Ước tính, thế giới có 300 người bị mù màu, hầu hết do di truyền, một số trường hợp bị biến chứng của bệnh đái tháo đường, đa xơ cứng, lão hóa hoặc tác dụng phụ của thuốc. Hiện có những cách kiểm tra mù màu với độ chính xác cao, được sử dụng phổ biến.
![kiểm tra mù màu]()
Tổng quan về bệnh mù màu
Đôi mắt tương tự như máy ảnh, có nhiệm vụ tập trung hình ảnh vào phía trong mắt. Võng mạc tương tự như ống kính nằm ở phía trước, được bao phủ bởi các tế bào thần kinh có chứa sắc tố phản ứng với ánh sáng, trong đó có 2 tế bào phát hiện ánh sáng được gọi là tế bào hình nón và tế bào hình que.
- Tế bào hình nón tập trung ở hố trung tâm võng mạc giúp phát hiện màu sắc. Có 3 loại tế bào hình nón với nhiệm vụ nhận biết màu khác nhau: đỏ, xanh lá và xanh lam. Trong mỗi tế bào hình nón có các sắc tố phản ứng với bước sóng ánh sáng dài, ngắn hoặc trung bình.
- Tế bào hình que chỉ có một sắc tố và phản ứng đồng bộ với tất cả bước sóng ánh sáng. Các tế bào hình que không ảnh hưởng đến việc phát hiện ánh sáng nhưng giúp chúng ta nhìn vào ban đêm.
Do đó, nếu người bệnh khó khăn trong việc phân biệt màu sắc hay không nhìn được một số màu là do tế bào hình nón và các sắc tố của nó đang gặp vấn đề. Mù màu còn gọi là thị lực kém hoặc khiếm khuyết thị giác màu sắc, là tình trạng không có khả năng nhìn, hoặc gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa một số màu nhất định. Người bị mù màu không thể thấy được một số màu hoặc nhìn ra màu khác so với màu chuẩn. (1)
Bệnh mù màu thường do di truyền, bé trai bị bệnh nhiều hơn. Hầu hết, những người bị mù màu không thể phân biệt giữa màu đỏ và màu xanh lá cây, xanh lam. Một số ít người bị mù màu không thể phân biệt giữa sắc thái của màu xanh và màu vàng.
Các loại mù màu hiện nay trên thế giới
Nhiều người hiểu chưa đúng về mù màu khi cho rằng người mắc bệnh mù màu chỉ nhìn thấy được màu trắng và màu đen. Thực tế, người mù màu hiếm khi bị mất hoàn toàn màu sắc.
![các loại mù màu trên thế giới hiện nay]()
Phân loại mù màu dựa trên sắc giác của người bệnh.
1. Mù màu đỏ, xanh lá cây
Bệnh thường gặp ở những người bị tổn thương hoặc giảm chức năng của sắc tố đỏ, sắc tố xanh. Mù màu đỏ, màu xanh là tình trạng mù màu phổ biến nhất, nguyên nhân chính do di truyền, có 4 loại:
- Protanomaly: do sự bất thường sắc tố đỏ của tế bào nón. Ở trường hợp này, người bệnh khi nhìn màu đỏ, cam và vàng sẽ thấy thành màu xanh lục và màu sắc không được tươi sáng. Tình trạng này lành tính và thường không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Protanopia: do các sắc tố hình nón màu đỏ ngừng hoạt động và màu đỏ xuất hiện thành màu đen. Một số biến thể của màu cam, xanh lá cây được nhìn thành màu vàng.
- Deuteranomaly: đây là loại mù màu phổ biến nhất. Nó có một sắc tố hình nón màu xanh lục bất thường. Màu vàng và xanh lá cây nhìn thành màu đỏ, màu tím và xanh lam rất khó xác định.
- Deuteranopia: các sắc tố hình nón màu xanh lá cây ngừng hoạt động. Người bệnh sẽ nhìn thấy màu đỏ giống màu vàng nâu và xanh lục như màu vàng đậm.
2. Mù màu xanh – vàng
Bệnh mù màu xanh – vàng do sắc tố xanh (triton) không có chức năng hoặc bị hạn chế chức năng. Có 2 loại mù màu xanh – vàng bao gồm:
- Tritanomaly: do các sắc tố hình nón màu xanh bị hạn chế chức năng. Màu xanh lam được nhìn thành màu xanh lá cây, khó phân biệt màu hồng, đỏ và vàng.
- Tritanopia: những người bị tritanopia do bị thiếu tế bào sắc tố con màu xanh lam. Màu xanh lam được nhìn giống màu xanh lá cây, và màu hồng trông giống màu tím hoặc nâu nhạt.
3. Mù màu đơn sắc (Monochromacy)
Những người bị mù màu đơn sắc do không nhìn thấy được màu sắc, thị lực cũng có thể bị ảnh hưởng, có 2 loại:
- Mù màu do tế bào hình nón: hai hoặc ba trong số ba sắc tố của tế bào hình nón không hoạt động. Do vậy não không nhận được tín hiệu nên người bệnh khó phân biệt được các màu.
- Mù màu do tế bào hình que: hội chứng này thường do di truyền và có khi ngay từ lúc chào đời. Trong tế bào hình que không có bất kỳ sắc tố nào. Những người mắc chứng mù màu hình que chỉ nhìn thấy được 3 màu: trắng, đen, xám. Người bệnh rất kỵ ánh sáng và cảm thấy khó chịu khi ở trong không gian nhiều ánh sáng.
![mù màu đơn sắc]()
Kiểm tra mù màu nhằm xác định loại mù màu và đưa ra phương pháp khắc phục.
Kiểm tra mù màu là gì?
Kiểm tra mù màu là việc áp dụng các phương pháp y khoa nhằm phát hiện ra những bất thường về giác sắc. Người bệnh có thể bị mù một hoặc nhiều màu, hay không phân biệt được màu sắc chuẩn so với người bình thường. Ví dụ, một số người bị mù màu khó có thể nhìn thấy màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam hoặc nhiều màu kết hợp. (2)
Vì sao cần phải test mù màu?
Hội chứng mù màu không đơn thuần là khó phân biệt màu sắc mà có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chính vì vậy việc kiểm tra mù màu là rất cần thiết.
Kiểm tra mù màu là một nghiệm pháp do các bác sĩ chuyên khoa Mắt giàu kinh nghiệm, tay nghề cao… thực hiện dựa trên kỹ thuật chuyên môn và thiết bị y tế hiện đại để phát hiện người bệnh có bị mù màu hay không.
Kiểm tra mù màu nên được thực hiện từ sớm đặc biệt với trẻ em, nhằm phát hiện các vấn đề liên quan đến sắc tố hoặc vấn đề về mắt. Do vậy, khi nhận thấy mắt có những thay đổi nghiêm trong liên quan đến việc phân biệt màu sắc, người bệnh đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và khắc phục. (3)
Làm thế nào để kiểm tra mù màu?
![Kiểm tra mù màu bằng phương pháp Ishihara.]()
Kiểm tra mù màu bằng phương pháp Ishihara.
1. Kiểm tra định tính mù màu (Enchroma, Ishihara)
- Kiểm tra định tính mù màu được sử dụng nhiều nhất là kiểm tra thị lực màu Ishihara. Phương pháp này được bác sĩ nhãn khoa người Nhật Shinobu Ishihara phát minh và công bố vào năm 1917.
- Cụ thể, kiểm tra bằng tấm Ishihara là một phương pháp tiêu chuẩn và có độ chính xác cao. Tấm Ishihara giúp kiểm tra chứng mù màu đỏ – xanh lá cây. Bài kiểm tra Ishihara bao gồm 38 tấm hình trong được tạo ra bởi các chấm ngẫu nhiên độc đáo và nhiều màu.
- Cách kiểm tra đơn giản khi nhìn vào tấm bảng và nói ra con số nhìn thấy được. Mỗi một tấm sẽ chứa thông tin mà những người mắc chứng mù màu sẽ nhìn ra một kết quả khác với người bình thường. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ kết luận chứng mù màu gặp phải là màu gì. Một số tấm đặc biệt được sử dụng để chẩn đoán mù màu ở trẻ em chưa biết đọc số hoặc chữ.
- Dựa trên thử nghiệm mù màu Ishihara thì bài kiểm tra mù màu Enchroma lại xác định loại và mức độ mù màu của một người. Đây là bài kiểm tra được tạo ra bởi giáo sư Shinobu Ishihara tại Đại học Tokyo phát triển, kết hợp với thuật toán thích ứng với máy tính để đo loại và mức độ mù màu. Bài kiểm tra có chế độ cho người lớn và trẻ em từ 5 tuổi, với 3 loại mù màu chính là mù xanh lá, mù màu đỏ xanh và mù màu xanh vàng.
2. Kiểm tra định lượng mù màu
- Kiểm tra định lượng mù màu nhằm phân tích chi tiết hơn về bệnh mù màu, khả năng nhận biết màu sắc chính xác của người bệnh. Kiểm tra định lượng mù màu được sử dụng phổ biến nhất là kiểm tra màu Farnsworth-Munsell 100.
- Bài kiểm tra bao gồm 4 khay có nhiều đĩa nhỏ và màu sắc khác nhau. Người kiểm tra cần sắp xếp các đĩa màu theo thứ tự tăng dần về màu sắc. Để có kết quả chính xác, bài kiểm tra phải làm ở nơi có ánh sáng tự nhiên, các đĩa màu nên được thay thế thường xuyên và được đánh số dưới đế để kiểm tra kết quả dễ hơn. Bài kiểm tra giúp phát hiện bệnh mù màu và mức độ nghiêm trọng.
3. Các phương thức khác
- Ngoài hai phương thức trên còn có cách kiểm tra mù màu online. Cách kiểm tra mù màu online là phiên bản của kiểm tra định tính mù màu Ishihara. Tuy nhiên việc kiểm tra mù màu online khiến chất lượng hình ảnh không ổn định có thể dẫn đến sai sót. Do vậy để có kết quả chính xác nhất, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt làm kiểm tra mù màu dưới ánh sáng phù hợp.
Đối nào tượng nên thực hiện test mù màu?
Kiểm tra mù màu có thể thực hiện cho mọi đối tượng cần nhận biết chính xác màu sắc như: lái xe, thợ điện, nhà thiết kế, họa sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên marketing… do công việc đặc thù về khả năng nhận biết màu sắc. Khó phân biệt được màu có thể ảnh hưởng lớn đến công việc. Bệnh mù màu chủ yếu là di truyền và xuất hiện lúc mới sinh nên nhiều người không thể tự phát hiện bản thân bị mù màu. (4)
Cần làm gì trước khi thực hiện kiểm tra mù màu?
Trước khi kiểm tra mù màu trực tiếp hay online cần lưu ý những điều sau:
- Nếu bệnh nhân bị cận hay loạn thị vẫn đeo kính bình thường khi làm bài kiểm tra.
- Nếu kiểm tra online không nên tăng độ sáng màn hình quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến thị lực, khó cảm nhận sự khác biệt màu sắc.
Biện pháp phòng ngừa bệnh mù màu
Bệnh mù màu phần lớn do yếu tố di truyền, tuy nhiên bác sĩ sẽ có phương pháp hỗ trợ, tư vấn, lên phương án giúp người bệnh bảo vệ mắt, kiểm tra mắt đúng định kỳ, tránh gây tổn thương hay va đập vào mắt…
Đơn cử như người bị mù màu vẫn có thể sống chung an toàn với bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp như học thứ tự của màu đèn giao thông, có thể nhờ người có thị giác màu bình thường xem màu sắc của quần áo và đánh dấu lên áo, hoặc nhờ cất chung những bộ quần áo có màu giống nhau.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Kiểm tra mù màu giúp phát hiện ra những bất thường về giác sắc. Việc kiểm tra mù màu có vai trò quan trọng giúp người bệnh có thể phát hiện sớm, đồng thời tìm ra những giải pháp thích ứng với cuộc sống. Mù màu không chỉ bất thường về giác sắc, còn là triệu chứng liên quan đến một số bệnh lý khác.