Tiêm khớp cổ tay là kỹ thuật đang được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh liên quan đến vùng cổ tay. Phương pháp cho thấy nhiều ưu điểm nổi trội, đem lại hiệu quả cải thiện tích cực. Tuy nhiên, tiêm khớp cho cổ tay cũng chống chỉ định với một số trường hợp nhất định, do đó người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ để hạn chế rủi ro.
![tiêm khớp cổ tay]()
Tiêm khớp cổ tay là gì?
Tiêm khớp cổ tay là kỹ thuật tiêm chất chống viêm vào bộ phận này để giảm thiểu tình trạng đau nhức khó chịu. Một số loại thuốc phổ biến thường dùng là Corticosteroid, Axit Hyaluronic… bởi có độ nhớt cao. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng có thể được dùng để hút dịch viêm ra khỏi khớp cổ tay nhằm hạn chế hiện tượng sưng đau.
Hiệu quả giảm đau bằng phương pháp tiêm nội khớp sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ bệnh lý cũng như cơ địa. Trong một số trường hợp, tình trạng đau nhức được cải thiện đáng kể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiêm thêm. Ngược lại, nếu hiệu quả không như mong đợi, việc thực hiện các phương pháp thay thế khác là cần thiết. (1)
![kỹ thuật tiêm cổ tay]()
Ưu điểm của phương pháp
Kỹ thuật tiêm khớp cổ tay hiện đang được sử dụng phổ biến. Phương pháp đem lại hiệu quả cải thiện tích cực và cho thấy nhiều ưu điểm như sau: (2)
- Hạn chế tối đa các biến chứng do phải uống thuốc kéo dài
- Hiệu quả giảm sưng, giảm đau tại khớp viêm.
- Quá trình thực hiện nhanh chóng.
- Phương pháp này còn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây viêm khớp cổ tay
Chỉ định tiêm khớp cổ tay
Tiêm khớp tay được chỉ định thực hiện trong các trường hợp dưới đây khi tổn thương không có dấu hiệu giảm ngay cả khi đã dùng thuốc điều trị:
- Viêm khớp dạng thấp (có tổn thương khớp cổ tay).
- Viêm khớp cổ tay sau chấn thương (không xuất hiện hiện tượng tràn máu khớp do chấn thương).
- Bệnh gút, giả gút có tổn thương khớp cổ tay.
- Một số bệnh hệ thống có liên quan đến tổn thương khớp cổ tay dai dẳng.
Chống chỉ định trong trường hợp nào?
Kỹ thuật tiêm cổ tay cũng được chống chỉ định thực hiện trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể bao gồm: (3)
- Viêm khớp cổ tay kèm dấu hiệu nhiễm khuẩn: Lao khớp, viêm khớp mủ…
- Tổn thương khớp cổ tay xuất phát từ bệnh lý về máu và thần kinh.
- Vùng da bên ngoài xung quanh khớp cổ tay bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm (nguy cơ sẽ đưa vi khuẩn, nấm vào khớp cổ tay).
- Cơ địa đang trong tình trạng suy giảm miễn dịch.
- Trường hợp chống chỉ định tương đối: Người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp.
Đối với trường hợp chống chỉ định tương đối, người bệnh cần được theo dõi tình hình sức khỏe thật kỹ kể cả trước và sau khi tiến hành tiêm khớp cổ tay. Ngoài ra, kỹ thuật này chỉ nên được thực hiện khi bệnh lý đã được kiểm soát ổn định.
![chống chỉ tiêm khi nào]()
Quy trình tiêm khớp cổ tay
Chuẩn bị
- Phòng thủ thuật vô trùng.
- Hộp thuốc chống sốc theo quy định.
- Hộp đựng dụng cụ vô trùng (bông, băng gạc, săng có lỗ, kẹp có mấu…).
- Kim tiêm 26G.
- Bơm tiêm nhựa 3 – 5 ml (loại dùng 1 lần).
- Bông cồn 70 độ.
- Dung dịch Betadin hoặc cồn I ốt.
