Bệnh nhân khó thở, nghẹn ở cổ khi đi bộ 100m, khám phát hiện tim bị thiếu máu nuôi trầm trọng, dẫn đến ngưng tim, nguy cơ đột tử cao.
Bà Nguyễn Hồng Nga (55 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) xuất hiện triệu chứng hụt hơi, khó thở, nghẹn ở cổ khi đi bộ chừng 100m. Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ cho biết bệnh nhân có dấu hiệu của nhiều bệnh lý như hô hấp, trào ngược dạ dày – thực quản, suy tim, bệnh mạch vành. Sau khi loại trừ các bệnh lý liên quan, bác sĩ tiến hành khảo sát bệnh tim mạch. Kết quả đo điện tim, siêu âm tim lúc nghỉ hoàn toàn bình thường, nên khi kiểm tra chuyên sâu hơn bằng siêu âm tim gắng sức có thuốc phát hiện tim bà gần như ngừng đập dù chỉ gắng sức nhẹ. Kết quả chụp mạch vành (DSA) cho thấy bệnh nhân bị hẹp khít lỗ xuất phát thân chung động mạch vành trái (mạch máu chính nuôi tim) khiến tim bị thiếu máu nghiêm trọng. Nguy cơ đột tử rất cao!
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết: “Khó thở thuộc nhóm triệu chứng không điển hình của bệnh mạch vành. Do đó, chúng tôi kiên trì kiểm tra chuyên sâu bằng nhiều biện pháp. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim nghiêm trọng, nguy cơ đột tử cao nếu không can thiệp kịp thời.”
Theo bác sĩ Long, trường hợp bệnh nhân hẹp thân chung mạch vành và bệnh nhiều nhánh mạch vành, phẫu thuật bắc cầu có thể là phương pháp lựạ chọn tối ưu. Tuy nhiên, bệnh nhân có tiền sử ung thư phổi (đã điều trị ổn định), đái tháo đường và rối loạn lipid máu còn chưa đạt mục tiêu điều trị tối ưu. Bệnh nhân lại đang nguy kịch do hẹp rất nặng tại vị trí lỗ xuất phát thân chung động mạch vành trái cho nên can thiệp mạch vành với xâm lấn tối thiểu là phương pháp được lựa chọn để tái thông nhanh đoạn mạch bị tắc vì bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào.
Khi tiến hành nong mạch đặt stent cho bà Nga, bác sĩ đưa ống thông qua đường động mạch quay tiếp cận mạch máu bị tắc. Do vị trí hẹp nghẽn tại thượng nguồn mạch máu khiến trái tim có thể ngưng đập khi thao tác thủ thuật, nên êkip phải phối hợp ăn ý, dứt khoát, nhanh chóng, không gây cản trở dòng máu đến tim. Các bác sĩ vừa nong mạch vừa kết hợp siêu âm lòng mạch (IVUS) để “canh” vị trí đặt stent chính xác: không quá ngắn (để phủ hết sang thương) cũng không quá dài (nhô vào động mạch chủ quá nhiều sẽ khiến các thao tác sau đó trở nên khó khăn).
Tuy là thủ thuật ít xâm lấn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro bệnh nhân có thể ngưng tim trên bàn thủ thuật nên các bác sĩ đã dự phòng hệ thống tuần hoàn tim phổi ngoài cơ thể (ECMO) sẵn sàng ứng cứu. May mắn, mọi việc diễn ra thuận lợi và chỉ trong vòng 20 phút, êkip tái thông thành công dòng máu qua thân chung động mạch vành trái cho bệnh nhân. Khoảng thời gian thực hiện chỉ bằng 1/3 khoảng thời gian lý tưởng theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch châu Âu và Mỹ là 60 phút.
“Thân chung động mạch vành trái chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 2/3 trái tim. Đối với những trường hợp tắc nghẽn nhánh động mạch này như bà Nga, nếu chần chừ đến bệnh viện thì hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong tại nhà. Một số ít trường hợp vào được bệnh viện (giai đoạn trễ) có thể bị sốc tim rất nặng và tỷ lệ tử vong tại bệnh viện là 70-80%. Một số bệnh nhân đến muộn khác gặp biến chứng vỡ tim do cơ tim bị hoại tử lan rộng. Do đó, việc cấp cứu thần tốc và cứu sống được bệnh nhân trong trường hợp này là kỳ tích của chúng tôi”, bác sĩ Long chia sẻ.
Hội chứng vành cấp (nhồi máu cơ tim cấp) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là cơn đau thắt ngực (triệu chứng điển hình). Đây là tình trạng một hoặc nhiều mạch máu nuôi tim bị hẹp/tắc nghẽn do mảng xơ vữa, khiến lưu lượng máu đến tim giảm đi. Bệnh có khả năng dẫn đến các biến chứng như đột tử, suy tim, hở van tim nặng, rối loạn nhịp tim… nếu không được can thiệp kịp thời.
Bác sĩ Long thông tin, điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Tất cả các phương pháp đều nhằm mục tiêu tăng cường cung cấp máu nuôi tim, giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong đó, kỹ thuật đặt stent mạch vành thường được ưu tiên lựa chọn vì đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, hạn chế rủi ro và giúp người bệnh nhanh hồi phục.
BVĐK Tâm Anh trang bị hệ thống đánh giá không xâm lấn toàn diện, bao gồm hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm kết hợp hệ thống IVUS – siêu âm trong lòng mạch và iFR/FFR – đo phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành lần đầu tiên tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều trường hợp đặt stent đường kính lên đến 4-5mm, giúp giảm nguy cơ tái hẹp sau này.
Đặc biệt, thủ thuật chụp mạch vành, đặt stent và các thủ thuật can thiệp khác đã được áp dụng bảo hiểm y tế và thanh toán trả góp 0% lãi suất trong 6 tháng tại BVĐK Tâm Anh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH