Khi nhận kết quả chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn 4 hay giai đoạn IV (giai đoạn cuối của bệnh), người bệnh thường hoang mang, lo lắng, thậm chí tuyệt vọng. Vậy ung thư buồng trứng giai đoạn IV nguy hiểm như thế nào? Bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn cuối sẽ được điều trị như thế nào và sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng giai đoạn IV (giai đoạn cuối) là hiện tượng các tế bào ung thư khởi phát từ buồng trứng hay vòi tử cung hoặc phúc mạc đã di căn đến các cơ quan xa nằm ngoài khoang phúc mạc của cơ thể (như gan, phổi, xương,…). Lúc này các phương pháp điều trị mang ý nghĩa kéo dài sự sống, giảm thiểu các cơn đau do triệu chứng bệnh gây ra cho người bệnh. (1)
Ung thư buồng trứng là nhóm bệnh lý ác tính với các tế bào u bắt nguồn từ buồng trứng, vòi tử cung hoặc từ phúc mạc phát triển thành, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do bệnh lý ác tính phụ khoa ở nữ giới. Theo thống kê của Globocan 2020 tại Việt Nam ghi nhận 1404 ca mắc mới và 923 ca tử vong do bệnh.
ThS.BS Lưu Thảo Ngọc – Bác sĩ khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng có thể kể đến như:
Phần lớn người bệnh được chẩn đoán khi ở giai đoạn tiến xa-di căn, dẫn đến tiên lượng sống còn sau 5 năm thấp. Theo dữ liệu của SEER 22 (thống kê từ năm 2013-2019), tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn di căn xa chiếm tới 55% và tỷ lệ sống còn 5 năm chỉ còn 31,5%. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Theo ThS.BS Lưu Thảo Ngọc, có 2 hệ thống phân giai đoạn được sử dụng trong ung thư buồng trứng là hệ thống phân giai đoạn TNM theo AJCC và hệ thống phân giai đoạn FIGO của Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế. Dựa trên phân loại giai đoạn và các yếu tố khác trên người bệnh, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh cũng như đưa ra tiên lượng sống còn. (2)
Theo hệ thống phân loại giai đoạn T, N, M trong ung thư do Ủy ban Liên hiệp Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) được biểu thị như sau:
Theo hệ thống phân giai đoạn FIGO, ung thư buồng trứng gồm giai đoạn I đến giai đoạn IV:
Ung thư buồng trứng giai đoạn IV theo phân loại FIGO sẽ được chia thành IVA và IVB, cụ thể như sau:
Tế bào ung thư được phát hiện trong dịch màng phổi (tràn dịch màng phổi ác tính).
Tế bào ung thư đã di căn tới các hạch bạch huyết bên ngoài ổ bụng như hạch thượng đòn, hạch bẹn,… di căn xương, các tạng trong cơ thể như gan, lách, phổi,… (3)
Xem thêm: 4 giai đoạn ung thư buồng trứng: cách đánh giá và chẩn đoán chi tiết.
Ung thư giai đoạn cuối thường có các dấu hiệu, triệu chứng điển hình bởi lúc này bệnh đã trở nặng, bệnh di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể gây đau đớn cho người bệnh. Theo ThS.BS Lưu Thảo Ngọc, người bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn IV có thể gặp một số triệu chứng như:
Vậy bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn IV sống được bao lâu? Dựa theo cơ sở dữ liệu của SEER 22 (thống kê từ năm 2013 đến 2019) cho thấy, tỷ lệ sống còn sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn IV là khoảng 31%. (4)
Tuy nhiên tỷ lệ này chỉ mang tính chất dự đoán, kết quả điều trị thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thể giải phẫu bệnh, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh, mức độ đáp ứng điều trị,…
Theo ThS.BS Lưu Thảo Ngọc, việc loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư buồng trứng vào giai đoạn cuối là điều không thể, bởi lúc này tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi, não… Mục đích điều trị cho những bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn IV là giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và kéo dài thời gian sống còn.
Việc điều trị ung thư buồng trứng giai đoạn IV rất phức tạp bởi các tế bào ung thư đã di căn đến cơ quan xa. Theo ThS.BS Lưu Thảo Ngọc, các phương pháp điều trị tập trung vào các mục tiêu: loại bỏ tế bào ung thư càng nhiều càng tốt, ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư, giảm thiểu các triệu chứng do ung thư gây nên. (5)
Điều trị chính cho ung thư buồng trứng giai đoạn IV gồm:
Phẫu thuật giảm tổng khối bướu (debulking) với cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ, cắt mạc nối lớn, nạo vét hạch và lấy tối đa nhân di căn phúc mạc.
Đây là phương pháp sử dụng các thuốc có tác dụng tấn công vào các tế bào ung thư nhằm ngăn chặn sự phát triển của chúng. Thông thường hóa trị được sử dụng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò của hóa trị tân bổ trợ (hóa trị trước phẫu thuật) đã giúp co nhỏ khối u, giảm thiểu tổn thương di căn, giúp cho phẫu thuật trở nên thuận lợi và an toàn hơn. Với ung thư buồng trứng giai đoạn IV, hóa trị được xem là phương pháp điều trị chính.
Phác đồ hóa trị kết hợp giữa tác nhân hóa trị nhóm platinum (như carboplatin) và tác nhân nhóm taxane (như paclitaxel, docetaxel) thường được sử dụng đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân ung thư biểu mô buồng trứng.
Bên cạnh hiệu quả điều trị, hóa trị cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể người bệnh như mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, ảnh hưởng tới chức năng huyết học (như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu,…), rối loạn chức năng gan-thận,… Do đó, trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ trao đổi kỹ càng với người bệnh về lợi ích điều trị và tác dụng phụ có thể gặp để người bệnh có thể nắm được, thông báo cho bác sĩ điều trị khi gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn và người bệnh sẽ được nhận điều trị hỗ trợ khi cần.
Những hiểu biết về các con đường sinh học phân tử mang tới sự phát triển của các thuốc nhắm đích điều trị trong ung thư buồng trứng như thuốc kháng sinh mạch VEGF (như bevacizumab), thuốc ức chế PARP (olaparib),…
ThS.BS Lưu Thảo Ngọc cho biết, liệu pháp ức chế chốt kiểm soát miễn dịch là điều trị đang được quan tâm trong nghiên cứu các bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng, mang lại nhiều hứa hẹn trong điều trị chống lại khối u. Ví dụ kháng thể đơn dòng kháng PD-1 Pembrolizumab,…
ThS.BS Lưu Thảo Ngọc cho biết, ở giai đoạn IV ung thư buồng trứng, bên cạnh hóa trị kiểm soát khối u và tổn thương di căn, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng bệnh giai đoạn muộn và cần can thiệp điều trị đồng thời với điều trị chính như:
Bên cạnh các phương pháp điều trị tích cực, ThS.BS Lưu Thảo Ngọc khuyên bệnh nhân và gia đình cần lưu ý một số điều sau:
Để tìm hiểu thông tin và đặt lịch khám, tư vấn và điều trị ung thư buồng trứng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ qua:
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn IV, mục tiêu điều trị lúc này không phải là chữa khỏi bệnh mà là điều trị giảm nhẹ, kiểm soát các triệu chứng và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh. Người thân cần quan tâm, động viên và đồng hành cùng người bệnh để họ lạc quan, yên tâm theo phác đồ điều trị của bác sĩ.