Với ước mơ từ bé sẽ trở thành cô giáo “gieo chữ” cho học trò nhưng nhiều lần chứng kiến người quen chống chọi bệnh tật trong đau đớn, nữ sinh Đặng Thị Oanh quyết thi vào Đại học Y Dược TP.HCM.
Ngồi trên ghế giảng đường, giấc mơ trở thành bác sĩ chưa thành, chị nhận hung tin cha bị bạo bệnh không qua khỏi. Như nỗi đau vô hình, chị lao vào học tập, dành hết thời gian cho nghiên cứu y học.
Ngày ra trường, chị chọn khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 30/4 bởi đây là khoa thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nặng, nơi mà sự sống cần kệ cái chết như ngưng tim, ngưng thở, đột qụy… Và chị muốn có mặt ở chiến trường này để giành sự sống lại cho người bệnh!
Thông thạo kiến thức chuyên môn, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, bác sĩ CKI Đặng Thị Oanh đã cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm “9 phần chết 1 phần sống”. Chị luôn nhắc nhở bản thân: “Hãy thương người bệnh như người nhà. Bên ngoài phòng cấp cứu là nhiều trái tim đang hy vọng người thân sẽ được lành lặn trở về nhà”.
Trong quãng thời gian làm nghề y, chị nhớ mãi hình ảnh nam thanh niên mới 35 tuổi đã bị biến chứng bệnh đái tháo đường. Người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết, nhiễm vi khuẩn Acinetobacter baumannii dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy thận cấp… phải thở máy, chạy thận. Có lúc người bệnh đang thở máy thì máu trào ra tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng chị và các bác sĩ cùng nỗ lực cứu người với tinh thần “còn nước còn tát”. Suốt 2 tháng ròng rã, người bệnh hồi sinh trong niềm vỡ òa của gia đình cùng đội ngũ y bác sĩ. Hạnh phúc với chị đôi khi đơn giản là thấy người bệnh cười, được hồi tỉnh và xuất viện trong niềm vui.
Năm 2011, bác sĩ Oanh được cử đi học chuyên sâu về lĩnh vực Hồi sức – Hô hấp tại Cathay General Hospital (Đài Loan).
Năm 2012 – 2015, chị tiếp tục học bác sĩ chuyên khoa 1 Hồi sức cấp cứu và chứng chỉ siêu âm bụng tổng quát năm 2015.
Gần 20 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực y khoa, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Oanh luôn tâm niệm cứu chữa cho người bệnh là nhiệm vụ cao cả, thôi thúc mình cống hiến. Đặc biệt, trong chuyên khoa Hồi sức – Cấp cứu, bác sĩ phải có kiến thức ở các chuyên khoa khác (Sản Phụ khoa, Nhi, Tiết niệu – Nam học, Thận, Da liễu, Thần kinh…) để chẩn đoán nhanh chóng, chính xác, không bỏ lỡ thời gian “vàng” trong điều trị.
Càng nghiên cứu về y học, chị càng thấy kiến thức y học vô tận, người bác sĩ luôn cập nhật kiến thức để mang lại “lợi ích” cho người bệnh.
Hiện bác sĩ CKI Đặng Thị Oanh công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bởi theo chị, nơi đây có nhiều máy móc hiện đại, nhiều ca bệnh khó, chị muốn tiếp tục chinh phục kiến thức y khoa để chữa lành nỗi đau cho người bệnh.
xem thêm