- Băng dính y tế hoặc băng dính Urgo.
- Chuẩn bị các loại thuốc tiêm, bao gồm: Hydrocortison acetat (Nồng độ 1ml = 25mg); Depo- Medrol (Methyl Prednisolon Acetat, nồng độ 1ml = 40mg) hoặc Diprospan (1ml = 5mg Betamethasone Dipropionate + 2mg Betamethasone Sodium Phosphate).
- Tư thế người bệnh: Ngồi hoặc nằm ngửa với phần khớp cổ tay đặt ở tư thế gập nhẹ về phía gan bàn tay.
Tiến hành
- Bước 1: Bác sĩ kiểm tra hồ sơ, chỉ định đơn thuốc, vị trí tiêm.
- Bước 2: Kiểm tra sức khỏe người bệnh, giải thích rõ về mục đích, tai biến có thể xảy ra của kỹ thuật tiêm khớp cổ tay.
- Bước 3: Điều dưỡng chuẩn bị thuốc tiêm, sát trùng vị trí tiêm, trải săng mổ và luôn quan sát người bệnh trong suốt quá trình tiêm, đảm bảo phát hiện sớm các thay đổi bất thường.
- Bước 4: Bác sĩ sát trùng tay, mang găng vô khuẩn và tiến hành tiêm khớp.
- Bước 5: Bác sĩ tiêm ở vị trí cổ tay mặt gan bàn tay, điểm tiêm chính xác là bên dưới mạc giữ gân gấp, nằm giữa gân gấp các ngón tay và gân cơ gan tay dài (hai gân nổi rõ nhất). Đường di chuyển kim tiêm gần như tiếp tuyến với da, hướng về phía ngón tay, hướng vào trong theo đường chính giữa. Kim đâu sâu tối thiểu từ 20 – 30mm với liều lượng thuốc là 1ml.
- Bước 6: Băng chỗ tiêm, dặn dò người bệnh về việc phải giữ sạch vết tiêm, không để ướt trong vòng 24 giờ sau khi thực hiện thủ thuật, tái khám nếu chảy dịch, viêm, sưng tấy…
![băng bó sau tiêm]()
Theo dõi biến chứng và chăm sóc sau mổ
Sau khi thực hiện tiêm khớp cổ tay, bác sĩ sẽ theo dõi các chỉ số về mạch, HA, tình trạng chảy máu tại chỗ, viêm trong 24 giờ, để phát hiện biến chứng và xử lý kịp thời cho người bệnh. Một số biến chứng kèm phương pháp chăm sóc sau tiêm gồm: (4)
- Đau tăng lên sau khi tiêm từ 12 – 24 giờ: Đây là phản ứng viêm với tinh thể thuốc, thường tự khỏi sau một ngày mà không cần đến các can thiệp y tế. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bổ sung thuốc chống viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
- Nhiễm khuẩn chỗ tiêm (viêm mủ): Biểu hiện dễ nhận thấy là triệu chứng sốt, sưng đau tại chỗ. Trường hợp này có thể điều trị bằng kháng sinh.
- Biến chứng muộn: Người bệnh bị teo da, mất sắc tố da tại vị trí tiêm do tiêm nhiều lần vào cùng một chỗ hoặc vết tiêm quá nông. Đối với trường hợp này, lưu ý quan trọng là không để thuốc trào ra khỏi chỗ tiêm. Nếu tai biến xuất hiện, bác sĩ sẽ báo trước để tránh làm người bệnh hoang mang.
- Phần ô mô cái, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón nhẫn có thể bị tê, mất cảm giác, lâu ngày dẫn đến teo cơ: Nguyên nhân do tiêm vào thần kinh giữa, có thể cải thiện bằng cách thực hiện vật lý trị liệu.
- Biến chứng hiếm gặp: Tai biến xảy ra khi người bệnh quá sợ hãi do tiêm thuốc vào mạch máu hoặc tiêm quá nhanh. Triệu chứng dễ nhận biết là tình trạng choáng váng, vã mồ hôi, ho khan, tức ngực, khó thở, rối loạn cơ tròn… Trong trường hợp này, người bệnh cần được đặt nằm ở tư thế đầu thấp, chân giơ cao, theo dõi mạch, huyết áp để cấp cứu khi cần thiết.
Trong vòng 48 giờ sau khi thực hiện, người bệnh không nên gây ra bất cứ tác động nào lên vùng được tiêm. Ngoài ra, việc quay lại tái khám, theo dõi định kỳ là thực sự cần thiết để đánh giá tình hình vết thương cũng như hiệu quả cải thiện. Trong trường hợp cơn đau kéo dài liên tục và tăng dần theo thời gian, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ nhằm hạn chế tối đa biến chứng không mong muốn.
![theo dõi biến chứng]()
Một số lưu ý khi thực hiện
- Khi kết thúc quá trình tiêm, kim phải được rút ra nhanh chóng và tạo áp lực nhẹ lên vị trí tiếp xúc trên da.
- Để tránh biến chứng teo cơ gây nguy hiểm, khi tiêm, quá trình chọc kim cần được quan sát kĩ, ngay lập tức rút kim và không tiêm thuốc nếu người bệnh có dấu hiệu tê bì, đau nhói… bất thường.
- Nhiễm trùng rất dễ xảy ra khi thực hiện tiêm khớp cổ tay, do đó, quá trình tiến hành bắt buộc phải cẩn thận, đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Đặc biệt, tiêm Corticosteroid được chống chỉ định ở những người bị viêm khớp nhiễm trùng.
- Không nên tiêm nhiều lần vào cùng một khớp hoặc vị trí.
- Người bệnh bị dị ứng nghiêm trọng với một hoặc nhiều loại thuốc được sử dụng thì tuyệt đối không được tiêm để ngăn biến chứng nguy hiểm. Đó có thể là Steroid, Lidocain…
- Sưng đau khớp xuất hiện sau khi tiêm Corticosteroid hoặc Axit Hyaluronic là biến chứng không phổ biến, thường chỉ xảy ra ở 1 trong 50 người bệnh và có xu hướng giảm trong vài ngày. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, cơn đau kéo dài hơn, người bệnh cần được kiểm soát bằng NSAID, chẳng hạn như Ibuprofen, Naproxen (hoặc Tylenol ở bệnh nhân đã dùng NSAID theo lịch trình hoặc không thể dùng NSAID).
- Tiêm khớp cổ tay cần xác định đúng vị trí để tránh biến chứng phát sinh, nguy hiểm nhất là đứt gân, tổn thương dây thần kinh (teo dây thần kinh giữa).
![lưu ý khi tiêm khớp tay]()
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ ngoại khoa giàu kinh nghiệm, tận tâm, nhiệt tình như: TTND.GS.TS.BS Nguyễn Việt Tiến; PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa; TS.BS Tăng Hà Nam Anh; ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ; BS.CKI Trần Xuân Anh, ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, TS.BS Đỗ Tiến Dũng; TS.BS.CKII Vũ Hữu Dũng… Đây cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp với kỹ thuật hiện đại theo phác đồ cập nhật quốc tế.
Bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại như: máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive, máy cộng hưởng từ thế hệ mới Magnetom Amira BioMatrix, robot Artis Pheno, máy đo mật độ xương, máy siêu âm…; hệ thống kính vi phẫu thuật Opmi Vario 700 Zeiss, bàn mổ Meera-Maquet… để có thể phát hiện sớm các tổn thương và điều trị hiệu quả các bệnh lý về cơ xương khớp…
BVĐK Tâm Anh còn sở hữu hệ thống phòng khám khang trang, khu nội trú cao cấp; khu vực phục hồi chức năng hiện đại; quy trình chăm sóc hậu phẫu toàn diện giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và ổn định sức khỏe sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến tiêm khớp cổ tay. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh đã cập nhật thêm kỹ thuật điều trị mới để khắc phục hiệu quả tình trạng đau nhức khó chịu.
Cập nhật lần cuối: 09:58 25/11/2023