Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng màng lót mí mắt và màng bao phủ tròng trắng của mắt bị viêm do các nguyên nhân gây dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho mắt. Vậy, điều trị viêm kết mạc dị ứng như thế nào? Cách phòng tránh viêm kết mạc dị ứng ra sao? Hãy xem tư vấn qua bài viết dưới đây.
Kết mạc là một lớp mô bao phủ tròng trắng của mắt và bên trong mí mắt nhưng không che phủ giác mạc, giúp bảo vệ mắt khỏi những tác hại như khói, vi khuẩn, các chất gây dị ứng trong không khí, cũng như tác hại của nắng và gió.
Viêm kết mạc là tình trạng kết mạc bị viêm, đỏ, sưng và tiết dịch để chống lại những tác nhân gây kích ứng. Viêm kết mạc có thể do vi khuẩn, vi rút, dị ứng và kích ứng vật lý hoặc hóa học. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào việc xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng tình trạng bệnh. [1]
Viêm kết mạc dị ứng là kết mạc bị viêm do phản ứng dị ứng. Kết mạc chứa một số lượng lớn các tế bào từ hệ thống miễn dịch (được gọi là tế bào mast) giải phóng các chất hóa học (chất trung gian) để đáp ứng với nhiều loại kích thích như phấn hoa, bào tử nấm, bụi… Những chất trung gian này gây viêm ở mắt có thể trong thời gian ngắn hoặc kéo dài. [2]
Viêm kết mạc dị ứng thường được chia ra 2 loại phổ biến: viêm kết mạc dị ứng theo mùa và viêm kết mạc mùa xuân. [3]
Viêm kết mạc dị ứng theo mùa (viêm kết mạc do sốt cỏ khô) do các bào tử nấm mốc trong không khí hoặc phấn hoa của cây, cỏ. Bệnh có xu hướng xảy ra cao điểm vào mùa xuân, cuối hè hoặc chớm thu và biến mất trong những tháng mùa đông tương ứng với chu kỳ sống của cây gây bệnh. [4]
Viêm kết mạc dị ứng lâu năm do bọ ve, bọ chét gia súc và các chất gây dị ứng không theo mùa khác. Những chất gây dị ứng, đặc biệt trong nhà như lông thú cưng, rận rệp, mạt nhà… có xu hướng gây ra các triệu chứng quanh năm.
Viêm kết mạc mùa xuân là một dạng viêm kết mạc dị ứng nghiêm trọng hơn. Viêm kết mạc mùa xuân xảy ra phổ biến ở nam giới từ 5 – 20 tuổi có thêm các yếu tố như bị chàm, hen suyễn, dị ứng theo mùa. Viêm kết mạc mùa xuân gặp nhiều ở mùa xuân và giảm dần vào mùa thu và mùa đông.
Viêm mắt dị ứng thường do nhiều yếu tố tác động và được chia nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng theo các nhóm như sau [5]:
Triệu chứng viêm kết mạc dị ứng có các dấu hiệu điển hình như: chảy nước mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, sưng ở mí mắt, cảm giác rát ở mắt, đóng vảy mỏng ở 2 bên mắt vào buổi sáng, ngứa, đau mắt, giảm thị lực, phù mí mắt, tiết dịch nhầy đặc, sợ ánh sáng, loét giác mạc, cảm giác có dị vật ở trong mắt…[6]
Những người viêm kết mạc dị ứng đều bị ngứa và rát dữ dội ở hai mắt. Các triệu chứng thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, hiếm khi một mắt bị nặng hơn mắt còn lại. Kết mạc trở nên đỏ và sưng làm cho bề mặt của nhãn cầu sưng húp. Mí mắt có thể sẽ ngứa dữ dội. Việc chà xát và gãi làm đỏ da mí mắt, sưng tấy và xuất hiện nếp nhăn.
Viêm kết mạc dị ứng theo mùa và viêm kết mạc dị ứng lâu năm sẽ có một lượng lớn dịch tiết lỏng, loãng. Tầm nhìn hiếm khi bị ảnh hưởng, nhiều trường hợp có ngứa và sổ mũi.
Với viêm kết mạc mùa xuân, dịch tiết mắt đặc, dai và giống như chất nhầy. Không giống như các loại viêm kết mạc dị ứng khác, viêm kết mạc mùa xuân thưởng ảnh hưởng đến giác mạc (lớp trong suốt phía trước mống mắt và đồng tử). Ở một số người, viêm kết mạc mùa xuân có thể có loét giác mạc, đau. Những vết loét gây đau mắt đặc biệt đau khi tiếp xúc với ánh sáng chói (chứng sợ ánh sáng), đôi khi giảm thị lực.
Hầu hết trong các trường hợp, viêm kết mạc dị ứng không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Các biến chứng của viêm kết mạc dị ứng rất hiếm, nhưng có thể để lại sẹo ở mắt, nhiễm trùng kết mạc, nhiễm trùng lan sang các vùng khác của cơ thể, có khả năng gây nhiễm trùng thứ cấp nghiêm trọng.
Viêm kết mạc dị ứng thường bị lẫn lộn với viêm kết mạc do vi rút. Ngứa mắt dữ dội là triệu chứng chỉ liên quan đến dị ứng mắt. Viêm kết mạc do vi rút thường bắt đầu ở một mắt và lan sáng mắt còn lại, trong khi viêm mắt dị ứng thưởng ảnh hưởng đến 2 mắt cùng một lúc. Viêm kết mạc do vi rút dễ lây lan còn viêm kết mạc dị ứng không lây nhiễm. [7]
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc dị ứng có tiên lượng tốt. Hiếm khi xuất hiện biến chứng. Với bệnh nhân bị tổn thương giác mạc nếu không được điều trị kịp thời có thể mất thị lực. Các loại thuốc dùng để kiểm soát viêm mắt dị ứng nếu sử dụng không có sự theo dõi của bác sĩ có thể gây đục thủy tinh thể. Tùy vào tình trạng của mắt, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. [8]
Điều trị viêm kết mạc dị ứng bằng thuốc nhỏ mắt chống dị ứng. Sử dụng các chất bổ sung nước mắt nhân tạo và tránh các chất gây dị ứng để giúp giảm các triệu chứng. Thuốc nhỏ mắt có chất kháng histamin như ketotifen thường dùng cho trường hợp nhẹ. Có thể sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt kháng histamin theo toa hoặc chất ổn định tế bào mast để có hiệu quả tốt hơn.
Thuốc nhỏ mắt chống viêm không chứa steroid như ketorolac giúp giảm các triệu chứng. Thuốc nhỏ mắt corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh hơn, tuy nhiên không nên sử dụng những loại thuốc nhỏ mắt này hơn một tuần mà không có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ nhãn khoa. Nếu tự mua và sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid không có theo dõi của bác sĩ sẽ đối diện với các biến chứng như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt, hoặc các bệnh về mắt…
Nếu viêm kết mạc dị ứng có thêm các triệu chứng ở mũi và tai bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống kháng histamine chẳng hạn như fexofenadine, cetirizine, chlorpheniramine, cinnarizin, alimemazin, hydroxyzine… giúp giảm các tình trạng dị ứng ở mắt và các vùng bị dị ứng khác trên cơ thể. Khi dùng thuốc uống kháng histamin cần lưu ý những điều sau: thuốc sẽ gây tình trạng buồn ngủ, thiếu tập trung, không nên dừng khi lái xe, thi cử. Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai, nhược cơ, u xơ tiền liệt tuyến…
Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc tra mắt giúp giảm triệu chứng sung huyết, đỏ, sưng, ngứa, chảy nước mắt. Các thuốc dùng để bôi ở mắt bao gồm: thuốc kháng histamine, chống viêm không steroid, thuốc ổn định tế bào mast… Với trường hợp bị bội nhiễm, có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh trong 10 – 14 ngày.
Bệnh viêm kết mạc dị ứng tuy ít để lại biến chứng nguy hiểm nhưng gây khó chịu nhiều. Để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc dị ứng, người dân hãy làm theo các cách dưới đây.
Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng ở những người đã biết chính xác cơ thể dị ứng với yếu tố nào. Với người chưa biết mình có nguy cơ dị ứng với gì có thể tránh những yếu tố dễ gây dị ứng bao gồm: hải sản, đậu phộng, trứng, sữa, bơ, thực phẩm lạ, phấn hoa, vảy lông động vật, côn trùng, bụi, hóa chất, mỹ phẩm có mùi hương nồng… Đeo khẩu trang và kính mắt khi ra ngoài, đặc biệt với thời tiết hanh khô nhiều gió. [9]
Loại bỏ những yếu tố có thể gây dị ứng tại không gian sống bằng các vệ sinh sạch sẽ. Lau dọn nhà, giặt chăn mền, giúp giảm bụi, nấm mốc…
Kính áp tròng có thể là nơi chứa nhiều vi khuẩn, bụi bẩn khi không được vệ sinh kỹ. Do vậy, trước và sau khi đeo kính áp tròng cần rửa tay và kính bằng nước vệ sinh kính áp tròng chuyên dụng. Khi đeo và tháo kính áp tròng cần nhẹ nhàng, thao tác quá nhanh mà mạnh có thể làm tổn thương mắt. Khi lựa chọn mua kính áp tròng cần chọn kính chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, không dùng những loại được sản xuất từ vật liệu dễ gây dị ứng. [10]
Các chất tẩy rửa có mùi hương nồng có khả năng gây dị ứng. Do vậy, nên chọn sử dụng chất tẩy rửa không mùi, giảm nguy cơ dị ứng do hóa chất.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Người dân nên ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất oxy hóa, năng tập thể dục để tăng sức đề kháng. Bệnh viêm kết mạc dị ứng thường nhầm lẫn với bệnh viêm kết mạc do vi rút. Trên mọi trường hợp, nếu thấy mắt có triệu chứng bất thường cần gặp bác sĩ khoa Mắt để thăm khám và điều trị sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.