Phát hiện hở van tim nặng hiếm gặp từ tuần thai 16, bé gái được bác sĩ Sản – Tim mạch – Sơ sinh theo dõi chặt chẽ suốt thai kỳ, sau sinh và phẫu thuật khi 7 tháng tuổi.
BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhi Lan Nhiên (7 tháng tuổi, ngụ Long An) được bác sĩ chuyên khoa phụ sản siêu âm, phát hiện dị tật tim bẩm sinh ở tuần thai thứ 16. Thông qua thăm khám tim mạch chuyên sâu, bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị bất thường Ebsteins type C gây hở van 3 lá nặng. Đây là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ dưới 1% trong tất cả bệnh tim bẩm sinh. Sau hội chẩn liên chuyên khoa Sản, Sơ sinh và Tim mạch Nhi, các bác sĩ thống nhất phương án tiếp tục theo dõi thai phụ, siêu âm tim thai chặt chẽ đến khi bé chào đời.
Bé chào đời ở tuần thai 39 bằng phương pháp sinh thường. Bé được các bác sĩ sơ sinh chăm sóc, hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh; đồng thời, các bác sĩ tim bẩm sinh cũng có mặt thăm khám và siêu âm tim, xác định tình trạng của bé bị suy tim, hở van ba lá nặng do bất thường Ebsteins với buồng nhĩ hóa lớn và dính nhiều lá van. Vì vậy, theo bác sĩ Vũ Năng Phúc, bé cần được theo dõi sát trong giai đoạn sơ sinh và có thể phải mở ống động mạch nếu bé bị tím nặng. Nếu sức khỏe ổn định, bé có thể được theo dõi đến tháng thứ 6 và cần phẫu thuật sớm để sửa van ba lá.
Tuy nhiên, để thực hiện ca mổ, bé cần đảm bảo cân nặng từ 6kg trở lên. Do đó, các bác sĩ lên kế hoạch chăm sóc đặc biệt cho bé ngay từ khi chào đời. Bước qua từng ngày của 2 tuần đầu sơ sinh, bé được về nhà với mẹ và theo dõi ngoại trú. Hàng tuần, bé đều được đưa đến để các bác sĩ thăm khám, kiểm tra siêu âm tim và điều chỉnh liều thuốc điều trị suy tim.
“Giai đoạn trong 3 tháng đầu của bé rất quan trọng, vì nếu không đáp ứng được điều trị suy tim, chúng tôi có thể sẽ phải mổ trong thời gian này, đi kèm nguy cơ và rủi ro tăng đáng kể. Gần như thời gian này, bác sĩ phải điều chỉnh liều thuốc hàng tuần, song song hỗ trợ dinh dưỡng tối ưu để bé tăng trưởng. Mỗi 100 gram bé tăng được là niềm vui của cả gia đình và bác sĩ. Từ sau tháng thứ 3, nhờ đáp ứng tốt với thuốc điều trị, những triệu chứng suy tim cải thiện dần, bé tăng cân đều đặn, giảm thở mệt. Đến tháng thứ 6, bé đủ điều kiện sức khỏe cho ca phẫu thuật đầu đời”, BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy, khoa Tim bẩm sinh, chia sẻ.
Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ và gia đình, bé đạt cân nặng hơn 6 kg lúc 7 tháng tuổi. ThS.BS Nguyễn Minh Trí Viên, chuyên gia phẫu thuật Tim bẩm sinh, cho biết, các bác sĩ áp dụng kỹ thuật mổ hở ít xâm lấn – đường mổ nhỏ chỉ 3-4cm (trước đây từ 6-7cm) giúp hạn chế chảy máu, giảm đau, nhiễm trùng, sẹo xấu, biến dạng lồng ngực… Hơn nữa, kết hợp phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), bé được giảm đau hiệu quả, hạn chế sử dụng morphin sau mổ, tránh tình trạng nghiện thuốc, suy hô hấp, tăng nhạy cảm đau về lâu dài… Kết quả siêu âm sau phẫu thuật cho thấy, van ba lá hoạt động tốt, giữ được cấu trúc tim bốn buồng như bình thường. Bé tiếp tục dùng thuốc hỗ trợ hồi phục tim sau mổ và được theo dõi định kỳ tại khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, trẻ mổ tim bẩm sinh được chăm sóc trong phòng hậu phẫu riêng biệt, được bác sĩ theo dõi 24/7 nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, khỏe mạnh, xuất viện sớm sau 3-5 ngày.
“Sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa Sản, Sơ sinh và Tim mạch Nhi đã giúp chúng tôi theo dõi sát sao tình trạng của bé từ lúc trong bào thai, sau sinh, chăm sóc sau mổ và theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau này. Đó là một quy trình liên hoàn, khép kín mà không phải bệnh viện nào cũng có thể làm được”, bác sĩ Vũ Năng Phúc nói.
Dị tật Ebsteins là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp liên quan đến van ba lá và tâm thất phải; xảy ra khi van ba lá ở sai vị trí và các nắp van (lá van) bị dị dạng. Bất thường Ebstein thường dẫn đến bệnh lý hở van ba lá, suy thất phải và rối loạn nhịp tim. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp là suy tim, tím, rối loạn nhịp.
Nếu như trước đây, các trường hợp hở van tim chỉ được phát hiện và phẫu thuật khi có triệu chứng ngất, tím tái, suy tim… thì hiện nay, nhờ kỹ thuật siêu âm tim thai tiên tiến, dị tật tim bẩm sinh nặng này có thể được phát hiện từ tuần thứ 16 thai kỳ. Nhờ đó, các bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ và ngay sau sinh, đồng thời lên kế hoạch phẫu thuật sớm vào thời điểm thuận lợi nhất.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH