Phẫu thuật cắt vòi trứng có ảnh hưởng đến chuyển phôi không ?

Minh Anh
Em mong bác sĩ Hoàng trả lời giúp em, Em năm nay 34 tuổi, chồng em 35 tuổi, em lập gia đình năm 2010. Em đã chữa vô sinh, hiếm muộn được 8 năm. Năm 2013 em mổ nội soi thăm dò, phát hiện vòi trứng bị gấp khúc, kết luận sau mổ: tử cung bình thường, niêm mạc bình thường, vòi trứng thông. Năm 2014, em có thai tự nhiên nhưng bị ngoài, điều trị nội khoa bằng thuốc MTX. Năm 2015 em làm IVF lần đầu được 4 phôi, chuyển hết 4 phôi (2 loại 1, 1 loại 2, 1 loại 3), có thai sinh hóa. Sau đó em có thai tự nhiên, nhưng bị ngoài, phẫu thuật cắt (thắt gì đó) 2 vòi trứng. Năm 2016 em làm IVF lần 2 được 3 phôi, chuyển 3 phôi tươi (2 phôi loại 2, 1 phôi loại 3) nhưng không thành công. Năm 2017 em làm chọc trứng lần 3 được 5 phôi, chuyển 3 phôi tươi (2 phôi loại 2, 1 phôi loại 3), không thành công, cuối năm 2017 em chuyển 2 phôi trữ loại 3 còn lại nhưng tiếp tục không thành công. Những lần chuyển phôi, em không thấy bác sĩ nói gì về vấn đề nội tiết (kinh nguyệt của em đều 28 ngày), niêm mạc lúc chuyển phôi là 16-17mm. Vậy em muốn hỏi bác sĩ: 1. Việc em phẫu thuật cắt (thắt) vòi trứng có ảnh hưởng đến việc thành công của chuyển phôi không vì trùng hợp là sau khi em phẫu thuật, thì tất cả những lần em chuyển phôi sau đều thất bại? Em có cần phải nội soi, chụp chiếu, xét nghiệm gì... trước khi chuyển phôi không vì em đang có ý định chuyển 2 phôi duy nhất (loại 2, loại 3) của lần chọc trứng lần thứ 4 trong năm 2018 này? Hay do em k có phôi loại 1 để chuyển nên thất bại? Có phải niêm mạc của em quá dày không ạ? 2. Em cần làm gì để tăng tỉ lệ thành công: ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi trước và sau chuyển phôi, bổ sung thuốc...? 3. Lần IVF vừa rồi em được nói theo dõi polyp buồng tử cung nhưng khi siêu âm bơm nước bác sĩ nói theo dõi quá sản nội mạc tử cung, em có cần điều trị gì với bệnh này không? Rất mong bác sĩ trả lời giúp em, sau 3 lần chuyển phôi thất bại liên tiếp, em đang cảm thấy rất hoang mang và không còn tự tin lắm với lần chuyển phôi lần này. Em xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
BS.CKI CAO TUẤN ANH
BS.CKI CAO TUẤN ANH
Bác sĩ
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào chị,

Rất chia sẻ với hành trình tìm con của chị. IUI và IVF thất bại nhiều lần liên tiếp có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới, đầu tiên có thể kể đến là do chất lượng phôi, do niêm mạc tử cung không tốt hoặc những bất thường của phôi mà chúng ta không nhìn thấy, về di truyền nếu bạn chưa làm sàng lọc phôi. Để cải thiện làm tổ của phôi thì có rất nhiều cách, 1 trong những cách đó là nên kiểm tra lại nội mạc tử cung bằng phương pháo nội soi để xem có gì bất thường trong buồng tử cung mà chưa thể phát hiện bằng siêu âm hay chụp chiếu thông thường hay không. Cách thứ 2 là kiểm tra xem có ứ dịch ở vòi tử cung hay không, nếu bị ứ dịch chúng ta có thể cắt vòi tử cung để tránh trường hợp dịch viêm chảy ngược vào buồng tử cung. Cách nữa là làm sàng lọc phôi để loại trừ các phôi bất thường. Phôi bất thường thì khả năng làm tổ cũng kém, nếu đậu thai thì con sinh ra có khả năng dị tật cao. Đấy là những phương pháp hiện này thế giới đang nghiên cứu để tăng tỷ lệ có thai lên. Chị nên đến bệnh viện Tâm Anh để làm các thăm khám, nội tiết, các bệnh khác và làm những kiểm tra từ cả người chồng nữa. Càng đi thăm khám sớm càng có thể tìm được căn nguyên và từ đó sẽ tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho anh chị.. Khi thực hiện IVF, người mẹ vẫn ăn uống bình thường, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng vì chúng ta xác định là sắp sửa có thai. Chế độ dinh dưỡng luôn luôn rất là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ để nuôi thai sau này. Vẫn có lời khuyên là nên tránh các chất kích thích, ngủ nghỉ đều đặn, có khoa học, không thức khuya, dậy sớm hoặc nằm bệt 1 chỗ thì không nên. Chúc anh chị sớm thành công

Đánh giá bài viết:

ĐẶT CÂU HỎI VỚI CHUYÊN GIA NGAY




ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM