Siêu âm tim gắng sức theo dõi nguồn cung cấp máu vào tim, khả năng hoạt động và thực hiện chức năng tim. Tùy vào hiện trạng ở mỗi người, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp siêu âm tim gắng sức phù hợp nhất.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư – Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Siêu âm tim gắng sức là một chẩn đoán hình ảnh theo dõi hoạt động của tim bằng cách tạo ra bài kiểm tra gắng sức nhằm kích thích môi trường căng thẳng trong tim. Thông qua sóng siêu âm, bác sĩ so sánh hình ảnh của tim trước và sau khi gắng sức, cho phép xác định các thay đổi hoặc bất kỳ bất thường nào xảy ra ở tim. (1)
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư – Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, siêu âm tim gắng sức được chỉ định trong trường hợp bạn có triệu chứng nghi ngờ bệnh động mạch vành mạn tính như đau ngực, khó thở, mệt khi gắng sức. Bài kiểm tra này cũng xác định mức độ tập thể dục mà bạn có thể chịu đựng được nếu đang trong giai đoạn phục hồi chức năng tim; và cho phép bác sĩ biết các phương pháp điều trị (như phẫu thuật bắc cầu, nong mạch vành, thuốc chống đau thắt ngực, thuốc chống loạn nhịp tim…) có đang hoạt động hiệu quả hay không, kết quả tốt như thế nào.
Hiện nay, có 2 hình thức siêu âm tim gắng sức, bao gồm: siêu âm gắng sức bằng xe đạp và siêu âm gắng sức bằng thuốc Dobutamine. (2)
Siêu âm tim gắng sức bằng xe đạp là trắc nghiệm yêu cầu bạn đạp xe với các tốc độ khác nhau, thường tăng dần sau mỗi 3 phút. Bài tập dừng lại khi bạn đã đạt tần số tim đích, khi đó bác sĩ có thể kết luận được kết quả của nghiệm pháp. Đồng thời bài tập phải ngưng khi bạn cảm thấy mệt không thể tiếp tục gắng sức.
Trắc nghiệm này được thực hiện để đánh giá tim của bạn, bao gồm: siêu âm tim, điện tâm đồ (ECG) và một bài tập được thực hiện trên chiếc giường đặc biệt có gắn bàn đạp, bạn sẽ đạp với cường độ từ thấp và tăng dần mỗi 3 phút; bác sĩ sẽ so sánh hoạt động của tim khi nghỉ ngơi và khi gắng sức. Điều này hữu ích trong việc chẩn đoán bệnh tim ở giai đoạn phát triển ban đầu hoặc để đánh giá sự tiến triển của bệnh.
Trong quá trình thực hiện, bạn được yêu cầu nằm ngửa trên giường khám và tiến hành đạp xe đạp được gắn vào giường. Bác sĩ yêu cầu đạp càng lâu càng tốt và cách hoạt động của cơ tim trong quá trình kiểm tra sẽ cho bác sĩ biết đó có phải là triệu chứng của bệnh mạch vành hay không. Ngoài ra, trắc nghiệm cũng có thể đánh giá các tình trạng khác như phát hiện tắc nghẽn khi gắng sức ở người có bệnh cơ tim phì đại, hay đánh giá khả năng gắng sức của bệnh nhân sau tái thông động mạch vành như sau đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành, từ đó có thể đưa ra lời khuyên về những loại hình hoạt động thể lực cũng như mức gắng sức phù hợp cho người bệnh…
Siêu âm tim gắng sức dobutamine được sử dụng khi bạn không thể đạp xe. Bạn sẽ được đặt đường truyền và thuốc Dobutamine được truyền qua đường tĩnh mạch, có tác dụng làm tim đập nhanh hơn, tương tự như khi tập thể dục gắng sức. Bạn sẽ cảm thấy tim đập nhanh và mạnh sau khi dùng thuốc. Khi nhịp tim tăng lên, bác sĩ sẽ đồng thời đo điện tim và siêu âm tim, để quan sát, nhận định.
Trắc nghiệm này có độ chính xác cao, giúp bác sĩ xem xét tim của bạn hoạt động thế nào khi gắng sức; từ đó đưa ra câu trả lời về các triệu chứng tim và thông báo kế hoạch điều trị hiệu quả hay không. Trong khi truyền thuốc Dobutamine, bạn có thể gặp các triệu chứng như: đau ngực, hồi hộp, chóng mặt, khó thở, tăng hay giảm huyết áp… Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ thoáng qua và giảm khi ngừng truyền thuốc.
Bạn sẽ được áp dụng nghiệm pháp siêu âm tim gắng sức khi có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh mạch vành như: (3)
Những đối tượng khác cũng có thể được siêu âm tim gắng sức, gồm:
Bạn sẽ được áp dụng phương pháp siêu âm tim gắng sức bằng xe đạp khi có đủ thể lực để đáp ứng quá trình đạp xe, từ đó nhằm giúp kiểm tra tốt nhất tình trạng tim đang hoạt động như thế nào; đồng thời để đạt các mục tiêu:
Ai không nên sử dụng siêu âm tim gắng sức? Đó là những người mắc một số vấn đề sức khỏe như sau:
Những rủi ro trong quá trình làm siêu âm tim gắng sức là rất thấp. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ người bệnh trong toàn bộ quy trình. Các biến chứng thông thường có thể gặp là nhịp tim đập nhanh, khó thở, tức ngực, chóng mặt hoặc buồn nôn. Bạn cũng có thể bị khô miệng và mờ mắt nếu dùng thuốc Atropine, tuy nhiên tác dụng này không kéo dài. (4)
Bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu ở vùng mà ống IV được đưa vào hoặc ở vùng ngực nơi đầu dò siêu âm đang ấn vào. Rủi ro tổng thể từ nghiệm pháp này là rất nhỏ và rất ít khả năng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, như đau tim (1/10.000 người), nhịp tim bất thường nghiêm trọng (1/5000 người). Có một rủi ro cực kỳ nhỏ (1/10.000 người) là phản ứng dị ứng với chất cản quang được sử dụng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội và TP.HCM đều có sử dụng phương pháp siêu âm tim gắng sức bằng xe đạp hoặc sử dụng thuốc. Điều này đảm bảo cho mỗi người bệnh không chỉ được tiếp cận một hình thức khảo sát sức khỏe tim mạch ít xâm lấn hiện đại, mà còn đa dạng cách thức để phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tại Hà Nội và TP.HCM có cơ sở vật chất khang trang, phòng siêu âm tim trang bị thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa tim mạch luôn sẵn sàng thăm khám cho người bệnh; đồng thời chủ động điều trị, đưa ra phác đồ cá thể hóa để đem lại kết quả điều trị tối ưu.
Siêu âm tim gắng sức thường được thực hiện tại phòng siêu âm và kéo dài từ 45 – 60 phút.
Trước khi thực hiện siêu âm tim gắng sức, bạn cần lưu ý:
Bác sĩ cần xem tim của bạn hoạt động như thế nào ở trạng thái đang nghỉ ngơi. Có khoảng 10 điện cực (miếng dán nhỏ, phẳng, dính) được dán vào ngực bạn. Các điện cực này kết nối với màn hình điện tâm đồ (ECG) để theo dõi nhịp tim. Bạn cũng đeo vòng đo huyết áp để ghi lại huyết áp của mình trong suốt quá trình kiểm tra.
Tiếp theo, bạn sẽ nằm nghiêng và bác sĩ thực hiện siêu âm tim khi nghỉ ngơi. Một đầu dò siêu âm sẽ được bác sĩ di chuyển ở các vị trí khác nhau trên ngực của bạn để thu thập hình ảnh. Thiết bị này hoạt động với cơ chế phát ra sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh về chuyển động và cấu trúc bên trong của tim.
Sau khi siêu âm tim ở trạng thái nghỉ ngơi, bác sĩ sẽ cho bạn tập thể dục xe đạp tại chỗ. Tùy theo thể trạng, bác sĩ có thể yêu cầu tăng cường độ luyện tập. Bạn có thể cần đạp xe trong 10-15 phút hoặc cho đến khi cảm thấy mệt để tăng nhịp tim càng nhiều càng tốt. Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc yếu; đau ngực hoặc đau ở bên trái.
