Cân não cứu mạch máu tim vặn xoắn cho cụ ông 82 tuổi

05/04/2023

Bệnh nhân đau ngực từng cơn, chụp mạch vành phát hiện nhiều đoạn mạch máu hẹp nặng, vặn xoắn phức tạp, vôi hóa nhiều, được bác sĩ đặt stent “khổng lồ” giải cứu.

tái thông mạch vành vặn xoắn vôi hóa

Ông Nguyễn Văn Sáu (82 tuổi, ngụ Q. Bình Tân TP.HCM) đến Bệnh viện Tâm Anh tái khám sau 1 tuần đặt stent mạch vành phải. Hiện sức khỏe ông hồi phục nhanh, không còn những cơn nặng ngực, khó thở. Kết quả điện tim đồ và siêu âm tim cho thấy tình trạng thiếu máu cơ tim và chức năng co bóp cải thiện hơn. 

Trước đó, ông Sáu nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: đau nặng ngực kéo dài, thở khó, lạnh người, vã mồ hôi. Chụp mạch vành, bác sĩ phát hiện mạch vành phải hẹp nặng (95%), vặn xoắn rất nhiều kèm theo vôi hóa. Ngoài ra, mạch vành trái cũng hẹp trên 50%, vôi hóa nhiều đoạn. Đây là nguyên nhân khiến dòng máu nuôi tim lưu thông kém, nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây tắc hoàn toàn, bệnh nhân sẽ lên cơn nhồi máu cơ tim.  

mạch vành phải bị vặn xoắn
Hình ảnh chụp mạch vành cho thấy đoạn mạch vành phải bị vặn xoắn (hình A) được đặt stent tái thông thành công (hình B)

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, hai thách thức lớn nhất trong can thiệp mạch vành là mạch máu vôi hóa và vặn xoắn. Khi mạch máu bị vặn xoắn, stent đi không được sẽ rớt ra khỏi bóng, dính trên mạch vành và có thể không nở. Lúc này, bắt buộc phải phẫu thuật để lấy stent ra. Thứ hai là mạch máu vôi hóa quá cứng, gần như không nong được stent như ý muốn nếu thực hiện theo kỹ thuật thông thường. Stent không nở tối ưu sẽ dẫn tới hình thành huyết khối trong stent dẫn đến tắc hẹp nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân Sáu có cả hai yếu tố này. Điều đó đồng nghĩa với rủi ro trong quá trình can thiệp cũng như nguy cơ gặp phải biến chứng sau đó cũng tăng lên.  

Để khắc phục những khó khăn trên, êkip chọn sử dụng ống thông lớn hơn (đường kính 7F, bình thường chỉ dùng ống 6F) và hình dáng ống thông phù hợp với hướng đi của mạch máu để cài vào động mạch vành, đồng thời tạo lực đẩy bóng và stent tốt hơn. Ngoài ra, bác sĩ còn dùng dây dẫn chuyên dụng có độ cứng và độ trơn tối ưu cho những mạch máu xoắn, giúp “nắn thẳng” mạch máu để nong bóng, đưa stent trượt qua vị trí xoắn đến chỗ hẹp dễ dàng hơn.

Trước khi can thiệp, bác sĩ tiến hành siêu âm trong lòng mạch (IVUS), khảo sát kỹ mạch máu để nắm chính xác mức độ và hình thái vôi hóa, từ đó ước lượng độ khó của sang thương cũng như đo được kích thước mạch máu cần đặt stent. Trường hợp này mạch máu lên đến 5.4 mm ở đoạn xa, đoạn gần là 4.5 – 5.0 mm.

ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch chia sẻ: “Phần lớn các ca nong mạch vành chỉ đặt stent lớn nhất là 4.5 mm, rất ít bệnh viện có stent 5.0 mm để đặt. Nhưng tại Trung tâm Can thiệp mạch, êkip luôn chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho những ca thủ thuật phức tạp nhất. Ở đây, chúng tôi chọn stent ‘khổng lồ’ 5.0 mm để đặt cho đoạn mạch bị hẹp nghẽn. Đối với đoạn xa sẽ nong stent lên đường kính đến 5.5 – 6.0 mm nhằm tối ưu kích thước giúp stent áp sát thành mạch, phòng tái hẹp về sau”.

Khi đặt stent cho những mạch máu lớn, bác sĩ phải giải quyết hai bài toán: nếu chọn stent nhỏ quá, stent sẽ không áp sát vào thành mạch mà bị trôi đi; ngược lại, chọn stent lớn quá có thể gây vỡ mạch máu và rất khó bít lỗ thủng. Với trường hợp này, êkip mạo hiểm chọn stent lớn, cẩn trọng nong bóng với áp lực vừa phải để stent áp sát thành mạch nhưng tránh làm tổn thương mạch máu. Nhờ đó, stent được đưa đến đúng vị trí chỉ sau 20 phút thủ thuật. Siêu âm trong lòng mạch vành sau can thiệp cho thấy stent nở rất tốt, tái thông hoàn toàn mạch máu tim cho bệnh nhân. 

Nhờ luồn ống thông qua động mạch quay (ở cổ tay), bệnh nhân có thể đi lại ngay sau thủ thuật và tháo băng ép sau 2-3 tiếng (thay vì 24 tiếng như can thiệp đường động mạch đùi). Ông được xuất viện hai ngày sau đó, tiếp tục uống thuốc theo toa và tái khám định kỳ để theo dõi hai nhánh mạch vành trái, nếu hẹp nặng thêm sẽ can thiệp ngay.

Bác sĩ Minh thông tin, ở các bệnh nhân lớn tuổi, mạch vành thường xoắn vặn và hẹp nghẽn nhiều hơn khiến máu không thể lưu thông theo đường sinh lý thông thường. Mạch vành xoắn vặn, vôi hóa (canxi tích tụ ở thành động mạch) có nguy cơ tắc hẹp cao hơn so với mạch máu bình thường. Việc can thiệp nong bóng đặt stent ở những trường hợp này vô cùng khó khăn. Bác sĩ phải kết hợp nhiều kỹ thuật hiện đại như siêu âm trong lòng mạch (IVUS), khoan cắt mảng xơ vữa (Rotablator), nong bóng áp lực phù hợp, dây dẫn có thiết kế phù hợp, ống thông chuyên dụng kích thước lớn hỗ trợ đưa stent… để khai thông lòng mạch thành công, phòng ngừa tái hẹp.

14:55 06/04/2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM