Các triệu chứng “hậu Covid-19” không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, mà còn có thể tạo ra tác động không tích cực đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân ung thư. Do đó, việc điều trị hậu Covid-19 ở bệnh nhân ung thư cần được chú trọng.
Bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 dễ có nguy cơ chuyển biến nặng. Khi nhiễm Covid-19, họ có thể vượt qua được thời điểm nguy kịch là cả một quá trình chiến đấu đầy nghị lực và kiên cường của chính người bệnh, người thân cũng như của đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc. Đồng thời, giai đoạn hồi phục sau nhiễm Covid-19 với các triệu chứng “hậu Covid-19” cũng không hề dễ dàng cho các bệnh nhân ung thư.
Ông Nguyễn Văn Sinh (68 tuổi, TP HCM) vừa kết thúc đợt hóa trị bệnh ung thư bàng quang giai đoạn 3 thì mắc Covid-19. Sau khi âm tính SARS-CoV-2 được 3 tuần, ông vẫn ho dai dẳng, thỉnh thoảng đau tức ngực. Nghĩ mình bị hội chứng hậu Covid-19 từ từ sẽ hết nên ông không đi bệnh viện kiểm tra mà chỉ ở nhà uống thuốc. Đến khi xuất hiện cơn đau tức ngực rõ hơn, tình trạng khó thở xảy ra với tần suất dày hơn, người nhà đưa ông đến bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám. Kết quả chụp CT phổi cho thấy bệnh ung thư bàng quang đã di căn đến phổi.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Oncology tháng 12/2021, trong số 2795 bệnh nhân ung thư được chẩn đoán mắc Covid-19 từ ngày 27/2/2020 đến 14/2/2021, có khoảng 15% bệnh nhân có các triệu chứng hậu Covid-19 ghi nhận trong thời gian theo dõi ít nhất khoảng 4 tháng sau nhiễm nCoV và cần hỗ trợ y tế chuyên biệt.
Đầu tháng 10/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có công bố chính thức về các triệu chứng hậu Covid-19. Theo đó, “các triệu chứng hậu Covid-19” hay “triệu chứng Covid kéo dài” xảy ra ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2, khoảng 20% trường hợp có triệu chứng kéo dài sau 4 tuần, trong số đó khoảng 10% không khỏe lại sau 12 tuần, thậm chí một số trường hợp bệnh nhân bị suy nhược cơ thể.
Các triệu chứng phổ biến nhất của “hậu Covid-19” thường gặp ở 3 nhóm chính như sau: nhóm các triệu chứng về hô hấp (ho, khó thở, đau tức ngực); nhóm các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, ù tai, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, thay đổi khứu giác, vị giác, phát ban ở da, rụng tóc, đau khớp…); nhóm các triệu chứng về sức khỏe tâm thần (rối loạn thần kinh thực vật, hội chứng não sương mù, suy giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm) dẫn đến chất lượng cuộc sống sa sút nghiêm trọng.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân ung thư khi nhiễm Covid-19 chịu nhiều tác động xấu đến sức khỏe và các triệu chứng “hậu Covid-19” có thể thường gặp và kéo dài hơn người không mắc bệnh ung thư. Thêm vào đó, việc trì hoãn điều trị ung thư trong giai đoạn điều trị Covid-19 có thể khiến các tế bào ung thư tiến triển trở lại. Chính vì thế, việc lựa chọn điều trị bệnh ung thư kết hợp điều trị hậu Covid-19 sẽ giúp nhanh chóng đưa bệnh nhân trở về trạng thái sức khỏe ổn định như lúc chưa nhiễm Covid-19.
Là bệnh viện được đầu tư xây dựng khang trang, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, quy tụ đội ngũ bác sĩ ung bướu, điều dưỡng giàu chuyên môn, triển khai đầy đủ các quy định thăm khám và chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế, Hệ thống BVĐK Tâm Anh tích cực triển khai thăm khám, tầm soát và điều trị hiệu quả bệnh ung thư, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân.
Bệnh nhân ung thư muốn điều trị hậu Covid-19 cần được xét nghiệm lại. Sau khi có kết quả âm tính, bệnh nhân được thăm khám với các chuyên gia ung bướu để lên phương án và phác đồ điều trị phù hợp.
Bác sĩ Thảo Nghi cho biết, bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đã khỏi bệnh cần cố gắng duy trì thời gian nghỉ ngơi đầy đủ, vận động nhẹ nhàng hợp lý, chế độ dinh dưỡng thích hợp với đầy đủ các nhóm dưỡng chất để tăng sức đề kháng. Bệnh nhân có thể gặp triệu chứng khó thở khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức, do đó cần vận động nhẹ nhàng, tập hít thở để cải thiện triệu chứng.
Giai đoạn hậu Covid-19 có thể gây áp lực về mặt tâm lý cho bệnh nhân ung thư. Bác sĩ Thảo Nghi khuyến cáo bệnh nhân thay vì hoang mang lo sợ, thì nên chủ động tìm hiểu các thông tin đầy đủ và đúng về các triệu chứng này, chủ động trao đổi với bác sĩ điều trị và nhân viên y tế nếu cần; từ đó giảm lo lắng và có hướng suy nghĩ tích cực hơn, để tránh tình trạng đau đầu và mất ngủ. Người thân nên thường xuyên trò chuyện, động viên chia sẻ để người bệnh giảm lo lắng và tuân thủ tốt điều trị để nhanh chóng ổn định sức khỏe.
Sau nhiễm Covid-19, các nhóm bệnh nhân như bệnh nhân ung thư, người có bệnh nền, người từng thở máy, nằm phòng hồi sức tích cực (ICU) có thể cân nhắc việc chủ động thăm khám và kiểm tra về các triệu chứng “hậu Covid-19” để có chẩn đoán chính xác (có tổn thương thực thể không hay chỉ do tâm lý lo lắng), từ đó bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị hỗ trợ phù hợp. Việc chẩn đoán và can thiệp điều trị sớm sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu di chứng, đảm bảo mặt sức khỏe thể chất – tinh thần và giải tỏa áp lực tâm lý cho bệnh nhân cũng như cho gia đình.
Thúy Nguyễn
Khoa Ung bướu Hệ thống BVĐK Tâm Anh thường xuyên cập nhật và ứng dụng các phác đồ điều trị mới nhất theo hướng dẫn điều trị quốc tế như: các loại thuốc mới lưu hành, thuốc miễn dịch, thuốc trúng đích, ứng dụng những tiến bộ sinh học phân tử để cá thể hóa điều trị… Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa khác trong bệnh viện như Nội soi & Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Sản Phụ khoa, Tiết niệu – Thận học, Nội tiết, Hô hấp, Tai Mũi Họng, Ngoại tổng quát, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Dinh dưỡng, Tâm lý… giúp lên kế hoạch điều trị toàn diện, đa mô thức, tư vấn tâm lý, chăm sóc dinh dưỡng trước-trong-sau điều trị, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH