Chỉ định cắt amidan có thể đặt ra khi viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần trong năm; amidan phì đại gây tắc nghẽn đường thở trên, ngủ ngáy; viêm amidan nặng gây biến chứng như áp xe quanh amidan, nhiễm trùng huyết…; một số nguyên nhân ít gặp khác như u amidan, hoặc cắt amidan ở những bệnh nhân ghép tạng…
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BSNT Phạm Thái Duy – Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Theo ThS.BS Phạm Thái Duy, viêm amidan cấp tính là hiện tượng viêm amidan gây đau họng, sốt. Amidan và các mô lympho vùng đáy lưỡi, VA cũng có thể viêm phì đại, gây tắc nghẽn, khó ngủ và ngáy, đặc biệt là ở trẻ em. Vì những vấn đề này, phẫu thuật cắt amidan có thể được chỉ định.
Amidan là một phần hệ thống miễn dịch của cơ thể. Chúng bao gồm một hệ thống mô lympho tập trung tại vùng mũi họng giữ vai trò ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng vào cơ thể theo đường mũi miệng. Các amidan phân bố trong vùng họng mũi tạo thành cung Waldayer bao gồm amidan khẩu cái, amidan vòm (còn gọi là VA), amidan vòi (VA vòi tai), amidan đáy lưỡi.
Trong đó, amidan là từ thông dụng để chỉ 2 amidan khẩu cái, nằm trong hố amidan ở thành bên sau của miệng, có kích thước to nhất và cũng thường xuyên bị viêm nhất. VA vòm và VA vòi nằm ở cửa mũi sau và vòm họng. Bác sĩ chỉ có thể thấy chúng qua nội soi mũi. Còn amidan đáy lưỡi nằm ở phía sau lưỡi.
Phẫu thuật cắt bỏ amidan là một trong những phương pháp để điều trị viêm amidan, giúp giảm thiểu số lần nhiễm trùng cổ họng, giảm triệu chứng khó chịu ở vùng họng. Phẫu thuật cắt amidan được đặt ra khi tình trạng viêm amidan kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc gây ra các biến chứng nghiêm trọng.(5)
Khi nào cần cắt amidan? Chỉ định cắt amidan thường được áp dụng cho các trường hợp:
Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan mà người bệnh có thể lựa chọn hoặc được bác sĩ chỉ định.
Các phương pháp mổ amidan phổ biến bao gồm:
Cắt amidan bằng coblator công nghệ plasma (nhiều người gọi là cắt amidan bằng plasma) được giới thiệu vào năm 1998. Phương pháp này được sử dụng để thực hiện cắt amidan toàn bộ hoặc cắt amidan một phần. Bác sĩ phẫu thuật dùng năng lượng tần số vô tuyến được sử dụng trong trường plasma để phá vỡ các liên kết phân tử, bóc tách hoặc làm tan mô mềm ở nhiệt độ thấp 40-70°C nhưng vẫn duy trì tính toàn vẹn của mô xung quanh.
Hiện nay, phương pháp này được chứng minh ít gây biến chứng sau mổ cũng như thời gian hồi phục nhanh hơn so với các phương pháp phẫu thuật khác.
Cắt amidan một phần hoặc toàn bộ có thể thực hiện bằng laser CO2. Phương pháp này sử dụng các bước sóng laser để đốt amidan. Mặc dù ít gây chảy máu, ít đau, không khó chịu, bệnh nhân có thể xuất viện sớm nhưng dễ biến chứng nhiễm trùng vết mổ và có thể ảnh hưởng tới dây thanh quản.
Điện phân cắt Monopolar hoặc Bipolar sử dụng dòng điện tạo ra nhiệt độ cao để tách các mô liên kết và bóc tách toàn bộ amidan. Nhiệt độ nóng của dao điện có thể lên tới 300-400°C vì vậy giúp cầm máu rất tốt.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra nhiều tổn thương do nhiệt độ ở các mô sâu, vì vậy bệnh nhân sẽ bị đau hoặc có cảm giác khó chịu nhiều trong giai đoạn hậu phẫu.
Người bệnh được gây mê, amidan sẽ được đưa vào dụng cụ có lỗ gọi là Sluder và bị cắt đi bằng lưỡi dao trên dụng cụ đó. Phương pháp Sluder thường được sử dụng để cắt amidan có kích thước to, sau phẫu thuật có thể gây chảy máu và nguy cơ nhiễm khuẩn, vì vậy người bệnh cần được theo dõi cẩn thận.(3)
Phương pháp này thường được chỉ định cho người lớn với amidan mạn tính, amidan mạn tính thể ẩn, amidan xơ teo hoặc có nhiều tổ chức xơ dính quanh hố amidan. Đây là phương pháp cắt amidan cổ điển, dễ chảy máu, cần cột chỉ để cầm máu hố mổ.
Dao mổ siêu âm sử dụng tần số cao ở lưỡi dao để tạo ra vết mổ, dẫn đến hiện tượng thủy phân và tăng nhiệt độ từ 60-100°C. Mức nhiệt này giúp cầm máu tốt, ít gây đau đớn và biến chứng.
Bác sĩ Duy cho biết, phẫu thuật cắt amidan là một phẫu thuật không quá phức tạp. Hiện nay, hầu hết các phẫu thuật cắt amidan được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Bệnh nhân sau mổ theo dõi nằm viện một đêm và xuất viện vào sáng hôm sau.
Sau khi cắt amidan, thông thường người bệnh sẽ bị viêm họng khiến cổ họng đau, đôi khi có thể nghiêm trọng đến mức gây khó khăn cho việc ăn uống. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể dùng thuốc bác sĩ kê đơn, đồng thời ăn những thức ăn mềm, lạnh để giúp làm dịu cơn đau.(1)
Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật cắt viêm amidan, bạn có thể ăn hoặc uống những thức ăn, thức uống lạnh và mềm, đồng thời tránh thức ăn cứng, sắc, cay gây kích ứng các mô chưa phục hồi. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn/uống các đồ nóng vì chúng có thể gây giãn mạch máu, dẫn đến chảy máu vết mổ.
Ngoài ra, để giúp nhanh hồi phục, người bệnh nên nghỉ ngơi trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật, tránh mang vác vật nặng và chỉ bắt đầu hoạt động gắng sức trở lại sau phẫu thuật khoảng 3-4 tuần.
Bác sĩ Duy cho biết, mặc dù ngày càng có nhiều phương pháp cắt amidan giúp tăng hiệu quả phẫu thuật song những biến chứng trong và sau mổ amidan vẫn có thể xảy ra. Các biến chứng phổ biến nhất như:
Tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, phẫu thuật cắt amidan kéo dài khoảng 30 phút. Người bệnh được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt amidan được đặt ra khi có tình trạng viêm amidan dai dẳng kéo dài trên 5 lần/năm, tắc nghẽn đường thở do amidan quá phát, viêm amidan nặng hoặc có biến chứng áp xe, u amidan…(4)
Vì phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân nên trong suốt quá trình cắt amidan, người bệnh sẽ không cảm thấy đau. Tuy nhiên, khi thuốc mê hết tác dụng, bạn sẽ cảm thấy đau cổ họng và đau ít hay nhiều phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật cũng như tình trạng vết mổ của bạn.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhờ phương pháp cắt amidan bằng coblator, bệnh nhân ít mất máu, ít đau sau mổ. Sau phẫu thuật, bạn được cấp thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác khó chịu ở hố mổ trong thời gian lành vết thương.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cắt amidan sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng giọng nói của bạn. Tuy nhiên, một số ít trường hợp sau cắt amidan dẫn đến phù nề thanh quản làm thay đổi giọng nói trong thời gian ngắn, triệu chứng sẽ biến mất khi vết mổ lành.
Hiện nay, hầu hết các phẫu thuật cắt amidan đều được thực hiện dưới gây mê toàn thân để tối ưu hóa quá trình thực hiện cuộc mổ.
Mổ cắt amidan là một phẫu thuật không phức tạp và hiếm khi xảy ra biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng, đau và chảy máu sau mổ. Hầu hết các biến chứng trên đều xử trí được, khi bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và điều trị.
Tuy nhiên, một số ít trường hợp chảy máu nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến mất máu nhiều, gây biến chứng nặng.
Theo bác sĩ Duy, thời gian hồi phục vết thương tùy thuộc vào độ tuổi của mỗi người. Trẻ em và thanh thiếu niên thường có khả năng hồi phục nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, việc mất bao lâu để hồi phục còn phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể và tình trạng cụ thể của người bệnh.
Các ước tính chung cho việc hồi phục là:
Tùy vào loại phẫu thuật người bệnh lựa chọn hoặc bác sĩ chỉ định mà các mức phí cắt amidan có thể khác nhau. Bên cạnh đó, phí cắt amidan còn phụ thuộc vào dịch vụ của từng cơ sở y tế hoặc đội ngũ bác sĩ phẫu thuật.
Để biết thêm thông tin chi tiết về phẫu thuật cắt amidan, người bệnh nên liên hệ trực tiếp tới bộ phận chăm sóc khách hàng của cơ sở y tế mình muốn thực hiện cắt amidan để được tư vấn cụ thể.
Phẫu thuật amidan không quá phức tạp nhưng cũng không loại trừ các biến chứng có thể xảy ra, nhất là ở các trường hợp mắc chứng máu khó đông hay một số bệnh về vòm họng khác. Vì vậy, để có kết quả phẫu thuật tốt nhất, người bệnh nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng và phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa liên quan để được hỗ trợ kịp thời trong những trường hợp phức tạp.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, dù áp dụng kỹ thuật nào thì vấn đề quan trọng nhất trong phẫu thuật cắt amidan vẫn là việc theo dõi hậu phẫu. Việc thăm khám sớm sau mổ là điều bắt buộc, tốt nhất người bệnh nên tái khám ít nhất hai lần trong 2 tuần đầu sau mổ. Các biến chứng thường gặp sau mổ gồm đau, nhiễm trùng và chảy máu. Nhìn chung nếu kịp thời phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng. Trường hợp rất hiếm gặp nếu chảy máu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến sốc, nghẹt thở.
Ngay cả khi không chảy máu, bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ chưa hồi phục phản xạ vùng hầu họng – thanh quản cũng có thể bị trào dịch dạ dày và nguy cơ hít dịch vào phổi gây viêm phổi. Do đó, việc tái khám định kỳ sau mổ sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng lành thương của hố mổ cũng như phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường ở vùng họng – thanh quản để đưa ra hướng điều trị kịp thời và hiệu quả nhất. Bên cạnh việc tái khám theo lịch hẹn, người bệnh nên đi khám ngay khi có bất cứ vấn đề bất thường như khạc ra máu, đau hố mổ nhiều hoặc sốt…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám, chẩn đoán, điều trị chuyên sâu các bệnh lý tai mũi họng, trong đó có phẫu thuật cắt amidan. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, được hỗ trợ bởi hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Nội thần kinh, Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh… giúp khám điều trị bệnh chuyên nghiệp, toàn diện và hiệu quả.