Tứ chứng Fallot là tình trạng hiếm gặp do sự kết hợp của 4 dị tật tim bẩm sinh. Trẻ gặp phải bệnh lý này thường được chỉ định phẫu thuật trong năm đầu đời nhằm sửa chữa khiếm khuyết. Bố mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot để bệnh không tiến triển nặng. Tham khảo thêm về chế độ chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot đặc biệt để giảm bớt triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.
![chăm sóc trẻ bị tứ chứng fallot]()
Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tứ chứng Fallot
Tứ chứng Fallot xảy ra từ trong bào thai, bao gồm 4 khiếm khuyết: (1)
- Thông liên thất: Là 1 lỗ hở của vách liên thất, làm thông thương giữa tâm thất phải và tâm thất trái.
- Hẹp van động mạch phổi: có thể bao gồm hẹp dưới van, hẹp tại van, hẹp thân và hẹp nhánh động mạch phổi. Khi bị hẹp van động mạch phổi, lưu lượng máu thường không đủ để cũng cấp lên phổi, đồng thời làm quá tải thất phải dẫn đến tình trạng suy tim phải.
- Động mạch chủ cưỡi ngựa vách liên thất: Đây là một dị tật trong đó động mạch chủ bị kéo về phía tâm thất phải và ngay phía trên lỗ thông liên thất. Kết quả là máu nghèo oxy từ tâm thất phải chảy thẳng vào động mạch chủ thay vì vào động mạch phổi để đến phổi.
- Phì đại tâm thất phải: Hậu quả của các dị tật kể trên, tâm thất phải làm việc quá mức để bơm máu qua chỗ hẹp, làm thành cơ tâm thất dày lên.
Thông thường, không xác định được nguyên nhân gây bệnh tứ chứng Fallot. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh này, bao gồm:
- Thai phụ nhiễm một bệnh lý do virus gây ra, chẳng hạn như rubella, thủy đậu…
- Bất thường nhiễm sắc thể
- Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ
- Thai phụ uống quá nhiều rượu
- Chế độ dinh dưỡng của thai phụ không đủ chất
- Phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 40
- Trẻ có cha hoặc mẹ mắc tứ chứng Fallot
- Trẻ bị hội chứng Down hoặc hội chứng DiGeorge
Biểu hiện của trẻ bị tứ chứng Fallot
Các triệu chứng tứ chứng Fallot ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào lượng máu bị tắc nghẽn. Những biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tứ chứng Fallot là: (2)
- Da có màu xanh tím do nồng độ oxy trong máu thấp
- Khó thở và thở nhanh, đặc biệt là khi bú hoặc vận động
- Chậm tăng cân
- Dễ mệt mỏi khi chơi hoặc vận động
- Cáu gắt
- Khóc kéo dài
- Có tiếng thổi ở tim
- Ngất xỉu
Nếu bạn nhận thấy con mình có các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau, hãy đưa trẻ đến bệnh viện gấp:
- Khó thở
- Da đổi màu hơi xanh
- Thường xuyên ngất xỉu
- Mệt mỏi triền miên
- Khó chịu, quấy khóc bất thường
![trẻ mệt mỏi, quấy khóc bất thường]()
Trẻ mệt mỏi, quấy khóc bất thường là những biểu hiện thường gặp của tứ chứng Fallot.
Chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot
Một đứa trẻ bị tứ chứng Fallot cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để giảm bớt triệu chứng. Bên cạnh đó, nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ có đủ sức khỏe bước vào cuộc phẫu thuật sửa chữa khiếm khuyết, đồng thời hồi phục nhanh, giảm nguy cơ biến chứng sau mổ. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tứ chứng Fallot là: (3)
- Cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ: Luôn đảm bảo trẻ uống thuốc đúng cách và đúng liều, không tự ý đổi thuốc. Nếu trẻ uống thuốc một thời gian mà triệu chứng không cải thiện, bạn cần báo với bác sĩ để được đổi hoặc tăng/giảm liều thuốc. Cũng cần trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc/thực phẩm chức năng trẻ đang uống và loại thuốc mà cơ thể trẻ dị ứng không thể dung nạp.
- Không cho trẻ dưới 18 tuổi uống aspirin vì trẻ có thể phát triển hội chứng Reye, gây tổn thương não và gan đe dọa tính mạng.
- Nếu da trẻ chuyển sang màu xanh lam, bạn hãy đặt trẻ nằm nghiêng và gập chân, sao cho đầu gối của trẻ ép sát ngực. Việc làm này giúp tăng lưu lượng máu đến phổi.
- Giữ vệ sinh răng miệng trẻ bằng cách đánh răng cho trẻ thường xuyên, hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt.
- Không hút thuốc gần trẻ: Khói thuốc lá là tác nhân gây hại cho tim và phổi của trẻ, làm cho tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đủ mũi để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn.
- Nếu đã trải qua cuộc phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot, trẻ cần được theo dõi thường xuyên với bác sĩ tim mạch nhi. Quá trình theo dõi này sẽ kéo dài suốt cuộc đời trẻ.
- Hạn chế một số hình thức tập luyện: Trẻ bị tứ chứng Fallot (dù trước hay sau phẫu thuật) cũng cần hạn chế các hoạt động thể chất gắng sức, đặc biệt nếu trẻ có vấn đề về nhịp tim (loạn nhịp tim) hoặc hở/hẹp van động mạch phổi. Để chắc chắn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các hình thức vận động phù hợp và an toàn với trẻ.
Nếu trong quá trình chăm sóc, bạn thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện sau, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ gấp:
- Sốt cao không hạ
- Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn
- Trẻ quấy khóc hoặc cáu kỉnh bất thường
Phương pháp chẩn đoán và điều trị tứ chứng Fallot
Thông thường, tứ chứng Fallot được chẩn đoán và điều trị ngay sau khi sinh. Khi thấy bé có tím môi, đồng thời nghe thấy tiếng thổi bất thường của tim bằng ống nghe, bác sĩ sẽ nghi ngờ trẻ mắc bệnh lý này và chỉ định làm các kiểm tra cận lâm sàng bao gồm: (4)
- Đo mức oxy (đo oxy xung): Một cảm biến nhỏ được kẹp vào ngón tay hoặc ngón chân trẻ để đo lượng oxy trong máu.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh chuyển động của tim. Phương pháp này có thể cho biết cấu trúc, vị trí và chức năng của thành tim, các buồng tim, van tim, phổi và động mạch chủ.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện trong tim mỗi khi tim co bóp, giúp xác định xem các buồng tim có mở rộng không, có tình trạng nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) hay không.
- Chụp X-quang phổi: Phim chụp X-quang có thể cho thấy cấu trúc của tim và phổi. Một dấu hiệu phổ biến của tứ chứng Fallot trên phim chụp X-quang là tim có hình chiếc ủng do tâm thất phải mở rộng.
- Thông tim: Cận lâm sàng này dùng để đánh giá cấu trúc của tim. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ lên kế hoạch phẫu thuật cho trẻ. Các bác sĩ sẽ chèn một ống mềm, mỏng (ống thông) vào mạch máu, thường là ở bẹn, và dẫn nó đến tim. Thuốc nhuộm chảy qua ống thông để làm cho cấu trúc tim dễ dàng hiển thị hơn so với chụp X-quang. Ngoài ra, thủ thuật thông tim còn là cơ sở để bác sĩ đo áp suất, nồng độ oxy trong buồng tim và mạch máu trong quá trình phẫu thuật.
Tất cả trẻ sơ sinh mắc tứ chứng Fallot cần được phẫu thuật sửa chữa. Nếu không điều trị, trẻ có thể không tăng trưởng và phát triển đúng cách. Bác sĩ sẽ quyết định thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ. Trong thời gian chờ đợi ca mổ diễn ra, có thể trẻ cần uống thuốc để duy trì lưu lượng máu từ tim đến phổi.
Có 2 phương pháp phẫu thuật cho trẻ bị tứ chứng Fallot:
Phẫu thuật sửa chữa tạm thời
Ở một số trẻ sơ sinh, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc phẫu thuật đặt shunt để cung cấp đủ lượng máu đến phổi. Đây không phải là phẫu thuật tim hở và không mang tính chất lâu dài. Shunt là một ống nhỏ bằng vật liệu tổng hợp được khâu nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Shunt được đóng lại khi việc sửa chữa hoàn chỉnh được thực hiện sau đó. Ngoài ra, các bác sĩ có thể tiến hành can thiệp đặt một stent kim loại để duy trì sự thông thương của ống động mạch để cung cấp thêm lượng máu cho phổi.
Phẫu thuật sửa chữa toàn bộ
Việc sửa chữa toàn bộ tứ chứng Fallot có xu hướng được tiến hành sớm, thường là trong năm đầu đời của trẻ. Bác sĩ sẽ đóng lỗ thông liên thất bằng miếng vá và mở đường ra thất phải bằng cách cắt bỏ một số cơ dày bên dưới van động mạch phổi, đồng thời sửa chữa hoặc cắt bỏ van động mạch phổi bị tắc nghẽn và nếu cần, mở rộng các nhánh động mạch phổi đi đến mỗi phổi.
Đôi khi, bác sĩ áp dụng phương pháp sửa chữa Rastelli – đặt một ống giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Không chỉ tứ chứng Fallot, phương pháp này còn được áp dụng cho một số khuyết tật tim khác.
Phòng ngừa tứ chứng Fallot
Không có biện pháp nào giúp phòng tránh bệnh tứ chứng Fallot. Tuy nhiên, nếu thai phụ tuân thủ tốt một số lưu ý trước và trong thai kỳ, nguy cơ thai nhi gặp phải dị tật có thể được giảm thiểu. Cụ thể:
- Tiêm đủ các mũi vaccine trước khi mang thai, giúp phòng ngừa bệnh rubella, sởi, thủy đậu, viêm gan B…
- Theo dõi thai kỳ chặt chẽ nếu mang thai sau tuổi 40
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng trong thai kỳ; bổ sung các loại vi chất thiết yếu như canxi, kẽm, axit folic…
- Không lạm dụng rượu bia
- Kiểm soát tốt tình trạng đái tháo đường thai kỳ
- Khám thai đầy đủ và đúng lịch, không bỏ lỡ các mốc xét nghiệm quan trọng như tuần 13 (siêu âm đo độ mờ da gáy), tuần 16-20 (siêu âm phát hiện dị tật) tuần 22 (siêu âm 4D), tuần 32 (xác định ngôi thai, khung chậu để tiên lượng sinh thường hay sinh mổ)…
![bác sĩ mỹ nhi]()
Mẹ bầu cần khám thai đầy đủ và đúng lịch để không bỏ lỡ các cột mốc xét nghiệm quan trọng.
Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh tim bẩm sinh cho trẻ từ trong bào thai đến tuổi trưởng thành. Tại đây quy tụ đội ngũ chuyên gia có tâm – có tầm, trình độ chuyên môn sâu, yêu thương và hiểu tâm lý trẻ nhỏ, đảm bảo cho các bé luôn cảm thấy thoải mái, an tâm trong quá trình khám và điều trị. Bệnh viện trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại (siêu âm tim thai, siêu âm tim nhi, chụp CT tim, MRI tim nhi, Thông tim can thiệp, phẫu thuật tim nhi), phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa như Sản, Sơ sinh, Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Nhi… giúp phát hiện bệnh sớm, chữa lành trái tim trẻ nhỏ, cho các em cuộc sống khỏe mạnh.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Trẻ bị tứ chứng Fallot có thể phát triển bình thường sau khi được điều trị bằng các phương pháp phù hợp. Việc bố mẹ tuân thủ những nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bị tứ chứ Fallot như chế độ ăn uống, sinh hoạt, thuốc men, lịch tái khám… sẽ góp phần cải thiện triệu chứng bệnh, có sự chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật và giúp trẻ mau hồi phục sau mổ, phòng ngừa biến chứng.