Ung thư hắc tố da là loại ung thư da nguy hiểm nhất vì tiến triển nhanh và di căn xa đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán, phát hiện sớm.
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới (WHO – World Health Organization), ung thư da là bệnh ung thư có số ca mới mắc đứng hàng thứ 5 trên toàn cầu năm 2020 với khoảng 1,5 triệu ca. Ung thư da có hai loại chính là ung thư không phải hắc tố (bao gồm ung thư da tế bào đáy, ung thư da tế bào gai hay các loại hiếm gặp khác) và ung thư hắc tố. Ung thư hắc tố da chiếm khoảng 325.000 ca mắc mới, với 57.000 ca tử vong trên toàn cầu (WHO- 2020). Ung thư hắc tố da tương đối ít gặp ở các nước châu Á và châu Phi.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, diện tích che phủ khoảng hơn 1.8 mét vuông. Da bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi và vi nấm; giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ và cảm nhận xúc giác (nóng, lạnh). (1)
Da có 3 lớp:
Ung thư hắc tố phát triển từ các tế bào thượng bì (biểu bì) tạo hắc tố (Melanocyte). Các tế bào này có nhiệm vụ sản xuất ra melanin (sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt). Melanin giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím (UV). Ngoài ở da, Melanocyte còn được tìm thấy ở các vị trí khác trong cơ thể, nhưng trong bài viết này chúng ta chỉ tập trung vào ung thư hắc tố ở da. Mức độ melanin trong da là do di truyền từ ba mẹ qua con cái. Tuy nhiên, vẫn có vài yếu tố ảnh hưởng đến việc tạo ra Melanin: (2)
Ung thư hắc tố được xem là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Chúng có khả năng tiến triển nhanh và di căn xa đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Tuy nhiên, đây là bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Nguyên nhân gây ung thư hắc tố da vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da bao gồm loại da (gặp nhiều hơn ở những người có làn da nhạt màu và có tàn nhang, ít gặp ở những người da sẫm màu), tiền căn mắc ung thư hắc tố da, cơ thể có nhiều nốt ruồi loạn sản, tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố da, hiếm hơn là có các đột biến gen di truyền. Ngoài ra, yếu tố môi trường như tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và nhuộm da nâu nhân tạo bằng tia cực tím cũng góp phần tăng nguy cơ phát triển ung thư hắc tố da. Mặc dù vậy, ung thư hắc tố da có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể dù không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Phát hiện ung thư hắc tố da giai đoạn càng sớm càng tăng cơ hội chữa khỏi bệnh. Chú ý đến các sang thương da mới xuất hiện và/hoặc những thay đổi trên nốt ruồi sẵn có ở cả vùng tiếp xúc và không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. (3)
Năm chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái sẽ giúp bạn nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của khối u hắc tố da ác tính.
Ngoài ra, các thay đổi trên bề mặt sang thương như giòn hơn, sần sùi, loét, chảy máu cũng là các dấu hiệu cảnh báo.
Tóm lại, dấu hiệu ung thư sắc tố da mà người bệnh cần đặc biệt chú ý ở nốt ruồi:
Người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu trên, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài hơn vài tuần đến vài tháng.
Ung thư sắc tố da có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Các vị trí thường gặp như lưng, cánh tay, chân, mặt. Ung thư hắc tố cũng có thể gặp ở dưới móng tay, gan bàn chân hay lòng bàn tay, trong miệng hoặc cơ quan sinh dục, nhưng những vị trí này rất hiếm gặp.
Nguyên nhân các tế bào bị phá hủy và phát triển thành ung thư hắc tố da vẫn chưa rõ ràng, nhưng yếu tố di truyền, tình trạng sức khỏe và yếu tố nguy cơ từ môi trường đều được chứng minh có liên quan đến bệnh. (4)
Yếu tố nguy cơ được ghi nhận rõ ràng nhất là việc tiếp xúc với tia bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời hoặc thiết bị nhuộm da nhân tạo. Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tổn thương DNA trong Melanocyte, tạo ra những biến đổi bất thường trong bộ gen và các tế bào này sẽ tăng sinh mất kiểm soát. Từ đó, ung thư hắc tố da sẽ phát triển. Mặc dù vậy, không phải tất cả các trường hợp ung thư hắc tố da đều do tiếp xúc với tia bức xạ cực tím, vì có những vùng da không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vẫn có thể bị ung thư hắc tố.
Ung thư sắc tố da thường gặp ở người lớn hơn 50 tuổi, nhưng vẫn có thể gặp ở người trẻ và cả trẻ em.
Bất kỳ điều gì làm tăng khả năng phát triển ung thư đều được xem là yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ có thể đến từ những hoạt động của chính bản thân người bệnh, tác động từ môi trường sống xung quanh hoặc được truyền từ ba mẹ sang con cái qua bộ gen (gen là bộ mã hóa cho các tế bào trong cơ thể chúng ta). Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc ung thư hắc tố da.
Việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím sẽ tăng tốc độ lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư da. Nguồn tia cực tím đến từ việc tắm nắng quá mức, sử dụng thiết bị nhuộm da nhân tạo, sống ở vùng khí hậu nắng nóng cao, làm việc ngoài trời… (5)
Khoảng 10% các trường hợp ung thư hắc tố da có liên quan đến tiền căn gia đình cũng mắc bệnh này. Một phần là do những người trong gia đình thường cùng loại da và thời gian tiếp xúc ánh sáng mặt trời tương đối giống nhau. Một phần khác là do chia sẻ cùng bộ gen nên những người trong gia đình sẽ có cùng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da.
Bạn có thể có nguy cơ mắc ung thư hắc tố di truyền nếu có người thân cùng huyết thống mắc những bệnh sau:
Có một vài đột biến gen liên quan đến ung thư hắc tố da di truyền bao gồm:
Hệ thống phân giai đoạn ung thư phổ biến nhất là hệ thống TNM dựa theo hướng dẫn của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC – American Joint Committee on Cancer). Đánh giá giai đoạn dựa vào 3 yếu tố chính:
Ung thư hắc tố da có 5 giai đoạn – sớm nhất là giai đoạn 0 theo sau là giai đoạn 1 đến 4. Thông thường giai đoạn 1 đến 4 được viết bằng chữ số La Mã I, II, III và IV. Nói chung, giai đoạn càng cao có nghĩa ung thư càng lan rộng.
Ung thư hắc tố da được phân thành các giai đoạn: (6)
Việc phân giai đoạn của ung thư hắc tố da đôi khi khá phức tạp. Người bệnh nên chủ động tư vấn trực tiếp từ bác sĩ điều trị để có thể làm rõ thêm nếu còn thắc mắc về giai đoạn bệnh của mình.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC – American Joint Committee on Cancer) năm 2009, tiên lượng của ung thư hắc tố da tại chỗ với bề dày khối u < 1mm nhìn chung rất khả quan, tỷ lệ sống 5 năm là trên 90%. Với khối u > 1mm, tỷ lệ sống 5 năm dao động từ 50-90% tùy thuộc độ dày, loét da và tỷ lệ phân chia tế bào của khối u ác tính. Khi khối u đã di căn hạch vùng, tỷ lệ sống 5 năm sẽ giảm một nửa, dao động từ 20-70%, tùy thuộc vào mức độ và gánh nặng của hạch di căn. Tỷ lệ sống 5 năm của ung thư hắc tố da đã di căn xa là khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện nay đã có thêm nhiều liệu pháp điều trị toàn thân cho ung thư tế bào hắc tố giai đoạn tiến xa giúp kéo dài thêm thời gian sống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nhìn chung, tiên lượng sống đối với bệnh nhân ung thư hắc tố da tương đối khả quan nếu được phát hiện và can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm. Thực tế, nhiều người bệnh vẫn có thể sống hơn thời gian dự đoán 5 năm, thậm chí 10 năm. Tỷ lệ sống sau điều trị ung thư hắc tố da còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Do đó, đối với câu hỏi “Ung thư hắc tố da sống được bao lâu?”, người bệnh chỉ nên xem các số liệu trên là một yếu tố tham khảo; và nên tham vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị. (7)
Sau khi hỏi về bệnh sử, tiền căn bản thân, tiền căn gia đình và kiểm tra tổng quát sức khỏe của người bệnh, nếu có nghi ngờ người bệnh có thể mắc ung thư hắc tố da, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết:
Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm: giai đoạn bệnh, vị trí khối u, thể trạng, bệnh lý đi kèm, tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân. Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các hiệp hội ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (còn gọi là điều trị đa mô thức), nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Đồng thời, việc đưa ra kế hoạch điều trị còn tùy thuộc từng trường hợp bệnh nhân cụ thể (cá thể hóa).
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cắt bỏ khối u ra khỏi cơ thể. Việc lựa chọn loại phẫu thuật phụ thuộc rất nhiều vào kích thước, số lượng và vị trí của khối u. Phẫu thuật là phương pháp điều trị được chỉ định đầu tiên của hầu hết các ung thư hắc tố da. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn các khối u ác tính ra khỏi cơ thể. Đối với các khối u ít có nguy cơ di căn đến các nơi khác, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị duy nhất.
Các loại phẫu thuật, bao gồm:
Nếu di căn hạch gác cửa, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật nạo hạch hoặc theo dõi sát hạch bằng các xét nghiệm hình ảnh.
Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch (được tạo nên từ các tế bào bạch cầu và các cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết) chống lại ung thư. Phương pháp này giúp cải thiện hoặc khôi phục chức năng của hệ thống miễn dịch.
Các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh được sự phát hiện và kiểm soát của những tế bào miễn dịch trong cơ thể vì thế chúng không bị phát hiện và hệ miễn dịch không tiêu diệt được. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công tiêu diệt các tế bào ung thư. Từ đó, làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch giúp việc điều trị bệnh ung thư hiệu quả hơn.
Một số loại thuốc nhắm vào các protein giúp kiểm soát, kích thích hệ miễn dịch chống lại các tế bào ung thư gồm:
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần kết hợp 2 thuốc miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị.
Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của tế bào ung thư là sự xuất hiện của những đột biến ở các gen chịu trách nhiệm kiểm soát quá trình nhân đôi và chết có lập trình của tế bào. Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp tác động đặc hiệu riêng biệt vào các gen này.
Liệu pháp nhắm trúng đích trong điều trị ung thư hắc tố da sử dụng thuốc để tấn công vào các tế bào ung thư cụ thể, hạn chế ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Các loại thuốc nhắm trúng đích sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Một số thuốc nhắm trúng đích để điều trị ung thư hắc tố da:
Một số bệnh nhân sẽ cần phối hợp giữa liệu pháp miễn dịch và nhắm trúng đích để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc hóa trị sẽ tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh trong cơ thể, bao gồm cả tế bào lành và tế bào ung thư. Hóa trị thường không được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư hắc tố da do 2 nguyên nhân: một là hóa trị có hiệu quả không cao, hai là liệu pháp miễn dịch và thuốc nhắm trúng đích đem lại kết quả điều trị khả quan. Hóa trị có thể là một lựa chọn nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc miễn dịch và thuốc trúng đích hoặc không chấp nhận được tác dụng phụ của điều trị.
Các thuốc hóa trị thường dùng cho ung thư hắc tố da bao gồm Dacarbazine, Temozolomide, Nab-Paclitaxel, Paclitaxel, Cisplatin, Carboplatin…
Xạ trị có thể tập trung tại chỗ khối u hoặc tại vùng hạch di căn. Xạ trị cũng được sử dụng để điều trị giảm nhẹ giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu do khối u gây ra. Xạ trị ngoài (đi từ bên ngoài cơ thể vào vị trí tổn thương) là phương pháp điều trị thường được sử dụng nhất cho ung thư hắc tố da.
Mỗi bệnh nhân ung thư hắc tố da là một cá thể riêng biệt không ai giống ai; việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vậy nên bệnh nhân và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ để có được các hướng dẫn điều trị phù hợp nhất.
Cách giảm nguy cơ mắc ung thư hắc tố da hiệu quả chính là bảo vệ da và cơ thể khỏi ánh sáng mặt trời trực tiếp và tránh cháy nắng quá mức. Bạn có thể chú ý một số biện pháp như:
Một vài nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau, củ, quả, trái cây giúp giảm nguy cơ mắc ung thư hắc tố da, tuy nhiên điều này vẫn còn nhiều tranh cãi. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy hạn chế các thực phẩm chứa cholesterol trong mỡ động vật, tăng cường chất xơ và vitamin trong rau xanh – trái cây góp phần chống lại một số bệnh ung thư.
Người bệnh nên chủ động hỏi bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và xây dựng chế độ ăn uống phù hợp vì mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt.
Một số thực phẩm và thói quen lành mạnh tốt cho người bệnh bao gồm:
Để đặt lịch khám, tầm soát và điều trị ung thư hắc tố da tại khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ qua thông tin sau:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Ung thư hắc tố da có tiên lượng điều trị tốt với tỷ lệ sống 5 năm hơn 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Do đó, nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao hoặc xuất hiện các dấu hiệu lạ trên da, nốt ruồi, bạn cần nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.