“Đến 38 tuần 3 ngày, em bé của mẹ đòi ra. Thời khắc con chào đời an toàn, tiếng khóc vang khắp phòng sinh cũng là lúc bố mẹ rơi nước mắt vì hạnh phúc…”
“Cứ có thai đi rồi lại bị chết lưu nữa” – đó là câu nói đã ám ảnh chị M.N (Thanh Hóa) suốt thời gian mong tìm con – hành trình dài 8 năm mà chị ngỡ càng đi càng bế tắc, nhiều lần muốn bỏ cuộc. Cho đến khi gõ cửa IVF Tâm Anh, cuộc đời chị N. như được viết sang trang mới tươi sáng và ngập tràn hạnh phúc khi đón được con yêu về nhà.
Anh chị về chung nhà từ năm 2012, 11 tháng sau cưới, chị đậu thai. Anh là con trai một, lại là con trưởng nên tin vui 2 vạch không chỉ là hạnh phúc của anh chị mà còn là niềm mong mỏi của cả hai bên nội ngoại. Không may, khi thai được 8 tuần 2 ngày, bác sĩ thông báo thai bị lưu. Hai vợ chồng chị chỉ biết khóc, nghĩ cảnh bố mẹ 2 bên đang vui mừng, lòng chị thêm xát muối.
Cơ thể vẫn khỏe mạnh, không nhận thấy bất cứ bất thường nào, nên chị nuôi hy vọng kết quả siêu âm ở bệnh viện tỉnh chưa chính xác. Vợ chồng chị quyết định đi khám ở bệnh viện tuyến trên, cố bấu víu vào dù chỉ là một tia hy vọng mong manh rằng thai nhi vẫn đang phát triển. Tuy nhiên… lần mang thai đầu tiên của chị đã dừng lại ở hơn 8 tuần thai. “Đến giờ nghĩ lại thời gian đó nước mắt tôi vẫn muốn trực trào, nhận tin dữ tôi khóc nhiều lắm, vừa tủi thân vừa đau lòng”, chị N. nhớ lại.
Được nhiều người động viên “còn trẻ còn nhiều cơ hội”, thương chồng và 2 bên gia đình lo lắng, chị bình tâm chấp nhận sự thật mất con. Thế nhưng 3 lần chị lên giường sinh xử lý thai lưu ở bệnh viện tuyến tỉnh, đi siêu âm tử cung vẫn còn dịch. Lo sợ bị ung thư, anh đưa chị lên bệnh viện ở Hà Nội, lúc này khối trong bụng chị đã to bằng kích thước thai 10 tuần, chị lại làm lần thứ 4 mới kết thúc được thai lưu với bao đau đớn, khổ sở.
Sau lần đó, vợ chồng chị N. tiếp tục thả nhưng càng mong chờ càng không thấy tin vui. Đến năm 2015, anh chị đi khám và quyết định can thiệp hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Làm IUI đến lần thứ 2, chị N. có beta nhưng đi siêu âm thai chưa vào tử cung trong khi beta vẫn liên tục tăng đều. Chị nằm viện 2 tuần theo dõi không tìm thấy thai, bác sĩ chỉ định mổ nội soi thăm dò. Chị N. tiếp tục lên bàn mổ, kết quả mổ nội soi vẫn không tìm thấy thai nằm ở đâu. 2 ngày sau mổ, chỉ số xét nghiệm beta của chị lên tới 8000, bác sĩ chỉ định gấp đi hút. Chỗ mổ chưa lành lại đến hút thai, chị N. cắn răng chịu đựng đau đớn cuối cùng hút ra gai, rau thường. Sau đó xét nghiệm beta giảm còn 150, chị được ra viện.
Hai lần có tin 2 vạch, chị N. chưa từng một lần được cảm nhận con máy hay nhìn thấy hình hài của con. Con chỉ vừa đến với mẹ đã vội đi ngay giai đoạn rất sớm của thai kỳ. Nỗi đau còn nhân lên khi sau 2 lần thai lưu chị N. càng thêm lận đận đường con, vì đi khám tại phòng khám có tiếng tại Hà Nội, bác sĩ nói “nếu có thai cũng sẽ lại chết lưu”.
Nhìn lại chặng đường có được con, vợ chồng chị cũng đã lao đao khá nhiều, có những lúc tưởng đã chân chùn, gối mỏi muốn buông xuôi nhưng vì khát khao có được chút máu mủ, anh chị lại đứng lên, mạnh mẽ chiến đấu.
Đó là những chuỗi ngày dài, ròng rã 2 năm trời cung đường quen thuộc của 2 vợ chồng là từ Thanh Hóa ra Hà Nội và quay về. Từ tinh mơ 1 giờ sáng bến xe Thanh Hóa để kịp 5h sáng tới Hà Nội khám, 9h sáng lại bắt xe về cơ quan cho kịp giờ làm.
Lần đó anh chị quyết định theo chữa trị tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội, làm IVF. Quá trình kích trứng suôn sẻ, chị N. được 14 phôi. Để đảm bảo tỷ lệ thành công, chị trữ tất cả phôi và tiếp tục lên bàn mổ lần thứ 2 để tách dính buồng tử cung. Tưởng là đã “rộng đường” đón con yêu nhưng khi vào hành trình canh niêm mạc để chuyển phôi trữ, chị N. lại gặp thêm thử thách niêm mạc quá mỏng. Canh mãi mới 8mm đủ điều kiện để chuyển phôi, nhưng lần 1, lần 2 rồi lại lần 3…, chuyển hết 14 phôi, chị N. vẫn “tay trắng”!
“Vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Ban đầu tôi còn khóc nhiều nhưng sau lâu dần tôi gần như không thể khóc được nữa. Tôi thật sự thấy bế tắc trên con đường tìm một đứa con” chị N. chia sẻ.
Năm 2018, tròn 6 năm trắng tay trên hành trình tìm con, vợ chồng chị gom góp niềm hy vọng cuối cùng, quyết định đến IVF Tâm Anh.
Tại đây chị N. tạo được 16 phôi và tiếp tục hành trình theo dõi niêm mạc đầy gian nan. Lần đầu canh mãi niêm mạc lên được 7,6mm chị đành liều chuyển phôi nhưng thất bại. “Lúc đó tôi đã ‘lỳ đòn’, thâm tâm chỉ duy nhất một điều là luôn phải cố gắng để mình khỏe mạnh. Có khỏe mạnh mới đủ sức đi tìm con, một phần tôi cũng rất tin tưởng vào PGS.TS.BS Lê Hoàng, tôi có niềm tin sẽ đón được con tại IVFTA.”
Sau thất bại, chị được Phó Giáo sư Lê Hoàng tư vấn mổ lại tách hết chỗ dính buồng tử cung còn sót lại của lần mổ trước. Đối diện việc vợ phải lên bàn mổ lần 3, chồng chị xót xa. Anh khuyên chị tìm người mang thai hộ nhưng thâm tâm chị muốn cố. Hiểu được nỗi lòng chị muốn tự mang thai và sinh ra đứa con máu mủ của mình, anh đồng ý và kiên trì sát cánh cùng vợ trải qua cuộc mổ, tiếp tục canh niêm mạc. Lần canh niêm mạc này cũng vất vả, mãi không lên được 8mm nên khi niêm mạc được 7,4mm, chị quyết định chuyển phôi.
Sau 7 ngày chuyển phôi, chị N. thấy ra máu, thử que lên 2 vạch, hai vợ chồng vừa mừng vừa lo sợ cái “dớp” của 2 lần trước. Mãi đến khi có tim thai, anh chị mới nhẹ nhõm, đếm từng mốc khám thai, đếm từng ngày mong con chào đời khỏe mạnh. Hai mẹ con chị N. mạnh mẽ vượt qua nhiều thử thách trong thai kỳ như ra máu phải nhập viện, cổ tử cung ngắn phải khâu…
Theo PGS.TS.BS Lê Hoàng “có khoảng 8-10% trường hợp sau mổ tách dính buồng tử cung có khả năng bị dính lại”.
Khi bị tái dính, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lại. Trong quá trình phẫu thuật có thể cần sử dụng một số vật liệu chống dính. Sau mổ, người bệnh sẽ cần sử dụng thêm một số loại thuốc nội tiết hỗ trợ niêm mạc phát triển tốt hơn, tránh trường hợp dính lại. Trường hợp của chị N. có tiền sử phẫu thuật hút thai và mổ nội soi tách dính trước đó. Sau khi thăm khám, nhận thấy phần buồng tử cung của chị vẫn còn dính sau ca phẫu thuật trước, để tăng khả năng đậu thai và sự phát triển của em bé, các bác sĩ IVF Tâm Anh đã tiến hành mổ tách dính buồng tử cung còn sót lại của lần mổ trước cho chị.
“8 năm mong con, 2 lần mất thai, 3 lần mổ nội soi, phải hút lấy thai, thất bại chuyển phôi nhiều lần…, đã có lúc tôi không dám nghĩ rằng mình có thể được làm mẹ. Được ôm con vào lòng, đối với tôi là cả một kỳ tích, không có gì quý giá và hạnh phúc hơn thế. Thật sự rất biết ơn đội ngũ y bác sĩ IVFTA đã giúp tôi đón được con yêu về nhà”, chị N. gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn bộ các bác sĩ, nhân viên y tế của IVFTA.
Những phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại đã mang những thiên thần nhỏ đến cho rất nhiều phụ nữ mong con. Chỉ cần đúng thầy đúng thuốc, đủ khao khát, đủ niềm tin, điều kỳ diệu nhất định đến, hạnh phúc nhất định sẽ mỉm cười…
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) hiện đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm. Với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, IVFTA đặc biệt điều trị hiệu quả, mang đến hạnh phúc đón được con cho rất nhiều ca “cực khó” bệnh nhân trên 50 tuổi, mắc bệnh lý phức tạp, chuyển phôi thất bại nhiều lần, vô sinh lâu năm không rõ nguyên nhân, dự trữ buồng trứng cực thấp, suy buồng trứng, tinh trùng yếu, không có tinh trùng,…
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH