Làm gì để cải thiện chất lượng trứng và phôi?

Lê Thanh Hiếu
Chào bác sĩ Lê Hoàng. Năm nay em 35 tuổi, đã có một cháu trai 10 tuổi. Chồng em tinh trùng bình thường. Em trứng hơi kém. Tháng 7.2018 em có làm IVF lần đầu tại Bệnh viện Tâm Anh. Em có 7 noãn, sau được 4 phôi 1 phôi trung bình và 3 phôi xấu. Em được bác sĩ khuyên nuôi cả 4 phôi lên ngày 5. Kết quả còn duy nhất 1 phôi trung bình ngày 5. Em đã trữ phôi và chọn thời gian thích hợp để chuyển. Em đặt rất nhiều niềm tin vào bệnh viện và các bác sĩ ngay từ lần đầu đến viện. Em muốn nhờ bác sĩ phân tích, giải thích cho em vì sao kết quả phôi của em lại ít và xấu như vậy ạ? Em định làm thêm 1 chu kỳ nữa thì nên ăn uống thế nào để cải thiện chất lượng trứng và số lượng, chất lượng phôi ạ. Em cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ thật nhiều sức khỏe để mang lại niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn ạ!
TTND.PGS.TS.BS LÊ HOÀNG
TTND.PGS.TS.BS LÊ HOÀNG
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Chào chị

Cảm ơn chị đã tin tưởng IVF Tâm Anh.

Hiện tại không có hồ sơ của chị nên tôi không có nhiều thông tin để trao đổi. Tuy nhiên có thể nói qua một số vấn đề thế này. Thứ nhất, người ta thấy trữ lượng trứng giảm từ 35 tuổi đồng thời số lượng trứng bất thường cũng tăng lên từ đây.

Do đó số lượng trứng thu được khi làm IVF không nhiều, đồng thời số lượng trứng tốt có thể sử dụng để thụ tinh với tinh trùng cũng ít do tỉ lệ trứng bất thường cao lên. Việc đánh giá trứng/ tính trùng tốt sau khi lấy ra khỏi cơ thể cũng chỉ dừng lại ở mức hình thái, chưa đánh giá được về di truyền,

Nếu trứng/ tinh trùng có hình thái bình thường, nhưng bị đột biến gen/ nhiễm sắc thể, nó cũng có thể không thụ tinh, hoặc có thụ tinh nhưng ngừng phát triển sớm sau 1 vài ngày. Việc nuôi phôi lên ngày 5 là một trong các biện pháp sàng lọc nhằm loại bỏ sớm các phôi bất thường (vì đa số chúng khó phát triển lên ngày 5).

Ngoài ra người ta cũng khuyên nên làm sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS) cho những phụ nữ trên 35 tuổi do thấy rằng sau tuổi này tỉ lệ phôi bất thường khá cao.

Thực tế là trứng của chị đã được sinh ra từ thời kỳ bào thai, sau đó nó không sinh thêm nữa và tồn tại trong cơ thể chị đã >35 năm, do vậy giải pháp là giảm tối đa tác động xấu đến trứng làm hỏng thêm số trứng đang còn (ví dụ như đau ốm, bệnh tật, tiếp xúc, sử dụng hóa chất, thuốc ) đồng thời cố gắng có được nhiều trứng nhất có thể để tăng khả năng có trứng bình thường để thụ tinh với tinh trùng.

Trong quá trình kích trứng sẽ cố gắng chọn loại thuốc tốt, hi vọng phù hợp với chị để thu được những trứng tốt nhất cho chị. Ngược lại, cũng cần có tinh trùng tốt để thụ tinh với trứng. Việc kiêng bia rượu thuốc lá, các chất kích thích. tránh các tác động xấu đến tinh hoàn như viêm nhiễm, chấn thương, nóng là cần thiết và phải thực hiện trong thời gian dài do tinh trùng cần khoảng 3 tháng mới được sinh ra và trưởng thành.

Hi vọng lần tới chị sẽ may mắn hơn, có được nhiều trứng và trứng tốt hơn đồng thời có nhiều phôi để sớm có con như ý muốn.

Đánh giá bài viết:

ĐẶT CÂU HỎI VỚI CHUYÊN GIA NGAY




ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM