Viêm tuyến giáp có phải mổ không? Khi nào nên tiến hành?

Phạm Thị Hồng Tuyến
Chào bác sĩ, 6 tháng trước, mẹ em bị sưng, đau, khó chịu ở cổ, ăn uống, hít thở khó khăn hơn. Đưa mẹ đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm tuyến giáp do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ kê đơn cho mẹ em dùng thuốc điều trị nhưng hiện tại cổ của bà có hiện tượng lớn hơn. Cho em hỏi khi nào bệnh viêm tuyến giáp cần mổ ạ? Trường hợp của mẹ có cần can thiệp phẫu thuật để điều trị cho bà không ạ? Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Cảm ơn bác sĩ.

Bệnh viêm tuyến giáp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả ngoại hình của người bệnh với bướu lớn ở cổ. Vì thế, phương pháp điều trị bệnh hiệu quả được nhiều người, đặc biệt người bệnh viêm tuyến giáp, quan tâm. Chủ đề viêm tuyến giáp có phải mổ không là một trong số đó. Câu trả lời sẽ được bác sĩ CKII Trương Thị Vành Khuyên, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong bài viết sau đây.

Viêm tuyến giáp có phải mổ không

Giới thiệu viêm tuyến giáp

Viêm tuyến giáp là bệnh thường do tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch trong cơ thể nhầm lẫn tế bào tuyến giáp là tác nhân gây bệnh, nên huy động kháng thể tấn công tiêu diệt gây viêm, thậm chí chết tế bào tuyến giáp. (1)

Tuyến giáp là cơ quan nhỏ giống con bướm nằm ở cổ họng. Chức năng chính là sản sinh các hormone có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động trao đổi chất, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể.

Khi tuyến giáp bị tổn thương, chức năng tuyến giáp sẽ bị rối loạn. Thông thường, ở giai đoạn đầu của quá trình viêm, một số tế bào tuyến giáp bị phá hủy, làm phóng thích hormone giáp vào máu. Lúc này, nồng độ hormone tuyến giáp trong máu tăng mạnh, gọi là giai đoạn nhiễm độc giáp thoáng qua hay cường giáp giả. Sau một thời gian, các tế bào tuyến giáp bị phá hủy hàng loạt, những tế bào tuyến giáp còn lại chưa kịp phục hồi chức năng sản xuất hormone giáp (khả năng sản xuất hormone giáp bị suy yếu tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ bị phá hủy của tế bào).

Phần lớn trường hợp, nồng độ hormone dần trở về mức bình ổn (bình giáp). Một số trường hợp, giai đoạn bình giáp là chuyển tiếp từ cường giáp sang suy giáp. Nếu khả năng sản xuất hormone giáp cạn kiệt, người bệnh sẽ bị suy giáp. Tình trạng suy giáp có thể kéo dài vĩnh viễn, người bệnh cần điều trị bằng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

Bệnh viêm tuyến giáp không có triệu chứng đặc trưng. Người bệnh có thể có các biểu hiện cường giáp như: tim đập nhanh, mệt mỏi, khó thở, lo lắng, mất ngủ, sụt cân…; hoặc cũng có thể có những biểu hiện suy giáp như: mệt mỏi, tăng cân, táo bón, khô da, chân tay yếu.

Viêm tuyến giáp có nhiều dạng, do các nguyên nhân khác nhau gây nên, bao gồm:

  • Viêm tuyến giáp mạn tính: còn được gọi là viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính. Nguyên nhân là do kháng thể kháng giáp (Thyroid‐specific peroxidase – TPO) gây ra. Viêm tuyến giáp Hashimoto là dạng viêm tuyến giáp phổ biến nhất và là nguyên nhân chính gây suy giáp.
  • Viêm tuyến giáp bán cấp (viêm tuyến giáp de Quervain): là dạng viêm tuyến giáp do virus với biểu hiện thường gặp là tuyến giáp bị sưng, đau, xuất hiện u hạt xơ hóa. Bệnh thường xảy ra trước nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Viêm tuyến giáp Riedel: là dạng viêm tuyến giáp hiếm gặp, nguyên nhân do viêm mạn tính và xơ hóa tuyến giáp gây ra.
  • Viêm tuyến giáp sau sinh: là dạng viêm tuyến giáp hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở một số ít phụ nữ sau sinh. Bệnh do kháng thể kháng giáp TPO gây ra, thường xuất hiện trong vòng 1 năm sau sinh dẫn đến suy giáp tạm thời, hiếm khi tiến triển thành suy giáp vĩnh viễn.
  • Viêm tuyến giáp lympho bào thầm lặng (viêm tuyến giáp không đau): là bệnh viêm tuyến giáp xảy ra sau sinh, có thể phì đại tuyến giáp nhưng không đau.
  • Viêm tuyến giáp nhiễm trùng cấp tính: là dạng viêm tuyến giáp hiếm gặp, do vi khuẩn hoặc vi sinh vật xâm nhập cơ thể gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc người trưởng thành có cơ địa suy giảm miễn dịch.
  • Viêm tuyến giáp do thuốc: nguyên nhân gây ra dạng viêm tuyến giáp này là do ảnh hưởng từ một số loại thuốc như amiodarone, interferon, lithium… Bệnh chỉ xảy ra với một phần nhỏ người sử dụng các loại thuốc này.
  • Viêm tuyến giáp do xạ: là dạng viêm tuyến giáp cấp tính, đau đớn do xạ trị để điều trị cường giáp hoặc do xạ trị điều trị ung thư đầu cổ hoặc ung thư hạch. Bệnh ảnh hưởng khoảng 1% những người đã được điều trị bằng iốt phóng xạ (I-131) để điều trị bệnh Graves, thường xuất hiện từ 5 – 10 ngày sau điều trị.
Viêm tuyến giáp là một bệnh tự miễn
Viêm tuyến giáp là một bệnh tự miễn thường xảy ra ở phụ nữ trung niên.

Viêm tuyến giáp có phải mổ không?

Không phải tất cả trường hợp viêm tuyến giáp đều được chỉ định can thiệp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng và dạng viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp người bệnh bị viêm tuyến giáp Hashimoto, tình trạng suy giáp là vĩnh viễn nên đến giai đoạn này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc có tác thay thế hormone tuyến giáp như levothyroxine. Người bệnh phải dùng thuốc suốt đời.

Trường hợp người bệnh bị viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến không đau, biểu hiện suy giáp có thể thuyên giảm trong 6 – 12 tháng. Trong thời gian này, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc thay thế hormone tuyến giáp, sau đó giảm dần liều lượng kết hợp theo dõi quá trình phục hồi nồng độ hormone tuyến giáp. Ít khi các dạng viêm tuyến giáp này diễn tiến thành suy giáp vĩnh viễn.

Trường hợp viêm giáp do virus, vi khuẩn, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm, nhiều trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện điều trị, theo dõi. Nếu là viêm giáp do thuốc, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh có nên ngưng sử dụng thuốc hay không, hoặc chuyển sang dùng loại thuốc khác.

Không phải tất cả tình trạng viêm tuyến giáp đều cần phẫu thuật
Không phải tất cả tình trạng viêm tuyến giáp đều cần phẫu thuật.

Khi nào bệnh viêm tuyến giáp cần mổ?

Khi nào bệnh viêm tuyến giáp cần mổ? Phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp điều trị nội khoa bệnh viêm giáp do vi trùng không thể khống chế được tình trạng nhiễm trùng, hoặc cổ người bệnh xuất hiện bướu to gây chèn ép họng, khí quản, ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý người bệnh.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng người bệnh
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng người bệnh xem có nên phẫu thuật tuyến giáp hay không.

Trong số các dạng viêm tuyến giáp thì viêm tuyến giáp Hashimoto và viêm tuyến giáp Riedel có thể cần can thiệp phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để giảm kích thước bướu giáp, phục hồi chức năng tuyến giáp của người bệnh.

Bài viết trên đã đưa ra câu trả lời cho thắc mắc “Bị bệnh viêm tuyến giáp có phải mổ không?” được nhiều người quan tâm. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin hữu ích về bệnh viêm tuyến giáp nói chung và cách điều trị bệnh nói riêng.

Đánh giá bài viết:

ĐẶT CÂU HỎI VỚI CHUYÊN GIA NGAY




ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM