Bướu cổ là cách gọi dân gian có từ lâu do người dân thấy cổ phình to lên. Y học gọi bướu cổ là phình giáp, bướu giáp đơn thuần, phình giáp hạt (đơn hoặc đa nhân). Bướu cổ do sự thay đổi cấu trúc mô học, có thể kèm hoặc không có rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp, suy giáp). Vậy bướu cổ ở nữ giới là gì? Ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa ra sao?
Bướu cổ ở nữ giới là gì?
Bướu cổ ở nữ giới cũng như ở nam giới thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác ngoài cổ phình to. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới gấp 10 lần do các vấn đề tuyến giáp có thể thay đổi trong và sau thời kỳ mãn kinh khi nồng độ hormone thay đổi. (1)
Nguyên nhân bệnh bướu cổ ở phụ nữ
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bướu cổ trên toàn thế giới là thiếu i-ốt. Tuyến giáp cần i-ốt để sản xuất hormone, nếu thiếu i-ốt (chất cần thiết để tuyến giáp sản xuất hormone T3 và T4) tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn, tăng sinh tế bào cố gắng tổng hợp hormone dẫn đến bướu cổ. (2)
Khoảng ⅛ phụ nữ gặp vấn đề về tuyến giáp một thời điểm trong đời, đặc biệt với phụ nữ trên 40 tuổi. Một trong những lý do phụ nữ dễ bị bệnh tuyến giáp hơn là rối loạn tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào chính nó. Hiện vẫn chưa có nguyên nhân chính xác gây rối loạn tự miễn phổ biến ở nữ hơn nam.
Các bệnh tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ bao gồm:
Bệnh Basedow: một trong số bệnh cường giáp, xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone giáp. Việc sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp gây tăng kích thước tuyến giáp.
Bệnh Hashimoto: bệnh tự miễn gây viêm tuyến giáp. Một số người bệnh Hashimoto gia tăng phát triển tuyến giáp gây bướu cổ.
Mang thai: gonadotropin màng đệm có ở phụ nữ mang thai khiến tuyến giáp tăng sinh gây bướu cổ.
Viêm tuyến giáp: khiến tuyến giáp phát triển lớn hơn bình thường. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp bao gồm: amiodarone, lithium…
Các lý do khác khiến phụ nữ dễ bị rối loạn chức năng tuyến giáp hơn bao gồm:
Mang thai: trong 3 tháng đầu thai kỳ, hormone βhCG tăng cao. Hormone này có hoạt tính giống hormone TSH (hormon kích thích tuyến giáp), làm tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone T4, gây bệnh cường giáp. Ngoài ra, phụ nữ mang thai dễ tăng kích thước tuyến giáp hơn với bình thường, lớn hơn khoảng 10% – 15%, đặc biệt với phụ nữ thiếu hụt i-ốt.
Sau sinh con: tỷ lệ viêm tuyến giáp cao từ 6%-8%. Trong thai kỳ chịu ảnh hưởng của hormone βhCG nên các bệnh tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau sinh các bệnh tự miễn dễ dàng tái phát, gây viêm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp sau sinh thường xảy ra 2 giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ 1-4 tháng sau sinh, thường kéo dài từ 1-2 tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh xuất hiện các triệu chứng của cường giáp vì tuyến giáp bị tổn thương làm rò rỉ hormone tuyến giáp vào máu.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ tháng 4-8 sau khi sinh, kéo dài từ 6-12 tháng. Giai đoạn này, người bệnh có các triệu chứng của suy giáp do rối loạn tự miễn tấn công tuyến giáp.
Thời kỳ mãn kinh: đến 50% phụ nữ xuất hiện nhân giáp hoặc đa giáp lành tính nếu kèm thiếu hụt i-ốt sẽ mắc bướu giáp do đa nhân hóa độc.
Khám sức khỏe tuyến giáp thường xuyên, pháp hiện và phòng ngừa bướu cổ
Dấu hiệu bướu cổ ở nữ giới
Thông thường dấu hiệu nhận biết bướu cổ là khối u to ở dưới cổ. Tuyến giáp sưng to đủ lớn để nhìn thấy hoặc dùng tay sờ thấy cục u. Bướu cổ lớn gây ra cảm giác chặn trong cổ họng, ho, khó nuốt, khó thở. Tuy nhiên, có những bướu cổ nhỏ không thể tự phát hiện cho đến khi khám sức khỏe. (3)
Nếu bướu cổ là dấu hiệu của các bệnh tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp… người bệnh có thêm nhiều biểu hiện khác bao gồm:
Cường giáp: sụt cân không lý do, ăn nhiều hơn bình thường, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đánh trống ngực, cảm thấy hồi hộp và lo lắng, cáu kỉnh, khó ngủ, run rẩy bàn tay và ngón tay, tăng tiết mồ hôi, chịu nóng kém, yêu cơ, ra kinh nguyệt ít hơn bình thường, dễ sưng mắt, đỏ mắt…
Suy giáp: chịu lạnh kém hơn, táo bón, yếu cơ, tăng cân không lý do, đau khớp hoặc đau cơ, cảm thấy buồn, chán nản, mệt mỏi, da khô, nhợt nhạt, tóc khô, mỏng, nhịp tim chậm, ít đổ mồ hôi hơn bình thường, giọng khàn, ra kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
Cách chẩn đoán và điều trị bướu cổ cho nữ
Bướu cổ nhỏ thường được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Đối với bướu cổ to, có thể phát hiện bằng cách sờ vào cổ, nhìn bằng mắt thường. Khi nghi ngờ bị bướu cổ bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các chẩn đoán sau:
Kiểm tra chức năng tuyến giáp: xét nghiệm máu để đo lượng TSH do tuyến yên tiết, đo lượng hormone T3, T4 sản xuất bởi tuyến giáp.
