Ngoài sữa mẹ, sữa công thức là một trong những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất cần thiết và năng lượng cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy không phải là một tình trạng hiếm gặp. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Trẻ cần được điều trị thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Sữa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ như giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng chiều cao,…Một số trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa công thức có thể do các nguyên nhân dưới đây:
Cơ thể không dung nạp lactose là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa. Lactose là một loại đường trong sữa và các chế phẩm từ sữa động vật, có vai trò cung cấp glucose cho các hoạt động của não bộ và cơ thể, kích thích sự phát triển của lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch. Khi trẻ không dung nạp được lactose, lượng lactose này sẽ chuyển hóa thành acid lactic, khiến trẻ bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng như phân chua, da quanh hậu môn hăm đỏ, trướng bụng,…Trẻ càng tiêu thụ nhiều lactose, tình trạng tiêu chảy và các triệu chứng càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân khiến trẻ không dung nạp lactose:
Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng cơ thể trẻ coi đạm sữa bò là một tác nhân gây hại, từ đó, kích thích sản xuất IgE để phản ứng với các protein này và gây ra các triệu chứng như nổi mẩn, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng thường sẽ xuất hiện trong 1 – 2 giờ sau khi trẻ uống sữa. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, các triệu chứng diễn ra nặng nề hơn, có thể có nôn mửa, tiêu chảy mạnh, phân có máu và dịch nhầy.
Tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ có nguy cơ xảy ra cao ở trẻ dưới 1 tuổi và thường sẽ tự hết sau khi trẻ được khoảng 5 tuổi. Thống kê cho thấy, có khoảng 2 – 7.5% trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị dị ứng đạm sữa bò, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại dị ứng thường gặp ở trẻ. Đa số các loại sữa công thức hiện có trên thị trường đều chứa đạm sữa bò là thành phần chính.
Hơn nữa, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền. Trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng đạm sữa bò cao nếu sinh ra trong gia đình có tiền sử bị dị ứng với thức ăn, thuốc, bị hen, viêm mũi dị ứng và viêm da cơ địa.
Hiện nay, trên thị thường có nhiều loại sữa giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc bị trộn lẫn với sữa thật. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, dễ bị tổn thương. Do đó khi uống sữa kém chất lượng, trẻ rất dễ bị tiêu chảy.
Ở mỗi độ tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác nhau, trẻ có thể chỉ phù hợp với một số thành phần nhất định trong sữa. Đối với các thành phần không phù hợp, trẻ có thể bị dị ứng, kém dung nạp, rối loạn tiêu hóa.
Không tiệt trùng dụng cụ pha sữa trước khi dùng, không rửa tay với dung dịch khử khuẩn trước khi pha sữa, để sữa qua đêm hoặc để trong thời gian quá dài,… là những yếu tố tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn và virus xâm nhập. Điều này có thể gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, việc pha sữa quá đặc cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tiêu chảy ở trẻ.
Quá trình lưu trữ không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa. Nếu hộp sữa không được đậy kín, trong môi trường ẩm ướt hoặc có nhiệt độ cao, các thành phần có trong sữa có thể bị biến chất và vi khuẩn, nấm mốc có thể xâm nhập vào sữa. Điều này sẽ làm thay đổi mùi vị và màu sắc của sữa, đồng thời, khiến trẻ rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện về cấu trúc và chức năng. Do đó, trẻ rất dễ mắc phải tình trạng tiêu chảy, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ gặp vấn đề tiêu hóa bẩm sinh.
Khi trẻ chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, ăn dặm hay ăn các loại thức ăn mới khác hoặc khi mẹ thay đổi loại sữa cho trẻ, hệ tiêu hóa chưa thể thích nghi ngay với thức ăn đó. Điều này làm tăng nguy cơ bé bị tiêu chảy.
Hệ vi sinh đường ruột của trẻ được duy trì bằng sự cân bằng giữa lợi khuẩn và khuẩn gây hại. Tuy nhiên, do tác động từ bên ngoài hoặc các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, trẻ có thể bị loạn khuẩn trong đường ruột. Lúc này, hại khuẩn sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, lấn áp và làm suy giảm chức năng của lợi khuẩn. Từ đó, trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Để khắc phục tình trạng uống sữa công thức bị tiêu chảy ở trẻ, tuỳ vào nguyên nhân cụ thể, bố mẹ có thể thực hiện các cách sau:
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu trẻ không thể bú mẹ được, mẹ nên lựa chọn sữa công thức loại có thành phần dinh dưỡng giống với sữa mẹ nhất, nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Lưu ý, trong giai đoạn này, trẻ không nên sử dụng sữa bò tươi, sữa đặc có đường, sữa bột nguyên kem hoặc các loại sữa công thức dành cho trẻ trên 6 tháng.
Khi bé đạt đến khoảng 6 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho trẻ chuyển từ bú mẹ sang sữa công thức hoặc từ sữa công thức 1 sang sữa công thức 2 của cùng một thương hiệu. Sữa công thức 2 thướng sẽ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với sữa công thức 1, đặc biệt là chất đạm, nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho bé ở độ tuổi này.
Trẻ từ 1 tuổi trở lên, mẹ nên cho trẻ sử dụng nhiều loại sữa khác nhau trong ngày, bao gồm cả sữa tươi. Mẹ có thể thay đổi loại sữa dựa trên khẩu vị và sở thích của trẻ, cũng như tùy thuộc vào điều kiện gia đình và nhu cầu của trẻ.
Đối với những trẻ không dung nạp lactose, mẹ nên loại trừ các thực phẩm chứa lactose khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ. Đồng thời, mẹ có thể cho trẻ uống sữa không chứa lactose cho đến khi trẻ không còn tiêu chảy. Đây là một loại sữa được coi là một giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy, đồng thời đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để bé phục hồi sức khỏe.
Bên cạnh đó, mẹ nên chú ý bổ sung canxi cho bé trong khoảng thời gian bị tiêu chảy, vì chế độ ăn không lactose có thể làm giảm sự hấp thu canxi. Mẹ cũng có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua để hỗ trợ hệ tiêu hóa sản sinh thêm lactase. Sau khoảng 1 – 2 tuần, khi ruột trẻ đã phục hồi và có thể sản xuất lactase bình thường, mẹ có thể cho trẻ quay lại với chế độ dinh dưỡng trước đó..
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ và tối ưu hóa việc hấp thu chất dinh dưỡng, quá trình pha sữa cần phải thực hiện đúng cách và đảm bảo các nguyên tắc vệ sinh. Bố mẹ nên tuân thủ theo đúng tỷ lệ pha sữa, cách pha sữa được ghi trong hướng dẫn. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến các bác sĩ dinh dưỡng để biết tỷ lệ và cách pha sữa phù hợp với trẻ.
Bảo quản sữa đúng cách sẽ giúp đảm bảo chất lượng sữa trong suốt thời gian sử dụng. Sữa cần được bảo quản trong môi trường khô thoáng, sạch sẽ và tuân thủ hạn sử dụng được khuyến cáo kể từ khi mở nắp hộp. Sau khi pha sữa cho trẻ, bố mẹ cần đậy kín nắp hộp. Lưu ý, bố mẹ không nên bảo quản sữa trong tủ lạnh hoặc nơi có độ ẩm cao và không sạch sẽ vì điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là cách tốt nhất để trẻ có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh (1). Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy:
Khi trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy, tốt nhất, mẹ nên đổi cho trẻ một loại sữa khác. Dưới đây là một số cách nhận biết trẻ có hợp với sữa không:
Quan quan các triệu chứng của trẻ sau khi dùng sữa là cách đơn giản nhất để nhận biết trẻ có bị dị ứng với sữa hay không. Một số triệu chứng cho thấy trẻ không phù hợp với loại sữa đang dùng, mẹ cần thay đổi sữa ngay gồm:
Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, mẹ nên điều chỉnh liều lượng sữa cho trẻ uống để xác định xem bé có phù hợp với loại sữa hay không. Ban đầu, mẹ nên pha sữa loãng, cho trẻ uống khoảng 20ml sữa và quan sát các biểu hiện của bé và tăng/giảm liều lượng sữa phù hợp. Nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ không cải thiện sau khi giảm liều sữa, trẻ có thể không phù hợp với loại sữa đó. Nhưng nếu tình trạng tiêu chảy không giảm sau khi giảm hoặc ngừng sữa, mẹ cần xem xét các nguyên nhân khác.
Một số trường hợp, trẻ không phù hợp với sữa do trẻ không dung nạp được một số thành phần trong sữa. Tuy nhiên, mỗi loại sữa từ các thương hiệu, nhà sản xuất khác nhau sẽ có hàm lượng dinh dưỡng và thành phần khác nhau. Do đó, khi mẹ băn khoăn liệu bé có phù hợp với loại sữa hay không, mẹ có thể thử đổi sang một loại sữa khác và quan sát xem tình trạng của bé có cải thiện không.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Tình trạng trẻ uống sữa công thức bị tiêu chảy kéo dài có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Do đó, khi trẻ gặp phải tình trạng này, phụ huynh nên tìm nguyên nhân cụ thể, từ đó, có biện pháp điều trị phù hợp. Nếu tình trạng của trẻ trở nên nặng nề và nghiêm trọng hơn, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để hỗ trợ ngay lập tức.