Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ cụ thể. Tuy nhiên, một số thuốc trị bệnh đậu mùa có thể được cân nhắc sử dụng như thuốc điều trị đậu mùa khỉ trong các trường hợp cụ thể.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Virus gây bệnh đậu mùa và virus gây bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhau. Do đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu việc sử dụng thuốc kháng virus đậu mùa cho người bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng nặng hoặc nguy cơ trở nặng cao sẽ được cân nhắc sử dụng các thuốc trị đậu mùa như thuốc điều trị đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần có thêm nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của các loại thuốc này đối với người bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như những triệu chứng đã thấy ở bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa trước đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì về mặt lâm sàng, bệnh đậu mùa khỉ ít nghiêm trọng hơn. (1)
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ các loài động vật nhiễm bệnh sang người, cũng có thể lây từ người sang người. Vào ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Tính đến ngày 04/10/2022, trên thế giới có tổng cộng 69.244 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện. Trong đó, tại Việt Nam có 1 ca.
Bệnh đậu mùa khỉ được đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ lây lan cao. Tuy nhiên, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các nhà khoa học cũng đang tiến hành nghiên cứu thuốc điều trị đậu mùa khỉ để có thể giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi bệnh và hạn chế các triệu chứng bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine đậu mùa trong vòng 2 tuần kể từ khi tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh. Thời điểm tiêm phòng lý tưởng là trong vòng 4 ngày đầu tiên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cũng như hạn chế bệnh trở nặng. (2)
Đối với những bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có nguy cơ tiến triển bệnh nặng, cần tiến hành điều trị sớm ngay từ khi mắc bệnh bằng các loại thuốc theo chỉ định cùng với việc chăm sóc hỗ trợ và kiểm soát cơn đau.
Các loại thuốc chữa bệnh đậu mùa khỉ đang được cân nhắc sử dụng bao gồm:
Tecovirimat (còn được gọi là TPOXX, ST-246) là một loại thuốc kháng virus được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và trẻ em. Thuốc tecovirimat có thể được dùng như thuốc điều trị đậu mùa khỉ giúp làm giảm số lượng virus trong cơ thể người bệnh. Tecovirimat có sẵn dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tiêm.
Không có dữ liệu về hiệu quả của tecovirimat trong điều trị nhiễm trùng đậu mùa khỉ ở người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trên nhiều loài động vật khác nhau và thấy rằng, tecovirimat có hiệu quả trong điều trị bệnh do virus orthopox gây ra. Một thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu với người khỏe mạnh, không mắc bệnh đậu mùa khỉ cho thấy thuốc có độ an toàn chấp nhận được.
Chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu đối với thuốc điều trị đậu mùa khỉ tecovirimat về tính an toàn và hiệu quả của thuốc ở người. Vì thế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, tecovirimat thường chỉ được sử dụng như thuốc điều trị đậu mùa khỉ cho những người hợp mắc bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng cao. Ngoài ra, CDC cũng đồng thuận cân nhắc dự trữ tecovirimat để tránh trường hợp bệnh lây lan nhanh, bùng phát thành các đợt dịch lớn trong cộng đồng.
Bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc chữa đậu mùa khỉ tecovirimat cho các đối tượng sau:
VIGIV là một loại thuốc được FDA cấp phép để điều trị các biến chứng do tiêm chủng vaccine. Hiện chưa có dữ liệu về hiệu quả của VIGIV trong điều trị nhiễm virus đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng VIGIV như một loại thuốc điều trị đậu mùa khỉ trong những trường hợp nghiêm trọng.
Cidofovir (còn được gọi là Vistide) là một loại thuốc kháng virus được FDA chấp thuận sử dụng trong trường hợp điều trị viêm võng mạc do cytomegalo virus (CMV) gây ra ở bệnh nhân mắc AIDS.
Giống như các thuốc đang được cân nhắc như thuốc điều trị đậu mùa khỉ khác, chưa có dữ liệu về hiệu quả của cidofovir trong điều trị các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người. Tuy nhiên, cidofovir đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại các vi khuẩn orthopoxvirus trong các nghiên cứu trên động vật và trong ống nghiệm.
Có thể dự trữ cidofovir để điều trị các trường hợp nhiễm virus trực tràng (bao gồm cả virus đậu mùa khỉ) trong các đợt bùng phát dịch bệnh. Do đó, hiện nay cidofovir vẫn còn nằm trong danh mục thuốc điều trị đậu mùa khỉ đang được nghiên cứu thêm về hiệu quả.
Tháng 6 năm 2021, FDA chấp thuận sử dụng brincidofovir như một loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy vậy, cũng như cidofovir, hiện chưa có dữ liệu về hiệu quả của brincidofovir trong điều trị các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở người. (3)
Các chuyên gia cho rằng có thể cần phải nghiên cứu thêm về tính hiệu quả cũng như cân nhắc việc sử dụng brincidofovir như một loại thuốc điều trị đậu mùa khỉ dự phòng cho các đợt dịch bùng phát.
Việc sử dụng các thuốc điều trị đậu mùa khỉ cần được chỉ định của bác sĩ trong những trường hợp cụ thể
Chưa có đủ nghiên cứu về tác dụng và tính an toàn của các loại thuốc được cân nhắc sử dụng như thuốc điều trị đậu mùa khỉ đối với người bệnh. Do đó, hiện chưa thể khẳng định việc sử dụng các thuốc này có gây nên tác dụng phụ gì hay không. (4)
Hiện nay, các loại thuốc điều trị đậu mùa khỉ cũng chưa được sử dụng rộng rãi mà chỉ được cân nhắc sử dụng cho các trường hợp bệnh nặng hoặc có nguy cơ tiến triển nặng nhanh chóng. Ngoài ra, cũng có thể dự trữ thuốc để sử dụng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh nhưng chưa tìm ra thuốc đặc trị.
Người bệnh nếu được chỉ định dùng thuốc điều trị đậu mùa khỉ thì nên tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ, uống đúng liều lượng, không tự ý dùng thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, cần theo dõi các dấu hiệu bất thường trên cơ thể để kịp thời thông báo với bác sĩ nếu nghi ngờ có tác dụng phụ xảy ra.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Đây được xem là một dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh và chưa có thuốc điều trị đậu mùa khỉ đặc hiệu. Do đó, tốt nhất vẫn nên tiêm vaccine đậu mùa cũng như thực hiện các nguyên tắc phòng, chống bệnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và góp phần tránh dịch bùng phát mạnh trong cộng đồng.