Phẫu thuật loại bỏ khối u liệu có phải là cách điều trị u tuyến tùng duy nhất? Thật ra, điều trị u tuyến tùng bằng phương pháp nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho từng người bệnh.
Cách điều trị u tuyến tùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: loại khối u, tình trạng bệnh đang ở giai đoạn nào, khối u nằm ở vị trí nào, người bệnh có đang mắc đồng thời các bệnh lý nghiêm trọng nào khác không, cơ thể có thể đáp ứng được phương pháp nào tốt nhất,… Vì vậy, để biết được đâu là phương pháp điều trị khối u vùng tuyến tùng phù hợp nhất, người bệnh cần phải được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.
Điều trị khối u vùng tuyến tùng hoàn toàn có thể đạt được hiệu quả dứt điểm trong trường hợp người bệnh được chẩn đoán kịp thời, hướng điều trị thích hợp. U tuyến tùng là dạng khối u phát triển trong hoặc xung quanh vùng tuyến tùng của não bộ. Các khối u này sẽ được phân loại là khối u thuộc hệ thống thần kinh trung ương (CNS). Đối với các trường hợp đặc biệt chúng cũng có thể lan đến tủy sống của người bệnh.
Các khối u tuyến tùng tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% trong tỉ lệ xuất hiện các khối u não ở người lớn (thường gặp ở độ tuổi 20 – 40 tuổi) và phổ biến hơn ở trẻ em khi chiếm khoảng 3% – 11% trong tỉ lệ xuất hiện những khối u não ở trẻ. (1)
Triệu chứng, tiên lượng cũng như phương pháp điều trị khối u tuyến tùng sẽ phụ thuộc vào loại, vùng, cấp độ của khối u. Khối u tuyến tùng lành tính có thể được điều trị khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Các khối u tuyến tùng ác tính cần được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tích cực, sau đó là thực hiện chiếu xạ và hóa trị. Các khối u tế bào mầm nhạy cảm với bức xạ có thể được điều trị bằng phương pháp xạ trị thông thường.
Tiên lượng là khái niệm chỉ kết quả có khả năng xảy ra hoặc cơ hội phục hồi của tình trạng bệnh. Tỉ lệ sống sót khoảng 5 năm của người mắc khối u tuyến tùng là 69,5%, tuy vậy con số này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Những yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của khối u tuyến tùng chính là: cấp độ, loại khối u – đặc biệt là ở người mắc bệnh ung thư sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng như: tuổi tác, tình trạng sức khỏe,… (2)
Mục tiêu của điều trị u tuyến tùng là loại bỏ được càng nhiều thành phần khối u càng tốt mà không gây thêm triệu chứng, biến chứng khác cho người bệnh. Cách điều trị u tuyến tùng sẽ được quyết định bởi bác sĩ trực tiếp thăm khám dựa trên: tuổi của người bệnh, loại khối u, vị trí khối u và khối u còn lại sau phẫu thuật.
Người bệnh sẽ trải qua quá trình làm các xét nghiệm để bác sĩ có thể chẩn đoán được loại khối u và giai đoạn bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn sự lựa chọn điều trị nào là phù hợp và hiệu quả nhất đối với từng trường hợp của người bệnh. (3)
Phần lớn những người mắc bệnh khối u tuyến tùng sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật là cách điều trị u tuyến tùng tiêu chuẩn và được đánh giá sẽ mang lại kết quả tốt cho đa số người bệnh. Phẫu thuật có thể chỉ lấy một mẫu nhỏ u (sinh thiết) hoặc cắt bỏ một phần hoặc toàn phần khối u. Trước đây phẫu thuật loại bỏ khối u tuyến tùng trong não bộ vẫn còn là thách thức, vì tuyến tùng có vị trí rất khó để tiếp cận. Hiện nay với sự phát triển vượt bậc của y học, điều trị khối u vùng tuyến tùng bằng phương pháp phẫu thuật với sự hỗ trợ của các thiết bị, máy móc hiện đại đã mang đến tỉ lệ thành công cao hơn rất nhiều.
Bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ thực hiện quá trình mở sọ. Đây là bước để lấy một phần hộp sọ ra để có thể tiếp cận và loại bỏ khối u tuyến tùng. Việc áp dụng các máy móc hiện đại như robot phẫu thuật não chuyên dụng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có thể giúp mở hộp sọ với diện tích nhỏ nhất. Nếu người bệnh đang gặp phải tình trạng não úng thủy, có thể đặt dẫn lưu não thất – ổ bụng hoặc nội soi mở thông sàn não thất ba trước khi phẫu thuật lấy u.
Mục tiêu của phẫu thuật chính là cắt bỏ khối u, xác định bản chất tế bào học của u và đồng thời bảo tồn các cấu trúc và mô não lành lân cận. Đối với những khối u tuyến tùng lành tính, phương pháp phẫu thuật có thể giúp loại bỏ được hoàn toàn. Đối với các khối u ác tính, phẫu thuật loại bỏ khối u sẽ giúp cắt bỏ một phần, và việc này sẽ hỗ trợ rất tích cực cho quá trình điều trị u tuyến tùng bằng các phương pháp khác, như hoá trị, xạ trị.
Nếu như sau quá trình phẫu thuật, khối u tuyến tùng vẫn còn (thường xảy ra ở khối u ác tính) thì người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện phương pháp xạ trị hay hóa trị (hoặc kết hợp cả 2). Đối với bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tuổi, phương pháp xạ trị sẽ được tạm hoãn bởi vì việc này sẽ cản trở sự phát triển tự nhiên của trẻ. Việc lựa chọn phương pháp hóa trị hay xạ trị cũng sẽ phụ thuộc vào phân loại và khả năng đáp ứng của khối u.
Trường hợp u tuyến tùng không có triệu chứng thì có thể chưa cần can thiệp bằng phẫu thuật hay hóa trị xạ trị ngay, mà sẽ được bác sĩ điều trị theo dõi định kỳ. (4)
Liệu pháp miễn dịch là cách điều trị u tuyến tùng sử dụng hệ miễn dịch của bản thân người bệnh để chống lại khối u. Liệu pháp này có thể được tăng cường hoặc thay đổi cách hoạt động sao cho có thể tấn công được các tế bào u một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nếu như được chỉ định liệu pháp miễn dịch trong quá trình điều trị thì việc hiểu biết về cách hoạt động của nó sẽ giúp người bệnh có sự chuẩn bị tốt và đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Thuốc điều trị nhắm mục tiêu còn được gọi là Targeted Therapy chính là việc dùng thuốc để có thể ngăn chặn các hoạt động của một số enzyme, protein hay những phân tử khác liên quan đến sự lây lan, tăng sinh của tế bào u não. Với những khối u lành tính sẽ có 2 phương pháp điều trị thuốc nhắm mục tiêu được bác sĩ chỉ định sử dụng:
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự chọn lựa cách điều trị u tuyến tùng của người bệnh, cụ thể:
Với khối u tuyến tùng lành tính, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u đơn thuần. Đối với khối u tuyến tùng ác tính cần phải được điều trị kết hợp giữa phương pháp phẫu thuật với xạ trị, hóa trị. Một vài trường hợp khối u ác tính đặc biệt chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật.
Giống như hầu hết những bệnh lý u não khác, việc điều trị u tuyến tùng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Tác dụng phụ thường gặp nhất sau quá trình điều trị u tuyến tùng chính là đau đầu (hơn 90%) vì sau phẫu thuật vết mổ sẽ có thể khiến cho người bệnh cảm thấy đau nhức. Song song đó, phương pháp xạ trị và hóa trị cũng có thể khiến người bệnh đau đầu trong một thời gian vì tác dụng phụ của tia bức xạ và thuốc đặc trị.
Quá trình điều trị khối u vùng tuyến tùng có thể sẽ gây ra một số tác dụng phụ khác như: mệt mỏi, nôn mửa, mất tập trung, rụng tóc, khô/ngứa da, phát ban trên da, huyết áp cao, sưng phù tay chân, rối loạn nhịp tim,…
Để có thể làm giảm các tác dụng phụ của quá trình điều trị khối u tuyến tùng, người bệnh cần đặc biệt quan tâm chế độ chăm sóc sau điều trị khối u.
Chăm sóc người bệnh sau quá trình điều trị u não nói chung và u tuyến tùng nói riêng là vấn đề quan trọng. Bởi vì việc này sẽ giúp cơ thể người bệnh sớm được phục hồi và nhanh chóng quay về trạng thái sinh hoạt bình thường.
Vết mổ não cần được bảo vệ và chăm sóc cho đến khi lành hẳn. Vết mổ có thể được thay băng tại nhà (bác sĩ sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng cho người bệnh và người nhà) hoặc đặt lịch thay băng định kỳ tại cơ sở y tế. Trong quá trình chăm sóc nếu như vết mổ xuất hiện tình trạng chảy máu, đau đớn, chảy dịch, sốt hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể, không kiêng ăn thịt như nhiều lời đồn. Bởi vì thời gian này cơ thể cần có protein để vết mổ có thể nhanh chóng lành lại. Người bệnh cần có chế độ ăn đầy đủ: thịt bò, lợn, rau xanh, trứng, trái cây,… để cơ thể có đủ sức chống lại những tác dụng phụ của quá trình điều trị.
Tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong mọi quá trình điều trị bệnh. Người thân cần động viên tinh thần, tạo những hoạt động vui vẻ để người bệnh có cảm giác an tâm hơn. Cần hạn chế tối đa việc nhắc đến những điều tiêu cực trong cuộc sống.
Ngoài ra, người bệnh sau điều trị u não cần thường xuyên tập thở, cử động tay chân nhẹ nhàng. Hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, dễ ngủ và tinh thần sẽ nhanh chóng trở về trạng thái ổn định.
Người bệnh gặp phải tình trạng não úng thủy thì cần phải được điều trị vấn đề này trước tiên. Điều trị não úng thủy bằng phương pháp dẫn lưu não thất – ổ bụng hoặc nội soi mở thông sàn não thất ba rất phổ biến.
Trường hợp người bệnh u tuyến tùng không bị não úng thủy hoặc bị ở mức độ nhẹ thì sẽ được chỉ định thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm để có thể biết được bản chất của khối u. Nếu như kết quả xét nghiệm chưa thể đưa ra được kết luận bản chất khối u, người bệnh sẽ được làm sinh thiết hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u. Đôi khi, việc điều trị khối u vùng tuyến tùng cần được kết hợp bởi nhiều cách khác nhau để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Máy móc thiết bị, phương tiện hỗ trợ quá trình phẫu thuật cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc điều trị khối u tuyến tùng. Bởi vì tuyến tùng là vùng có cấu trúc giải phẫu rất phức tạp, có vị trí nằm sâu bên trong nhu mô não, xung quanh có rất nhiều mạch máu, do đó, việc phẫu thuật điều trị đòi hỏi có sự hỗ trợ tích cực từ các máy móc chuyên dụng hiện đại. Người bệnh cần tìm hiểu kỹ cơ sở vật chất tại bệnh viện và nhờ bác sĩ tư vấn thêm.
Hiện nay, hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là một trong những cơ sở y tế uy tín, được trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ, máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất. Tại đây, người bệnh sẽ có quá trình thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và lắng nghe tư vấn từ bác sĩ để có thể đưa ra được lựa chọn cách điều trị u tuyến tùng thích hợp và đạt hiệu quả nhất.
Để có thể đặt lịch khám bệnh u vùng tuyến tùng hoặc các vấn đề khác về u não, bạn có thể liên hệ với Khoa Ngoại Thần Kinh, Trung Tâm Thần Kinh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Để điều trị u tuyến tùng kịp thời, hiệu quả, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán sớm. Đồng thời, người bệnh cần đặc biệt lưu ý những biểu hiện như: động kinh, đau đầu kéo dài, buồn nôn,…