Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam thống kê hiện cả nước có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường, trong đó người bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm 90% – 95%. Mỗi ngày có ít nhất 80 người tử vong vì các biến chứng liên quan. Vậy tiểu đường tuýp 2 là gì? Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không? Những biến chứng liên quan bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Thực phẩm chúng ta ăn vào hàng ngày sẽ được chuyển hóa thành đường (glucose) trong máu. Sau đó, tuyến tụy tiết ra insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng để đi nuôi các tế bào. Bệnh tiểu đường xảy ra khi tuyến tụy của cơ thể sản xuất ít insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả khiến glucose không được “giải phóng” mà ngày càng tồn đọng trong máu gây ra bệnh tiểu đường. Tiểu đường được chia thành 3 loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, tiểu đường thai kỳ. (1)
Tiểu đường tuýp 2 là một dạng của bệnh đái tháo đường chủ yếu do tình trạng đề kháng insulin, bệnh thường xảy ra trên cơ địa thừa cân, béo phì, lười tập thể dục, ăn nhiều tinh bột, ít rau xanh, ít chất xơ… Bệnh ngày càng trẻ hóa khi ngày càng nhiều người trẻ dưới 30 tuổi đã bị tiểu đường tuýp 2.
Nếu người bệnh không được điều trị, lượng đường trong máu cao sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến các bộ phận của cơ thể như: mắt, tim, thận, bàn chân, mạch máu, thần kinh, đôi khi đường huyết tăng cao quá mức có thể làm bệnh nhân hôn mê dẫn đến tử vong… Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu được điều trị, chăm sóc đúng cách sẽ sống tốt, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là 10 vấn đề tiềm ẩn của bệnh tiểu đường thường gặp bao gồm:
Theo thời gian, tiểu đường tuýp 2 có thể làm hại đến mắt của người bệnh như: bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm (thường phát triển cùng với bệnh võng mạc tiểu đường), đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, mất thị lực, thậm chí mù lòa. (2)
Đặc biệt, bệnh võng mạc gây ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu trong võng mạc (lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau của mắt). Các mạch máu bị tổn thương, sưng lên, rò rỉ, làm mờ mắt, ngừng lưu thông máu ảnh hưởng đến thị lực. Bệnh võng mạc tiểu đường là bệnh về mắt phổ biến, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người lớn, thường ảnh hưởng đến cả hai mắt. Bệnh tiểu đường tuýp 2 càng lâu, càng có nhiều khả năng phát triển bệnh võng mạc mắt. Ngoài ra, những yếu tố dưới đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc mắt:
Bệnh võng mạc tiểu đường có 2 giai đoạn chính:
Bệnh thận do tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng của thận trong việc loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo thời gian, bệnh thận sẽ làm hại đến hệ thống lọc của thận, giai đoạn sớm bệnh nhân có thể tiểu ra đạm, nếu không kiểm soát có thể tiến triển thành suy thận nặng dần, cuối cùng bệnh nhân sẽ diễn tiến đến suy thận giai đoạn cuối và đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần duy trì lối sống lành mạnh (tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều đường), kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp để ngăn ngừa hoặc giảm biến chứng gây suy thận. (3)
Người bệnh đái tháo đường tuýp 2 có lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, gây ra các bệnh như: bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh thần kinh tự chủ, bệnh thần kinh gần (bệnh đa tiểu đường), bệnh thần kinh khu trú…
Bệnh thần kinh do đái tháo đường thường làm tổn thương các dây thần kinh ở chân, đặc biệt bàn chân. Các triệu chứng bệnh thần kinh đái tháo đường bao gồm: đau, tê chân, bàn chân, bàn tay… Nếu người bệnh không phát hiện điều trị sớm sẽ có nguy cơ viêm loét, nhiễm trùng, cắt bỏ chi, gây tàn phế. Ngoài ra, biến chứng đái tháo đường tuýp 2 còn ảnh hưởng hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu, tim.
Để ngăn ngừa hoặc làm giảm sự phát triển bệnh thần kinh do đái tháo đường tuýp 2, người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng việc ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày. Khi cơ thể bị tổn thương (vết cắt, vết loét trên bàn chân), yếu hoặc đau ở bàn tay, bàn chân, gặp vấn đề về tiêu hóa, tiết niệu, chóng mặt, ngất xỉu, cần gặp bác sĩ để thăm khám ngay.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo, người bệnh khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2 cần khám sàng lọc mỗi năm để tầm soát bệnh thần kinh đái tháo đường.
Bệnh tiểu đường cũng có liên quan chặt chẽ với các vấn đề tình dục nam nữ. Bệnh nhân nam mắc tiểu đường tuýp 2 dễ gây rối loạn cương dương khó chữa hơn so với những người không mắc bệnh tiểu đường. Nam giới mắc bệnh tiểu đường cũng tăng nguy cơ có nồng độ testosterone huyết thanh thấp (nguyên nhân chưa xác định rõ ràng nhưng có thể do sự suy giảm nồng độ hormone trong tuyến yên chịu trách nhiệm kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone). Nồng độ testosterone thấp có thể dẫn đến suy giảm ham muốn tình dục. (4)
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ bị rối loạn chức năng tình dục: giảm ham muốn tình dục, rối loạn kích thích tình dục nữ, sợ xâm phạm cơ thể, suy giảm tần suất hoặc cường độ khoái cảm.
Bệnh tiểu đường có lượng đường huyết cao sẽ làm hỏng mạch máu não và động mạch vành, gây xơ vữa và dễ tạo huyết khối. Những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng phát triển bệnh tim ở độ tuổi trẻ hơn, đột quỵ cao gần gấp đôi so với người lớn không mắc bệnh tiểu đường. Các yếu tố gây bệnh tim, đột quỵ ở người tiểu đường bao gồm: hút thuốc lá, huyết áp cao, nồng độ cholesterol xấu (LDL) tích tụ làm tắc nghẽn mạch máu, thừa cân, béo phì.
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể gây ra biến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là rối loạn hô hấp mạn tính thường gặp do sự co thắt đường hô hấp trên (mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản) gây thiếu oxy, ngắt quãng đường thở, giấc ngủ bị gián đoạn… làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, tử vong cao. (5)
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 có lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp đều làm tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến thính giác. (6)
Theo thời gian, lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu nhỏ, dây thần kinh ở tai. Lượng đường trong máu thấp sẽ làm hỏng cách các tín hiệu thần kinh truyền từ tai đến não. Cả 2 loại tổn thương thần kinh đều dẫn đến mất thính giác. Vì vậy, kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng trong quá trình chăm sóc sức khỏe của người bệnh tiểu đường.
Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể hạ đường huyết nếu lượng đường trong máu giảm quá thấp, dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L). Người bệnh có thể cải thiện đường huyết ngay lúc này bằng cách bổ sung đúng liều lượng các loại carbohydrate phù hợp. Khi hạ đường huyết, người bệnh nên ăn 5 – 6 viên kẹo hoặc 2 – 3 viên đường hoặc uống nửa ly nước ngọt hoặc một ly sữa… để tăng lượng đường trong máu. Sau 15 phút, người bệnh kiểm tra lại đường huyết, nếu vẫn dưới 70mg/dL, tiếp tục dùng thêm đến khi đường huyết về mức bình thường. Tuy nhiên, hạ đường huyết nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. (7)
Những người mắc bệnh tiểu đường sẽ dễ tăng đường huyết cấp tính do lượng đường huyết trong máu tăng quá cao, đôi khi dẫn đến hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân tăng đường huyết cấp tính bao gồm: sử dụng thực phẩm không lành mạnh (thực phẩm nhiều đường, chất béo gây tăng lượng đường trong máu), ít hoạt động thể chất, không dùng đủ liều thuốc, không uống thuốc hạ đường huyết do bác sĩ chỉ định. Tăng đường huyết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng, do đó người mắc tiểu đường nên thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu để phòng tránh biến chứng xảy ra.
Nếu mắc tiểu đường, người bệnh có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe răng miệng như: sâu răng, nhiễm trùng nướu, viêm nha chu… vì bệnh tiểu đường sẽ làm giảm lượng máu cung cấp cho khu vực này. Nếu người bệnh tiểu đường trên 50 tuổi dễ xảy ra các vấn đề răng miệng hơn. Nếu gặp những vấn đề sau, bạn nên liên hệ với bác sĩ để điều trị: chảy máu, đau nướu, nhiễm trùng răng miệng thường xuyên, hơi thở hôi. (8)
Thay đổi lối sống lành mạnh rất quan trọng để phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách:
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người mắc tiền tiểu đường nên giảm ít nhất 7% – 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển, giảm cân nhiều hơn sẽ mang lại lợi ích lớn cho cơ thể, tránh nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, vitamin E… các khoáng chất từ trái cây như: cam, bưởi, quýt, dâu…
Các loại rau củ như: rau lá xanh, bông cải xanh, cà chua…
Các loại đậu: đậu gà, đậu lăng
Ngũ cốc nguyên hạt: mì ống, bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, gạo nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt.
Người bệnh tiểu đường cần hạn chế các thực phẩm như: bánh mì trắng, bánh ngọt, mì ống từ bột mì trắng, nước ép trái cây có đường, thực phẩm chế biến có nhiều đường.
Để giúp giảm, kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống của người tiểu đường có thể bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa để giữ mức cholesterol trong máu khỏe mạnh, tốt cho tim mạch. Các nguồn chất béo lành mạnh bao gồm: dầu ô liu, dầu hướng dương, cây rum, hạt bông, dầu hạt cải, hạt hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô, cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá tuyết.
Hoạt động thể chất thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, 150 phút một tuần… sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe như phòng ngừa và cải thiện bệnh. Một số bài tập thể dục cho người tiểu đường như: bài tập aerobic, đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, chạy bộ…
Ngoài ra, có thể tập thêm các bài tập luyện sức đề kháng (cử tạ, yoga, tập dưỡng sinh), ít nhất 2 – 3 lần một tuần để giúp tăng sức mạnh, tăng cường sức đề kháng, khả năng giữ thăng bằng, duy trì cuộc sống năng động hơn.
Nhiều người làm việc liên tục trên máy tính, hãy dành vài phút để đứng lên, đi lại, hoạt động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút làm việc để giúp máu lưu thông, kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Do đó, người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần thường xuyên đến bác sĩ ở bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường giàu kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại để đo lượng đường trong máu chính xác, điều trị hiệu quả và hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với thể trạng, tình hình sức khỏe nhằm tránh những biến chứng tiểu đường tuýp 2 nguy hiểm.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Tiểu đường tuýp 2 có nguy hiểm không luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, tùy vào chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập, cách chăm sóc sức khỏe của bản thân mà mỗi người có những chuyển biến bệnh khác nhau. Mỗi người cần cắt giảm lượng đường nạp vào cho cơ thể hàng ngày để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.