Basedow là bệnh nội tiết phổ biến nhất hiện nay. Dấu hiệu lồi mắt, mù lòa,… là biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh Basedow khi không được điều trị sớm.
Người mắc bệnh Basedow có bướu giáp lớn ở cổ, thường lan tỏa, biểu hiện lồi mắt thường gặp ở bệnh nhân nữ. Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP HCM thông tin, có khoảng 40% người mắc bệnh Basedow gặp phải các vấn đề liên quan đến mắt. Nghĩa là, trong 4 người mắc bệnh Basedow sẽ có 1 người gặp phải vấn đề về mắt (còn gọi là bệnh mắt Basedow).
Basedow là bệnh tự miễn, có liên quan đến rối loạn, suy giảm hệ miễn dịch, do đó khi mắc bệnh này, cơ thể sẽ tự sinh ra kháng thể tấn công các mô và cơ xung quanh mắt, gây ra các vấn đề về mắt. Nếu các biểu hiện này kéo dài và không được điều trị, người bệnh sẽ đối diện nguy cơ mất thị lực.
Thông thường, những dấu hiệu đầu tiên khi bệnh biến chứng ở mắt có thể xuất hiện trước hoặc sau 6 tháng mắc bệnh Basedow. Những dấu hiệu ban đầu có thể bao gồm: Cảm giác chói mắt, khô, cộm như có bụi trong mắt, đau nhức hốc mắt, chảy nước mắt,… Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh cảm thấy khó khăn khi cử động mắt hoặc nhắm mắt, lồi mắt, mù lòa,…
Tình trạng lồi mắt có thể xuất hiện ở cả hai bên mắt, cân xứng hoặc không; tuy nhiên vẫn có khoảng 10-20% trường hợp lồi mắt chỉ xảy ra ở một bên. Nguyên nhân gây lồi mắt do tình trạng phù nề và tăng sinh của các tổ chức trong hốc mắt đẩy nhãn cầu nhô ra trước, khiến tròng mắt như muốn lồi ra ngoài.
Để xác định mức độ lồi của nhãn cầu, bác sĩ chuyên khoa Mắt thường sử dụng thước Hertel. Độ lồi của nhãn cầu được tính bằng đường chiếu từ đỉnh giác mạc xuống đường thẳng đi ngang qua bờ ngoài của hai hốc mắt. Theo phân loại của Hội tuyến giáp Mỹ (ATA), tỷ lệ từ 16 – 18mm: bình thường, 18 – 20mm: lồi mức độ nhẹ, 21 – 23mm: trung bình; > 24mm: lồi mức độ nặng. Trường hợp lồi một mắt, độ lồi của mắt đó phải cao hơn so với mắt còn lại từ 3mm trở lên. Ở mức độ nặng, lồi mắt sẽ khiến mi đóng không kín, có thể dẫn tới viêm loét giác mạc, gây mất thị lực.
Mắt có thể nhìn được “4 phương 8 hướng” là nhờ vào 6 đôi cơ vận nhãn. Khi các cơ vận nhãn này bị viêm nhiễm với mức độ tổn thương khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng nhìn đôi.
Lúc đầu, tình trạng nhìn đôi diễn ra từng lúc, khi nặng hơn sẽ gây ra biểu hiện lác (thường là lác xuống dưới và lác vào trong). Nếu cùng lúc xuất hiện 2 biểu hiện này thì có thể cơ vận nhãn đã rơi vào tình trạng phì đại. Lồi mắt cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng nhìn đôi.
Khi mi co rút càng khiến cho tình trạng lồi mắt nặng hơn, gây hở mi khi mắt nhắm và ngủ. Đây chính là cơ hội thuận lợi để các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, bụi,… xâm nhập vào mắt, gây ra các triệu chứng cộm mắt, khô mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
Tăng nhãn áp xảy ra do tình trạng phù nề và tăng sinh của các tổ chức trong hốc mắt. Khi ấy, các tổ chức này sẽ chèn ép nhãn cầu từ phía sau và gây ra tình trạng lồi mắt, tăng nhãn áp. Nếu diễn ra lâu ngày sẽ gây tổn hại thị lực và thị trường của mắt.
Tình trạng phì đại của các cơ vận nhãn cũng gây chèn ép dây thần kinh thị giác. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây giảm thị lực trong bệnh mắt liên quan tuyến giáp. Ngoài ra, tình trạng tăng nhãn áp lâu ngày cũng gây giảm thị lực.
Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng cho hay, nguyên nhân chính xác gây ra những biến chứng mắt do bệnh Basedow đến nay chưa rõ ràng, nhưng nó có thể là sự kết hợp của yếu tố di truyền và môi trường. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ đối với bệnh mắt Basedow bao gồm: Hút thuốc lá, liệu pháp iốt trị cường giáp; phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới. Người mắc bệnh Basedow hút thuốc sẽ có nguy cơ đối diện với các biến chứng về mắt cao hơn khoảng 5 lần so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, bệnh về mắt sẽ có xu hướng trầm trọng hơn đối với những người có thói quen này.
Do đó, bên cạnh việc đi khám bệnh chủ chính theo lịch hẹn, người mắc bệnh Basedow cần đi khám chuyên khoa Mắt định kỳ để được kiểm tra tình trạng mắt. Bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện một số bài kiểm tra cho mắt như: Kiểm tra thị lực và thị lực màu, kiểm tra thị trường, đo độ hở mí mắt, đo nhãn áp, kiểm tra thần kinh thị giác
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một trong những xét nghiệm chẩn đoán như chụp CT (giúp nhìn thấy những hình ảnh chi tiết trong mắt), chụp cộng hưởng từ (sử dụng nam châm mạnh và sóng vô tuyến để tạo dựng hình ảnh về cơ mắt), xét nghiệm máu (xem xét nồng độ hormone tuyến giáp hoặc kháng thể trong máu).
Để đặt lịch khám tại chuyên khoa Mắt – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Để đặt lịch khám ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng – BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bạn đăng ký tại đây.
Bác sĩ Tùng khuyên, đối với người bình thường, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như mất ngủ/khó ngủ, gầy sút, giảm cân đột ngột nhưng tăng sự thèm ăn, tiêu chảy/đại tiện nhiều hơn, tim đập mạnh, run tay,… thì nên đi khám ngay. Bởi đây là những triệu chứng phổ biến của bệnh Basedow hay chứng cường giáp. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ ngăn các biến chứng nặng có thể xảy ra.