Ngay khi bác sĩ yêu cầu ngừng nghiệm pháp, bạn sẽ được siêu âm tim lần nữa. Điều này là để khảo sát thêm hình ảnh trái tim làm việc dưới sự căng thẳng. Sau đó, bạn có thời gian để hạ nhiệt và có thể đạp xe với cường độ chậm sau khi ngưng nghiệm pháp, để ổn định nhịp tim. Bác sĩ theo dõi điện tâm đồ, nhịp tim và huyết áp cho đến khi các chỉ số trở lại bình thường hoặc gần bình thường.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư cho biết, siêu âm tim gắng sức an toàn và ít có tác dụng phụ. Những rủi ro chính thường là do tình trạng bệnh tim tiềm ẩn của người bệnh. Bằng cách gây căng thẳng cho tim, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau thắt ngực hoặc loạn nhịp tim. Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu bất thường trong lúc thực hiện và dừng lại nếu cần thiết.
Kết quả của bài kiểm tra mức độ căng thẳng của tim này có thể giúp bác sĩ:
Nếu kết quả bình thường, nghĩa là tim của bạn đang hoạt động tốt và mạch máu không bị tắc nghẽn do bệnh động mạch vành. Ngược lại, khi kết quả xét nghiệm bất thường, điều này có thể do tim bơm máu không hiệu quả vì mạch máu bị tắc nghẽn; hoặc một lý do khác là cơn đau tim đã gây tác động xấu đến trái tim.
Bác sĩ sẽ giải thích những vấn đề được phát hiện và thảo luận về các bước tiếp theo, có thể bao gồm thêm xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh hoặc điều trị bổ sung.
Bạn cần lưu ý một số điều trước khi làm siêu âm tim gắng sức, trong đó đảm bảo uống thuốc đúng giờ. Tất cả các loại thuốc do bác sĩ cung cấp đều được uống đúng giờ, trừ khi có chỉ định khác. Người bệnh cũng nên mang theo danh sách các loại thuốc hiện tại để bác sĩ dễ dàng xác định các yếu tố dược lý có thể đóng góp hoặc điều chỉnh vấn đề về tim.
Bạn không nên dùng một số loại thuốc tim như thuốc chẹn beta, isosorbide-dinitrate, isosorbide-mononitrate, nitroglycerin và ức chế calci trong vòng 2 ngày trước khi thực hiện nghiệm pháp. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn cũng đang dùng thuốc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Bạn nên nhịn ăn ít nhất 4 giờ trước khi siêu âm tim gắng sức, có thể uống thuốc hoặc nước lọc trong ngày thực hiện nghiệm pháp.
Vì siêu âm tim gắng sức có thể yêu cầu hoạt động thể chất, bạn nên mặc quần áo thoải mái. Khoảng thời gian đạp xe của mỗi người có thể sẽ khác nhau.
Sau khi thực hiện nghiệm pháp, bạn sẽ được tiếp tục theo dõi trong khoảng 10-15 phút đến khi hồi phục hoàn toàn. Sau khi sức khỏe đã ổn, bạn có thể ăn và được phép về nhà. Bạn cần có người thân đi cùng nếu được chỉ định thực hiện trắc nghiệm gắng sức.
Được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D thế hệ mới, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 – 3 Tesla, MSCT tim và động mạch vành 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp mạch vành hiện đại tích hợp đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành và siêu âm trong lòng mạch…, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh tiếp nhận và điều trị các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, cơ tim phì đại, bệnh tim bẩm sinh…) cho mọi độ tuổi, mọi đối tượng từ phụ nữ mang thai đến trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên, người trưởng thành, người cao tuổi…
Phác đồ điều trị được xây dựng cá thể hóa theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch trong nước và quốc tế, đem lại hiệu quả cao, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Siêu âm tim gắng sức là một trong nhiều phương pháp để chẩn đoán và theo dõi các bệnh tim mạch. Nghiệm pháp này đánh giá chức năng tim khi bị căng thẳng và có thể chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn khi tim đang nghỉ ngơi. Khi có các triệu chứng của bệnh tim hoặc bệnh tim hiện có, siêu âm tim gắng sức sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe tim mạch của người bệnh để có hướng điều trị phù hợp, kịp thời.