Tưởng dấu hiệu tuổi già hóa ra loạn nhịp tim

10/12/2022

Nhập viện cấp cứu trong tình trạng tim liên tục rớt nhịp, ngừng đập trong khoảng 3-4 giây, bà Hòa (79 tuổi) được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấy máy tạo nhịp cứu sống kịp thời.

bệnh nhân rớt nhịp

Bà Trần Thị Hòa (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên gặp phải cơn chóng mặt thoáng qua, mắt tối sầm như muốn ngất xỉu. Lúc đầu, nghĩ đây là biểu hiện bình thường của tuổi già nên bà không đi khám. Đến khi cơn chóng mặt liên hồi kèm triệu chứng tối đen hai mắt, bà nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. 

ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao, Phó khoa Loạn nhịp tim, Trung tâm tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, bà Hòa có biểu hiện đặc trưng của rối loạn nhịp. Kết quả đo điện tim phát hiện nhịp trong cơn bị rớt, tức là tim không đập trong khoảng 3-4 giây. Đây là dấu hiệu của hội chứng suy nút xoang. Nếu không can thiệp điều chỉnh nhịp tim kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào.

Đứng trước tình trạng bệnh nhân liên tục có các đoạn “rớt nhịp”, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và tiến hành cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bà Hòa. Bác sĩ chọn cho bà loại máy tạo nhịp 2 buồng, ưu tiên tạo nhịp trên nhĩ và dự phòng tạo nhịp thất. Máy liên tục theo dõi bệnh nhân và phát nhịp kích thích tim đập khi phát hiện tình trạng nhịp tim quá chậm. 

Theo bác sĩ Thao, có những nguy cơ tiềm ẩn trong lúc can thiệp mà các phẫu thuật viên phải tìm cách hóa giải. Đầu tiên, quá trình chọc kim để đưa điện cực vào tim có thể gây tổn thương, thậm chí rách mạch máu; hoặc đưa kim chạm động mạch dẫn tới chảy máu và phải khâu cầm máu. Thứ hai, đỉnh phổi nằm rất sát xương và cơ. Nếu đưa kim quá sâu vào mạch máu sẽ đâm thủng phổi gây tràn khí màng phổi. Cuối cùng là lúc tạo ổ máy, nếu tạo ổ máy nhỏ quá thì bệnh nhân sẽ đau (do máy bị siết), đồng thời máy có nguy cơ trồi lên. Nhưng nếu tạo một ổ máy quá lớn thì máy dễ bị dịch chuyển gây xoắn vặn, làm hỏng dây điện cực cũng như dẫn tới xuất huyết tại ổ máy. Nếu không được xử lý kịp thời, huyết khối sẽ hình thành gây nhiễm trùng – đây chính là biến chứng của cấy máy tạo nhịp khiến các bác sĩ lo ngại nhất.

kiểm tra nhịp tim
ThS.BS Nguyễn Khiêm Thao kiểm tra nhịp tim cho bà Hòa trước khi xuất viện.

Bác sĩ Thao giải thích, tim được tạo thành từ bốn ngăn: hai ngăn trên (tâm nhĩ) và hai ngăn dưới (tâm thất). Nhịp tim được điều khiển bởi nút xoang – bộ phận nằm ở thành tâm nhĩ phải, ngay phía ngoài chỗ nối tĩnh mạch chủ trên vào nhĩ phải. Nút xoang tạo ra các tín hiệu điện kích hoạt mỗi nhịp tim. Từ nút xoang, các tín hiệu điện đi qua tâm nhĩ đến tâm thất, khiến chúng co bóp và bơm máu đến phổi cũng như khắp cơ thể.

Thông thường, nút xoang tạo ra nhịp độ ổn định của xung điện. Trong hội chứng suy nút xoang, các tín hiệu điện có nhịp độ không đều. Nhịp tim có thể quá nhanh, quá chậm hoặc bị gián đoạn bởi những khoảng dừng dài (rớt nhịp). Hội chứng này tuy không phổ biến nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên theo độ tuổi.

Triệu chứng phổ biến nhất của suy nút xoang là những cơn chóng mặt thoáng qua với tần suất ngày càng tăng. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác nhịp tim nhanh, rung rinh (đánh trống ngực), đau hoặc khó chịu ở ngực, mệt mỏi, khó thở, ngất xỉu… Nếu không được can thiệp xử lý kịp thời, người bệnh suy nút xoang sẽ đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng như rung tâm nhĩ, suy tim, đột quỵ, tim ngừng đập… 

Hầu hết những người mắc hội chứng suy nút xoang đều cần cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để kiểm soát nhịp tim. Đây là một thiết bị nhỏ, chạy bằng pin, được cấy dưới da gần xương đòn trong quá trình tiểu phẫu. Máy có tác dụng tạo ra xung điện nhỏ thay thế nút xoang kích thích tim đập khi cần thiết, nhằm tránh tình trạng tim đập quá chậm hoặc có khoảng ngưng quá dài. Có nhiều loại máy tạo nhịp vĩnh viễn khác nhau, như loại tạo nhịp một buồng, tạo nhịp hai buồng… các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh để chọn loại máy phù hợp nhất cho người bệnh.

Theo bác sĩ Thao, bên cạnh thao tác khéo léo khi thực hiện thủ thuật đặt máy tạo nhịp, quá trình chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu phẫu cũng vô cùng quan trọng. Trong vòng vài ngày sau phẫu thuật, người bệnh cần được rửa vết thương kỹ lưỡng, cẩn thận khi tắm gội để tránh nhiễm trùng. Khi vết mổ đã lành, cần tránh vận động mạnh để ổ máy không bị di lệch và sợi dây không ổn định trong tim. Có thể tập thể dục nhưng nên chọn những bộ môn không có tính đối kháng cao như chạy bộ chậm, bơi sải, yoga… Bên cạnh đó, người bệnh nên tuân thủ lịch tái khám định kỳ (1 lần/tháng trong ba tháng đầu sau phẫu thuật và mỗi 3-6 tháng/lần sau đó) để bác sĩ kiểm tra xem máy có hoạt động tốt không, có cần điều chỉnh lại không…

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân dưới hướng dẫn của hệ thống can thiệp mạch (DSA) hiện đại.

Với hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling-FlexArm hiện đại đầu tiên tại Việt Nam cùng đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp Loạn nhịp tim, Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh có thể thực hiện các kỹ thuật hiện đại như: cấy/đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, cấy/đặt máy phá rung tim, cấy/đặt máy tái đồng bộ cơ tim, triệt phá nhịp nhanh kịch phát trên thất, triệt phá loạn nhịp phức tạp, triệt phá rung nhĩ/cuồng nhĩ, triệt phá loạn nhịp thất… trong điều trị suy nút xoang, ngoại tâm thu, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, rung nhĩ, rung thất, cuồng nhĩ, block nhĩ thất… 

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Thu Hà

Đặt lịch khám, điều trị bệnh lý loạn nhịp tim tại Trung tâm Tim Mạch BVĐK Tâm Anh, vui lòng liên hệ:

11:52 10/12/2022

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

ĐỐI TÁC BẢO HIỂM