội chứng Gardner, hội chứng Torres, hội chứng tế bào đáy dạng sợi nơ-vi (Nevoid basal cell syndrome)…
Những người mắc các bệnh lý liên quan da trước đó như dày sừng ánh sáng, Bowen, nhiễm virus u nhú ở người HPV, viêm da mạn tính, vết sẹo bỏng, vết lở loét lâu liền… cũng được cho có nguy cơ cao mắc ung thư da.
Những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư như arsen (thạch tín), nhựa đường, nhựa than đá, dầu nhờn, thuốc trừ sâu… cũng cần được theo dõi.
Ung thư da có thể gây tử vong, tuy nhiên trường hợp này thường rất hiếm xảy ra đối với ung thư da không phải u hắc tố ác tính. Tiên lượng điều trị và hồi phục sức khỏe đối với bệnh nhân ung thư da phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau: toàn trạng sức khỏe người bệnh, loại ung thư da, thời điểm chẩn đoán bệnh, phương pháp điều trị… Hiện nay, ung thư hắc tố là loại ung thư ác tính nguy hiểm nhất, có khả năng di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể và có tiên lượng điều trị nghèo nàn nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. (1)
Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) và ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) thường không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tiên lượng sống thêm sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư da không phải khối u ác tính gần 100%.
Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) và ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) có thể điều trị triệt căn khối u nếu bệnh được phát hiện vào giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, điều trị ung thư có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2020 , ung thư hắc tố da chiếm khoảng 325.000 ca mắc mới, với 57.000 ca tử vong trên toàn cầu. Ung thư sắc tố da tương đối ít gặp ở các nước châu Á và châu Phi, chủ yếu diễn ra ở chủng tộc da trắng.
Theo thống kê từ chương trình SEER do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ duy trì, tiên lượng sống còn sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư hắc tố đạt trên 99% nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Nếu khối u di căn đến các cơ quan khác như gan, phổi, tiên lượng sống 5 năm giảm còn khoảng 32 %.
Tỷ lệ sống thêm tương đối sau 5 năm chỉ mang ý nghĩa thống kê ước tính dựa trên nhóm người có cùng loại bệnh, giai đoạn bệnh… Tỷ lệ sống thêm của mỗi cá nhân còn phụ thuộc vào yếu tố sức khỏe, tuổi tác và phương pháp, công nghệ điều trị.
Ung thư da là bệnh lý có thể phòng ngừa và cơ hội điều trị, phục hồi rất tốt nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm. Hầu hết trường hợp bệnh nhân ung thư da có liên quan đến việc tiếp xúc tia bức xạ cực tím trong thời gian dài, đặc biệt là da tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. Do đó, các biện pháp phòng chống ung thư da thường tập trung vào giảm thiểu thời gian và ảnh hưởng trực tiếp của tia cực tím đối với da. (2)
Một số biện pháp phòng chống ung thư da phổ biến gồm:
Cường độ ánh nắng Mặt Trời nguy hại nhất được báo cáo rơi vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ mỗi ngày. Thậm chí ánh nắng Mặt Trời đến 16 giờ vào mùa hè hoặc dự đoán ngày có mức UV độ 3 trở lên vẫn có hại đối với làn da. Vào những ngày trời nhiều mây, lượng bức xạ tia cực tím vẫn tác động xấu tới làn da do mây không có khả năng cản bớt tia UV.
Các tia nắng cường độ cao có thể gây các tổn thương ban đầu cho làn da như bỏng da, cháy nắng, khô da, lão hóa. Nếu thời gian tiếp xúc ánh nắng Mặt Trời tiếp tục kéo dài, nguy cơ mắc ung thư da là rất cao.
Đối với trẻ sơ sinh, không nên tắm nắng cho bé quá lâu do làn da bé còn mỏng, dễ bị bỏng. Nên giảm thiểu thời gian trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, đặc biệt là vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Trẻ cần được che chắn cẩn thận để bảo vệ khỏi tia cực tím. Tuyệt đối không được sử dụng kem chống nắng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Biện pháp phòng chống ung thư da bằng kem chống nắng là khuyến nghị phổ biến nhất. Sử dụng kem chống nắng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày có dự báo chỉ số UV mức 3 trở lên. Kem chống nắng cần được bôi 20 phút trước khi tiếp xúc với tia cực tím để làn da có hàng rào bảo vệ như mong muốn. Kem chống nắng nên được bôi toàn thân và bôi nhắc lại cách mỗi 2 giờ. Nếu đổ mồ hôi nhiều hoặc bơi lội, khoảng cách bôi lại kem chống nắng khoảng 1 giờ.
Thoa kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SPF từ 30 trở lên, có khả năng chống tia UVA và UVB. Bạn nên sử dụng kem chống nắng có thành phần Parsol 1789 (avobenzone) hoặc titan dioxide trên nhãn sản phẩm. Đồng thời thoa son dưỡng môi có chỉ số SPF 15+. (3)
Thời gian phơi nắng để tổng hợp vitamin D chỉ nên kéo dài tối đa 15 phút. Việc kéo dài thời gian tắm nắng không giúp quá trình tổng hợp vitamin D của cơ thể tăng lên. Ánh sáng Mặt Trời trước 8 giờ sáng được xem là khoảng thời gian tốt nhất để tắm nắng.
Kem chống nắng không phải là “áo giáp” toàn diện giúp giảm thiểu tác hại của tia UV đối với làn da cơ thể. Vì vậy bên cạnh sử dụng kem chống nắng, mỗi người nên che chắn kỹ càng với quần áo bảo hộ, mũ rộng vành, kính râm chống tia UV.
Nên che chắn kỹ càng với quần áo bảo hộ, mũ rộng vành và kính râm chống tia cực tím. Quần áo sợi dệt và tối màu thường bảo vệ da tốt hơn. Nếu đang sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác, bạn có thể liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn liệu loại thuốc đang sử dụng có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng Mặt Trời hay không. (4)
Không nên sử dụng giường tắm nắng nhân tạo bởi tia UV phát ra từ đèn có khả năng gây ra ung thư da. Bạn có thể liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia nếu có ý định nhuộm da.
Để phòng chống ung thư da trong môi trường làm việc, nên hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại có trong nhựa đường, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, nhựa than đá, dầu nhờn… Trong trường hợp phải làm việc, tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất, nên sử dụng các loại quần áo bảo hộ chuyên dụng nhằm hạn chế tối thiểu hóa chất ảnh hưởng đến các vùng da trên cơ thể. (5)
Bạn có thể kiểm tra cơ thể thường xuyên để sớm phát hiện các vùng da bất thường. Các khu vực như mặt, cổ, tai, cánh tay, khuỷu tay, bàn chân, khuỷu chân… là những khu vực thường xuất hiện các vết tổn thương da. Đối với những vùng da khó quan sát như lưng, mông, bẹn, có thể sử dụng gương để quan sát.
Thăm khám da nói riêng và sức khỏe định kỳ nói chung nên được thực hiện ít nhất mỗi năm 1 lần và 2 lần đối với những người có yếu tố nguy cơ cao. Nếu trên da xuất hiện các tổn thương không rõ nguyên nhân và quá 2 tuần không khỏi, cần nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu và da liễu để được bác sĩ chẩn đoán.
Ung thư da không phải u hắc tố có tiên lượng sống và điều trị tốt. Tuy nhiên mỗi người không nên chủ quan từ chối các phương pháp điều trị làm ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ.
Ung thư da có thể phát hiện sớm bằng việc quan sát và phát hiện các dấu hiệu bất thường, tổn thương da lâu lành. Nếu phát hiện các triệu chứng lạ trên da như xuất hiện các mảng, nốt sần, ửng đỏ, vùng da đau rát, lở loét… cần nhanh chóng đến các bệnh viện chuyên khoa Ung bướu, Da liễu để kiểm tra và theo dõi tình trạng bệnh.
Tầm soát ung thư mỗi 6 tháng/lần được đánh giá giúp phát hiện ung thư một cách chính xác. Bạn nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa ung bướu và da liễu để sớm phát hiện và có hướng điều trị phù hợp.
Tại BVĐK Tâm Anh, khi đặt dịch vụ khám và tầm soát ung thư da, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư da tại BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Các thói quen và biện pháp phòng chống ung thư da là cách giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt với khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm tại Việt Nam. Nếu da xuất hiện các vùng tổn thương lâu lành, kéo dài trên 2 tuần, cần nhanh chóng thăm khám tại các phòng khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.