Xét nghiệm kháng thể: sau khi có xét nghiệm chức năng tuyến giáp bác sĩ sẽ quyết định làm xét nghiệm kháng thể hay không. Xét nghiệm nhằm phát hiện kháng thể có liên quan đến rối loạn tự miễn.
Siêu âm tuyến giáp: thực hiện siêu âm tuyến giáp để phát hiện các nốt bất thường.
Kiểm tra hấp thụ i-ốt: chẩn đoán này giúp đo lường được tốc độ tuyến giáp tiếp nhận và hấp thụ i-ốt, nhằm tìm ra nguyên nhân gây bướu cổ.
Sinh thiết: chọc hút tuyến giáp bằng kim nhỏ để lấy chất lỏng, nhằm phát hiện bướu cổ có nhân ác tính hay lành tính.
Điều trị bướu cổ phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng bướu cổ và các biến chứng có thể xảy ra. Dựa trên những kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Tổng quan có các phương pháp phổ biến dùng để điều trị bướu cổ sau đây:
Điều trị bằng thuốc: được chỉ định cho người bệnh có bướu cổ nhỏ, lành tính, không gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị bướu cổ gồm:
Tăng sản xuất hormone: tuyến giáp hoạt động kém, tiếp không đủ hormone phục vụ cho cơ thể. Các thuốc như levothyroxine, thyquidity… thay thế hormone T4, thuốc liothyronine được sử dụng thay thế hormone T3.
Giảm sản xuất hormone: tuyến giáp hoạt động quá mức, tăng sinh hormone gây dư thừa. Thuốc methimazole được sử dụng phổ biến để giảm tăng sinh hormone tuyến giáp, giảm kích thước bướu cổ. Các loại thuốc như atenolol, metoprolol… được dùng để phá vỡ các hormone tuyến giáp dư thừa.
Giảm đau: tuyến giáp bị viêm dẫn đến đau được điều trị giảm đau bằng aspirin, naproxen natri, ibuprofen… hoặc các loại thuốc giảm đau liên quan. Nếu người bệnh đau nhiều sẽ điều trị bằng steroid.
Phẫu thuật: được chỉ định với trường hợp bướu có nhân ác tính (ung thư), hoặc bướu lành tính phình to gây chèn ép cổ làm khó nuốt, khó thở… Tuyến giáp được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn. Tùy thuộc vào lượng tuyến giáp bị cắt bỏ, người bệnh sẽ được kê thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Điều trị bằng i-ốt phóng xạ: phương pháp điều trị khi tuyến giáp hoạt động quá mức, dư thừa hormone gây bướu cổ. Liều i-ốt phóng xạ dùng bằng đường uống. Tuyến giáp hấp thụ i-ốt phóng xạ nhằm phá hủy các tế bào trong tuyến giáp, giúp giảm hoặc loại bỏ việc sản xuất hormone tuyến giáp.
Bướu cổ thường gặp ở nữ hơn nam
Phòng ngừa bướu cổ ở phụ nữ
Thiếu i-ốt là nguyên nhân phổ biến gây bướu cổ ở phụ nữ, đặc biệt với phụ nữ trên 40 tuổi. Vì vậy, người dân có thể phòng ngừa bướu cổ bằng cách bổ sung đủ lượng i-ốt hàng ngày. Có thể bổ sung i-ốt tự nhiên trong các thực phẩm như: cá, sữa, muối ăn có chứa i-ốt… (4)
Ngoài ra, người dân có thể phòng ngừa bướu cổ bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, để phát hiện sớm những bất thường của chức năng tuyến giáp. Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được kiểm tra chức năng tuyến giáp thường xuyên.
Nữ giới bị bướu cổ có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
Bướu cổ có liên quan đến chức năng tuyến giáp ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Những ảnh hưởng của rối loạn chức năng tuyến giáp đến sức khỏe nữ giới bao gồm: (5)
Tuổi dậy thì và kinh nguyệt: rối loạn tuyến giáp có thể khiến bé gái dậy thì sớm hơn, hoặc kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn ở phụ nữ. Nồng độ hormone tuyến giáp cao thấp bất thường gây rối loạn kinh nguyệt như: có kinh nhiều ngày, ít ngày, chu kỳ kinh không đều, vô kinh.
Sức khỏe sinh sản: rối loạn chức năng tuyến giáp ảnh hưởng hoặc ngăn cản quá trình rụng trứng, sản xuất sữa. Phụ nữ bị suy giảm chức năng tuyến giáp có nguy cơ phát triển u nang cao hơn người có tuyến giáp bình thường.
Ở phụ nữ mang thai: rối loạn tuyến giáp khi mang thai gây hại cho thai nhi bao gồm: sinh non, thai chết lưu, xuất huyết sau sinh, mẹ gặp các vấn đề về tuyến giáp sau sinh. Thai phụ bị cường giáp có nguy cơ ốm nghén nặng hơn.
Giai đoạn mãn kinh: các triệu chứng rối loạn tuyến giáp ở thời kỳ mãn kinh thường nhầm với mãn kinh sớm, các triệu chứng như: kinh nguyệt ít, bốc hỏa, mất ngủ, tâm trạng thay đổi thất thường.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Rối loạn chức năng tuyến giáp gây bướu cổ ở nữ giới cần được điều trị sớm. Một số bướu cổ không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp có thể không cần điều trị nhưng cần theo dõi tránh các biến chứng xấu đến sức khỏe. Nếu thấy các triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm, rút ngặt thời gian và chi phí điều trị.