Tiêu chảy kéo dài ở trẻ em khiến trẻ mất nước và điện giải nghiêm trọng, tăng nguy cơ gặp biến chứng, thậm chí là tử vong. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 1.3 tỷ trẻ bị tiêu chảy, trong đó có khoảng 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi đi ngoài phân lỏng với tần suất > 3 lần/ngày, kèm theo các triệu chứng như đau bụng, quặn thắt bụng và khung đại tràng. Riêng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn bú mẹ hoàn toàn, đi ngoài trên 3 lần trong một ngày, phân có nước hoặc sền sệt mà không có triệu chứng nào khác là bình thường, không được coi là tiêu chảy.
Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Thông thường tình trạng này sẽ kéo dài trong khoảng 1- 2 ngày. Một số trường hợp tiêu chảy kéo dài và có diễn biến xấu hơn, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Tiêu chảy kéo dài là tình trạng tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài, không có dấu hiệu ngừng lại, trừ khi tìm ra nguyên nhân và áp dụng phương pháp điều trị thích hợp. Tiêu chảy kéo dài được chia thành hai loại:
Tiêu chảy kéo dài có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia làm 2 nhóm chính là nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn. (1)
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn: Tình trạng này xảy ra khi một số loại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua thực phẩm, đồ uống bị nhiễm bẩn, như vi khuẩn Campylobacter, Salmonella, Shigella, Escherichia coli,… hoặc một số loại virus như Rota, Norwalk, Cytomegalo, Herpes,… Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể do một số loại ký sinh trùng ruột xâm nhập và sinh sống trong hệ tiêu hóa, như Giardia lamblia, Entamoeba histolytica, Cryptosporidium…
Theo CDC Hoa Kỳ, có khoảng 88% trường hợp tử vong do tiêu chảy bắt nguồn từ việc sử dụng nước không an toàn và thiếu vệ sinh. Đặc biệt, trong các tác nhân trên, Rotavirus được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp, khiến khoảng 40% trẻ bị tiêu chảy dưới 5 tuổi nhập viện.
Tiêu chảy do không nhiễm khuẩn: Tình trạng này thường xảy ra do cơ thể không thể tiêu hóa một số thành phần trong thức ăn như không dung nạp lactose – một loại đường có trong sữa, dị ứng thức ăn hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống acid dạ dày chứa chất magnesium,…). Ngoài ra, các bệnh về đường ruột như viêm ruột (bệnh Crohn), bệnh đường tiêu hóa gây tổn thương ruột non và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng (bệnh Celiac), rối loạn chức năng co bóp ruột như hội chứng tăng nhu động ruột… cũng có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài.
Tiêu chảy kéo dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Khi được điều trị đúng cách, bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu phụ huynh lơ đễnh và không phát hiện sớm, không điều trị kịp thời, tiêu chảy kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, như hôn mê, suy kiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây trụy mạch, suy dinh dưỡng và mất nước.
Trong đó, suy dinh dưỡng do tiêu chảy thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và phát triển nhận thức của trẻ. Hầu hết trẻ em tử vong do tiêu chảy đều bị suy dinh dưỡng, đồng thời tiêu chảy làm tình trạng suy dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn.
Mất nước, mất điện giải được xem là mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất của tiêu chảy kéo dài. Khi bị tiêu chảy, nước và các chất điện giải sẽ bị mất đi qua phân lỏng, nôn mửa, mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Nếu không được bổ sung nước kịp thời, trẻ có thể bị co giật, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.
Ngoài ra, tiêu chảy khiến trẻ phải đi ngoài nhiều lần trong ngày. Điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, mất sức mà còn có nguy cơ gây viêm da vùng hậu môn, nhiễm trùng đường tiêu hóa ở trẻ.
Việt Nam là một khu vực có khí hậu nóng – ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây tiêu chảy kéo dài sinh sôi và phát triển. Do đó, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt là ở những khu vực có đông dân.
Tiêu chảy kéo dài ở trẻ em lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, thông qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn. Phụ huynh chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận, đảm bảo các yếu tố vệ sinh nhằm giảm nguy cơ mắc tiêu chảy cho trẻ.
Tiêu chảy là một trong những rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhưng không phải tất cả phụ huynh đều biết cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy an toàn và hiệu quả. Dưới đây là 3 nguyên tắc chính trong điều trị tiêu chảy kéo dài ở trẻ:
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài là điều trị mất nước, mất điện giải. Hệ đường ruột của trẻ bị tiêu chảy vẫn có khả năng hấp thu nước được, vì vậy, trẻ nên uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng nước, điện giải bị mất đi do tiêu chảy.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể có thể tham khảo bác sĩ về cách sử dụng Oresol để bù nước và cung cấp chất điện giải cho trẻ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Oresol nên được sử dụng loại áp suất thẩm thấp trong trường hợp tiêu chảy. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, việc bổ sung kẽm đóng vai trò quan trong trong điều trị và phòng chống tiêu chảy.
Thông thường các trường hợp mất nước ở trẻ mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu tình trạng mất nước của trẻ trở nên nghiêm trọng và không có dấu hiệu cải thiện, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị tích cực từ y tế.
Một số phụ huynh có quan điểm rằng: “Việc cắt bớt hoặc giảm khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ bị tiêu chảy sẽ giúp giảm tần suất đi tiêu hàng ngày của trẻ, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và không bị nôn mửa nữa.” Điều này hoàn toàn không đúng. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, đủ chất sẽ giúp phục hồi tổn thương niêm mạc ruột và rút ngắn thời gian tiêu chảy. Phụ huynh nên ưu tiên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa, có giá trị dinh dưỡng cao và giàu protein và năng lượng. Khi chưa xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài ở trẻ, bố mẹ nên tránh cho trẻ dùng sữa và các chế phẩm từ sữa nhằm phòng trừ trường hợp trẻ không dung nạp lactose, dị ứng protein sữa bò và tránh thức ăn và nước uống có nồng độ đường và muối quá cao.
Lưu ý, khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi và cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, kéo dài một tháng sau khi khỏi bệnh.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nguyên nhân, độ tuổi, cân nặng, mức độ tổn thương, bác sĩ có thể sẽ kê cho trẻ thuốc trị tiêu chảy với liều lượng phù hợp.
Mỗi loại thuốc sẽ có hoạt tính riêng, nhưng nhìn chung thuốc trị tiêu chảy đều có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng, rút ngắn thời gian điều trị tiêu chảy thông qua giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch ở đường tiêu hóa, giảm nước trong phân, từ đó, giúp giảm số lần đi ngoài, tạo khuôn phân. Tuy nhiên, thuốc trị tiêu chảy cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, bố mẹ nên lưu ý, nắm rõ thông tin về thuốc và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ khi cho trẻ dung.
Tiêu chảy kéo dài khiến nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng, tuy nhiên, lúc này bố mẹ nên giữ tâm lý bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân và chăm sóc trẻ đúng cách. Dưới đây là một số điều cần tránh khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài:
Để phòng ngừa tiêu chảy kéo dài ở trẻ em, bố mẹ nên chú ý những lưu ý dưới đây:
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Trên đây là những thông tin hữu ích về “tiêu chảy kéo dài ở trẻ em”. Hy vọng với những thông tin này, phụ huynh sẽ nắm được cách chăm sóc khi trẻ mắc bệnh, đồng thời phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả hơn.