Hơn 50% trường hợp hôn mê do chấn thương đầu hoặc rối loạn hệ thống tuần hoàn não (1). Do đó, người bị hôn mê cần được điều trị nhanh chóng để không nguy hiểm tính mạng. Bài viết dưới đây hướng dẫn xử trí, cấp cứu người bị hôn mê đúng cách, bài bản.
Dấu hiệu nhận biết người bị hôn mê cần cấp cứu ngay
Tùy vào nguyên nhân khởi phát, hôn mê có thể xảy ra đột ngột hoặc sau một thời gian tổn thương. Một số dấu hiệu sau có thể giúp nhận biết người hôn mê cần cấp cứu ngay: (2)
Cơ thể giống đang ngủ nhưng không phản ứng với các kích thích bên ngoài. Tay chân không cử động.
Thở không đều, có thể đi kèm với tăng huyết áp, nhịp tim chậm (phản xạ Cushing).
Một số bất thường ở mắt: đồng tử (tròng đen) có thể giãn to, co nhỏ hoặc kích thước hai bên không đều.
Những biểu hiện khác: co giật, buồn nôn, phản ứng màng não, đau đầu vùng chẩm,…
Nạn nhân hôn mê cần được cấp cứu khẩn cấp.
Cách xử trí, cấp cứu người bị hôn mê
Với người hôn mê, thời gian rất quan trọng, vì vậy cách xử trí, cấp cứu, xét nghiệm cần được thực hiện ngay trong lúc thăm khác, ghi nhận bệnh sử.
Nguyên tắc xử trí hôn mê gồm:
Duy trì chức năng sống: hô hấp, tuần hoàn.
Chống phù não.
Điều trị triệu chứng, biến chứng.
Dinh dưỡng đầy đủ và phục hồi chức năng.
Duy trì chức năng hô hấp là việc làm đầu tiên nhằm đảm bảo sự sống, chức năng não bộ cho bệnh nhân hôn mê. Có thể hồi sức hô hấp bằng những phương pháp sau: khai thông đường thở (lấy đờm, dị vật từ miệng và đường hô hấp của bệnh nhân ra ngoài), cung cấp oxy, đặt ống nội khí quản (trường hợp bệnh nhân thở oxy không có kết quả, hôn mê sâu, ứ đọng đờm dãi nhiều),….
Kiểm soát chức năng tuần hoàn: điều chỉnh huyết áp bệnh nhân, duy trì nhịp tim ổn định, duy trì nước điện giải và cân bằng kiềm toan, ổn định đường huyết, điều chỉnh chức năng gan, thận,…
Bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng của phù não, tăng áp lực nội sọ, cần điều trị ngay. Các biện pháp điều trị bao gồm: tăng thông khí, tư thế nằm, đầu đặt cao 20°- 30°. Tùy từng trường hợp cụ thể mà sử dụng thuốc chống phù não cũng khác nhau theo chỉ định của bác sĩ. Đơn cử như thuốc glycerin chống phù não thông qua cơ chế thẩm thấu, dùng trong đột quỵ. Thuốc manitol có tính chất ưu trương, chống phù não qua cơ chế thẩm thấu, tăng áp lực thẩm thấu tại hàng rào máu não, dùng trong đột quỵ, u não,…
Điều trị triệu chứng: ngăn co giật, hạ sốt,…
Dinh dưỡng đầy đủ và phục hồi chức năng: bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân (cho người bệnh ăn qua ống thông dạ dày hoặc đưa dinh dưỡng vào đường tĩnh mạch). Dự phòng những bệnh phát sinh và phục hồi chức năng.
Xử trí cấp cứu hôn mê trong từng trường hợp
Người bệnh còn thở
Người bệnh còn thở nhưng có biểu hiện choáng váng, hãy hỏi một số câu như tên, ngày sinh, nơi ở để kiểm tra trạng thái tinh thần và ý thức của họ. Nếu người bệnh trả lời sai hoặc nói lắp, không rõ chữ, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa.
Với bệnh nhân chấn thương cột sống, hãy để như hiện trạng ban đầu, đồng thời thực hiện các bước cố định cổ. Trường hợp không chấn thương, hãy lăn người bệnh nằm nghiêng, điều chỉnh chân sao cho hông và đầu gối tạo thành góc vuông. Đồng thời, nghiêng nhẹ đầu bệnh nhân ra sau để đường thở thông thoáng.
Bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu điều trị.
Người bệnh không còn thở
Người bệnh không còn thở cần đặt nằm ngửa, cố định cổ và nhanh chóng thực hiện hồi sức tim phổi (cardiopulmonary resuscitation – CPR). CPR là quy trình cấp cứu kết hợp giữa ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo (thổi ngạt), được sử dụng để cứu sống một người đã ngưng tim ngưng thở.
Trước khi bắt đầu hô hấp nhân tạo, hãy thử đánh thức nạn nhân lần nữa bằng cách gọi to tên họ và hỏi xem có ổn không. Nếu người đó vẫn không phản hồi, bạn bắt đầu thực hiện các bước sau:
Đặt một tay lên trán nạn nhân
Đặt các ngón tay của bàn tay kia của bạn dưới đầu cằm nạn nhân.
Nhẹ nhàng ngửa đầu ra sau. Mục đích là để lưỡi của nạn nhân di chuyển để nó không chặn trúng đường thở.
Nếu nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống, bạn cần:
Quỳ gần đỉnh đầu người bệnh.
Đặt tay của bạn ở hai bên mặt bệnh nhân.
Nhẹ nhàng nâng hàm của người đó bằng đầu ngón tay của bạn mà không di chuyển cổ nạn nhân.
Khi đường thở của người đó được mở, hãy làm theo các bước sau để thực hiện CPR:
Các bước hồi sức tim phổi (CPR) gồm:
Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bất kỳ bề mặt phẳng, cứng. Bảo vệ cổ người bệnh khỏi những chuyển động lớn nếu nghi chấn thương cột sống. Đồng thời nhờ người gọi xe cấp cứu 115.
Quỳ xuống cạnh vai bệnh nhân sao cho phần thân của bạn ở trên ngực nạn nhân.
Đan các ngón tay của 2 bàn tay vào nhau và đặt giữa ngực người bệnh.
Giữ khuỷu tay thẳng, đưa vai về phía trước để tạo thêm sức mạnh cho phần thân trên.
Dùng trọng lượng và lực của phần thân trên ấn thẳng xuống ngực của người bệnh khoảng một phần ba độ sâu của ngực (5-6cm). Cứ mỗi một lần nhấn xuống và thả ra là 1 lần ép tim.
Thực hiện liên tục 30 lần ép tim với tốc độ 2 lần mỗi giây (hoặc 100-120 lần/phút).
Sau đó, ngửa đầu người bệnh ra sau, đồng thời nâng cằm để giữ cho đường thở thông thoáng.
Bịt mũi nạn nhân, dùng miệng của bạn thực hiện 2 lần thổi ngạt vào miệng nạn nhân.
Lặp lại 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt cho đến khi xe cấp cứu tới.
Một số lưu ý khi thực hiện CPR: hầu hết trường hợp bệnh nhân ngưng tim ngưng thở đều xảy ra bên ngoài bệnh viện, chủ yếu tại nhà. Do đó, nếu bạn biết cách hồi sức tim phổi sẽ giúp đỡ rất nhiều người. Phương pháp này làm tăng cơ hội sống sót nhưng cần hành động nhanh, dứt khoát. Người lớn và trẻ em có sự can thiệp hồi sinh tim phổi khác nhau, do đó tùy thuộc vào mỗi đối tượng mà sẽ có phương pháp phù hợp.
Trong quá trình thực hiện CPR, nếu bạn nhìn thấy hoặc nghi ngờ cổ họng người bệnh vướng dị vật, lúc này hãy cho ngón tay vào miệng và di chuyển qua lại để lấy ra. Nếu không thể đưa dị vật ra ngoài, hãy tiếp tục CPR. Thao tác này cần được thực hiện liên tục đến khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: tim đập trở lại, ho, tay chân cử động,… hoặc có sự can thiệp từ nhân viên y tế. Lưu ý, không nên cố lấy những dị vật mà không nhìn hoặc sờ thấy được.
Người bệnh chảy máu
Nếu người bệnh chảy máu, cần xác định vị trí, sau đó ấn mạnh để máu chảy chậm lại hoặc sử dụng garo để băng vết thương. Nhanh chóng thực hiện các thao tác cầm máu để ngăn bệnh nhân chảy máu quá nhiều, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Người bệnh được các bác sĩ tận tình chăm sóc.
Những việc cần tránh khi sơ cấp cứu người bị hôn mê
Sơ cấp cứu là một phần trong chăm sóc cấp cứu. Phương pháp này làm tăng khả năng sống sót, giảm các ảnh hưởng do bệnh tật, chấn thương gây ra. Nếu người sơ cứu được đào tạo bài bản sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, biến chứng, chấn thương cho người bị hôn mê. Tuy nhiên, sơ cứu sai cách cũng làm giảm đi cơ hội chữa trị hoặc để lại di chứng tàn tật.
Khi tiến hành sơ cấp cứu, cần lưu ý:
Giữ bình tĩnh, không mạo hiểm với sự an toàn của bản thân, nạn nhân và những người xung quanh.
Kiểm soát tình huống để đảm bảo hiện trường xảy ra vụ việc an toàn.
Tiến hành sơ cấp cứu ban đầu. Thao tác từng bước để tránh bỏ sót.
Một số việc cần tránh khi sơ cấp cứu người bị hôn mê:
Di chuyển người bệnh không đúng cách hoặc bắt nạn nhân ngồi dậy.
Tiêm hoặc cho nạn nhân uống thuốc khi chưa rõ bệnh và không có chỉ định của bác sĩ.
Tập trung đông quanh người bệnh làm họ hoảng sợ, ngột ngạt.
Đừng cố lấy dị vật mắc kẹt trong cổ họng của bệnh nhân (nếu không nhìn thấy được).
Mục đích của sơ cấp cứu là nỗ lực hỗ trợ nạn nhân kịp thời, nhanh chóng bằng mọi biện pháp và phương tiện sẵn có, ngăn không cho tình trạng bệnh chuyển biến xấu. Việc xử trí, cấp cứu người bị hôn mê cần được thực hiện đúng cách, bài bản và kịp thời để tránh tổn thương và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị cấp cứu, hồi sức và chăm sóc tích cực cho những bệnh nhân nguy kịch như: sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan, hôn mê, nhiễm trùng huyết nặng, ngộ độc cấp,… Khoa Cấp cứu được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ, y tá có chuyên môn cao, phác đồ điều trị được xây dựng cá thể hóa cho từng người bệnh sẽ giúp người bệnh phục hồi sớm – mau về nhà.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
Bài viết trên đã hướng dẫn xử trí, cấp cứu người bị hôn mê đúng cách, bài bản, hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích giúp mọi người thêm hiểu và hỗ trợ người bệnh kịp thời.