Điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh và thời gian kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Việc điều trị có thể bao gồm trị liệu bằng giọng nói, phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai.
Liệt dây thanh quản xảy ra khi các xung thần kinh đến thanh quản bị gián đoạn dẫn đến yếu liệt cơ dây thanh. Liệt dây thanh có thể ảnh hưởng đến khả năng nói và thậm chí cả việc thở. Điều này là do dây thanh quản không chỉ tạo ra âm thanh mà còn kiêm cả việc bảo vệ đường thở bằng cách ngăn chặn thức ăn, đồ uống và cả nước bọt xâm nhập vào khí quản gây nghẹt thở. Thông thường, tình trạng liệt một dây thanh quản phổ biến hơn và hiếm có trường hợp liệt cả hai dây thanh quản.
Có một số nguyên nhân gây liệt dây thanh, bao gồm do nhiễm virus, do chấn thương, rối loạn thần kinh và một số bệnh ung thư vùng cổ ngực… Liệt dây thanh có thể do cũng tổn thương dây thần kinh trong quá trình phẫu thuật. Liệt dây thanh hiếm khi do các cơ chính của thanh quản gây ra.(2)
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, liệt dây thanh quản là một tình trạng cấp tính, có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh lý đáng lo ngại, ví dụ các rối loạn về thần kinh như bệnh Parkinson, đa xơ cứng (MS), nhược cơ, đột quỵ, có khối u vùng cổ ngực hoặc hậu quả của một chấn thương ngực hoặc cổ…
Các triệu chứng liệt dây thanh quản đặc trưng như khàn tiếng hoặc mất hoàn toàn khả năng nói; khó nuốt; thở khó khăn, thở nghe ồn ào; không thể nói to, chất giọng đột nhiên khác lạ mà không phải do ho, viêm họng hoặc hò hét, hát… quá mức trước đó; thường xuyên bị nghẹn khi ăn hoặc uống, ho yếu, không có phản xạ nôn…
Bác sĩ Hằng khuyên, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng khi xuất hiện triệu chứng khàn tiếng kéo dài 3-4 tuần không rõ nguyên nhân và không tự khỏi. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện ra các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và kịp thời can thiệp nhằm giải quyết cả hai vấn đề, đó là điều trị các bệnh lý, hoặc chấn thương là nguyên nhân gây liệt dây thanh và điều trị tình trạng liệt dây thanh quản.
Trong số các bệnh gây liệt dây thanh thì khối u vùng cổ ngực đặc biệt nguy hiểm. Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Srinagar (Mỹ), phổ nhất biến là ung thư phế quản (14,6%); ung thư thực quản (9,09%); ung thư tuyến giáp (3,63%)…
Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, các tế bào ung thư đã di căn lên não, phổi… thì tiên lượng sống trên 5 năm thấp, việc điều trị khó khăn, tốn kém. Trong khi đó, nếu bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời từ giai đoạn khởi phát thì cơ hội được chữa khỏi, hoặc kéo dài sự sống trên 10 năm sẽ rất khả quan.
Riêng đối với trẻ nhỏ, việc điều trị liệt dây thanh quản càng không được chậm trễ. Ngoài các mối nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng do các nguyên nhân tiềm ẩn kể trên, tình trạng khiếm khuyết phát âm còn có thể gây ra nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, giao tiếp kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của trẻ.
Việc điều trị liệt dây thanh quản phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và thời gian kể từ khi xuất hiện các triệu chứng cũng như nguyên nhân gây ra nó. Việc điều trị có thể bao gồm trị liệu bằng giọng nói, phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp điều trị. Thông thường, bác sĩ chỉ phẫu thuật khi người bệnh đã điều trị bằng phương pháp khác trong vòng một năm mà không khỏi.
Đối với tổn thương ác tính tại thanh quản, người bệnh cần được áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp với tổn thương và giai đoạn của bệnh, chẳng hạn như phẫu thuật, xạ trị, điều trị hóa chất hoặc kết hợp các phương pháp…
Các buổi luyện giọng bao gồm các bài tập hoặc các hoạt động khác để củng cố dây thanh âm có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát hơi thở khi nói, ngăn ngừa căng các cơ khác xung quanh dây thanh và bảo vệ đường thở trong quá trình nuốt cho người bệnh.(3)
Phương pháp trị liệu giọng nói thường được áp dụng cho trường hợp bị liệt dây thanh ở vị trí không cần can thiệp tái tạo lại.
Nếu các triệu chứng liệt dây thanh không hồi phục hoàn toàn sau một năm điều trị, người bệnh có thể cần phải làm phẫu thuật vi phẫu dây thanh. Phương pháp vi phẫu dây thanh được bác sĩ khuyến cáo trong những trường hợp u nhú thanh quản; polyp, nang và hạt xơ dây thanh đã điều trị bảo tồn nhưng không mang lại hiệu quả; ung thư dây thanh; liệt dây thanh hoàn toàn.(1)
Các phương pháp mổ vi phẫu dây thanh bao gồm:
Phương pháp liên kết dây thanh âm với một nguồn kích thích điện thay thế – có thể là dây thần kinh từ một bộ phận khác của cơ thể hoặc một thiết bị tương tự như máy tạo nhịp tim có thể giúp khôi phục khả năng đóng và mở của dây thanh.
Khả năng phục hồi bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây liệt dây thanh, mức độ bệnh và phương pháp điều trị. Một số trường hợp liệt dây thanh khi áp dụng phương pháp luyện giọng 1-2 lần/ngày trong vòng 4-6 tháng có thể nói và nuốt gần như bình thường.
Bác sĩ Hằng lưu ý, người bị liệt dây thanh quản không nên uống rượu bia, ăn đồ cay nóng và gắng sức nói. Tất cả những điều này có thể khiến cho tình trạng liệt dây thanh thêm nghiêm trọng.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liệt dây thanh quản rất phức tạp, cần làm các kiểm tra cận lâm sàng chuyên sâu và có thể phải dùng đến nhiều phương pháp để điều trị nhiều tình trạng cùng lúc, ví dụ như điều trị các chấn thương hoặc các bệnh về thần kinh, ung bướu…
Bác sĩ Hằng lưu ý, các triệu chứng mất giọng, thay đổi giọng nói, đau tức vùng cổ… của bệnh liệt dây thanh quản đôi khi còn dễ gây nhầm lẫn với các triệu chứng của những loại bệnh thông thường về tai mũi họng như viêm họng, viêm thanh quản… Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong điều trị liệt dây thanh, phổ biến nhất là việc tự mua thuốc không đúng bệnh về uống dẫn đến những hậu quả khó lường.
Vì vậy, người bệnh cần đến thăm khám và điều trị trực tiếp tại bệnh viện; tuyệt đối không chủ quan, tự chẩn đoán, mua thuốc điều trị tại nhà.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị liệt dây thanh quản và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH