Sinh thiết là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán ung thư, giúp bác sĩ xác định khối u lành tính hay ác tính. Vậy sinh thiết khối u là gì, bao lâu có kết quả? Quy trình làm sinh thiết khối u như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Trên thực tế, hầu hết các bệnh ung thư đều được chẩn đoán thông qua phương pháp sinh thiết. Tùy vào vị trí xuất hiện khối u, loại ung thư đang nghi ngờ…, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp sinh thiết phù hợp. Khi đọc kết quả sinh thiết khối u, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, đề xuất phương hướng chữa trị phù hợp.
Sinh thiết khối u là kỹ thuật cắt lấy một mẩu nhỏ khối u mang đi làm giải phẫu bệnh. Qua đó bác sĩ có thể biết bản chất của khối u là ác tính hay lành tính. Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI, CT… rất hữu ích trong việc phát hiện các khối u/mô không đều. Thế nhưng, chỉ áp dụng những phương pháp chẩn đoán hình ảnh thì không thể phân biệt được điểm khác biệt giữa tế bào không phải ung thư và tế bào ung thư. Với hầu hết các căn bệnh ung thư, cách duy nhất để chẩn đoán chính xác là tiến hành sinh thiết, thu thập tế bào mang đi kiểm tra, đánh giá.
Hiện nay, kỹ thuật sinh thiết khối u đang được ứng dụng phổ biến tại nhiều bệnh viện lớn.
Sinh thiết khối u là phương pháp đang được ứng dụng phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào người bệnh cũng cần thực hiện kỹ thuật này. Sau khi được bác sĩ thăm khám, người bệnh có thể được chỉ định làm những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu, thăm dò chức năng… Nếu các kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng chưa thể khẳng định bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm thêm phương pháp sinh thiết khối u để bổ sung chẩn đoán.(1)
Kết quả giải phẫu bệnh được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các bệnh ung thư, giúp bác sĩ khẳng định bệnh, đề ra phác đồ chữa trị phù hợp. Ở một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm sinh thiết ngay hoặc thực hiện lại sau một khoảng thời gian để theo dõi sự phát triển của khối u.
Sinh thiết mở, sinh thiết kim lõi và sinh thiết lỏng là 3 phương pháp sinh thiết khối u được ứng dụng phổ biến. Trong đó, sinh thiết kim lõi là kỹ thuật được ứng dụng nhiều hơn cả.
Sinh thiết mở là phương pháp bộc lộ khối u ra ngoài thông qua hình thức phẫu thuật hoặc nội soi. Qua đó, bác sĩ có thể quan sát và tiến hành cắt lấy mảnh bệnh phẩm. Đây là cách sinh thiết khối u ít được áp dụng do phải xâm lấn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu vì phải bộc lộ khối u. Ưu điểm của hình thức sinh thiết mở là bác sĩ có thể kết hợp bóc và loại bỏ hoàn toàn những khối u nhỏ.
Sinh thiết kim lõi là phương pháp sinh thiết khối u được áp dụng phổ biến hơn cả. Bác sĩ sẽ đưa kim có kích thước phù hợp vào trung tâm của khối u. Tùy vào vị trí mà bác sĩ nghi ngờ, các mảnh tế bào của khối u sẽ được cắt lấy từ ngoài vào trong bằng lưỡi dao ở đầu kim. Tiếp đó, các mảnh bệnh phẩm được chuyển đến phòng giải phẫu bệnh để tiến hành cắt, nhuộm soi, đưa ra kết quả. Sinh thiết kim lõi là phương pháp xâm lấn tối thiểu mang đến giá trị cao trong việc chẩn đoán, vì thế kỹ thuật này đang được ưu tiên chỉ định.(2)
Đặc biệt, sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn của những phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, siêu âm đang được ứng dụng phổ biến trong y học hiện đại. Dưới hướng dẫn của kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính và siêu âm, bác sĩ có thể chọn đường chọc kim tốt hơn, tránh tác động vào những vị trí nguy hiểm như dây thần kinh, mạch máu… và tìm ra con đường tối ưu để tiếp cận tổn thương, đưa kim vào cắt các vị trí đáng ngờ.
Sinh thiết lỏng là phương pháp dùng kim lấy một lượng máu nhỏ mang đi xét nghiệm xem có tồn tại những tế bào bất thường của khối u đang lưu hành trong máu hay không. Các đoạn gen của khối u trong máu cũng có thể được phát hiện thông qua hình thức sinh thiết lỏng.
Nhiều người xem sinh thiết lỏng là một hình thức xét nghiệm máu. Thế nhưng về bản chất, sinh thiết lỏng có sự khác biệt so với các phương pháp xét nghiệm máu. Sinh thiết lỏng có khả năng phát hiện ra tế bào khối u và đoạn gen của khối u trong máu. Sinh thiết lỏng là phương pháp mới, không xâm lấn, áp dụng được cho mọi đối tượng nên có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Để có sự chuẩn bị sẵn sàng, người bệnh cần chủ động tìm hiểu trước về quy trình sinh thiết khối u, cụ thể như sau:
Việc chuẩn bị trước khi sinh thiết khối u phụ thuộc vào loại sinh thiết. Ví dụ, người bệnh không cần chuẩn bị gì nhiều nếu sinh thiết bằng kim nhỏ. Lúc này, bạn có thể cần mặc áo choàng của cơ sở y tế, tháo bỏ trang sức, quần áo trước khi sinh thiết. Người bệnh có thể cần chuẩn bị nhiều hơn trước khi thực hiện những phương pháp sinh thiết khác.
Kỹ thuật viên/bác sĩ có thể giải thích quy trình cho người bệnh được rõ trước lúc tiến hành sinh thiết. Người bệnh cần xem xét kỹ về những thông tin của phương pháp sinh thiết và đặt câu hỏi cho kỹ thuật viên/bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Dưới đây là một vài mối quan tâm và thắc mắc phổ biến trước khi sinh thiết:
Tùy vào phần cơ thể cần sinh thiết, người bệnh có thể được yêu cầu ngồi hoặc nằm xuống. Bác sĩ sẽ đưa ra các yêu cầu cụ thể cho người bệnh để quá trình sinh thiết khối u diễn ra thuận lợi. Tùy vào loại sinh thiết và vị trí cần lấy bệnh phẩm, người bệnh có thể được gây mê toàn thân/gây mê có ý thức hay gây tê cục bộ.
Mẫu bệnh phẩm vừa lấy ra sẽ được mang đến phòng thí nghiệm để xem xét, phân tích. Mẫu bệnh phẩm có thể trải qua quá trình xử lý hóa học hoặc đông lạnh và được cắt thành các phần rất mỏng. Các phần của bệnh phẩm được đặt trên các phiến kính, nhuộm màu để gia tăng cường độ tương phản và nghiên cứu kỹ lưỡng dưới kính hiển vi.
Kết quả sinh thiết khối u giúp bác sĩ xác định xem các tế bào có phải là ung thư không. Nếu các tế bào thật sự là ung thư, kết quả có thể cho bác sĩ biết đó là loại ung thư nào và bắt nguồn từ đâu. Sinh thiết khối u cũng giúp bác sĩ xác định mức độ tiến triển của bệnh ung thư. Đôi khi cấp độ này được biểu thị bằng một con số trên thang điểm từ 1 – 4. Cấp độ được xác định bằng cách quan sát những tế bào ung thư dưới kính hiển vi.
Thông thường, ung thư cấp độ thấp (cấp 1) là loại ít xâm lấn nhất. Ung thư cấp độ cao (cấp 4) là loại nguy hiểm nhất. Thông tin này có thể giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp chữa trị phù hợp.
Trong một vài trường hợp, ví dụ như khi thực hiện sinh thiết mở, mẫu tế bào có thể được mang đi kiểm tra ngay lập tức. Bác sĩ có thể nhận được kết quả rất nhanh chóng. Tuy nhiên, kết quả sinh thiết khối u thường có sau vài ngày. Một vài mẫu có thể cần thêm thời gian để phân tích. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ/kỹ thuật viên về thời gian nhận được kết quả sinh thiết.
Bất kỳ kỹ thuật y tế nào liên quan đến việc xâm lấn, làm rách da cũng tiềm ẩn nguy cơ gây chảy máu, nhiễm trùng. Tuy nhiên, kích thước của vết thương do sinh thiết tạo ra nhỏ nên nguy cơ bị nhiễm trùng, chảy máu khá thấp.
Nhìn chung, tùy vào loại sinh thiết, biến chứng như vết thương nhiễm trùng, chảy máu quá nhiều, để lại sẹo… có thể xảy ra nhưng rất hiếm gặp. Người bệnh cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ biết nếu:
Mức độ đau sẽ khác nhau tùy vào loại sinh thiết. Nếu được gây tê, gây mê thì người bệnh không cảm thấy đau trong quá trình sinh thiết. Bạn có thể bị đau sau khi hoàn tất thủ thuật. Bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm đau.
Chi phí sinh thiết khối u ở mỗi cơ sở y tế có sự khác nhau. Mức chênh lệch này phụ thuộc vào các yếu tố như loại sinh thiết được chọn áp dụng, chất lượng dịch vụ, trang thiết bị, máy móc, trình độ của bác sĩ, giảm trừ bảo hiểm… Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được báo giá chính xác.
Để quá trình sinh thiết khối u diễn ra an toàn, mang đến kết quả chính xác, nhanh chóng, người bệnh cần thực hiện ở cơ sở y tế uy tín. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cung cấp dịch vụ sinh thiết khối u với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Quy trình sinh thiết diễn ra khoa học, an toàn, dưới sự hỗ trợ của các máy móc, thiết bị hiện đại. Bệnh viện còn quy tụ đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm, tận tình, chu đáo. Kết quả sinh thiết khối u được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhanh chóng gửi lại cho người bệnh. Qua đó, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, đề xuất phác đồ điều trị tối ưu.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Sinh thiết khối u là phương pháp hữu ích giúp bác sĩ xác định bản chất của khối u (lành tính hay ác tính). Kết quả sinh thiết hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, đề ra phương pháp chữa trị tối ưu. Người bệnh nên làm sinh thiết khối u ở cơ sở y tế uy tín.