Chụp X quang chân giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân khiến chân đau, sưng hoặc biến dạng. Kết quả chụp X quang chân cũng có thể cho thấy vùng xương bị gãy hoặc trật khớp.
Khi cần kiểm tra cấu trúc xương chân hoặc tình trạng chấn thương ở vùng chân thì bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể chỉ định chụp X quang chân. Phương pháp chụp X quang chân có thể giúp đánh giá được vùng mu bàn chân, gót chân, ngón chân,… và toàn bộ các vị trí khác trên chân.
Chụp X quang chân là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh ứng dụng tia X, sử dụng một lượng nhỏ bức xạ để ghi lại hình ảnh cấu trúc vùng chân, bao gồm cả mô mềm và xương chân.
Hình ảnh chụp X quang chân có thể hiển thị vùng cổ chân, xương ngón chân, xương chêm, xương hộp, xương ghe,… Thông thường, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ chỉ định chụp X quang chân ở vị trí chân người bệnh cảm thấy đau hoặc tổn thương. Tuy nhiên, một số trường hợp cần chụp X quang ở cả 2 chân, kể cả chân không bị thương để có thể so sánh tình trạng giữa 2 chân.
Chụp X-quang chân có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, đặc biệt là khi cần thăm khám, tìm ra dấu hiệu chấn thương ở vùng bàn chân của người bệnh sau tai nạn.
Chụp X quang chân có thể giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý như:
Nếu bạn bị sưng, đau hoặc trở nên nhạy cảm hơn ở các vị trí trên chân nhưng không rõ nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang chân để có thể xác định chính xác tình trạng bệnh lý của bạn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, những trường hợp bị va đập, chấn thương ở vùng chân, chẳng hạn như té ngã hoặc bị tai nạn giao thông, có nghi ngờ tổn thương ở chân cũng sẽ được chỉ định chụp X quang chân. Ngoài ra, một số trường hợp sau khi cố định xương chân thì bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện chụp X quang chân để chắc chắn xương đã được cố định đúng cách, đúng vị trí hay chưa.
Nhìn chung, bác sĩ sẽ là người quyết định người bệnh có cần chụp X quang chân hay không. Trước khi đưa ra chỉ định, bác sĩ có thể thăm khám, hỏi người bệnh về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý để cân nhắc việc có nên cho người bệnh chụp X quang chân hay không, sau khi chụp X quang thì có cần làm thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác hay không.
Kỹ thuật chụp X quang chân không quá phức tạp nên người bệnh trước khi chụp X quang không cần phải chuẩn bị gì. Trong suốt thời gian chờ chụp X quang chân, người bệnh không cần phải nhịn ăn mà có thể ăn uống thoải mái.
Tùy theo vị trí chân cần chụp mà kỹ thuật viên hoặc bác sĩ tại phòng chụp có thể yêu cầu người bệnh thay trang phục bệnh nhân hoặc không. Ngoài ra, nếu bạn có mang lắc chân hoặc các món đồ trang sức cản trở quá trình chụp X quang chân thì cần phải tháo ra.
Trước khi bước vào phòng chụp, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên cũng sẽ giải thích với người bệnh về những công dụng của việc chụp X quang chân cũng như quy trình chụp.
Để bắt đầu thực hiện chụp X quang chân thì bạn sẽ được đưa vào phòng chụp X quang chuyên biệt. Tại đây, kỹ thuật viên có thể đặt tạp dề bằng chì lên đùi bạn để bảo vệ cơ quan sinh sản của bạn khỏi bị nhiễm phóng xạ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang mang thai hoặc đang có ý định mang thai. Ngoài ra, với phụ nữ mang thai thì kỹ thuật viên cũng có thể yêu cầu bạn đeo tạp dề chì để bảo vệ phần bụng của bạn, tránh thai nhi tiếp xúc với tia X.
Toàn bộ quy trình chụp X quang sẽ diễn ra trong vòng khoảng 10 phút. Kỹ thuật viên sẽ đặt chân của bạn lên bàn chụp X quang và sau đó có thể đặt thiết bị định vị như bao cát hoặc gối quanh chân hoặc bàn chân của bạn để giữ cho chân không di chuyển, giúp việc chụp X quang được diễn ra nhanh hơn và hình ảnh rõ nét hơn, không bị mờ.
Kỹ thuật viên trong phòng chụp sẽ đặt một tấm cản tia X dưới chân và tiến hành chụp X quang. Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên có thể thay đổi vị trí chân nhiều lần để đảm bảo thu được hình ảnh chụp X quang ở nhiều góc độ khác nhau của chân. Thông thường, ảnh chụp X quang chân sẽ hiển thị mặt trước, hai mặt hai bên của chân.
Sau khi chụp X quang chân, người bệnh có thể ra ngoài phòng chờ để nhận kết quả chụp. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc hình ảnh chụp X quang của bạn và gửi kết quả này đến bác sĩ lâm sàng. Bác sĩ lâm sàng sẽ là người thông báo với bạn về kết quả chụp và cho bạn biết tình trạng sức khỏe của bạn, hướng điều trị thích hợp.(1)
Sau khi chụp X quang chân, bạn hoàn toàn có thể sinh hoạt bình thường, không cần lưu viện theo dõi hay thực hiện bất cứ chỉ định nào đặc biệt.
Trước khi chụp X quang chân hay thực hiện bất kì thủ thuật chẩn đoán hình ảnh nào, nên thông báo với bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai.
Khi chụp X quang chân, việc giữ chân cố định đặc biệt quan trọng. Hãy giữ cho chân của bạn yên ở một tư thế trong quá trình chụp để hình ảnh được rõ nét nhất. Nếu bạn cảm thấy đau, hãy thông báo với kỹ thuật viên để được hỗ trợ.
Và quan trọng là dù cho bạn thực hiện chụp X quang chân hay các phương pháp chẩn đoán khác, hãy tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên để tránh các rủi ro có thể xảy ra.
Cũng như các kỹ thuật chụp X quang khác, chụp X quang chân được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có độ an toàn cao, không gây nên các tác dụng phụ đối với người chụp.
Dù phương pháp chụp X quang sử dụng tia X có bức xạ cao nên nhiều người bệnh vẫn còn e ngại khi được chỉ định chụp X quang chân nhưng bạn hoàn toàn có thể yên tâm bởi trước khi chụp, bác sĩ đã cân nhắc về các lợi ích của việc chụp X quang chân đối với việc tầm soát, đánh giá bệnh lý ở vùng chân của bạn. Hơn nữa, trong quá trình chụp, kỹ thuật viên cũng điều chỉnh cường độ và bước sóng của tia X cũng như thời gian chụp sao cho đảm bảo an toàn với người bệnh.(2)
Một số trường hợp thuộc nhóm đối tượng cần chống chỉ định với chụp X-quang thì cũng có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, tốt nhất nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe của bạn, liệu bạn có đang mang thai hay không cũng như hỏi bác sĩ về các trường hợp chống chỉ định trước khi chụp.
Chụp X quang chân chỉ gây hại nếu người bệnh chụp ở các cơ sở y tế kém chất lượng, không đảm bảo được chất lượng của máy móc thiết bị và tay nghề của bác sĩ, kỹ thuật viên.
Hiện tại, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sở hữu các máy chụp X quang đời mới nhất, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu. Cùng với đó là đội ngũ chuyên viên, bác sĩ và kỹ thuật viên có tay nghề cao, giỏi chuyên môn, giúp quá trình chụp X quang chân được diễn ra nhanh chóng và an toàn nhất đối với người bệnh.
Tùy theo vị trí chụp X quang mà người bệnh cần phải thay quần áo bệnh nhân hoặc không. Chẳng hạn như khi chụp X quang háng thì cần phải thay quần áo chuyên dụng để bộc lộ phần háng cần chụp. Còn khi chụp X quang bàn chân hoặc cổ chân thì thường không cần phải cởi quần.
Do đó, tùy theo chỉ định chụp X quang của người bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc yêu cầu người bệnh có thay trang phục hay không.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Với những thông tin được chia sẻ, hy vọng bạn có thể nắm thêm những kiến thức bổ ích về phương pháp chụp X quang chân – một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến trong việc chẩn đoán bệnh lý vùng chân. Nếu bạn không may gặp chấn thương ở chân hoặc một vị trí bất kỳ trên chân có cảm giác đau, nhức bất thường thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và chụp X quang chân bạn nhé!