Bác sĩ chụp mạch vành tối thiểu thuốc cản quang và đặt stent “bóng bàn” kết hợp “mẹ bồng con” tái thông 2 nhánh mạch máu nuôi tim cho bệnh nhân suy thận nặng.
Hai ngày sau ca thủ thuật, bà Nguyễn Thị Mai (67 tuổi, ngụ Củ Chi, TP HCM) tỉnh táo, ăn ngủ tốt. Mạch máu nuôi tim được tái thông, tất cả các triệu chứng đau ngực, khó thở được khắc phục triệt để. Tổng lượng thuốc cản quang đưa vào cơ thể bệnh nhân cho cả quá trình chụp mạch vành và đặt stent chỉ 12ml (chỉ bằng 1/10 so với kỹ thuật can thiệp thông thường). Tình trạng suy thận từ độ 4 có dấu hiệu cải thiện lên độ 3. Bà được xuất viện, tiếp tục uống thuốc theo toa và tái khám định kỳ.
Trước đó, bà Mai nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng đau ngực, khó thở. Qua kiểm tra, các bác sĩ nhận định bệnh nhân suy thận giai đoạn 4 (độ lọc cầu thận eGFR chỉ còn 20ml/ph/1.73m2, chỉ số này dưới 15ml/ph/1.73 phải chuẩn bị chạy thận).
Bà Mai có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, tháng 11/2022, bà cấp cứu tại một bệnh viện ở TP HCM khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim lần 2. Do bà bị suy thận giai đoạn 4 nên bác sĩ không thể chụp mạch vành, đặt stent theo kỹ thuật thông thường. Nếu bơm lượng lớn thuốc cản quang vào có thể khiến bệnh suy thận tiến triển và bà phải chạy thận. Gia đình chấp nhận tiếp tục điều trị nội khoa để khắc phục triệu chứng.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, tình trạng nhồi máu cơ tim trước đây của bà Mai không được xử lý triệt để đã dẫn tới biến chứng suy tim. Hiện độ lọc cầu thận của bệnh nhân xuống thấp nên các bác sĩ chọn phương pháp chụp mạch vành với lượng thuốc cản quang tối thiểu (Cardiac Swing) để ngăn suy thận tiến triển khiến bệnh nhân phải chạy thận sau can thiệp.
Kết quả cho thấy, bà Mai bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải đoạn gần, động mạch mũ hẹp 90%, động mạch liên thất trước hẹp 95% và dài 50mm, vôi hóa nặng. Ngay lập tức, đội ngũ bác sĩ Can thiệp mạch, Ngoại tim mạch và Nội tim mạch cùng hội chẩn để tìm phương án điều trị tốt nhất. Nếu mổ bắc cầu sẽ không cần sử dụng thêm thuốc cản quang, hạn chế suy thận, song tỷ lệ rủi ro khá lớn, nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng kèm theo. Do đó, các bác sĩ quyết định can thiệp mạch vành bằng kỹ thuật đặc biệt vừa tái thông mạch máu tim hẹp nặng vừa bảo vệ thận cho bệnh nhân.
Với trường hợp này, thách thức đặt ra cho các bác sĩ làm sao nong được 2 nhánh mạch máu tim hẹp nặng, vôi hóa phức tạp với lượng cản quang thấp nhất (dưới 20ml). Để làm được điều đó, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật chụp mạch vành Cardiac Swing ngắt quãng (vừa chụp vừa ngắt liên tục), kết hợp đồng thời kỹ thuật đặt stent “bóng bàn” Pingpong và “mẹ bồng con” (luồn ống thông nhỏ vào trong ống thông lớn để đưa stent đến đoạn mạch xa).
Theo đó, bác sĩ luồn cùng lúc 2 ống thông vào một lỗ động mạch vành, một ống trang bị một dây dẫn có nhiệm vụ siêu âm trong lòng mạch (IVUS) soi đường thay vì bơm thuốc cản quang và một ống chứa dây dẫn để nong bóng, xác định vị trí đặt stent. Đây là giải pháp tốt nhất để can thiệp mạch vành với lượng cản quang tối thiểu và đạt hiệu quả tối ưu; đồng thời đường tiếp cận từ động mạch quay ở cẳng tay nên bệnh nhân có thể đi lại ngay sau khi đặt stent. Tuy nhiên, thủ thuật viên cần phải có rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng chích động mạch quay khéo léo.
Sau khi hệ thống IVUS xác định đúng vị trí cần đặt stent, các bác sĩ vận dụng kỹ thuật “mẹ bồng con” luồn ống thông nhỏ vào trong ống thông lớn để đẩy được stent ra đoạn mạch xa, tiến hành đưa bóng vào, bơm với áp lực vừa phải, nong stent đạt kích thước tối đa, áp sát vào thành mạch, phòng nguy cơ tái hẹp sau đặt stent. Quá trình này được thực hiện vô cùng cẩn trọng tránh gây thủng mạch máu khiến bệnh nhân tử vong.
“Đây là một trong những ca thủ thuật phức tạp nhất, khó nhất mà êkip chúng tôi phải đối mặt. Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất lượng thuốc cản quang bơm vào cơ thể bệnh nhân, chúng tôi dựa hoàn toàn vào hình ảnh siêu âm lòng mạch kết hợp kinh nghiệm để nong bóng và đặt stent. Nếu áp dụng kỹ thuật thông thường, với trường hợp này lượng thuốc cản quang sử dụng có thể lên đến 150ml nhưng chúng tôi chỉ dùng 12ml cho cả quy trình thực hiện”, ThS.BS Võ Anh Minh, Trưởng Đơn vị Can thiệp mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ.
Sau hơn 2 giờ cân não, ekip bác sĩ đặt thành công 3 stent vào 2 nhánh mạch vành với kích thước tối đa: 2.75x28mm (ở động mạch mũ) và 2.75x38mm, 3.5x23mm (ở động mạch liên thất trước). Sau can thiệp 3 ngày, kiểm tra độ lọc cầu thận eGFR của bệnh nhân ở mức 27-31ml/ph/1.73m2. Chức năng tưới máu thận không những được bảo tồn mà còn cải thiện đáng kể so với trước khi can thiệp. Stent hoạt động tốt, tái thông dòng máu nuôi tim kịp thời.
Bác sĩ Long cho biết, Cardiac Swing ngắt quãng, Pingpong và Mẹ bồng con là các kỹ thuật Can thiệp mạch vành tiên tiến trên thế giới, đã được triển khai tại Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM. Nhờ những kỹ thuật này, bệnh nhân suy thận bị nhồi máu cơ tim cấp được điều trị bằng phương pháp nong, chụp mạch vành với lượng thuốc cản quang thấp nhất, tránh biến chứng gây hại cho thận. Bên cạnh đó, việc nong bóng đặt stent cũng diễn ra dễ dàng hơn ở những đoạn mạch vôi hóa hay hẹp ở đoạn gập, xoắn, hạn chế nguy cơ tổn thương mạch máu và đặt stent kích thước lớn, ngăn tái hẹp sau này.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH