Bệnh nhân 60 tuổi nhập viện cấp cứu do viêm ruột thừa cấp, bác sĩ tình cờ phát hiện mạch máu lớn nuôi tim bị tắc nghẽn 99%, nguy cơ đột tử cao.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM chia sẻ, ca cấp cứu bệnh nhân L.B (H. Hóc Môn, TP HCM) là một trường hợp hiếm gặp và có yếu tố may mắn. Nếu không được đưa đến bệnh viện vì đau ruột thừa, người bệnh sẽ không biết mình sắp tắc hoàn toàn mạch vành (mạch máu chính nuôi tim). Dù có biểu hiện nặng ngực trước đó nhưng triệu chứng này không đặc hiệu và không thường xuyên nên bệnh nhân chủ quan, không đi thăm khám. Chỉ cần chậm vài ngày nữa, dòng máu nuôi tim bị chặn đứt hoàn toàn, bệnh nhân có nguy cơ đột tử rất cao.
Tháng 10/2022, ông B. bắt đầu xuất hiện cơn đau ngực khi gắng sức mức độ vừa, tuy nhiên tần suất chỉ khoảng 1-2 tháng/lần. Ông nghĩ đây là biểu hiện bình thường nên không đi khám.
Cuối tháng 2/2023, ông B. đột ngột đau vùng thượng vị, buồn nôn, rối loạn đi tiêu. Cơn đau âm ỉ, kéo dài hàng giờ đồng hồ, sau đó lan xuống hố chậu phải. Đi khám tại một phòng khám tư, bác sĩ nghi ngờ ông bị viêm dạ dày, kê toa thuốc về nhà theo dõi.
Sau đó, cơn đau chẳng những không giảm mà ngày càng nặng lên. Ông B. được đưa đến khoa Cấp cứu BVĐK Tâm Anh ngay trong ngày. Tại đây, bác sĩ siêu âm chẩn đoán viêm ruột thừa cấp, có viêm phúc mạc, chỉ định mổ ngay để tránh bệnh diễn tiến nhanh.
ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, tình trạng viêm ruột thừa của ông Bình khá nghiêm trọng, ông may mắn đến bệnh viện kịp thời. Bệnh nhân được bác sĩ đo điện tâm đồ đánh giá tình trạng tim mạch trước phẫu thuật thì phát hiện có hiện tượng thiếu máu cục bộ cơ tim. Bác sĩ tiếp tục siêu âm tim khảo sát nhanh ghi nhận chỉ số EF (phân suất tống máu cho biết chức năng bơm máu cơ tim) chỉ còn 38% (khi chỉ số EF <50% cho thấy tim có dấu hiệu suy yếu do thiếu máu cơ tim nặng).
Bệnh nhân được ưu tiên mổ cấp cứu ruột thừa trước khi chụp mạch vành xác định nguyên nhân gây bệnh tim thiếu máu cục bộ. Bác sĩ chọn phương pháp phẫu thuật nội soi, cắt bỏ toàn bộ đoạn ruột thừa bị viêm, đồng thời rửa bụng dẫn lưu và truyền kháng sinh để chống nhiễm trùng. Vài giờ sau mổ, bệnh nhân hồi phục sức khỏe, được chụp mạch vành tìm căn nguyên gây thiếu máu cơ tim.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, động mạch liên thất trước (mạch máu chính nuôi tim) hẹp đến 99%. May mắn là vẫn có một dòng chảy nhỏ giúp cầm cự, tưới máu tạm thời nuôi cơ tim. “Với tình trạng này, cần can thiệp đặt stent càng sớm càng tốt cho bệnh nhân để tái thông dòng máu, tránh nguy cơ đột quỵ tim có thể xảy đến bất cứ lúc nào”, bác sĩ Long cho biết.
Dưới sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), bác sĩ Long và êkip luồn ống thông từ động mạch quay (ở cổ tay) lên vị trí hẹp ở động mạch liên thất trước rồi đặt 1 stent phủ thuốc thế hệ mới, kích thước 3.5 x 28 mm. Với kinh nghiệm xử lý những ca hẹp nặng mạch vành, các bác sĩ tiến hành nong bóng cứng đường kính 4.0 mm với áp lực lớn hơn để stent nở rộng hơn, áp sát thành mạch. Sau 40 phút, toàn bộ đoạn mạch hẹp được mở rộng, dòng máu lưu thông tốt, tái sinh cơ tim.
Nhờ kỹ thuật luồn ống thông qua động mạch ở cổ tay (thay vì ở đùi như truyền thống), bệnh nhân có thể thoải mái vận động và đi lại sau can thiệp vài giờ. Hai ngày tiếp theo, ông B. không còn đau ngực, hết khó thở. Vết mổ ruột thừa cũng lành nhanh, đường mổ nội soi rất nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ. Ông ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Động mạch liên thất trước (LAD) là một trong ba nhánh mạch máu lớn (cùng với động mạch vành phải và động mạch mũ) có nhiệm vụ cung cấp máu nuôi cơ tim. Do đó, nếu nhánh LAD bị tắc có thể dẫn đến đột quỵ tim nếu không được phát hiện và tái thông kịp thời.
Triệu chứng phổ biến cảnh báo đột quỵ tim là đau nặng ngực, thường xảy ra theo mức độ tăng dần. Ngoài ra, người bệnh nhồi máu cơ tim có thể gặp triệu chứng đau vùng thượng vị (như ông B.), khó thở, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, tay chân lạnh… Hầu hết bệnh nhân đều bỏ qua những dấu hiệu rất sớm này, đến khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra mới nhập viện cấp cứu. Việc phát hiện và can thiệp trong giờ vàng (60 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng) sẽ giúp giảm đáng kể di chứng. Thậm chí, người bệnh có thể được chữa khỏi, hồi phục sức khỏe gần như bình thường.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH