Với nụ cười và tinh thần phấn chấn lạc quan, thầy thuốc ưu tú Tạ Phương Dung như một điểm tựa với hàng ngàn bệnh nhân mắc căn bệnh suy thận mạn quái ác. Bác sĩ gần gũi ân cần như một người mẹ, người chị … bên cạnh họ trên hành trình chiến đấu với bệnh tật đầy gian nan.
Nửa đêm nọ, một gia đình quân nhân đưa cô con gái bị sốt xuất huyết nặng vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội). Giữa những cơn mơ màng vì sốt cao, cô bé ấy dõi mắt về phía tiếng guốc gỗ lọc cọc từ phía hành lang bệnh viện xa xa. Thời điểm đó còn khó khăn, thường xuyên mất điện, kể cả ở bệnh viện. Trong ánh đèn dầu le lói hiện ra, một nữ bác sĩ đến thăm bệnh cho cô. Hình ảnh và tiếng guốc ấy lặp lại nhiều lần trong đêm, khắc sâu vào trái tim cô gái 16 tuổi. Tỉnh cơn bệnh nặng, cô bé ấy như mang ơn sự ân cần đã nhận được, tự nghĩ trong lòng sẽ phải trao đi, và trao thật nhiều sự ấm áp ấy. Cô gái ấy lớn lên, thành đạt trong ngành Y, vì cô chính là Thầy thuốc ưu tú – BS.CKII Tạ Phương Dung
Năm 1982, Tạ Phương Dung chính thức trở thành sinh viên Đại học Y Dược TP. HCM. Sớm bộc lộ tư chất thông minh, tinh thần ham học hỏi, Tạ Phương Dung luôn là một trong những sinh viên xuất sắc nhất, sớm được thầy cô tin tưởng để truyền dạy tinh hoa trong lĩnh vực Y khoa. Càng học chị càng thấy yêu nghề, nhất là lĩnh vực lọc máu và cấy ghép.
Con đường học thuật ngày một rạng rỡ khi bác sĩ Tạ Phương Dung liên tiếp được tu nghiệp chuyên sâu sau đại học về thận học tại Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ và Tây Ban Nha… Những ngày học tập nơi xứ người không chỉ giúp trau dồi thêm kiến thức hữu ích, mà còn thôi thúc nữ bác sĩ tài hoa sớm trở về quê hương, phát triển và ứng dụng kỹ thuật y khoa tiên tiến, cho một lĩnh vực điều trị các bệnh hiểm nghèo. “Ngay từ khi ra đi, tôi biết mình sẽ trở về. Bởi tôi còn gia đình, còn cậu con trai bé nhỏ. Hơn thế nữa, tôi còn những người đồng nghiệp, bệnh nhân đang ngày ngày mong ngóng tôi quay về”.
Nữ chuyên gia đầu ngành Thận học – Lọc máu có giọng nói ấm áp và nụ cười thường trực trên môi ấy còn có một “bí mật” ít chia sẻ cùng ai. Đó cũng là lý do khiến bác sĩ Dung luôn luôn nỗ lực giành giật mạng sống cho từng người bệnh. “Năm lên 4 tuổi, con trai tôi mắc một căn bệnh hiếm. Các bác sĩ hàng đầu tiên lượng con sẽ không qua khỏi”. Nhưng bác sĩ Dung đã không bỏ cuộc. Chính chị và các đồng nghiệp tìm mọi cách để cứu chữa cho con trai. Để rồi như một phép màu, mọi nguy hiểm đã lùi lại phía sau. Chính bản thân đã trải nghiệm nỗi sợ hãi tột cùng, khi biết sắp phải mất đi người thân yêu nhất, nên hơn ai hết bác sĩ Tạ Phương Dung luôn đồng cảm với nỗi đau của những thân nhân người bệnh. Chị chưa bao giờ cho phép bản thân đầu hàng trước những ca bệnh khó. Chăm chỉ trau dồi mỗi ngày, tích cực nghiên cứu khoa học, tham gia truyền thụ kiến thức cho các thế hệ bác sĩ tiếp nối… để cùng bệnh nhân nỗ lực vượt lên những thách thức của số phận và cuộc đời.
Xem thêm: NHỮNG GIẤC MƠ TIẾP NỐI BS.CKII NGUYỄN LÊ TUYÊN
Suốt hành trình làm nghề, thầy thuốc ưu tú Tạ Phương Dung có thể không nhớ hết những danh hiệu đạt được, những bài báo khoa học đã đăng tải hay các hội thảo từng tham dự. Nhưng có một điều chị chắc chắn chị không bao giờ quên đó những cái tên, những câu chuyện đời mà mỗi người bệnh chia sẻ với mình.
Cũng có không ít người bệnh đã kể lại rằng, ở khoảnh khắc vừa trở về từ cõi chết, đâu đó bên tai họ là giọng nói ấm áp của bác sĩ Dung “Ca mổ tốt đẹp rồi. Mọi việc ổn rồi!”. Câu nói trong khoảnh khắc ấy khiến họ tin tưởng vào ngày mai.
Hơn 33 năm mặc áo blouse, bác sĩ Phương Dung sở hữu một “gia tài” đồ sộ. Đó là những tin nhắn báo bình an, những bức ảnh từ cách xa nửa vòng trái đất gửi về… Đôi khi, đó là một tấm thiệp cưới của bệnh nhân, nay đã trở về với cuộc sống bình thường, có những hạnh phúc riêng. Cũng có không ít lần đang đi trong khuôn viên bệnh viện, bác sĩ Phương Dung bất ngờ nhận được một cái ôm xiết chặt từ phía sau: “Mẹ nhận con làm con, mẹ nhé!”. Hay những bệnh nhân đã lấy vợ, sinh con và đưa em bé đến trước chị bảo rằng: “Chào bà nội đi con!”.
Sau mỗi ngày làm việc, bác sĩ Tạ Phương Dung lại trở về với những bận rộn, lo toan của một người mẹ, người giữ lửa bằng bữa cơm gia đình. Thong thả cuối tuần, chị lại cầm máy chụp hình, lang thang ghi lại những khoảnh khắc của cuộc sống. Một tay máy nghiệp dư, nhưng là một tâm hồn nghệ sĩ thực thụ, luôn trân trọng và tin yêu cuộc sống. Tất nhiên, chị hiểu giá trị của khoảnh khắc cuộc sống hơn tất thảy một tay máy chuyên nghiệp nào…
Xem thêm: BỘ Y TẾ ĐÁNH GIÁ THỬ THUỐC GCP VÀ KHẢO SÁT KHẢ NĂNG TRIỂN KHAI NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG TẾ BÀO GỐC